Menu Close

Như một giấc mơ

Anh đã lập gia đình khác sao còn bảo lãnh em qua làm gì. Anh không còn cách nào khác để lựa chọn. Nói xong, người đàn ông vứt mẩu thuốc còn đang cháy dở xuống cái rãnh nước chảy dọc theo lối đi, nhưng chưa đầy một phút, ông lại bật lửa đốt điếu khác, những điếu thuốc vô tội vạ lần lượt bị vứt xuống cái rãnh, trôi lờ đờ theo dòng nước, không biết sẽ tắp vào đâu. Người đàn bà đầu cúi thấp. Bước chân quờ quạng. Đôi tay bấu chặt vào chiếc túi xách giống như con kiến bấu vào một cành khô giữa dòng nước xoáy. Mặt trời ngả  xuống như một thân cây trốc gốc.Vạn vật trở mình thanh thản bước vào đêm. Người đàn bà nói qua hơi thở, anh Lượng làm ơn chở em về. Được. Ngày mai anh sẽ đến thăm Linh.

Linh mở cửa bước vào căn chung cư, đi thẳng vào phòng nằm vật ra khóc tức tưởi. Từ lúc đón Linh ở phi trường về căn chung cư này, hôm nay Lượng mới thố lộ sự tình cho Linh biết. Phản ứng của nàng là những giọt nước mắt không ngớt trào ra. Nàng cảm thấy lạc lõng bơ vơ ở cái xứ xa quê nhà gần nửa vòng trái đất này.

Anh Lượng, có việc gì mà mấy tuần nay anh làm như kẻ mất hồn vậy. Có gì đâu, anh chỉ bực mình vì công việc độ này cứ gặp trở ngại hoài.Vậy mà em cứ tưởng anh có việc gì quan trọng đang giấu em. Trang à! Sao em giàu tưởng tượng dữ vậy.Thôi anh đi tắm, lát nữa anh có chút việc phải đi làm. Em ăn cơm trước đi. Dạ được.

Chờ Lượng đi rồi, Trang vào phòng nằm nghĩ ngợi lung tung. Trang không tin lời giải thích của Lượng. Giác quan nhạy cảm của người đàn bà báo cho nàng biết chắc chắn có một việc vì đó Lượng đang giấu mình. Trang đoán già đoán non đủ thứ chuyện, nhưng cái hình ảnh Lượng đang âu yếm với một người đàn bà nào đó vẫn cứ chập chờn lẩn quẩn trong đầu.

Lượng cho xe chạy lòng vòng một hồi rồi tắp vào một quán cà phê nằm ở cạnh bờ hồ JP. Trời cuối thu, cảnh vật ở đây đượm một màu buồn tẻ thê lương. Ánh chiều tà xuyên qua cành lá chiếu vào khung cửa kính phía trước tạo thành những vệt lốm đốm, chấp chới như một chùm pháo bông. Cô gái chạy bàn khá xinh bước đến hỏi chú uống cà phê gì? Lượng nói cà phê đen, bỏ ít đường.

alt


Tranh: Thắm Nguyễn

Lượng vừa nhâm nhi cà phê vừa hồi tưởng những ngày sống bơ vơ buồn chán trên cái xứ cách quê nhà xa lắc xa lơ này hồi năm 1975. Lượng vốn là một Sĩ quan Không quân ngành cơ khí, phục vụ tại phi trường Tân Sơn Nhất. Với vốn liếng sẵn có, Lượng được thu nhận vào làm cho một hãng máy bay. Tại đây Lượng quen với Trang, một nữ thư ký vốn cũng là người di tản hồi 75. Hai người quen nhau được vài năm thì tình yêu nảy nở và trở thành một cặp vợ chồng rất hạnh phúc trên cái xứ tạm dung này. Như mọi người di tản khác, Lượng không nghĩ là sẽ có ngày gặp lại Linh. Cho đến một hôm Lượng biết được tin tức nàng qua một người vượt biên thuật lại. Thì ra Linh cùng gia đình bị đưa đi kinh tế mới vì vậy mà suốt hai năm trời Lượng cố gắng liên lạc với Linh đều không có kết quả. Tuy đã lập gia đình khác, nhưng Lượng lúc nào cũng nhớ đến Linh. Kỷ niệm của một cặp vợ chồng son trẻ luôn là hồi ức không thể vơi đi trong tâm hồn chàng, nên khi biết được chỗ ở của Linh, Lượng liền tìm cách liên lạc và lập hồ sơ bảo lãnh nàng qua Mỹ.

