Mới chừng 8 giờ sáng, những tia nắng đầu ngày đã bắt đầu thẳng đứng, nóng gắt, giậu gheisa tím được chiếu sáng lộng lẫy khác thường. Không có một ngọn gió. Nha khí tượng tiên đoán hôm nay, Chủ Nhật ngày 23 tháng 12 năm 2012, trời sẽ rất nóng, nóng từ sáng đến tối, nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C.

Bảo Huân
Úc Đại Lợi đang ở vào mùa hè, nóng bức là đúng rồi, nhưng khí hậu Melbourne thay đổi xoành xoạch như tính nết đàn bà, một ngày cứ ra rả gọi tên bốn mùa. Mấy hôm trước, trời mát dịu, có lúc thiên hạ phải mặc “ba đờ xuy”, quấn khăn “phu la”, líu ríu bước đi trong gió. Thế mà hôm nay, cái ngày trọng đại của gia đình, ngày đám cưới thằng con cưng, thời tiết lại hằm hè phun lửa! Phải chi ông Trời… run rẩy thêm ngày hôm nay nữa thôi, thì đỡ biết bao!
Đức bồn chồn đi ra đi vào, hết nhìn trời, lại hấp háy nhìn nắng. Hơn tám tháng lo toan sửa soạn đám cưới cho con, Đức đã nhiều lần rơi vào trạng thái hụt hẫng, chơi vơi giữa hai cảm giác. Vừa là bố chồng, vừa là chàng trai lơn tơn đang ở tuổi có đào, tán gái. Hôm nay cảm giác lẫn lộn này còn rõ nét hơn.
Đức thừ người nhẩm tính thời gian: mới ngày nào, Đức còn làm anh hùng xa lộ vẹo cả người trên chiếc xe Honda Dame, đón đưa nàng đi học. Nàng ít nói, chỉ biết nghe lời, khiến Đức xúc động thề sẽ cưới nàng ngay sau khi ra trường. Thế là “quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”, Đức lấy vợ, âm thầm bỏ cuộc chơi!
Nhà gái thách cưới, Đức chạy như con thoi giữa hai gia đình, so kè thêm bớt, nhằm cân bằng số lượng hàng hóa giữa bên cung, bên cầu, cho xong cái đám cưới, mà hai họ hớn hở cho rằng rất môn đăng hộ đối, đôi trẻ lại yêu nhau, thế nào cũng đại cát.
Mà đại cát thật, đôi tân lang và tân giai nhân Đức Phương vừa cầm tay nhau chưa được bao lâu, thì tân giai nhân thọ thai, thử nghiệm Ultrasound cho biết sẽ có quý tử chào đời.
Quý tử ra đời trong sự chờ đợi và yêu thương của hai bên gia đình nội ngoại. Ông thầy tướng số quen, bấm độn nói cha mẹ quý tử từ nay, sẽ phất như diều gặp gió.
Thấm thoắt, thế mà đã đến lúc thằng con đòi lên xe hoa! và Đức trở thành bố chồng!
Đức cũng nhớ lúc mới chân ướt chân ráo đến Úc, vì lo con mình sẽ thua kém học sinh bản xứ về môn ngoại ngữ, Đức quyết định cho con học thêm môn Toán ở trung tâm dạy toán đặc biệt Kumon. Đức nghĩ: chúng nó giỏi tiếng Anh, thì con mình giỏi toán, toán không cần… tiếng Anh nhiều, miễn sao hiểu và làm được bài toán là ăn tiền. Quý tử chăm học, đứng đầu lớp dài dài! Đức không thể quên những đêm nhìn thằng con học thi vàng cả người. Tình phụ tử dâng lên dào dạt, chàng vào phòng vỗ vai con nhè nhẹ: “Ráng lên con, đậu cao, bố cho đi chơi”. Lần nào Đức cũng nói thế và chẳng bao giờ đi đâu cả. Quý tử cũng hiểu đây chỉ là tấm lòng của bố dành cho nó, và nó chỉ cần có thế.
Xong Trung học, quý tử quyết định theo ngành của bố, cái ngành mà hai cha con luôn miệng ca tụng lương y như… từ phụ. Niềm hãnh diện của vợ chồng Đức lan sang ông bà nội của quý tử. Ông bà quyết định… chọn nghề nuôi cháu ăn học thành tài. Sáng dắt cháu ra bến xe tram, ông bà lang thang shopping đến chiều trở lại bến xe đón cháu về, cứ như thế ròng rã.
