“Bác sĩ gia đình của tôi cho biết cholesterol trong máu tôi là 240. Bà bác sĩ chưa cho tôi uống thuốc hạ cholesterol và bảo tôi về ăn bớt chất béo, tập thể thao đã. Tôi ngại quá, vì mấy người bạn nói trung bình thì cholesterol là 200 thôi.
Vậy bây giờ tôi có nên uống thuốc hạ cholesterol hay không và uống thuốc gì? Lan Hoàng
Đáp
Thưa bà,
Cholesterol là vấn đề mà nhiều người bây giờ rất để ý và hay nói tới. Vì truyền thông, báo chí, tài liệu y học luôn luôn nhắc nhở rằng cholesterol trong máu cao thì sẽ gây ra các bệnh như tai biến não, suy tim, mập phì…
Nếu bà chỉ đo cholesterol trong máu thôi chưa đủ. Cần phải đo cả HDL cholesterol, LDL cholesterol và triglycerides. Và phải đo hai lần hoặc nhiều hơn để so sánh kết quả. Nếu kết quả hai lần đo giống nhau thì ta có thể kết luận là cholesterol cao hoặc bình thường.
Được coi như bình thường nếu cholesterol dưới 200mg/100ml. Nếu có mức độ này thì cứ năm năm ta thử lại một lần.
Hơi cao nếu cholesterol từ 200 tới 239 mg/100 ml. Trong trường hợp này, bác sĩ thường khuyên ta nên giảm tiêu thụ chất béo. Nhưng nếu ta có một vài rủi ro như có bệnh động mạch tim, gia đình có người bị bệnh tim mạch thì bác sĩ sẽ thử nghiệm thêm, khuyên nên ăn kiêng chất béo và có thể cho uống thuốc hạ cholesterol.
Nếu cholesterol lên trên 249 mg/100 ml thì phải uống thuốc hạ cholesterol.
Còn LDL thì bình thường là dưới 130 mg/100ml; hơi rủi ro nếu từ 130 tới 150 mg/100 ml; và rất nguy hiểm nếu trên 160 mg/100 ml.
HDL trên 55 mg/100 ml thì tốt. Mà dưới số này dù cholesterol bình thường thì cần phải giảm mỡ, vận động cơ thể. Nếu vẫn thấp sau một thời gian giảm mỡ và vận động thì có khi phải uống thuốc mới được.
Trường hợp của bà, tôi chắc là bác sĩ muốn bà tập thể dục và kiêng khem trước. Rồi thử lại máu. Nếu cholesterol xuống thì là điều tốt. Nếu nó vẫn cao thì tôi chắc là bác sĩ sẽ cho uống thuốc.
Bác sĩ dè dặt thế cũng phải, vì thuốc hạ cholesterol cũng có tác dụng phụ không tốt. Chỉ nên dùng khi thấy cần thiết thôi. Xin bà cứ yên tâm nghe theo lời dặn của bác sĩ nhé.
Tiện đây, xin kê khai số milligrams cholesterol trong 100 gr thực phẩm:
– Pho mát Cheddar:106 mg; Swiss: 93 mg;
– Trứng luộc: 548mg; trứng omelet 338 mg;
– Bơ mặn 220 mg; bơ nhạt 260 mg; margarine không có;
– Cua :101 mg; sò: 230mg; tôm:150 mg;
– bacon 81mg; thịt bò: 70mg;
– gà 60mg; vịt 70 mg; óc súc vật 2100mg;
– thận 375 mg; lưỡi 210 mg;
– gà tây:82 mg; kem 60 mg;
– yogurt 6mg.
Tôi thấy nếu ta giới hạn thịt bò, heo, gà mà ăn vài ba lần cá một tuần cũng như rau là tốt hơn. Vừa dễ tiêu lại tránh được cao cholesterol, mập và bệnh tim mạch.
Con cháu năm nay 6 tuổi. Cháu ăn uống bình thường và có sức khỏe. Chỉ có điều là cháu nó hay bị bệnh bón, có khi hai ba ngày mới đi cầu một lần, nhiều khi phân rất cứng.
Xin bác sĩ chỉ cho cháu là phải làm gì để bớt táo bón. Cảm ơn bác sĩ. Khanh.