Ly cà phê thứ 3 đã cạn. Cái gạt tàn cũng đầy ắp những đầu lọc màu nâu nhạt. Thành phố đã lên đèn từ lâu. Lượng trở về với một nỗi lo âu phiền muộn dâng ngập trong lòng. Trang vẫn còn chờ Lượng ở phòng khách. Nàng ân cần hỏi, sao hôm nay anh về muộn vậy? Ừ, anh có chút việc nên phải về trễ. Vậy à! Thôi anh đi tắm rồi ra ăn cơm. Không cần đâu. Anh làm trễ thấy đói nên đã ăn mì gói ở văn phòng rồi. Lượng tắm xong liền vào phòng nằm vật ra ngủ thiếp. Trang kéo mền đắp cho chồng rồi ra phòng khách ngồi lau nước mắt…

Giấy xét nghiệm đã có kết quả. Lượng không tin vào tai mình. Nhưng đây là sự thật. Bác sĩ đã xác định như vậy. Để trấn an Lượng, Bác sĩ Joe nói thêm, anh đừng quá bi quan. Cũng may là phát hiện kịp thời. Cái bướu mới ở giai đoạn đầu. Khả năng di căn rất thấp.Tôi khuyên anh nên nhập viện vài hôm để tiện việc lập quy trình chữa trị.

Hai ngày sau Lượng nhập viện. Cặp mắt Trang đỏ hoe vì khóc suốt ngày. Nàng đến thăm Lượng thường xuyên. Vào một chiều thu ảm đạm, ngọn gió thu lay động những chiếc lá màu vàng nhạt trên mấy nhánh cây xào xạc buồn hiu… Lượng ngồi trên chiếc ghế băng phía trước bệnh viện hướng về cổng ra vào. Bất chợt Lượng thấy Linh với dáng điệu mệt mỏi lững thững từ cổng đi vào. Lượng đứng bật dậy cùng lúc Linh cũng vừa nhận ra chàng. Lượng hỏi dồn dập đủ thứ khiến Linh không biết phải trả lời thế nào. Cuối cùng Lượng lấy lại bình tĩnh hỏi ai nói cho em biết là anh đang ở đây? Linh trả lời, hồi sáng có một người đàn bà đến nói với em, anh đang điều trị ở bệnh viện này và khuyên em nên vào thăm anh. Em có hỏi bả là ai nhưng bà ta không trả lời và vội vã bỏ đi ngay. Em cũng không nhận được mặt mũi bà ấy vì đôi kính đen và mái tóc che khuất một phần khuôn mặt.

Lượng nghe xong ngẫm nghĩ một chút rồi nói nho nhỏ như chỉ để mình nghe, chắc là Trang rồi. Linh hỏi Trang nào vậy anh? À! không lẽ là chị Trang? Mà sao chị ấy biết em? Vì quá đỗi ngạc nhiên nên Linh quên mất mục đích nàng đến đây là để thăm hỏi bệnh tình của chồng. Sau một vài phút bàng hoàng, Linh lấy lại bình tĩnh hỏi tình trạng sức khỏe anh thế nào? Bị bệnh gì vậy? Lượng suy nghĩ một hồi rồi nói thật cho Linh biết về căn bệnh của mình. Nghe xong Linh ôm chặt Lượng khóc nức nở. Lượng vuốt tóc Linh nói khẽ, không sao đâu. Bệnh mới ở giai đoạn đầu có thể trị dứt được. Em yên tâm. Linh nói anh phải cố gắng chữa trị. Em sẽ đến thăm anh thường.

