Ra khỏi car park, Thục rảo bước nhanh cho kịp Đông. Đèn xanh dành cho người đi bộ băng qua đường bật sáng, Đông nắm tay Thục vừa kéo đi vừa nói: “Nhanh lên, Thục sao thế, mệt hả?” Thục không trả lời, cơn gió vừa thổi qua lạnh buốt, khiến mũi nàng cay cay muốn hắt hơi, Thục rút tay khỏi tay Đông, kéo chiếc khăn quàng cổ che kín hai vành tai. Sáng nay, mẹ Đông xuất viện, Đông chọn tiệm Café Laurent vừa ấm cúng, kín đáo vừa sang trọng để mừng mẹ hết bệnh.
Thục trở lại Melbourne đã ba hôm nay, để giải quyết một lần cho xong, như nàng nói với các bạn, về những dây dưa tình cảm giữa nàng và Đông.
Chuyện Đông yêu Thục hồi cả hai còn học đại học, bạn bè ai cũng biết, một số bạn vun vào, một vài người lại bàn ra, bảo Thục lấy Đông sẽ khổ.
Đông chỉ có hai mẹ con. Thục không tìm hiểu thêm về gia đình chàng, chỉ biết Đông rất có hiếu. Đông từng nói chàng sẽ làm bất cứ điều gì, nếu điều đó khiến mẹ chàng vui. Thục hỏi: ngay cả việc chọn vợ, lấy vợ? Đông gật đầu nói không suy nghĩ: “Mẹ luôn luôn chọn cho Đông người vợ tốt nhất”.
Những điều này đã khiến bạn bè lo ngại, e dè khi đề cập đến tình cảm của hai người. Trong thời đại nguyên tử này, tự do cá nhân được ca tụng, được vinh danh. Nhưng đôi khi tự do cá nhân được hiểu một cách sai lạc, khiến con người trở nên ích kỷ, xa dần những giá trị nhân văn. Mọi nền văn hóa, ở mọi thời, đều ca ngợi lòng hiếu thảo, đức vâng lời, hay lòng chung thủy, sự hy sinh… khiến thế hệ trẻ hoang mang. Họ không hiểu những giá trị cổ truyền này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tự do và đời sống riêng của họ? nhưng phần đông, họ cảm nhận được đây là những mẫu mực khó từ chối trong đời sống.

Bảo Huân
Thục không hiểu rõ tình cảm của mình, nhưng nàng cảm thấy an toàn, nhàn nhã khi có Đông bên cạnh. Đông lo cho nàng từng ly từng tý, từ việc giúp soạn bài vở, soạn bữa ăn trưa ở trường, phương tiện di chuyển, đến trang phục hằng ngày… tất cả những gì liên quan đến cuộc sống, Thục không cần suy nghĩ, chỉ cần nghe lời Đông, Thục sẽ có tất cả. Thục tưởng tượng một mái ấm gia đình, trong đó Đông là người chồng, người cha tháo vát, lo toan, yêu thương vợ con. Thục cảm thấy yên tâm.
Thục đã nghe, đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh người đàn ông không quan tâm đến gia đình, bỏ bê vợ con. Như người anh rể lười biếng vô tích sự đã phó mặc mọi trách nhiệm cho chị ruột nàng. Chị Yên lam lũ đầu tắt mặt tối vừa lo tài chánh gia đình vừa lo con cái nhà cửa. Thục chán ngấy cái không khí nhạt nhẽo, nhưng luôn luôn căng thẳng chỉ chực bùng nổ giữa hai người. Thục muốn một đời sống khác, trái ngược cảnh này.
Thục cũng nhận ra khía cạnh đạo đức rất cần thiết trong đời sống lứa đôi. Thục tin tưởng một người có hiếu với mẹ như Đông, sẽ là người quý trọng tình cảm, và sẽ không bao giờ nỡ làm điều gì bất nhẫn với bất kỳ ai. Thục tin như thế.