Đáp
Táo bón là bệnh thường xảy ra ở trẻ em và có nhiều nguyên nhân. Trước hết phải biết thế nào thì được coi là táo bón? Táo bón là:
a- Khi các em đi cầu dưới ba lần mỗi tuần;
b- Khi phân cứng và khô;
c- Khi phân khó ra phải rặn mới đi cầu được.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân như:
a- Em bé không uống đầy đủ nước, sữa, nước trái cây;
b- Không ăn thực phẩm có chất xơ như rau, trái cây, hạt ngũ cốc;
c- Ăn nhiều thịt, mỡ.
d- Táo bón cũng xảy ra khi đổi từ sữa mẹ hay thức ăn trẻ em sang sữa bò.
e- Đôi khi các em vì mải chơi, không đi cầu vào giờ giấc thường nhật, mất thói quen, trở nên táo bón.
g- Ngoài ra một vài loại thuốc hay vài bệnh con nít có thể gây táo bón.
Cách tránh táo bón
Có ba cách thường được áp dụng để tránh táo bón:
1- Cho em bé uống nhiều nước, kèm thêm một ly nhỏ nước trái mận; cho bé ăn trái cây, hạt ngũ cốc, rau có nhiều chất xơ.
2- Tập thói quen cho các em dù không mót đi cầu cũng ngồi trên bàn cầu mỗi ngày, cùng vào một giờ nhất định, như là sau bữa ăn.
3- Có nhiều thuốc giúp đại tiện dễ dàng, nhưng ở em bé cần rất cẩn thận, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Tạm thời, cháu có thể mua loại viên glycerine nhét hậu môn cho bé. Chất này làm cho ruột trơn và phẩn có thể được đưa ra dễ dàng, nhưng đừng dùng thường xuyên.
Tôi muốn làm một tủ thuốc gia đình, xin bác sĩ cho biết cần phải có những thuốc gì trong tủ thuốc đó.
Cảm ơn bác sĩ. Mr Kent Trần
Đáp
Ý kiến của Mr Kent rất hay. Mỗi gia đình nên có một tủ thuốc cấp cứu để dùng khi cần. Tủ thuốc cần được cất giữ nơi khô ráo, thoáng khí, nhiệt độ trung bình. Cũng cần để xa tầm với của trẻ em.
Nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về cách dùng các loại thuốc và dụng cụ trong tủ thuốc.
Các thuốc sau đây nên có trong tủ thuốc:
– Thuốc Paracetamol, ibuprofen để giảm đau, nóng sốt.
– Thuốc cảm lạnh, ho, nghẹt mũi, chống dị ứng
– Kem thuốc kháng sinh để bôi các trầy đứt trên da.
– Ống thuốc calamine bôi da chống dị ứng, viêm da.
– Cồn để lau vết thương trên da, khử trùng nhíp, kéo.
– Một lọ hydrogen peroxide để rửa vết thương ngoài da.
– Kem chống nắng.
– Kem mềm da baby lotion.
– Thuốc đuổi côn trùng, muỗi.
Các dụng cụ như sau:
– Một chiếc kéo nhỏ và sắc
– Băng keo kích thước, hình dáng khác nhau để che các vết thương nhỏ.
– Cuộn băng keo để băng vết thương lớn.
– Túi chườm nước đá và nước nóng.
– Cuộn hoặc miếng gạc 2×2 hoặc 2×4.
– Bông gòn
– Tăm bông gòn ngoáy tai.
– Xà bông nước loại nhẹ để rửa vết thương.
– Cây đè lưỡi Tongue depressor để coi họng.
– Một đèn pin nhỏ để khám tai mũi họng.
– Ống nhỏ giọt để đếm giọt thuốc nước, muỗng làm riêng để uống thuốc nước.
– Petroleum jelly để bôi trơn ống đo nhiệt độ, giảm nứt khô môi, da; bôi dưới mũi em bé để tránh loét da khi sổ mũi nhiều.
– Ống đo nhiệt độ số digital để lấy thân nhiệt ở nách hoặc miệng.
– Một cái nhíp để lấy gai, dằm gỗ trên da.
– Ống hút chất nhờn ở mũi.
– Sách hướng dẫn cấp cứu của Hội Hồng Thập Tự trong đó có ghi những việc cần làm khi có chuyện bất thường xảy ra cho thân nhân. Và số điện thoại cấp cứu cũng như bác sĩ gia đình.