Nghe Linh nói “em sẽ đến thăm anh thường” Lượng giật mình, nhưng lại nghĩ “đến nước này, còn giấu giếm làm gì”, thôi cứ mặc chuyện gì đến cứ đến. Về phần Linh, nàng đã quyết tâm thường xuyên đến chăm sóc an ủi cho chồng dù có chuyện gì xảy ra cũng mặc. Hết giờ thăm bệnh, Linh ra về với nỗi đau buồn xé nát tâm can. Linh cúi thấp đầu thất thểu lê từng bước ra bãi đậu xe.

Thành phố đã lên đèn. Ngoài đường tấp nập xe cộ ngược xuôi. Linh lái xe còn yếu lại thêm tâm thần bấn loạn, nên vượt đèn đỏ lúc nào không hay. Cũng may không xảy ra tai nạn. Chạy được một đoạn ngắn, bỗng có tiếng còi hú của cảnh sát phía sau. Linh quẹo vào bãi đậu xe của một tiệm ăn. Người cảnh sát đến hỏi bảo hiểm và bằng lái, Linh đứng ngớ người vì không biết cảnh sát hỏi gì. Vừa lúc đó, một người đàn bà trạc tuổi trung niên bước đến nói chuyện gì đó với cảnh sát rồi bảo Linh đưa bảo hiểm và bằng lái. Người cảnh sát biên giấy phạt rồi bỏ đi. Người đàn bà nói, chị Linh, em muốn nói chuyện với chị một chút được không? Linh chưa kịp trả lời thì bà ta nắm tay nàng dắt vào tiệm ăn.

Linh như một cái máy bước theo người đàn bà vào ngồi ở một góc kín đáo trong tiệm. Bây giờ Linh mới lấy lại bình tĩnh hỏi, xin lỗi chị là ai vậy? Người đàn bà với đôi mắt thật buồn nói em là Trang. Em cũng từ bệnh viện về. Thấy cảnh sát stop chị nên theo vào đây xem có giúp được gì không. Chị Linh à, việc anh Lượng bảo lãnh chị qua đây em đã biết từ lâu nhưng không dám nói ra vì sợ hai người khó xử. Linh chết điếng trong lòng, không biết phải nói gì trong trường hợp gay cấn này. Trang nói tiếp, chị yên lòng, em biết được nỗi khổ tâm của chị. Em cũng là đàn bà. Em cũng đau khổ như chị nhưng em không hề trách cứ chị. Em là người đến sau mà. Nhất là hiện giờ anh Lượng gặp phải căn bệnh hiểm nghèo, chúng ta còn lòng dạ nào làm những việc khiến cho anh ấy thêm đau khổ phải không chị?

Linh ngồi chết trân, không nói được lời nào. Linh vốn là một người được sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn hiền hòa nên tính tình nhút nhát, ít khi tranh chấp với đời. Thỉnh thoảng Linh ngước nhìn Trang với hai gò má đầm đìa nước mắt. Trang nói chị Linh đừng buồn, em xem chị như một người chị ruột và sẽ lo lắng cho chị về sau này. Thôi được, chúng ta về.

Nói xong Trang dìu Linh đứng dậy, đến quày trả tiền hai ly cam vắt rồi cùng nhau ra về. Linh nói cảm ơn chị rồi lên xe. Trang vừa quay lưng đi thì những giọt nước mắt tuôn ra không cách nào ngăn lại được. Thành phố vẫn thản nhiên trôi theo nhịp sống thường ngày của nó…

Bệnh tình của Lượng thuyên giảm rất nhiều sau một thời gian điều trị. Bác sĩ nói khả năng trị dứt hẳn căn bệnh rất cao. Lượng tin tưởng và phấn chấn trở lại.Chàng thường cùng Trang tản bộ vào những ngày đẹp trời. Một hôm Trang nói, anh Lượng à, em muốn hướng dẫn cho chị Linh công việc kinh doanh của mình để chị ấy giúp anh điều hành công việc. Anh cần nghỉ ngơi nhiều để căn bệnh mau chóng bình phục. Có một chuyện này em muốn xin anh, không biết anh có đồng ý không? Lượng nhìn chăm chăm vào mặt Trang hỏi sao hôm nay em kỳ cục vậy? Có gì mà kỳ cục. Việc em sắp nói với anh là niềm mơ ước của em từ lâu và bây giờ là lúc em muốn thực hiện nó. Anh ủng hộ em chứ?  Mà chuyện gì vậy? Em muốn lập một quỹ từ thiện do em điều hành.