Sau lễ tốt nghiệp ra trường, bạn bè và ngay cả Thục cũng nghĩ: Đông sẽ giới thiệu Thục với mẹ chàng. Có bạn còn đùa với Thục: “Lấy ông Đông xong, phải có con ngay, đừng để ông Đông thất nghiệp đấy!” Thục chỉ cười và Đông thì lùng bùng trong miệng: “Lo thân các ông đi”
Nhưng thời gian bình thản trôi qua, mỗi người tự lo tìm việc làm và bận rộn với cuộc sống, Thục cũng vậy. Thời gian gặp Đông vì thế cũng thưa dần. Thỉnh thoảng Đông điện thoại thăm Thục, hỏi han sức khỏe, hoặc dự tính gì cho tương lai, và chỉ chừng đó thôi, không đi xa hơn. Bất giác Thục lo lắng, có thể mẹ Đông đã chọn vợ cho chàng, và Đông thì chẳng bao giờ làm buồn lòng mẹ.
Vài tháng sau, Đông có việc ngay tại Melbourne, còn Thục tìm được việc ở Bundaberg thuộc tiểu bang Queensland, Bắc Úc. Thục nhớ khi nàng mời Đông và nhóm bạn thân cùng khoá đi uống café để thông báo việc nàng có job và sẽ rời Melbourne, Đông im lặng, một lát sau mới nói: “Nếu Thục cảm thấy cần đi làm, thì cứ đi”, Thục ngạc nhiên: “Học xong thì phải tìm việc làm, chả lẽ ăn bám gia đình hay ngửa tay nhận tiền thất nghiệp của chính phủ?” Đông nhìn nàng nghiêm khắc: “Anh không có ý đó, chúng ta yêu nhau, muốn lấy nhau, muốn có con với nhau. Anh chờ đợi ý kiến cũng như quyết định của em về vai trò người mẹ trong gia đình. Em biết anh mong muốn vợ anh sẽ hy sinh tất cả để ở nhà chăm sóc con cái. Mẹ anh một đời tảo tần nuôi con, mẹ anh nói nếu anh còn bố, thì mẹ sẽ chẳng bao giờ rời xa anh nửa bước, vì sự vấp ngã của một người trên đường đời sẽ giảm bớt, nếu được đặc biệt chăm sóc và hướng dẫn bởi người mẹ khi còn thơ ấu.
Thục tròn mắt: “Quan niệm của Đông cổ hủ quá, chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21, không phải thời phong kiến. Phụ nữ hay nam giới đều có trách nhiệm đồng đều trong mọi lãnh vực của đời sống, chăm sóc con cái hay làm việc ngoài xã hội, không có công việc nào chỉ dành riêng cho một giới nào. Đông không thấy ở đây nam giới chở con đi học, bế con đi chợ ư? Phụ nữ ở đây là giám đốc các công sở, tham gia quân đội, tham gia chính quyền, thậm chí là Thủ tướng Úc như bà Julia Gillard ư? Nói đâu xa, giảng viên trong trường tụi mình, các nữ giảng viên có khả năng vượt trội hơn nam giới, họ được đề cao, được vinh danh.”
Đông át giọng: “Thục đi xa quá, anh không phân biệt đối xử nam nữ. Anh cũng không mơ hồ gì về việc hai vợ chồng cùng đi làm, con cái vẫn nên người. Nhưng Anh chọn khuôn mẫu người đàn ông lo tài chánh gia đình, người phụ nữ có trách nhiệm nuôi dạy con cái. Muốn vậy phụ nữ cần phải được khuyến khích trau dồi kiến thức về lãnh vực giáo dục thì mới hoàn thành được trách nhiệm rất nặng nề này. Anh nghĩ gầy dựng được thế hệ trẻ nên người, chính là sự đóng góp lớn lao của phụ nữ trong xã hội.
Thục hơi lớn tiếng: “Anh Đông à, anh có quyền chọn cách sống cho riêng anh, và Thục cũng vậy. Anh đừng buộc người khác phải làm theo ý mình. Người vợ không đi làm, hay ở nhà để chăm sóc con cái, cũng nên là sự tự nguyện, không nên ép buộc.”
Thấy tình thế gay cấn giữa hai người, bạn bè lần lượt lấy cớ này, cớ nọ rút lui. Giọng Đông chợt thấp và lạnh: “Thôi, chúng ta không nên tranh luận, rất may mình chưa ràng buộc gì với nhau” Thục run rẩy, phẫn nộ: “Đúng rồi, rất may, rất may!” và đứng phắt dậy, đi về phía quầy trả tiền, cô thu ngân nói: “Có người đã trả rồi, thưa cô” Thục nói cám ơn, đi thẳng ra cửa.
