Menu Close

Lời tự sự của loài Cá Rằm – Kỳ 2

Bạn ơi, Cứ mỗi lần có ai nhắc về cá tôm vùng sông nước miền Tây Nam nước Việt hồi đời trước, mà nhứt là các vùng sông  nước nhiều cá như miệt Bình-Di, Bắc-Nam thuộc vùng An Phú (Châu Đốc), vùng Ba Thê, Núi Sập, Kinh Xáng Bốn Tổng, Cầu Số Năm thuộc Long Xuyên, hoặc bên kia sông Tiền Giang thuộc vùng Đồng Tháp Mười hoặc chạy tuốt xuống Miệt Thứ thuộc Rạch Giá hay các vùng sông nước Cà Mau…, đâu đâu người ta cũng kể những loài cá lớn như cá lóc, cá bông, cá trê, cá lăng, cá kết, cá dảnh, cá mè vinh, cá hô, cá bông lau cùng nhiều loại cá lớn và ngon khác nữa chứ ít có ai nhắc với bạn về loại cá rằm nhỏ bé của chúng tôi cho bạn nghe lần nào! Có phải thế không bạn?

Trong khi đó cá rằm con lớn nhứt chỉ đâu chừng chưa tới mấy gờ-ram. Thành ra, nếu bạn đặt các anh chị ấy bên cạnh con cá rằm nhỏ xíu, đủ biết ai hơn ai rồi, làm gì chúng tôi dám sánh vai anh anh, em em bà con cùng họ cùng hàng với các bậc giàu sang phú quý ấy cho nổi!

Nhớ đời trước, ít ai tìm biết mình, nên cá rằm cũng chìm trong trời trăng mây nước bao la của vũ trụ. Ngay cả trong bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của cụ Huỳnh Tịnh Của, một quyển tự vị có thể gọi là khá xưa, cũng không có chú thích cái tên “cá rằm”, nói gì các bộ Từ Điển sau này như Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị cũng hổng có nhắc tới chúng tôi. Nói là Tân Tự Điển nhưng thật tình bộ sách này cũng đã in ra đâu từ hồi năm 1951, chứ có mới gì đâu. Rồi tới bộ Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ làm ra năm 1970, các soạn giả nói là đi xuống tận các làng xã xóm ấp để tìm hiểu thêm các chữ từng vùng mà rồi cũng đâu có hai chữ “cá rằm” này. Còn bộ Đại Nam Nhất Thống Chí khi nói về vùng đất An-Giang, Vĩnh-Long, Hà-Tiên, Định-Tường qua phần các “thổ sản” có nhắc các giống cá những vùng này nhưng cũng không có tên “cá rằm”. Nói gì Đại Nam Nhất Thống Chí, là sách xưa và ghi chép những chuyện lớn về địa lý, nhân văn, bỏ sót tên chúng tôi đã đành, ngay trong bộ Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín mới in năm 2007, mang danh là “Nam Bộ” mà tên loài “cá rằm” ở Miền Tây từ hồi tạo thiên lập địa tới giờ cũng đâu có nhắc nhở chữ nào đâu! Thế mới biết, chúng tôi thuộc vào loại cá tầm thường nhỏ bé dữ lắm trong các kinh rạch miền Tây Nam nước Việt này vậy!



Cá hô đất đen của sông nước Miền Tây. nguồn: answers.com

Mãi sau này, dường như con người càng ngày càng văn minh hơn và các nhà nghiên cứu về cá cũng chịu khó tìm kiếm sắp xếp những loài cá hơi giống giống như cá rằm gom chung lại thành cái tên phổ thông là “Barb” và “Barb” được định nghĩa là loài cá trắng nhỏ rất hiền hòa, vi kỳ có điểm chút ít màu sắc, sống quanh vùng Đông Nam Á. Người ta xếp đâu chừng hơn vài chục loài “barb” như vậy thành nhóm tương cận với cá rằm, và rồi họ âu hóa chúng tôi thành cái tên “Swamp barb” lạ hoắc lạ huơ, làm chúng tôi cũng hết biết đường mò về căn gốc của mình nơi bùn lầy nước cạn ngày nào! Nhiều lúc nhớ lại những ngày năm tháng cũ mà lòng bồi hồi luyến tiếc một thuở chơi đùa nơi những dòng nước mát ngọt vùng nhiệt đới gió mùa cùng bạn bè mà nghe thương quá chính mình!

Về loại cá rằm này, vào những năm 1940-1950, thời mà ruộng lúa vùng Long Xuyên- Châu Đốc còn làm chỉ duy nhứt một mùa lúa mùa nên sông nước miền này còn rất nhiều cá, thì cá rằm cũng có góp mặt chút chút vào đời sống cá tép vùng đồng bằng này. Chẳng hạn vào mùa nước giựt, lúc cá dại nổi bèo trên mặt nước khắp các vùng kinh rạch nước cỏ đỏ lòm, thì cá rằm cũng nổi lên mặt nước theo các gia đình cá nhái, cá éc, cá rô biển, cá linh, cá trèn, cá mè hôi, cá mè lúi. Sự có mặt của cá rằm trong môi trường nước cỏ cay mắt ấy cũng là cái lẽ nạn chung phải cùng nhau chịu nạn một khoảng đời! Hồi ấy nhờ mình là loài nhỏ con nên ít bị những người vác chĩa đi đâm cá để mắt kiếm tìm vì do tâm lý của con người là khi đi đâm cá mùa cá dại, người ta thường để mắt tìm cá lớn để đâm chứ ít ai bận tâm với vài ba bầy cá nhỏ làm gì. Do vậy mà vào thời kỳ đồ khổ ấy chúng tôi cũng đỡ khổ hơn các loài cá khác cùng trong cảnh ngộ cá dại Tháng Mười Một, Tháng Mười Hai âm lịch hằng năm!

Đến những năm sau này vào thập niên 1960-1970, lác đác trong vùng người nông dân bắt đầu làm lúa thần nông thay lúa mùa, loài cá rằm chúng tôi cũng còn khá nhiều, nhứt là vào dịp nước giựt thì cá rằm cũng có lúc góp mặt trong các loài cá được bắt lên để làm mắm; nhưng công bằng mà nói, món mắm cá rằm cũng chỉ là mắm phụ, vì như trên đã kể vì chúng tôi nhỏ con mà lại quá nhiều xương nạng nên ít được bà con nông dân chiếu cố trong việc làm mắm là do vậy.

Vài chị cá linh đang dừng lại cùng cá rằm một bến bờ ấm áp… Hình tác giả cung cấp

LTT