Trời đất! Em nói gì vậy Trang? Thực đó anh. Em nghĩ là anh không từ chối em đâu, phải không? Lượng ngồi thừ người ra một hồi rồi với một giọng buồn buồn nói, Trang à, em biết anh không bao giờ từ chối em bất cứ một điều gì. Anh sẵn sàng ủng hộ em. Nhưng hình như em đang tính toán một điều gì đó mà nguyên nhân là sự hiện diện của Linh trong cuộc sống của chúng mình phải không? Anh Lượng đừng hiểu lầm mà đánh giá thấp con người em. Em đã từng nói với anh là em xem chị Linh như một người chị ruột cơ mà. Lượng nói, thôi được em cứ làm việc mà em muốn. Anh thấy chúng ta cũng nên làm một điều gì đó để giúp những người thiếu may mắn. Trang nói cảm ơn anh rồi cùng Lượng trở về nhà.

o O o

Thời gian trôi mau. Linh đã đủ khả năng điều hành công việc và cũng từ đó Trang ít khi ở nhà. Nàng thường về Việt Nam tham gia vào các công tác từ thiện. Ngoài ra Trang cũng dành nhiều thì giờ đi du lịch dài hạn và đây là liều thuốc hữu hiệu nhất, làm vơi đi phần nào nỗi buồn mà nàng đã âm thầm chịu đựng. Thấy Trang ít khi ở nhà, Lượng đề nghị Linh dọn về ở chung. Linh một mực từ chối. Nàng nói em không thể làm như vậy. Dù anh nghĩ thế nào đi nữa, em vẫn thấy mình có lỗi rất nhiều với chị Trang. Em chỉ coi em như một cái bóng của vợ chồng anh, một cái bóng đúng nghĩa của nó. Chị Trang đối xử với em khác với người thường. Những gì mà chị ấy làm đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của em. Em quyết không làm bất cứ một điều gì gây thêm tổn thương cho chỉ. Em xem chị ấy như một thiên thần, một vị ân nhân đã cứu em ra khỏi vùng nước xoáy. Chắc anh cũng thấy được, chị Trang đang thả nổi cuộc sống của mình là vì sự hiện hữu của em, một mũi tên vô tình cắm sâu vào con tim của chỉ. Thực ra đây không phải là một trường hợp cá biệt gì. Sau 75 vô số người cũng lâm vào hoàn cảnh như anh nhưng họ vẫn một mực chờ đợi và cuối cùng họ được đoàn tụ với gia đình mà không gây ra bất cứ một tổn thương nào cho ai.

Lượng cúi đầu ngồi nghe Linh nói giống như một tín đồ ngoan đạo đang lắng nghe những lời rao giảng thánh kinh.

Linh ngừng nói. Sự im lặng tạo nên một bầu không khí nặng nề bao trùm căn chung cư. Sau một vài phút căng thẳng trôi qua. Lượng ngồi bật ngửa ra lưng ghế nói, Linh à! Em nói cũng đúng nhưng hoàn cảnh mỗi người đều khác nhau. Suốt hai năm trời anh cố liên lạc với em nhưng hoàn toàn vô vọng. Làm sao biết được những gì có thể xảy ra với em. Anh thoát được, nhưng em vẫn còn nằm trong vùng lửa đạn. Rồi những ngày sau đó thì sao? Anh không xem thường em, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp…

Nói đến đây Lượng biết mình lỡ lời nên khựng lại.Linh nhìn đăm đăm vào mặt Lượng rồi thở dài nói, thôi bỏ đi, nhắc lại chỉ thêm buồn. Lượng cố giải thích, Linh à! Anh không phủ nhận là anh có lỗi. Anh chỉ xin em tha thứ và cả Trang nữa. Có lẽ vì vậy mà ông trời trừng phạt anh nên cả em và Trang đều không cho anh một đứa con nào. Lại một lần nữa, Linh kinh ngạc nhìn Lượng trân trân. Lượng nói nhanh xin lỗi em, anh lỡ lời…

