Menu Close

Điệu luân vũ thời hiện đại

Cách đây cỡ vài năm, có những phong trào khiêu vũ lác đác xuất hiện tại các quán cà phê, câu lạc bộ. Trước hết là cơn lốc salsa rộn ràng của vùng Caribe, kế đó, theo xu hướng hoài cổ của thời trang vintage, điệu swing cũng trở lại. Tôi nhớ các buổi nhảy swing tại cà phê La Fenêtre du Soleil (Cửa sổ mặt trời) có sự tham gia rất tích cực của cô ca sĩ Idol Phương Vy. Tại các sự kiện ra mắt, việc sử dụng đàn violin trình tấu trên nền nhạc điện tử theo kiểu Vanessa Mae không còn lạ lẫm gì. Nhưng để nhảy valse trong những hộp đêm ở London? Tôi hỏi anh bạn từng học 2 năm ở London liệu điều này có thật và nhận được câu trả lời “chuyện gì cũng có thể xảy ra ở London cả, nhất là về âm nhạc.”

alt

Thật sự, các hộp đêm ở London đang bị tấn công bởi một cơn cuồng khiêu vũ mới mà ít ai có thể ngờ tới: sự trở lại của điệu valse, nhưng với nhịp của nhạc điện tử. Dân đi club sẽ được dạy nhảy điệu valse từ vũ công huyền thoại Les Child, người đã mang cơn sốt này từ New York đến Anh. Sau đó, mọi người nhận được lời tuyên bố “chúng ta hãy tiệc tùng như thời 1799.”

Điệu valse, dịch sang tiếng Việt theo một từ hơi cổ là “luân vũ”, bắt nguồn từ Áo và miền Nam nước Đức. Thoạt tiên là điệu nhảy của các nông dân, tá điền nhưng dần dần, valse được dân giàu có ưa chuộng. Năm 1771, trong một cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Đức viết bởi Sophie von La Roche, một nhân vật đã than phiền về điệu valse vừa mới được giới thiệu với giới quý tộc thời đó “Nhưng khi anh ta đặt tay lên người cô ấy, kéo cô ấy sát ngực, nâng cô ấy lên trong điệu vũ trơ tráo, khiếm nhã của người Đức, đắm mình vào sự suồng sã phá vỡ tất cả những chuẩn mực đạo đức, khi đó, nỗi đau khổ tưởng chừng yên lặng của tôi đã biến thành cơn cuồng nộ bừng cháy.” Nhưng sau đó, điệu valse trở thành cơn cuồng của người dân thành Vienna, kiểu như Gangnam Style ngày nay khi được mô tả “Người ta khiêu vũ điên cuồng, các phụ nữ ở Vienna được tôn vinh vì sự duyên dáng và cử động của điệu valse mà họ không bao giờ chán.”

alt

Sự trở lại của điệu valse này là phát kiến của Adamski, một nhà sản xuất nhạc dance dòng acid house. Tiếng tăm của Adamski có được là việc mang lại cho dòng nhạc house một trong những bài hit đầu tiên, bản Killer, với sự góp giọng của Seal. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian ở Venezuela, nơi đó giống như quê hương thứ 2 của tôi. Dù ở đó gần như không có một nền âm nhạc thật sự như vẫn tạo cảm hứng rất nhiều. Tôi chưa bao giờ đi hộp đêm ở đó cả. Điều duy nhất mà tôi biết về club ở đó là Carl Cox chơi một sô ở Caracas và 4 người bị bắn chết ngay trên sàn nhảy, trước bàn DJ. Dĩ nhiên đó không phải là thứ mà tôi tìm kiếm. Nhạc dân gian ở đấy chịu ảnh hưởng từ nhạc valse của Vienna, tất cả đều theo nhịp ¾. Nhạc cổ điển thành Vienna thì không có chập chùng đến như vậy nhưng người Venezuela đã thêm vào chất liệu swing của Latin, thêm câu bass lắc lư và giúp mọi thứ nghe thật tuyệt. Họ có một nhạc cụ gọi là cuatro, giống như cây ukelele (loại đàn guitar nhỏ) và khi chơi nhạc dân ca, bạn có thể dễ dàng nghe được nhịp điệu lắc lư.

Âm nhạc cho những cặp đôi ôm nhau dìu dặt có vẻ như quá xa vời với kiểu nhạc và phong trào acid house nhưng Adamski nhớ lại mình đã có được ý tưởng như vậy từ một lần ở Ibiza (thiên đường của dòng nhạc điện tử ở Địa Trung Hải) vào năm 1989. “Một câu lạc bộ nhạc rave ở đó có logo của Fred Astaire với Ginger Rogers và hình ảnh đó in mãi trong đầu tôi. Trong thời của tôi, người ta luôn nhảy một mình. Tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu người ta nhảy cặp với nhau.” Fred Astaire và Ginger Rogers là cặp đôi khiêu vũ thuộc dạng biểu tượng từ thời thập niên 30. Những phim họ đóng pha trộn giữa ca nhạc, khiêu vũ và đều rất thành công, với những ca khúc giờ đây trở thành kinh điển như The Way You Look Tonight, They Can’t Take That Away From Me trong đó có bài The Continental là bài hát đầu tiên đoạt giải Oscar cho ca khúc nhạc phim.

Tại Bestival hồi tháng 9, Adamski không thể khiến mọi người nhảy waltz được vì “khán giả bị nêm chật như cá mòi”. Nhưng khi dự án Neo-waltz được chơi tại buổi tiệc của Vivienne Westwood (nhãn hiệu thời trang gắn liền với dòng nhạc punk) thì dân Áo sửng sốt. “Chúng tôi đã mang điệu valse trở về nhà.”

Các đêm nhạc Neo-waltz hiện nay (và tiếp theo là một album) có sự tham dự của ca sĩ David McAlmont và Viktoria Modesta, các tay trống nhạc punk, người chơi dương cầm và các rapper trẻ tuổi, ý tưởng chung là kết nối các nền văn hóa và thế hệ dưới nhịp ¾. “Tôi tìm kiếm trên internet các bản theo nhịp điệu valse. Chúng tôi làm các bản nhạc hòa trộn giữa Kanye West, Kelis với version cực kỳ điên khùng của bản The Last Waltz. Thử nghiệm đầu tiên của tôi với nhịp ¾ là remix lại bài Kiss from a rose của Seal. Rồi bố vợ tôi hát bài Moon River và tôi ghi âm giọng hát ông với nhịp ¾. Nói chung là có chút lịch sử như vậy, nhưng tôi ghét kiểu mang lại ấn tượng rằng tôi là một nhạc sĩ khéo léo đầy chất nghệ, bởi tôi không phải như vậy.” Việc các show truyền hình khiêu vũ chắc chắn ít nhiều góp phần cho sự trở lại của điệu nhảy cũ xưa này.

NV