LGT: 2004-05, tôi đi tìm ‘bà con’ ở Bắc Âu, với học bổng Fulbright do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đài thọ. 2012, tôi đọc “Đường Phía Bắc” của Lê Đại Lãng. Hai biến cố cách nhau đến tám năm, mà lại rất gần nhau trong nội dung lịch sử. Những ‘bà con’ mà tôi được gặp ở Bắc Âu chính là những ‘nạn nhân’ (thuyền nhân) mà Lê Đại Lãng đã kể lại trong sách. Trong bài phỏng vấn này, chính con trai của một người trong cuộc sẽ kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm của một gia đình ‘nạn nhân’ từ phía Bắc. Phần 2 cho thấy ngay cả khi đã đặt chân đến một quốc gia thứ ba hưng thịnh như Thụy Điển, đời sống của ‘nạn nhân’ và những người Việt tại đây vẫn gặp rất nhiều hạn chế.

Cái lạnh của kẻ đi tìm quê hương trong bóng đêm
Phần 2: Hội Nhập và Lý Tưởng
TGT: Khi mới đến Thụy Điển, Thanh Tùng cũng có mộng làm nhà văn? Tại sao em bỏ ý định này và theo đuổi ngành chính trị học?
LTT: Mộng làm nhà văn đã theo em từ ngay những ngày còn ở quê nhà. Hồi nhỏ em rất thích đọc truyện, mê nhất truyện dã sử, tiểu thuyết lịch sử và phiêu lưu; từ truyện Dế Mèn phiêu lưu, sang tranh truyện sử Việt về Sơn Tinh, Phù Đổng, Đinh Bộ Lĩnh, bà Trưng, bà Triệu, Ngô Quyền, v.v…, đến truyện Tây Du Ký, Phong Thần, Tam Quốc, Thủy Hử, Xuân Thu, Chiến Quốc, v.v… Say mê thường quên học bài và làm việc trong nhà, đến độ mà một lần ông nội em đã nổi giận cầm cuốn sách em đang đọc xé thành hai mảnh. Hồi đó em ước rằng sau này mình sẽ thành nhà văn để có thể viết những cuốn sách hay hơn như thế.
Thời gian đầu sống ở Thụy Điển em vẫn còn nuôi giấc mộng này. Môi trường sống tĩnh lặng và sự thiếu vắng những sinh hoạt cộng đồng ở nơi đây đã cho em rất nhiều thời gian để ngồi thư viện đọc sách báo, tài liệu tham khảo văn học, xã hội và lịch sử. Khi lần mò ở thư viện thành phố em đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy tập báo Tiền Phong và Quê Mẹ công kích Cộng Sản Việt Nam, nói nhiều về Việt Nam Cộng Hòa, cùng những sách truyện do Đại Nam, Vạn Xuân, Khai Trí xuất bản ở nước ngoài, lòng tự hỏi sao người Việt mình ở nước ngoài nhiều đến độ có cả những nhà xuất bản riêng.
Cũng nhờ đó mà em đã hiểu biết thêm rất nhiều về văn hóa, xã hội, phong tục và lịch sử Việt nam và những gì mà em đã không được học và biết đến khi còn ở trong nước. Từ đam mê tiểu thuyết đến say sưa đọc sách chuyên khoa, bình luận và khảo cứu; từ văn học lịch sử đến xã hội chính trị, em đã làm những bước chuyển tiếp theo độ tuổi trường thành và hiểu biết xã hội và lòng ham muốn dấn thân cho lý tưởng chấn hưng và xây dựng tổ quốc.
Có thể so sánh được sự phồn thịnh và tự do của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa (tạm không nói đến các nước phát triển đương thời) với sự tụt hậu, nghèo đói và độc quyền của Việt nam ngày nay em lại càng ao ước được góp tâm lực vào công cuộc kiến quốc. Và một trong những hành trang để mang theo trên con đường này là học vấn, kiến thức sâu rộng về thực tế xã hội và con người cùng với nhân cách vô tư, công chính và nghiêm minh rèn luyện cho chính bản thân mình.
Hồi đó em thật đã có quan niệm rằng nhà văn thường hay bay bổng, xa vời thực tế, đa sầu đa cảm; nói chung là không phù hợp với sự khô khan cố hữu của những vấn đề chính trị xã hội. Khẳng định như trên nên em đã theo học ngành khoa học xã hội và nhân văn ở bậc cao trung. Khi hiểu và ý thức được tầm quan trọng của việc tổ chức xã hội cho nhu cầu phú quốc cường dân, em đã quyết định theo ngành khoa học chính trị ở bậc đại học.
TGT: Nếu nói đến truyền thống hiếu học của người Việt chúng ta, thì có lẽ Thanh Tùng thể hiện truyền thống đó một cách trọn vẹn, nhất là trong hoàn cảnh người Việt tại Thụy Điển. Mời em nói qua về hai chương trình cao học của mình, và chủ đề của hai luận án tốt nghiệp.
LTT: Lên cao học em đã đi sâu vào lĩnh vực bang giao quốc tế, xoáy vào chính trị an ninh quốc tế/khu vực và phát triển dân chủ đa nguyên. Chương trình cao học đầu kết thúc bằng luận văn tốt nghiệp với chủ đề an ninh khu vực biển Đông Hải/Trường Sa, diễn tả sự phức tạp trong việc tranh chấp chủ quyền về quần đảo này cùng những ảnh hưởng của nó về các mối quan hệ ngoại giao và tình hình an ninh, hòa bình trong khu vực, tác động nghiêm trọng đến hợp tác thương mại, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đặc biệt là tiến trình mở cửa và hội nhập của Việt nam.
