Menu Close

Thương em, rừng Quế Tiên

Chiếc xe du lịch dừng lại ở ngã ba trên đường Quốc lộ Một. Đây là loại xe du lịch tốc hành đời mới, chạy từ  Sài Gòn ra miền Trung. Thạc xuống xe. Hai bên ruộng lúa xanh rờn, theo gió nhấp nhô như những làn sóng lượn. Thạc nói với người tài xế:

– Anh chuyển giùm cho tôi cái va li.

Người tài xế nhìn anh cười:

– Đừng lo, anh xuống trước đi, rồi tụi lơ sẽ chuyển cho anh sau.

Thạc bước ra ngoài cửa xe, chỗ bậc lên xuống. Một làn hơi nóng thổi lồng vào trong xe, nóng quá.

Dân chúng đang họp chợ bên trong ngã ba một chút. Nào là dây khoai lang, hom khoai mì, mía, rau cải. Họ đứng từng nhóm hai ba người, năm bảy người, lời qua tiếng lại, trả giá, bàn tán xôn xao. “Bó dây lang ni hai trăm nghe bà, dây nhỏ lại héo queo, không biết mua về trồng có sống không đây?” Tiếng người bán. “Ba trăm là rẻ rề rồi đó, buổi sáng sớm tôi bán giá năm trăm.”

Thạc nhìn quanh quất. Những căn nhà, vẫn những căn nhà cũ nằm bên đường quốc lộ. Trước đây mười năm, ngày anh đi, cũng vậy. Nay cũng vẫn vậy. Với những gờ tường cũ kỹ, rêu phong, không sơn phết. Và người dân, cũng vẫn vậy, áo nâu, quần thâm, xe đạp thồ, tất bật, cùng khổ, cũng đã mấy mươi năm.

Khi người lơ xe chuyển hành lý của Thạc xuống hết, người tài xế bắt tay anh nói:

– Khi nào anh trở vào lại thành phố, anh nhớ điện cho tôi.

Thạc trả lời:

– Chắc cũng một tuần, có gì tôi sẽ gọi anh.

Người tài xế nói thêm:

– Chúc anh về thăm quê nhà vui vẻ.

Thạc cười xã giao:

– Cảm ơn anh, anh đi an toàn.

Khi chiếc xe rồ máy chạy đi thì đám xe ôm hàng chục chiếc bu quanh Thạc. Xe đạp có, xe gắn máy có. Có tiếng nói lao xao “Anh từ Sài Gòn về hả, anh về đâu, tui chở cho, tui lấy rẻ mà.” Thạc nhìn người xe ôm đứng gần hỏi “Bao nhiêu về Chợ Quán?” “Hai chục ngàn.” Có tiếng người nói chen vào “Mười lăm ngàn tôi chở cho.” Anh lúng túng không biết chọn ai. Cuối cùng anh lên xe người đứng gần vừa hỏi.

Ngồi phía sau chiếc xe Honda, va li được buộc sau lưng, Thạc thấy không thoải mái chút nào, nhưng thôi kệ, về nhà chị Nhượng cũng gần đây thôi. Mới xa nơi nầy mười năm thì đâu có gì lâu lắc. Đâu có thể quên cố xứ mình mau như vậy được.

alt

Tranh: Thắm Nguyễn

Những ngày ở Mỹ, chị Nhượng vẫn thường viết thư qua than thở “Thạc ơi, mả cha mẹ mình vẫn còn là mả đất nên cỏ dại mọc tùm lum, với lại trâu bò đi qua đi lại giậm lún hết nấm; cứ đến mỗi độ giẫy mả, chị cho người đắp mả cao lên nhưng cũng không giữ được lâu. Em có tiền gởi về cho chị một ít, chị xây gạch cho tươm tất, cha mẹ cũng có chỗ ấm cúng mà nằm.” Thạc viết thư hỏi lại “ Mả cha mẹ hết bao nhiêu vậy chị?” Chị Nhượng trả lời “ Độ hai ba ngàn đô la, ngoài mả cha mẹ còn mả cô bác ông bà nữa chi, chị đếm hết khoảng mười vị. Nhưng xây cho cha mẹ mình là chính, những cái kia chỉ cần xây gạch cho khỏi bị lạng mất dấu, em gởi khoảng ba ngàn, chắc đủ.” Thạc y lời.