Vậy mà, bây giờ quý tử đã ra trường, yêu đương ra rít, sắp thành hôn, làm chồng, làm cha và chẳng mấy chốc Đức sẽ trở thành ông Nội!
Đức cũng nhớ đến thâm tình giữa hai cha con. Cũng lạ, thằng con luôn luôn thủ thỉ với bố chuyện tình yêu. Có lần phải thực tập ở vùng quê, quý tử điện thoại cho bố rên rỉ: “Bố ơi, nhớ quá bố ơi!” ông bố cảm động, hai mắt cay xè. Ai dè, nó nhớ đào, không biết than với ai, đành than với bố! Ngay lập tức, chàng biết rõ quý tử đang ở trong giai đoạn bị lưới tình bủa vây, sẽ ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh như chàng thuở trước. Đức vừa thương con khổ vì đào, nhưng cũng vừa hãnh diện vì… bản tính cha truyền con nối.
Mới mấy tháng trước đây, Đức cũng vừa lên ruột vì tính… lãng mạn di truyền ở thằng con. Số là sau khi được cha mẹ chấp thuận cho cưới người trong mộng, cô gái người Hoa cùng lớp. Quý tử lại rơi tõm vào một bẫy rập tình yêu khác. Biết là khó thoát, vì… không cố gắng tránh, cũng như tin vào sao Đào Hoa chiếu mạng, nên quý tử thành thật khai báo: “Bố ơi, con bé làm chung với con, nó đẹp quá bố ạ!” Với kinh nghiệm dạn dầy, Đức nheo mắt hỏi: “Có gì với nó chưa?” Quý tử ngúng nguẩy: “Bố hỏi kỳ quá, con mới thấy nó đẹp thôi, nó mode lắm, áo hồng giầy hồng, áo xanh giầy xanh, cứ lượn lờ trước mắt con. Nó nói nó thích con!”, “Thế con Yun có biết chưa?” Lần này quý tử thở dài đánh sượt một cái: “Con nói cho Yun biết rồi, nó khóc, nó cho con một tuần để suy nghĩ, sau đó nó bắt con trả lời ngay, yes hay no, tức là còn yêu nó nữa hay không? trả lời một tiếng thôi, con bảo cho con thêm thời gian, thế là nó khóc hu hu”
Đức chợt nhớ đến quá khứ đã được giấu kín của mình, nên nói với con bằng tất cả nỗi lòng: “Mày giống bố cái tính… hay thương người. Đấy là tính tốt, nhưng không phải vì thế mà rải khắp hang cùng ngõ hẻm, có ngày chết con ạ. Ngày trước, Bố cũng có những giây phút khó khăn còn hơn mày nữa, sau cùng bố phải liều mình nhắm mắt đưa chân, trong nhờ đục chịu. Nhưng bây giờ mới biết, tất cả các bến, nước đều đục lờ lờ, chẳng có bến đục, bến trong nào cả.
Tiếng hát thê thiết của Dan Byrd trong bản nhạc Boulevard vang lên, hai cha con lặng lẽ nghe… I don’t know why, you said goodbye. Just let me know you didn’t go forever my love. Please tell me why, you make me cry. I beg you please on my knees if that’s what you want me to… And let me feel it isn’t real that I’ve been losing you. The sun will rise, within your eyes. Come back to me and we will be happy together.
Bản nhạc đã hết, hai bố con mặt dài thườn thượt như vừa trải qua một ngang trái trong đời. Quý tử nhìn bố: “Bố kiếm đâu ra bài hát hay quá. Nghe bài hát này, con thấy tội Yun quá, hai đứa quen nhau đã sáu, bảy năm rồi, đã thấy thật cần thiết khi có nhau. Bây giờ Yun mà hỏi con: I don’t know why, you said goodbye, chắc con á khẩu! Yun đơn giản mộc mạc, còn bóng hồng kia chỉ là thoáng qua thôi, lấy nó thì chết con bố ạ, nó ăn xài kiểu đó thì con của bố chỉ suốt đời trả nợ.” Đức ngậm ngùi vỗ vai quý tử: “Thế là mày lại giẫm vào con đường mòn của bố. Bố con mình có sao Đào Hoa chiếu mạng, mình không muốn cũng không được, nên… bố chúc con nhiều may mắn!”
Ngày cưới gần kề, vợ chồng Đức bận túi bụi. Một mặt phải sửa soạn nhà cửa, một mặt phải gặp gia đình sui gia để bàn việc đám cưới.
Vì quá thương con, vợ chồng Đức đã cố gắng vượt qua rào cản… phong tục văn hóa Việt- Trung để đám cưới được suôn sẻ.