Lượng ra về với cảm giác tội lỗi vì đã gây đau khổ cho hai người đàn bà vô tội. Chàng muốn ghé vào một quán nhậu nào đó uống cho thật say để quên đi những dằn vặt trong lòng, nhưng Lượng không thể làm vậy vì căn bệnh của chàng đang trong thời kỳ điều trị, không thể khinh xuất được.

Về đến nhà, Lượng nằm vật ra giường cố dỗ giấc ngủ… thì điện thoại bật reo. Chàng nhấc ống nghe.Trang hả? Em đang ở đâu vậy? Anh đến phi trường đón em được không? Lượng mừng húm, nói được… được anh sẽ đến ngay. Ngày hôm sau Trang đến thăm và tặng rất nhiều quà cho Linh. Linh cảm động nói cảm ơn liền miệng. Linh hỏi chị Trang về ở luôn hay còn đi đâu nữa? Trang trả lời, đi chứ. Chị Linh cũng biết làm việc từ thiện phải tốn rất nhiều thời gian.

Hai người chuyện vãn với nhau rất thân mật, tuyệt nhiên không hề đá động đến hoàn cảnh trái ngang mà cả hai người còn đang chịu đựng. Thăm Linh xong Trang ghé thăm một vài người bạn khác. Suốt một tuần ở Mỹ, Trang chạy tới chạy lui nhiều cơ quan tư nhân và nhà nước để giải quyết một số vấn đề liên quan đến công trình xây dựng trại cô nhi mà nàng đang thực hiện lỡ dở ở Việt Nam.

Quỹ từ thiện Lượng dành cho Trang đầu tư vào các dịch vụ ở Việt Nam để kiếm tiền lời cho công việc từ thiện, đang gặp một vài trục trặc khiến cho công trình xây dựng này phải đình hoãn vô thời hạn. Trang rất lo lắng và trở về Mỹ để tìm cách xoay xở. Trang tuyệt nhiên không nói việc này cho Lượng và Linh nghe vì không muốn làm phiền đến họ.Với nỗ lực của mình, Trang đã thu hoạch một số kết quả đáng kể và quyết định trở về Việt Nam sớm để tái tục công trình đang dở dang.

Trên đường ra phi trường Linh nhường ghế trước cho Trang. Lượng hỏi chừng nào em về? Trang trả lời còn tùy thuộc vào công việc anh à. Có lẽ lâu lắm mới về được. Lượng buồn xo không nói thêm một lời nào. Linh và Trang cũng ngồi yên nhìn ra bên ngoài. Cuộc chia tay khá mủi lòng.

Về Việt Nam, Trang dồn hết tâm sức vào công việc từ thiện nên sự đi lại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng thưa dần.Thời gian trôi mau. Mái tóc của bà đã ngả màu sương. Nỗi buồn trong quá khứ cũng vơi dần theo năm tháng. Bà lấy công việc làm vui, tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình… 

o O o

Này bà, lấy giùm tôi cái áo khoác. Bà Linh hỏi ông đi đâu vậy? Đi dạo một chút không được sao? Nhớ về sớm ăn cơm. Được rồi, cứ lảm nhảm hoài. Ông Lượng với tay lấy cây gậy rồi mở cửa bước ra ngoài. Cơn gió chiều thổi ngược mái tóc ông về phía sau, để lộ ra cái trán hói chỉ còn lưa thưa những sợi tóc, trắng nhiều hơn đen. Đời người giống như một giấc mơ. Thoáng đó mà đã đến ngày gần đất xa trời… Ông Lượng nhìn lên những tàn cây trồng dọc theo hai bên đường. Từng chiếc lá màu vàng nhạt theo nhau rơi xuống nằm trơ vơ trên đám cỏ xanh…

NĐN -Arlington, Jan- 2012