Bạn ơi, Cứ mỗi lần có ai nhắc về cá tôm vùng sông nước miền Tây Nam nước Việt hồi đời trước, mà nhứt là các vùng sông nước nhiều cá như miệt Bình-Di, Bắc-Nam thuộc vùng An Phú (Châu Đốc), vùng Ba Thê, Núi Sập, Kinh Xáng Bốn Tổng, Cầu Số Năm thuộc Long Xuyên, hoặc bên kia sông Tiền Giang thuộc vùng Đồng Tháp Mười hoặc chạy tuốt xuống Miệt Thứ thuộc Rạch Giá hay các vùng sông nước Cà Mau…, đâu đâu người ta cũng kể những loài cá lớn như cá lóc, cá bông, cá trê, cá lăng, cá kết, cá dảnh, cá mè vinh, cá hô, cá bông lau cùng nhiều loại cá lớn và ngon khác nữa chứ ít có ai nhắc với bạn về loại cá rằm nhỏ bé của chúng tôi cho bạn nghe lần nào! Có phải thế không bạn?

Thành ra, từ tạo thiên lập địa tới giờ, như bạn biết, là loài cá rằm chưa bao giờ làm nên mùa màng gì nơi vùng sông nước cuối trời đất Việt này. Nào là mùa tôm trứng Tháng Tư; mùa cá mè vinh, cá dảnh Tháng Tám; mùa cá heo Tháng Mười Một, Tháng Chạp; mùa cá linh non Tháng Sáu, Tháng Bảy, mùa cá linh già Tháng Chín, Tháng Mười; mùa cá trê cá lóc giăng câu mồi cua, mồi cắt Tháng Chạp, mùa cá trê cá lóc tát đìa Tháng Hai, Tháng Ba; còn cá rằm, nếu có thể gọi là đã góp mặt làm nên mùa thì đó là mùa cá trên đồng ra sông gần hết rồi, báo hiệu chấm dứt một mùa nước giựt sắp khô trên các cánh đồng ruộng lúa bao la bát ngát ở những vùng đồng bằng này!
Sở dĩ chúng tôi nói thế là vì qua kinh nghiệm sống nơi các cánh đồng nước ngập từ Tháng Bảy tới cuối Tháng Mười Một âm lịch hằng nhiều năm trời thì lịch trình rút khỏi các cánh đồng ngập nước của các loài cá tôm như một trật tự cố định, ít khi nào thay đổi. Trước tiên là mấy anh chị cá linh dợm mé ra sông sớm nhứt. Hễ tới nước kém mùng Mười Tháng Mười âm lịch là các đoàn cá linh ào ào kiếm những cựa gà dẫn nước vô đồng mà lội lẹ xuống rạch xuống kinh tìm đường ra sông. Mấy anh chị cá linh này hay lắm. Họ có quy định với nhau hễ nắng thì ra sông, gặp mưa thì tạm ở lại chờ tới khi nào có nắng thì bắt đầu ra sông tiếp tục. Do vậy mà dân ruộng giăng lưới cá linh vào lúc đông ken, tự nhiên cá linh lại ít dính hơn lúc trước, lúc bấy giờ mấy người sống với nghề câu lưới trên đồng ngước nhìn lên bầu trời thấy mây đen từ đâu bay về ngang qua đầu, rồi chầm chậm ngừng lại giây lát như chờ một vài mệnh lệnh của ông Trời, thế là trời sắp chuyển mưa tới nơi rồi vậy!

Câu cá lóc bằng mồi cá rằm. nguồn: s5.60s.com.vn
Thứ đến là cá mè vinh, cá dảnh bắt đầu lội rời khỏi những láng trồng dày đặc mã đề, bông súng, củ co, rong đuôi chồn để tìm đường lội xuống kinh rạch hầu ra sông cho kịp con nước kém Tháng Mười Một sắp cạn đồng. Còn các loại cá thác lác, cá trèn, cá trê, cá lóc thì dòng họ nào lo cho dòng họ nấy mà tìm đường rút lui ra khỏi những vùng nước sắp giựt để về sông rạch càng sớm càng tốt vì họ biết các cánh đồng sẽ không còn nước trong những ngày sắp tới! Riêng chỉ có loài cá rô biển và cá rằm chúng tôi, khi nào nước trên đồng gần cạn, lúc bấy giờ chúng tôi mới bắt đầu di tản khỏi những lung vũng một thời mà mình đã bơi lội ở đó qua một mùa nước lên như biển!