Cơn giận vì bị xúc phạm vẫn còn ngùn ngụt. Thục không ngờ Đông nói “chưa ràng buộc gì với nhau” Đông xem nhẹ tình cảm của nàng quá đỗi. Những giọt nước mắt nóng to tròn ứa ra, lăn nhanh trên má. Có tiếng leng keng, một chiếc xe “Tram” ngừng lại, Thục bước nhanh lên xe trong trạng thái như đang bị thôi miên bởi những ý nghĩ sầu thảm.
Một ngày sau, Thục rời Melbourne lên Bundarberg gấp rút như trốn chạy, nhưng không có ai đuổi theo. Ngày qua ngày, sự trống vắng, tiếc nuối cứ lớn dần. Một sức mạnh vô hình thôi thúc nàng hãy bỏ cuộc, hãy về lại Melbourne quy hàng và thần phục Đông.
Thục bỏ công việc vừa làm được hai tháng, về lại Melbourne. Suốt hơn ba tiếng đồng hồ trên máy bay, Thục phân vân về quyết định của mình, đúng hay sai? nàng thua cuộc? đầu hàng? chấp nhận lệ thuộc? Thục không muốn trả lời bất kỳ một câu hỏi nào. Nàng chỉ biết tuân thủ một lực huyền bí đưa nàng đi tìm Đông.
Máy bay vừa đáp xuống phi trường Melbourne, Thục điện thoại nhờ Đông đến đón. Giọng Đông bình thản: “Được, 20 phút nữa anh sẽ đến, anh đang ở bệnh viện với mẹ anh.” Thục vừa định hỏi có chuyện gì, thì điện thoại Đông đã tắt ngúm.
Chiếc xe màu xanh lá cây thắng gấp, đậu trước một ngôi nhà nhỏ, kiểu Cottage, sơn màu tím nhạt. Đông mở cửa xe, đi vào nhà, mặc Thục loay hoay lấy hành lý. Cơn giận tự nhiên tràn ứ, Thục tựa hẳn người vào cửa xe, ôm mặt khóc nức nở. Nàng tự trách mình tại sao phải chạy theo cái bóng hạnh phúc què quặt, tật nguyền này. Tại sao lại chịu sự hành hạ vô lý này. Nhưng cùng một lúc, cái ma lực huyền bí bao vây nàng từ mấy tháng nay lại khiến nàng quên đi tất cả, lau khô nước mắt để đi vào nhà. Căn phòng khách ngổn ngang sách vở. Thục xớ rớ không biết nên đứng hay nên ngồi xuống chiếc sofa có nệm hoa tím, thì Đông bảo: “Thục cứ tự nhiên, anh vào nhà thương với mẹ, và ở lại đó đêm nay” Thục nói nhanh: “Anh chờ Thục thay quần áo và đi với anh đến thăm mẹ” Đông cau mày: “Thục đến nhà thương? không được, mẹ Đông chưa biết Thục là ai” Thục nghe tiếng của mình mạnh mẽ: “Hãy giới thiệu Thục với mẹ của anh, hãy nói với bà cụ Thục là con dâu tương lai của bà.” Đông nhìn Thục: “Thục thay quần áo đi, anh đợi”.
Chiếc xe màu xanh lá cây lao đi trong lòng đường lộng lẫy ánh đèn mừng Chúa Giáng Sinh. Có tiếng của Đông: “Tại sao Thục trở lại Melbourne? Đã suy nghĩ kỹ chưa? Đừng cố ép mình, mà phải là tự nguyện. Anh hiểu không ai có thể chấp nhận một đời sống mà tự do của mình bị ngăn cản, nhưng tự chọn cho mình một đời sống, đó là tự do. Đời sống đó như thế nào, cũng do chính mình hoạch định, đó là tự do. Và muốn sống đúng những gì mình mơ ước, thì cần phải có kỷ luật. Nếu yêu anh, hãy tự nguyện khép mình vào khuôn mẫu của anh, cùng với anh tạo dựng hạnh phúc gia đình theo khuôn mẫu đó.” Thục đẩy chiếc ghế hơi ngả ra sau, và nghe tiếng của mình: “Em tự nguyện khép mình vào khuôn mẫu của anh”. Tiếng của Đông: “Em nhắm mắt một chút cho đỡ mỏi, khi nào đến nơi, anh sẽ gọi”. Thục thấy mình chơi vơi nhẹ nhàng trong sự quy phục nhiệm màu, ngập tràn hạnh phúc.