Bây giờ thì anh trở về theo lời kêu của chị Nhượng. “Chị xây mả xong rồi, em có rảnh về thăm chơi, rồi cúng mả luôn.” Anh trở về chuyến này theo tiếng gọi đó, để nhìn hai ngôi mộ cha mẹ mình được xây ra sao?

Ngày mẹ còn sống, mẹ có cái ao ước là khi chết được chôn gần mả cha. Mẹ đã nói với Thạc trong những lần anh từ Sài Gòn về thăm “Mẹ tính hết rồi, mẹ mua miếng đất của ông Mùa được hai vị mả, cha con một, còn phần kia của mẹ; khi nào mẹ mất các con nhớ chôn mẹ gần cha nghe con.” Thạc nói dạ. Nhưng khi mẹ mất anh không chôn mẹ được gần cha. Ban Nhà đất xã nói là đất ruộng cần để trồng lúa cho dân có lúa ăn, không cho chôn mẹ ở đó dù miếng đất đó mẹ đã mua rồi. Nên cuối cùng phải chôn mẹ trên Gò Trai. Thạc cứ ân hận mãi về chuyện này. Mẹ cha khi chết cũng muốn nằm gần nhau. Chắc là buổi tối mẹ muốn nấu tiếp cho cha ăn những bữa cơm thật ngon, có cá rô chiên, có nồi canh mướp hương, có rau ghém quấn với thịt heo ba chỉ, những món mà cha rất thích. Thế mà nay cha mẹ đã bỏ anh đi biệt. Cha đã xa anh hơn ba mươi năm, còn mẹ, cũng gần trên mười năm. Ngày mẹ mất, anh lơ bơ lất bất sống ở Sài Gòn  nên anh không làm theo ý mẹ được. Tình mẹ thương cha gói ghém trong lòng mẹ, con không thực hiện được, biết làm sao đây?

Xe chạy trên con đường tỉnh lộ gập ghềnh đầy ổ gà. Nhiều lúc anh ngồi trên xe mà bị nhồi lên nhồi xuống như đang đi trên con thuyền mỏng manh trước những làn sóng lớn. Những mái nhà tranh nằm sát hai bên đường, những khu vườn, đám ruộng, cây cầu. Tất cả vẫn y nguyên như hồi anh còn nhỏ, đi học chạy tung tăng trên con đường này. Đứa bé ngày xưa bây giờ là người xa xứ. Nhìn từ đó về đây không thể nào định hướng nổi, nửa vòng trái đất lận, trời ơi!

Khi xe chạy tới khu Đồng Cát, ruộng lúa xanh rờn, Thạc nghe nôn nao trong dạ. Nơi này, ngày anh còn nhỏ, anh hay vác cần câu cá ra ngồi trên bờ ruộng câu cá rô, cá tràu. Đó là thuở anh tám, mười tuổi. Xe chạy đến đây là anh biết đã về gần nhà. Đến ngôi trường tiểu học, Thạc nói với người xe ôm “Bác quẹo vô con đường hẻm kia, nhà tôi trong đó.” Người chạy xe ôm hỏi lại “Chú con ai mà ở trong đó?” Thạc trả lời “Ông Khiêm, con ông Khiêm.” “Ủa, mi là thằng Thạc hả, mi ở Mỹ về hả, hèn chi tau thấy lạ hoắc.” Thạc dạ.

Thạc xuống xe, cười, trả tiền cho bác xe ôm, nói vài câu xã giao rồi xách va li vô nhà. Thấp thoáng trong ngôi nhà ngói cũ kỹ có người chạy ra. Con bé Thảo reo lên “Cậu Năm về má ơi!” Chị Nhượng thò đầu ra khỏi khung cửa “Ủa, cậu Thạc về đó hả, sao em về không báo cho chị đi đón.” Thạc nói “Em về là được rồi, đi như vậy cho tiện, đón rước chi cho rình rang.”

Thạc nghỉ xả hơi một ngày, anh loay hoay trong căn nhà cũ. Những bàn ghế, giường tủ, bàn thờ cha mẹ, ông bà, cái gì cũng đổi mới. Những bóng đèn điện nhấp nháy sáng suốt đêm ngày. Tuổi thơ anh chạy lòng vòng trong trí nhớ. Chỗ này anh đã ngủ với cha trên cái phản rộng. Chỗ kia anh ngồi học trên cái bàn cũ kỹ. Bốn mươi năm đã trôi qua, bay bay trong trí nhớ anh những kỷ niệm, muộn màng, nuối tiếc.