Chương trình cao học này phân tích sâu những học thuyết truyền thống và hiện đại trong lĩnh vực bang giao/chính trị quốc tế, giới thiệu những cách tiếp cận khoa học cho nhu cầu xây dựng và/hay phát triển học thuyết. Trong khuôn khổ của chương trình học bài luận văn tốt nghiệp đã dựa vào vấn đề thực tiễn vùng biển Đông Nam Á để từ đó dung hòa những bảo thủ của hai trường phái truyền thống trong ngành khoa học này, áp dụng những cái tinh hoa của họ cho công cuộc gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực.

Lê Thanh Tùng trước Concert Huset, nơi trao Giải Nobel.
Khác với chương trình cao học trên, chương trình cao học thứ hai này lại là một liên ngành khoa học chú trọng về chiều rộng, phân tích những khía cạnh liên quan đến sự phát triển dân chủ, tổ chức nhà nước và quyền lực của những trường phái khoa học, đặc biệt trong ngành Chính trị học, Kinh tế học, Xã hội học, Nhân chủng học và khoa học Luật.
Từ những cách tiếp cận xã hội và con người trong những ngành khoa học này, chương trình cao học giải thích căn nguyên của sự xung đột và tranh chấp quyền lợi trong xã hội, để từ đó mong tìm ra phương pháp hòa giải xung đột, phân chia quyền lợi, để cùng sống chung và xây dựng một xã hội ổn định, cởi mở, tự do, hòa bình và thịnh vượng.
Bài luận văn tốt nghiệp của em lấy đề tài Việt Nam, bàn về quá trình phát triển xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước từ sau những năm có chính sách “Mở Cửa”. Bài luận văn được xây dựng chủ yếu trên học thuyết “Hiện Đại Hóa” của học giả Seymour M. Lipset, thử nghiệm tính ứng dụng của học thuyết vào tình hình thực tế của Việt nam. Những tiến bộ trong cải cách hành chính và đặc biệt trong sự phát triển kinh tế trên thực tế đã không mang lại sự cải thiện dân sinh, tự do dân quyền cho đại chúng nhân dân, và cũng từ đó đã không tạo được tiền đề hiện đại hóa cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa về sau này.
TGT: Thanh Tùng đã hoàn tất hai chương trình cao học tại hai viện đại học lớn ở Thụy Điển, và đối với người Việt tại Vương quốc này, đây là một trường hợp hy hữu. Hy hữu là vì người Việt tại Thụy Điển, do những khó khăn về ngôn ngữ và những định chế trong giáo dục bản xứ, đã không theo học đại học cho mãi đến sau này. Là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp đại học tại Thụy Điển, em đã theo đuổi con đường học vấn của mình như thế nào, và đối diện với những bấp bênh và khó khăn ra sao?
LTT: Có thể nói rằng em là sản phẩm của truyền thống hiếu học Việt nam. Không riêng gì trong tâm tư của ông bà, cha mẹ, em cũng quan niệm rằng con đường duy nhất tới công danh sự nghiệp sau này là con đường khoa cử. Bị ảnh hưởng bởi Nho học, em không thể nào không thuộc làu câu giáo huấn bất hủ “ấu bất học, lão hà vi” trong Tam Tự kinh. Hơn nữa lý tưởng em đang theo đuổi đòi hỏi một trình độ học vấn cao thâm.
Sự thúc đẩy của lý tưởng, của gia đình và tâm lý chung của xã hội cùng với sự tự hào dân tộc đã là chiếc đòn bẩy hữu hiệu nhất trong suốt những ngày tháng dài cặm cụi với đèn sách. Có nhiều lúc mệt mỏi dường như muốn buông xuôi trước những khó khăn, nhưng nghĩ lại gia đình đã tạo mọi điều kiện để mình được toàn tâm chú trọng vào việc học hành, đến bố và em đã đánh đổi mạng sống ngoài khơi để đi tìm tự do và tương lai cho con cái, đến những tấm gương hiếu học thời xa xưa khi phải đọc sách dưới ánh trăng, bắt đom đóm làm đèn, v.v…, để rồi sau này thành trạng nguyên, bảng nhãn, em lại thêm sức mạnh và sự quyết tâm để tiếp tục phấn đấu và vươn lên.
Đối với em những bấp bênh và khó khăn trong cuộc sống chính là sự rèn luyện bản thân, là một trong những sự cần thiết cho việc trước nhất tu thân để làm tiền đề cho việc trị quốc và bình thiên hạ về sau này. Ý nghĩ này tuy có phần tự đại nhưng nó thực sự đã khích lệ tinh thần em rất nhiều trong suốt những năm tháng ngồi trong giảng đường đại học và cao học. Hồi đó em đã chép treo tường phòng nhà sinh viên những câu hay nhất phấn chấn chí khí trong Tam Tự kinh, Thần Đồng thi, Đại Học, v.v…, để làm khẩu hiệu luôn nhắc nhở cho bản thân mình. Hơn nữa lòng tự hào dân tộc cũng đã thúc đẩy em tiến tới, rằng không những chỉ chăm học mà còn phải học cho giỏi.
Qua sự cần cù và quyết tâm cùng với sự chuyên tâm tìm tòi, học hỏi thầy cô, bằng hữu, em đã vượt được qua hầu hết những khó khăn theo đuổi hoàn tất chương trình cao học của mình.