Hôm đến thăm nhà gái lần đầu tiên, vợ chồng Đức được ông bà sui gia đón tiếp niềm nở. Sui gia từ Trung Hoa lục địa sang, nên Anh ngữ có phần khiêm tốn, ông sui luôn miệng hảo hảo. Đức cũng hảo hảo khi nhấp tách trà xanh do sui gia đem qua từ Trung quốc, khiến không khí vui nhộn lạ thường. Trên đường về, Đức than thở với vợ: “Không khéo mình lại biến thành người Tàu”. Vợ Đức cười cười: “Thì cũng hảo hảo thôi!”
Lần thăm kế, hai gia đình bàn về phong tục cưới hỏi của hai nước. Trước hết là đám hỏi, Đức đề nghị nên tổ chức đơn giản, chỉ có hai gia đình và cô dâu phải mặc áo dài Việt Nam. Ông sui gật đầu lia lịa, miệng hảo hảo không ngừng.
Đến đám cưới, nhà gái cho biết sẽ lo giường chõng mùng mền chiếu gối cho đôi trẻ. Đức bảo: “Ông bà muốn sắm sửa cho hai cháu đắt đỏ bao nhiêu chúng tôi cũng vui lòng.” Nhà gái đề nghị hai chiếc xe Roll-Royce để rước dâu. Đức đang ngúc ngắc, thì ông sui chỉ vào ngực mình rồi gật đầu hảo hảo. Đức tươi cười một tay bắt tay ông sui, một tay chỉ vào ông ấy, hỉ hả nói: “hảo hảo”. Cũng theo phong tục cưới hỏi của Trung Hoa, nhà gái sẽ tặng cha mẹ chú rể mỗi người một đôi giày. Bà sui lấy cái thước xin đo chân. Đức hốt hoảng nói: “Cháu nó sẽ gửi ông bà số của giày chúng tôi”.
Về nhà, nhắc lại việc này, Đức bảo quý tử: “Con nói với ông bà bên đấy là bố tôi thích đôi giày Louis Vuitton. Nếu nhà gái không lo nổi thì cứ chụp hình đôi giày rồi đưa cho bố cũng được.” Quý tử vừa phá lên cười, vừa ngạc nhiên sao hôm nay ông bố lại đỏm dáng đòi đến Louis Vuitton!
Đến phần rước dâu, theo như phong tục Trung Hoa, khi nhà trai đến, nhà gái vẫn đóng cửa im lìm, nhà trai phải kiên nhẫn gõ cửa ba lần, mỗi lần cách nhau 15 phút, nhà gái sẽ mở cửa mời nhà trai vào nhà. Đức nghĩ đến bầu đoàn thê tử lúc nhúc ở ngoài đường với hộp quả, heo quay, chờ đợi tổng cộng 45 phút thì sẽ nhốn nháo ngay. Đó là chưa kể thời tiết mưa nắng gió máy thất thường, nên không thể chấp nhận được.
Đức phản đối, nhưng nhà gái có vẻ cương quyết giữ vững lập trường. Hội nghị hai bên bế tắc. Mọi người ra về hẹn hôm sau trở lại. Đêm đó, Đức lôi quý tử vào phòng rỉ rả: “Bố mẹ thương con, con yêu ai, bố mẹ cho cưới người nấy, không phân biệt hay kỳ thị chủng tộc. Bố biết bên Tàu nhà nào có con gái lấy chồng, thì mừng như bắt được vàng, mở toang cửa rước nhà trai vào như rước vua ngự vào nhà; rồi của hồi môn phải tuồn ra như nước, cả dòng họ ăn mừng bảy ngày bảy đêm; chứ đâu có vụ bắt bố phải gõ cửa ba lần. Con thưa với ông bà bên đấy như thế, nếu khăng khăng giữ nguyên ý định, thì sẽ không cưới hỏi gì nữa. Thuyền theo lái, gái theo chồng!” Quý tử nhìn bố, không nói gì. Đức thấy ánh mắt khổ sở của con, cầm lòng không đậu lại đề nghị: “Hay là con nói với Yun để nó bàn với cha mẹ nó.” Quý tử thủng thẳng: “Bố ơi, người ta nói nhà trai phải gõ cửa ba lần tức là con, chàng rể phải gõ cửa, chứ không phải bố. Tuy nhiên, con sẽ đề nghị tưng bừng đón nhà trai, và con sẽ gõ cửa phòng Yun thay vì gõ cửa nhà”. Ông bố nhạy cảm: “Ừ, thế cũng được, nhưng khi nó mở cửa, mày đừng chui tọt vào trong ấy!”