Ngày thứ hai, Thạc nói với chị Nhượng:

– Em và chị ra thăm mộ cha mẹ, rồi về làm mâm cơm cúng.

Anh đưa tiền, chị cầm lấy rồi nói:

– Để chị lo.

Hai chị em đi lên phía chợ, qua đường rầy xe lửa là đến khu Gò Trai. Mẹ nằm đây, cha nằm dưới kia, cha mẹ có buồn con không? Hai vị mả được xây tươm tất, chắc cha mẹ cũng vui lòng. Thạc thắp hương sì sụp lạy.

Khi trở về, trên con đường tắt, anh đi qua đường rầy xe lửa, qua một con đường hẻm nhỏ, anh thấy một ngôi nhà tranh tồi tàn trống hơ trống hoác. Thạc nghĩ chắc ngôi nhà không có người ở nên hỏi chị Nhượng:

– Nhà ai mà rách nát quá vậy chị?

Chị Nhượng trả lời:

– Nhà con Tiên chứ ai.

– Con Tiên nào?

– Thì con Quế Tiên con ông Học, ngày xưa học lớp với em đó.

– Sao lại về đây?

Chị Nhượng kê tai Thạc nói nhỏ:

– Hồi Quốc Gia nó nhảy núi, nghe nói vào du kích làm tới trung đội trưởng. Sau đó bị thương mù cả hai mắt, không chồng không con; nó về đây ở nương nhờ bà con hàng xóm chứ chính quyền không ngó ngàng gì tới nó hết, tội nghiệp, ăn bữa đói bữa no.

Thạc nghe mà chưng hửng; lòng anh chùng xuống, sao tội tình vậy, Quế Tiên hồi đó là cô học trò đẹp nhất lớp anh mà.

o O o

Đoàn hát bộ Tân Thành Ban hôm nay về diễn ở sân vận động xã An Mỹ, phía sau cơ quan Hội Đồng Hương Chính. Đây là đoàn hát bộ pha cải lương thường đi diễn loanh quanh các vùng quê. Đó là thời kỳ bình an nhất sau ngày quốc gia tiếp thu. Nhà cửa, trường học được xây. Trai gái trong làng nô nức tham gia vào các buổi văn nghệ. Xe đạp sáng ngời chạy suốt đêm chuông reo leng keng, máy hát dĩa ca vang những bài hát như Trăng Soi Duyên Lành, Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Duyên Quê. Đoàn Tân Thành Ban do ông bà Hoành làm bầu chủ. Nói là ông bà chứ hai người đâu chỉ trên dưới ba mươi. Hai người vừa làm chủ vừa làm đào kép luôn, mà là đào kép chính, hát cải lương mùi rệu.

Thạc nhớ lần trước khi đoàn Tân Thành Ban về đây hát, nó đã đi coi diễn đến mê tơi, nó đi coi cọp chứ đâu có tiền mua vé. Là con nít, nó chen vào đám đông sắp hàng rồng rắn để vào. Rạp hát làm trên sân vận động, được che chắn bởi một lớp cót cao, có dân vệ canh giữ. Nó chen vào theo những người lớn và khi người soát vé ngó lơ là nó chạy ù lọt vào trong. Khi tấm màn nhung mở ra, sân khấu sáng lên màu xanh huyền hoặc, Thạc ngồi dưới đất ngó lên. Tấm màn nhung, ánh đèn sân khấu, đào kép nhung y lộng lẫy, sao mà hấp dẫn nó quá chừng. Ông Hoành sắm vai Địch Thanh, bà Hoành sắm vai công chúa Trại Ba. Thạc ngồi im nhìn bà Hoành trên sân khấu như muốn nuốt chửng từng lời hát cùng dáng dấp sang cả quý phái của nàng công chúa. Nó khóc nó cười theo từng đoạn của vở hát kia, khi chàng Địch Thanh được lệnh vua phái đi chinh Nam, đang than thở cùng công chúa Trại Ba trong buổi biệt ly, ơi! cảnh biệt ly nào cũng đầy nước mắt.  