Chắc bạn sẽ hỏi chúng tôi làm sao biết mình là loài cá rời cánh đồng sau cùng vào mùa nước giựt chứ gì? Dễ lắm, bạn hỏi những người giăng lưới cá linh vào những ngày mùa ấy thì bạn sẽ được họ nói với bạn về điều này rất rõ vì vào những ngày này mặt cá dính lưới nhiều nhứt là hai loại cá rô biển và cá rằm thôi bạn à, còn các loài cá khác họ bỏ đi mất hết lâu rồi, không thấy anh chị nào dính lưới vào những ngày cuối cùng của mùa nước giựt hằng năm này.
Trước khi dứt lời, có lẽ cũng xin kể thêm cùng bạn về điều này nữa. Số là vào những ngày nước giựt Tháng Mười Một, cá lóc xuống sông và trú ngụ nơi các gốc cây lớn hoặc làm nhà trong các đống chà. Ngoài ra, các anh chị cá lớn này còn thong dong nơi các bờ kinh bao phủ nhiều về cỏ mồm, cỏ sướt ấm êm để chờ lớp cá nhỏ tụi tôi từ trên đồng đang lò mò xuống kinh để làm mồi cho các anh chị ấy. Người sống miệt nhà quê họ biết đường đi nước bước của loài cá lóc mùa này ở đâu, thích ăn món gì nên họ bắt đầu nghĩ ra cách thả xuồng theo mấy gốc cây, mấy đống chà hoặc cặp theo các bờ kinh, hoặc mé sông để ngồi nhắp cá. Cần câu bằng ngọn tầm vông vừa tầm tay với nhợ câu không dài lắm, đâu chừng khoảng một thước rưỡi hoặc hai thước là nhiều với lưỡi câu có ngạnh dấu ó và uốn bằng thép kèo dù rất bén, vì nhợ câu càng ngắn càng gọn, đỡ phải vướng chà và giúp cho cái thế ngồi nơi mũi xuồng câu giựt cá ăn vừa gọn, vừa nhanh, vừa mạnh.
Mồi câu bạn có biết họ dùng mồi gì cho hấp dẫn các anh chị cá lóc vào mùa này không? Mồi câu nhắp cá lóc vào mùa này chính là loài cá rằm chúng tôi đấy, chứ không phải mồi cóc, mồi nhái như nhắp cá Tháng Tư, Tháng Năm! Đôi lúc người ta có dùng cá rô làm mồi, nhưng vạn bất đắc dĩ không có cá rằm người ta mới dùng tới cá rô. Người ta lựa những con cá rằm vừa ngon vừa lội mạnh để làm mồi câu nhắp. Cách móc mồi cũng để ý làm sao móc cho cá mồi không bị chết và lội thật mạnh mới hấp dẫn các anh chị cá lóc trong chà. Thành ra, qua nhiều năm sống với kinh nghiệm nghề câu cá, dân câu nhắp mùa này họ lấy lưỡi câu móc vào kỳ trên của chúng tôi, khi họ thả lưỡi câu vào một hốc nào của gốc cây, một lỗ trống nào đó trong đống chà, chúng tôi vẫn lội rất mạnh mà không mắc gốc là tốt nhất. Có đôi khi họ cũng móc lưỡi câu vào cạnh đuôi cá rằm nữa. Với cách móc kỳ trên, để tránh mình ít bị đau, chúng tôi ở thế phải lội ngang; với cách móc vào cạnh đuôi, chúng tôi ở thế phải lội tới. Có tùy cơ ứng biến như vậy mới thấy đỡ đau chút ít nhưng tình thiệt là cách nào cũng không thoát khỏi lưỡi câu và nhiều khi đau dữ lắm!
Nhưng có lẽ kết thúc cuộc đời loài cá rằm bé nhỏ này không gì nhanh bằng có anh chị cá lóc nào nằm sẵn chờ mồi nơi bến vắng dưới tàn cây cao bóng mát đang thong dong thả kỳ thoai thoải rồi ngoắt ngoắt cái đuôi dài và lội chồm tới táp cái phập miếng mồi cá nhỏ treo tòn ten nơi lưỡi câu vừa chấm mí nước rồi lim dim đôi mắt như vừa ý lắm!
Cá lớn nuốt cá nhỏ, một sắp đặt từ hồi nào tới giờ của trời đất mà! Làm sao cải biến được đây! Cá lớn nuốt cá nhỏ đã đành nhưng cá lớn cũng vội vã tìm đường rời khỏi những cánh đồng nước giựt để ra sông lẹ nhứt, bỏ các đàn cá nhỏ như loài cá rằm chúng tôi ở lại một mình giữa biết bao gian nan của mùa nước cạn! Biết trách ai đây!?!
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 10-12-2012