Quý tử trợn mắt: “Bố ơi, con vào phòng Yun hoài, đâu có sao. Nhưng thế nào mẹ Yun cũng bảo con phải làm gì mà!”
Hai gia đình thông qua vụ gõ cửa trong hội nghị hôm sau. Kế tới là phần đưa dâu, Đức nói theo phong tục Việt Nam thì cha mẹ không đi theo con gái về nhà chồng. Ông bà sui buồn ra mặt. Hội nghị lại bị đắp mô. Đêm ấy, quý tử tâm sự với bố: “Bố ơi, họ chỉ có mỗi một mụn con gái, nhờ bà con bảo lãnh qua Úc học, nay con họ học thành tài, họ được bảo lãnh sang miền đất hứa. Thế mà ngày con đi lấy chồng, họ không được đi theo nó tới nhà chồng, thì tội quá bố ơi. Bố làm lại phong tục khác được không bố? Bố cho họ đi theo Yun về nhà mình nghe bố. Gia đình càng đông càng vui, càng ấm cúng Bố ạ”. Đức nhìn con, nó là sao y bản chính của chàng ngày xưa. Trái tim lúc nào cũng rộn rã, mềm nhũn, mướt mát tình cảm lấn lướt lý trí. Thôi thì bố nào con nấy!
Ông bà sui gia được nhập với đoàn người đưa dâu, thì vui mừng ra mặt, hăng hái kể tên 6 món ăn đặc biệt cho ngày cưới mà nhà gái sẽ nấu đem lên nhà trai. Trong đó có món cá kho khô queo, tượng trưng cho cuộc đời dẫu mặn chát đến cỡ nào, hai vợ chồng vẫn cố chèo chống để vượt qua. Có bó hành lá để mong có con đàn cháu đống. Nhà gái đề nghị nhà trai nấu món mì xào, những sợi mì sẽ tượng trưng cho những sợi dây cột chân cô dâu với gia đình chồng. Vợ chồng Đức không phản đối các món của nhà gái bưng qua, nhưng dứt khoát không xào mì để cột chân cột cẳng gì cả. Hội nghị bế tắc.
Lần này, Đức nói với quý tử: “Con ạ, bố nói thật, có cột bằng dây thừng, một khi nó muốn đi là nó đi, nói gì đến sợi mì nhão nhoẹt. Đám cưới người Việt mình nấu sơn hào hải vị, nem công chả phượng, những món ăn truyền thống như xôi gấc, xôi vò, chứ không có món mì xào… hảo hảo đó”. Quý tử phì cười vì bố mình bị nhập tâm hai chữ hảo hảo! Trong hội nghị kế tiếp, món mì xào bị xóa sổ!
Mọi người đã diện quần áo chỉnh tề, hai chiếc xe đón dâu Roll-Royce và phù rể đã đến. Gia đình gồm ông cụ, chị, các em, các cháu của Đức và Phương từ Mỹ và từ các tiểu bang khác ở Úc đã tụ tập về Melbourne từ mấy hôm trước, cũng đã đến. Chiếc khăn bàn trắng thêu hoa xanh mới toanh được trải trên bàn ăn hình oval to rộng. Bình hoa lay-ơn đỏ chót tươi thắm, cạnh sáu mâm quả sẵn sàng được bưng đến nhà gái, khiến không gian ngập tràn hạnh phúc. Đĩa trái cây ngũ quả và lọ hoa hồng tươi thắm trên bàn thờ gia tiên, với nến đèn rồng phượng khiến bàn thờ sáng trưng.
Một tấm thảm nhung được trải trước bàn thờ để đôi trẻ lễ lạy, trao nhẫn cưới, và hầu rượu ông Nội cùng cha mẹ. Vụ trao nhẫn cưới cũng đã khiến hội nghị hai bên bế tắc nhiều ngày, và nhà trai phải lùi bước, để mọi việc hanh thông. Số là theo phong tục Trung Hoa, cô dâu sẽ được đeo nhẫn khi về nhà trai. Nhưng chị em nhà Đức-Phương dứt khoát xác nhận là khi rước dâu, cô dâu phải được chú rể đeo nhẫn rồi. Có nghĩa là đeo nhẫn phải ở nhà gái. Như thế mới đúng là rước dâu chứ. Đức chen vào: “Đúng rồi, chưa đeo nhẫn, thì làm sao gọi là rước dâu được. Lần này không đeo nhẫn thì cũng như mọi lần con Yun đến chơi, mình có… rước nó đâu!” Nhưng nhà gái cương quyết giữ phong tục của mình. Mặt quý tử dài ra, cơ hồ như sẽ không cưới được vợ. Ông bố đành phải chấp nhận quyết định của nhà gái.