Hồi trưa đi học, Thạc gặp anh Đệ ở đầu ngõ. Anh Đệ kêu Thạc lại nói với nó “Mi muốn vẽ mặt đi làm quảng cáo cho đoàn Tân Thành Ban không?” Không đợi Thạc trả lời, anh Đệ nói tiếp “Nếu mi chịu làm, tối nay tau sẽ cho mi vào coi không mua vé.” Thạc biết anh Đệ làm ở ban Thông Tin xã, hay vào nhà nó họp với cha, vì cha Thạc cũng có chân trong Hội đồng Hương chính. Nó hỏi lại “Làm ra răng?” “Thì chiều mi lên chỗ rạp hát, họ sẽ vẽ mặt mi như mấy đào kép trình diễn vậy, rồi tau chở mi lên mấy xã trên Cẩm Khê rải giấy quảng cáo, mi ngồi trên xe đạp đánh trống tum tum thôi.” “Có khó không anh?” “Khó gì, dễ ợt, mi muốn làm không thì cho tau biết liền đi.” Thạc đáp không suy nghĩ “Làm thì làm chớ, sợ chi.”

Chiều hôm đó, nó đi học về sớm, bỏ tập vở lên bàn là chạy thẳng lên hướng sân vận động. Anh Đệ chờ nó ở đó. Anh vẫy tay nó và cùng nó đi vào bên trong. Thạc sung sướng vào sau cánh gà. Ở đây chưng đầy gương, lược, son phấn và nhung y để đào kép mặc lên sân khấu. Thạc nhìn sững từng cái, nó thích quá.

Một người đàn ông hỏi anh Đệ:

– Thằng này hả, có một đứa sao?

Anh Đệ trả lời:

– Còn một đứa con gái nữa, nó đến sau.

Người đàn ông ngoắc Thạc:

– Lại đây mi, mi muốn làm tráng sĩ hay tướng cướp đây, trung thần hay nịnh thần?

Nó trả lời:

– Chi cũng được.

Người đàn ông bảo:

– Thôi ngồi xuống ghế ni, đừng cục cựa, ngửng mặt lên.

Người đàn ông lấy cây cọ trét đầy phấn bắt đầu đánh lên khuôn mặt nó. Thạc ngồi im, cảm giác những bụi phấn thơm lừng bay trong không khí, bay vào mũi nó nghe ngan ngát, dễ chịu quá đi. Nó hít hít cái lỗ mũi. Người đàn ông xoay qua chỗ anh Đệ, nói:

– Tối nay diễn lại tuồng Tống Địch Thanh Chinh Nam, để tui vẽ mặt thằng ni giống Địch Thanh nghe, mặt thằng ni hiền trông sĩ khí chớ không dại.

Thạc mừng rơn trong bụng vì có người khen nó. Nó ngồi nhắm mắt lim dim thì có tiếng anh Đệ từ xa vọng tới:

– Đây con Quế Tiên, sắm vai công chúa Trại Ba, ông vẽ mặt cho nó đẹp đẹp nghe.

Con Tiên đi tới, xớ rớ có vẻ ngượng ngùng. Người đàn ông chỉ cái ghế trống, nói với con Quế Tiên:

– Mi ngồi đó đi, đợi tau vẽ xong thằng này rồi tới lượt mi.

Con Tiên ngồi xuống bên ghế. Thạc buột miệng hỏi:

– Trò Tiên cũng đi vẽ mặt hát bộ đó hả?

Con Tiên cười để lộ hai hàm răng trắng đều và cái má lúm đồng tiền dễ thương:

– Ừ, được không?

Người đàn ông nạt ngang hai đứa:

– Ngồi im, đừng cục cựa, nói chuyện rung mặt làm sao tau vẽ được.

Thạc đành ngồi im.

Xong phần Thạc, đến con Tiên. Thạc đứng dậy đi lại chỗ gương soi dành cho nghệ sĩ. Nó bỗng thấy mình lạ hoắc, không còn là thằng Thạc học lớp nhì, một thằng oắt con chuyên môn đi chọc phá thiên hạ. Chỉ nửa tiếng đồng hồ thôi mà nó trở thành một viên dũng tướng ngon lành, với đôi mắt quắc thước, hàm râu quai nón đen oai vệ, son môi đỏ choét. Anh Đệ bước vô, người đàn ông kia nói:

– Anh chuẩn bị xong chưa, trống cơm, bảng hiệu, giấy chương trình, xong con ni là anh đi được rồi, đi sớm, về sớm, về còn lo cho buổi diễn.

Anh Đệ nói:

– Xong cả rồi, thôi ra xe bay!

