Bất cứ niềm hạnh phúc nào cũng tiềm ẩn phôi thai nỗi đoạn tuyệt giã từ.
Lúc sinh tiền, câu nói của nhà thơ Jean Cocteau về Edith Piaf, coi vậy mà mang dấu ấn tiền định.
Và năm 2013 là kỷ niệm 50 năm ngày giỗ của thần tượng Edith Piaf cũng như của nhà văn kiêm đạo diễn Jean Cocteau. Chương trình tưởng niệm chính thức sẽ diễn ra vào Tháng 10 năm 2013, nhưng hàng loạt đĩa nhạc, phim ảnh, ấn bản văn học sẽ lần lượt được phát hành ngay từ bây giờ. Riêng trong ngành băng đĩa, một trong những dự án có tầm vóc vẫn là album mà Patricia Kaas dành riêng để tưởng niệm danh ca Edith Piaf.
Mang tựa đề ngắn gọn là Kaas hát nhạc Piaf (Kaas chante Piaf), album bao gồm 16 bản nhạc, trong đó có 2 bài mới được sáng tác riêng cho album này. Hai bản nhạc không lời để làm nhịp cầu nối, có giai điệu giống như khúc đàn dạo đầu chuyển tiếp gắn liền những tình khúc bất hủ của Piaf, trong đó có La Vie en Rose (Cuộc đời màu hồng), Hymne à l’Amour (Bài ngợi ca tình yêu) hay Non, Je ne regrette rien (Không tôi không còn hối tiếc gì nữa) …
Có thể xem đây là một album concept: các bài hát thay vì rời rạc lại được bố trí theo một trình tự nhất định, không xuôi dòng thời gian mà lại ngược dòng quá khứ. Cách sắp đặt này vay mượn thủ pháp và ngôn ngữ của sân khấu điện ảnh, bởi vì khi nghe qua album, ta có thể hình dung được bối cảnh và diễn tiến của một bộ phim (scenography). Cuộc đời của Piaf được dựng lại như một vở ca nhạc kịch trên sân khấu. Patricia Kaas nhập vai một thần tượng, thử hóa thân thành Edith Piaf, dùng lời lẽ ca từ để phản ánh nội tâm của nhân vật.
Không phải ngẫu nhiên mà tập nhạc này mở đầu với ca khúc Mon Dieu tạm dịch là Ơn Trời. Qua đó, nhân vật Edith Piaf trong lúc đang thành công rực rỡ trên sân khấu Hoa Kỳ, bỗng nghe hung tin rơi xuống như sét đánh giữa trời. Người yêu của bà là võ sĩ quyền Anh Marcel Cerdan đột ngột từ trần do tai nạn máy bay, khi ông đang trên đường từ Paris sang New York gặp lại người yêu.
Người đàn bà đột quỵ khóc than, cầu nguyện ơn trên để níu chân thời gian, cho phép đôi tình nhân sống bên nhau dù chỉ là vài tiếng hay vài ngày. Sau cái giây phút định mệnh này, những bài hát kế tiếp là một cách để cho nhân vật Piaf hồi tưởng tất cả những bước thăng trầm trong sự nghiệp của một đời người, khi tột cùng đau thương giúp cho một tiếng hát thăng hoa sáng ngời, khi là thuốc độc tuyệt vọng tiêm chích vào huyết mạch khiến cho thân xác nhức nhối đến rã rời.
Dự án tưởng niệm Edith Piaf của ca sĩ Patricia Kaas gây ra khá nhiều tranh luận. Những ý kiến chê bai cho là Patricia Kaas đã đi quá xa, phá cách quá trớn nên phiên bản phóng tác khó thể nào mà gần với cốt cách nguyên tác. Bù lại những ý kiến tán thưởng cho rằng cô đã khéo léo luồn lách để tránh bị che khuất bởi bóng cây đại thụ. Dù có thích hay không, nhưng cũng phải công nhận rằng tập nhạc này là một dự án táo bạo: ca sĩ người Pháp đã hợp tác với nhà soạn nhạc trẻ tuổi người Ba Lan Abel Korzeniowski để khoác áo mới cho các bản tình ca muôn thuở.