Đức sắp xếp một nửa gia đình đi rước dâu, một nửa ở nhà chờ đón dâu. Sau khi kiểm điểm mọi việc, Đức nhìn đồng hồ hô to: “Sắp đến giờ xuất quân!” Đội quân phù rể và em út cháu chắt xếp hàng sau lưng gia chủ. Đức lại nhìn đồng hồ: “Còn hai phút nữa là đến giờ Hoàng Đạo”, quay sang vợ, Đức tiếp: “Nhỡ đồng hồ của anh nó chạy chậm hai phút thì sao nhỉ?”, Phương nhìn chồng: “Thì cũng… hảo hảo thôi, nhưng đêm qua anh đã chỉnh đồng hồ theo computer rồi mà.” Đức ờ ờ, không nói thêm, vì không sure mình đã làm gì. Nói ra mất công cự nự.
Đoàn xe đón dâu gồm 2 chiếc Rolls-Royce, và 3 xe nhà, trong đó bố mẹ chú rể cầm lái 2 xe. Trước khi lên xe, Đức quay lại nói với cô em: “Khi phái đoàn lui binh, anh sẽ điện thoại để ở nhà sửa soạn”.
Đồng hồ chạy cái vèo, chỉ còn 10 phút nữa là 12 giờ trưa, giờ tốt đã được chọn để dắt dâu vào nhà, nhưng chưa thấy Đức gọi về. Hai nhà cách nhau khoảng 20 phút lái xe, không biết có bị kẹt xe không. Bỗng điện thoại reng, quý tử gọi về bảo bố bị lạc đường, mẹ đi theo nên lạc luôn. Xe cô dâu, chú rể đã về đến nhà, nhưng phải đậu bên ngoài để chờ bố mẹ… dắt dâu vào.
Cả nhà nghểnh cổ ngóng hai chiếc xe của hai người quan trọng nhưng bị lạc đường. Đồng hồ vừa điểm đúng tiếng thứ 12, thì có tiếng reo: “Rồi, về rồi!” Đức lật đật xuống xe, chạy lại mở cửa xe của vợ, cũng vừa tắt máy. Hai vợ chồng hổn hển chạy vào sân, đứng chờ dâu ở cửa chính. Đức vừa thở vừa nói với bà chị đang càu nhàu sao lại lạc đường: “Đến ngã tư, em quẹo trái như mọi lần, thế mà lại bị lạc. May có con Bê trên xe, nó mở GPS xem đường, nếu không thì chắc chắn trễ giờ! Tại em quẹo sớm một ngã tư!”
Diễn tiến buổi lễ rước dâu suôn sẻ. Đức ban huấn từ cho con trai và con dâu sau lễ hầu rượu, khiến nhà gái cảm động. Đức nói với con dâu: “Con là con dâu, nhưng bố mẹ đã xem con như con gái của bố mẹ từ ngày con quen với quý tử của bố. Từ nay, nếu nó làm điều gì khiến con buồn, con không cần phải hỏi nó tại sao, cũng đừng khóc và cũng không cần phải quỵ lụy năn nỉ nó, con cứ nói cho bố biết, bố sẽ bắt nó xin lỗi con, bắt nó phải ở bên con suốt đời, như bố phải ở bên mẹ con vậy” Đức liếc xéo quý tử và hướng về quan khách nói tiếp: “Xin mời quý vị dùng bữa tiệc nhẹ, và chúng ta sẽ chung vui tối nay tại nhà hàng”.
Quý tử nhìn bố, lan man nhớ tiếng hát của Dan Byrd.
Trời đã chiều, nhưng vẫn nóng hừng hực. Máy lạnh chạy hết tốc độ, nhưng chỉ làm căn phòng bớt ngột ngạt. Quan viên hai họ, kẻ đứng người ngồi, vừa lấy thức ăn, vừa chào hỏi chuyện trò. Đức và vợ thay phiên nhau tiếp sui gia. Nhà gái đưa dâu khá đông, tiếng Trung Hoa bắt đầu nổ rổn rảng. Đức nói với gia đình: “Mình nói tiếng Việt thoải mái, nói càng nhiều, càng to, càng tốt… tiếng Việt át tiếng Hoa! như thế mới là… hảo hảo!”