Con Tiên bỗng chốc trở thành nàng công chúa Trung Hoa đẹp lộng lẫy, mắt phụng mày ngài. Khi con Tiên rời khỏi ghế, người đàn ông nói với hai đứa:

– Hai đứa bay xứng đôi quá hỉ, hai đứa làm chồng vợ được đó nghe.

Thạc nghe nóng rần cả người, nó quày quả bỏ ra chỗ anh Đệ chỉ, không dám ngó mặt con Tiên.

Quế Tiên là con ông Học, nhà nó ở trên ga xe lửa, nó là dân chợ nên Thạc coi nó cao sang hơn mình. Dù cùng học một lớp, Thạc ít khi dám dòm mặt con Tiên. Chỉ biết nó đẹp nhất trong đám con gái học sinh lớp nhì. Thạc đi học chỉ dám ngắm nó từ xa, chứ đến gần là run gần chết.

Hồi đó, ông Học “đi nguồn” mấy năm, ông gặp bà Học ở rừng Quế, Tiên Phước. Ông lấy bà Học và đẻ ra con Tiên, nên ông đặt tên nó là Quế Tiên để ghi lại một thời tình yêu nồng cháy. Ở quê vợ một thời gian, ông dắt vợ con về lại Chợ Quán, làm nhà gần sân ga, bán hàng tạp hóa cho khách đi tàu.

Cũng đã gần bốn giờ chiều, trời đã bắt đầu nhạt nắng. Anh Đệ nói với người đàn ông:

– Xe thồ tôi thuê ba chiếc; hai đứa ni ngồi trên hai chiếc, còn tôi ngồi chiếc thứ ba. Tôi sẽ cầm loa nói quảng cáo buổi hát, được không anh?

Người đàn ông khoát tay:

– Được, thôi đi đi.

Thạc và Tiên theo anh Đệ, mỗi đứa lên ngồi sau một chiếc xe đạp thồ. Phía bên hông mỗi chiếc xe đạp thồ còn có treo một bức tranh vẽ ba chữ Tân Thành Ban to tướng với khuôn mặt ông Hoành bà Hoành. Chiếc xe đạp bên con Quế Tiên có bức tranh ghi tên tuồng hát Ngũ Hổ Bình Nam với khuôn mặt Địch Thanh và công chúa Trại Ba. Anh Đệ đưa cho Thạc cái trống cơm và hai cái dùi rồi dặn dò:

– Mi nhớ đánh liền hồi nghe, tum tum tum cho thật xôm trò.

Rồi anh xoay qua phía con Tiên đưa cho nó một xấp giấy chương trình:

– Còn mi rải giấy. Nhớ lên chợ Cẩm Khê đông người hãy rải.

Anh Đệ cầm cái loa bằng thiếc có cái miệng to, nói lớn:

– Thôi mình đi.

Thạc bắt đầu gõ trống cơm, tum tum tum. Tiếng trống lan ra nhanh theo gió. Mọi người có nhà bên đường tỉnh lộ nghe tiếng trống đều đổ ra, đứng dọc hai bên đường nói năng chỉ chỏ. Tum tum tum. Anh Đệ bắt đầu phát loa “Kính thưa quý bà con cô bác. Tối nay đoàn hát bộ cải lương Tân Thành Ban sẽ về hát ở xã nhà, kính mời quý bà con đến tham dự đông đủ, vở tuồng Ngũ Hổ Bình Nam…” Cứ mỗi lần anh Đệ nói một câu  thì Thạc lại đánh tum tum tum. Dân chúng hai bên đường đưa tay ngoắc ngoắc, miệng nói “Cho xin miếng giấy chương trình đi.” Con Tiên bên chiếc xe kia tay phát giấy mệt nghỉ. Những người dân chỉ chỏ, bình phẩm về khuôn mặt của hai đứa thật nhiều.

Cứ vậy, ba chiếc xe đạp thồ chạy trên đường tỉnh lộ. Anh Đệ phát loa, Thạc gõ trống cơm, con Tiên phát giấy. Ba người chạy xe hì hục đạp, thở phì phò, nặng nhọc, thế mà cũng gần hơn tiếng đồng hồ.

Xe chạy lên đến chợ Cẩm Khê thì vòng lại trở về, anh Đệ nói với ba người xe thồ:

– Thôi mình quay về đi mấy chú, về còn lo xuất hát nữa.

Khi trở về, người chạy xe thồ đạp nhanh, anh Đệ cũng thôi loa, chỉ còn thằng Thạc gõ trống cơm; còn con Tiên đã phát hết xấp giấy chương trình. Hai đứa khát nước đến khô cổ mà xe không dừng lại để tụi nó chạy vào nhà dân xin nước lạnh uống cho đỡ khát.

Đoàn quảng cáo trở về khu sân vận động. Anh Đệ bảo hai đứa:

– Hai đứa mi vô rửa mặt đi rồi về, tối lên đây tau dẫn vô coi.

Hai đứa chạy lại lu nước múc nước uống no một bụng rồi mới rửa mặt. Thạc phải kỳ cọ lâu lắc son phấn mới tan hết. Thạc nhìn con Tiên cười, con Tiên cũng cười lại rồi nói:

– Tối mi đi coi hát, mi lên rủ tau đi với nghe Thạc.

Thạc nghe trống ngực mình đập thình thịch, nó nhìn thẳng vào mặt con Tiên. Lần đầu tiên nó dám nhìn thẳng vào mặt và được nói chuyện với con Tiên, Thạc lúng túng quá, nó đáp lại:

– Ừ, tối nay tau đợi mi ở đường rầy nghe.

Tiên vẫy vẫy tay:

– Nhớ nghe Thạc, đợi tau khoảng bảy giờ.

Về đến nhà, Thạc thấy lòng vui như mở cờ trong bụng. Nó lấy nước lạnh tấp lên đầu rồi lấy tay vuốt tóc cho ngược về phía sau. Nó lục lấy cái quần sọt màu xanh mẹ nó mới may để dành bận đi học và cái áo sơ mi trắng ngắn tay ra bận. Lần đầu tiên nó hẹn với đứa con gái được tiếng là đẹp nhất trường, nó thích lắm. Thạc đi lên đi xuống hỏi giờ “Mấy giờ rồi cha?”, cha trả lời “Sáu giờ rưỡi, mi làm chi mà hỏi giờ, lính quýnh như gà mắc đẻ vậy?” Thạc trả lời cha “Con đi coi hát chứ chi”.

Thạc đi lên chỗ đường rầy xe lửa. Chắc còn cũng mười phút nữa mới đúng bảy giờ, thật là con gái chuyên môn đi trễ, sao không hẹn sáu rưỡi có được không. Đi trễ thế này thì vào rạp làm sao có ghế mà ngồi. Nó lầm thầm trong bụng. Nhưng ô kìa, con Quế Tiên đang đi ra từ  ga xe lửa, nó bận đồ bộ màu tím hoa cà trông dễ thương chi lạ. Vừa thấy bóng con Tiên, Thạc ngoắc tay lia lịa:

– Mau lên Tiên, sao mi đi trễ vậy?

Con Tiên vểnh môi:

– Mới bảy giờ kém mười mà trễ chi.

Hai đứa cùng đi bộ lên sân vận động. Tiếng loa phóng thanh đang mở hết âm thanh một đoạn cải lương nghe rất mùi.

Hai đứa đi đến sân vận động thì đã thấy dân chúng tụ tập đông nghit, người ở đâu mà tụ về lắm thế. Khu bán vé nằm phía ngoài rạp hát, được dựng bằng những cây tre, chia thành hai cửa thông vào trong rạp. Chỉ có một đường duy nhất nối từ ngoài vào cửa bán vé, mua vé xong thì đi thẳng vào cửa có một nhân viên đứng kiểm soát. Dân chúng sắp hàng nối đuôi nhau cả một đoạn dài, họ lấn lướt nhau, chen lấn la hét om trời. Thạc và Quế Tiên đưa mắt tìm anh Đệ nhưng không thấy anh đâu cả, ảnh hứa bảy giờ lên đây ảnh sẽ dẫn vô mà ảnh đâu rồi, hay ảnh quên hai đứa cũng nên? Hai đứa lúng ta lúng túng, chạy chỗ này chạy chỗ kia tìm anh Đệ mà tìm hoài chẳng thấy bóng dáng tăm hơi. Bí quá, Thạc bèn nói với Quế Tiên “Mình phải sắp theo hàng rồi vào nói với người soát vé chắc được.” Không còn cách nào khác, con Quế Tiên đồng ý, hai đứa đứng vào hàng.

Càng gần đến giờ mở màn, khán giả kéo đến càng đông, họ lấn lướt nhau quá. Thạc thấy vậy bèn kéo cho con Tiên đứng trước và nó đứng sau bảo vệ. Đàng sau, một đám con trai cao hơn nó một cái đầu đang cười nói hô hố. Tự nhiên nó cảm thấy mình có bổn phận bảo vệ con Tiên hơn nữa, nên nó đứng sát vào con Tiên để đám thanh niên đứng đằng sau đừng xô đẩy xấn tới. Lúc này, dòng người như một dòng thác chảy ùn ùn. Thạc đứng sau con Tiên nghe cả mùi thơm của mái tóc mới gội, của cái đầu và bờ vai thon nhỏ. Một cảm giác lâng lâng làm nó nóng rang cả người. Phía sau, đoàn người vẫn chen lấn hung bạo, nên thân người Thạc ấn sát phía sau con Tiên. Con Tiên đang ở thế tiến thối lưỡng nan, tới không được mà lui cũng không được đành đứng im chịu trận. Con Tiên cảm thấy có cái gì cưng cứng từ phía thằng Thạc đụng vào mông nó, thật là lạ kỳ, nó thẹn thùng mắc cỡ quá nhưng không biết làm sao. Nó nói trong hơi thở gấp gáp “Thạc, mi xích ra chút đi, làm gì đụng sít rịt tau vậy?” Thằng Thạc đỏ mặt tía tai, nó muốn nhích ra xa nhưng dòng thác người phía sau đang ép nó quá, nó biết làm sao hơn!

Bỗng có tiếng anh Đệ từ phía trong vọng ra:

– Ê, Thạc Tiên, hai đứa vô đây, xin bà con đứng dang ra chút cho hai đứa trẻ này vào trong.

Dòng thác người từ từ lỏng ra một chút, hai đứa thoát vào trong được, thiệt là hú hồn.

Anh Đệ dẫn hai đứa vào trong, cho ngồi trên một chiếc ghế gỗ dài, cách không xa sân khấu mấy. Thằng Thạc há hốc mồm ra nhìn sững lên sân khấu khi tiếng kèn đồng, tiếng trống, tiếng đờn độc huyền, tiếng phèng la, chập chõa, rồi tiếng trống chầu lớn “bùm bùm” nổi lên. Bức màn nhung đã mở, Tống Địch Thanh oai hùng cỡi ngựa (roi) phóng ra. Hai đứa há hốc miệng ra mà nhìn chòng chọc lên sân khấu không chớp mắt, bàn tay thằng Thạc con Tiên lồng vào nhau lúc nào chẳng hay.

Hai đứa chưa nói gì với nhau cả, nhưng trong lớp học, tụi nhóc bạn đã đặt ra những câu vè “cắp đôi”. Bài vè được đọc vang vang khắp hang cùng ngõ hẻm, làng trên lan xuống xóm dưới, khiến hai đứa đi đâu cũng “dị òm” đỏ mặt tía tai:

Câu vè rằng:

Thằng Thạc cùng với con Tiên
Bỏ trường đi hát cải lương ông Hoành
Đi qua đi lại loanh quanh
Con Tiên thằng Thạc trở thành một đôi.

hay:

Thờ (Th) với Tờ (T) là đôi bạn thân thiết

Ngoéo ngón tay cùng viết bài thơ.

Lời vè dùng đủ mọi thể loại, thơ còn dài, không sao kể hết…

Chớp mắt một thời. Một thời là ba bốn mươi năm bay vèo qua cái rụp. Ngoảnh đầu nhìn lại ai cũng ở tuổi trung niên. Với Thạc, một thời tuổi thơ đi qua như cơn gió thoảng. Một thời thanh niên đạn bom, gai lửa, tù đày. Rồi, “đời biển dâu nên anh phải trôi dạt quê người.”

Còn Quế Tiên thì “nhảy núi” về với khu rừng Tây Lộc. Rồi vào du kích, đi bắn sẻ, đào hầm chông, gài lựu đạn, đặt mìn, phải luôn luôn tránh “pháo bay, bom chùm” nhưng không thoát khỏi.

Bây giờ Quế Tiên đang ngồi kia, khuôn mặt đờ đẫn, héo hắt. Cặp mắt chỉ còn hai cái rãnh, sâu hoắm. Đôi mắt đang nhìn vào khoảng không, chắc là nó không thấy gì, ngoài bóng tối.

Thương quá, Quế Tiên!

TYH