Năm Con Rắn sắp bắt đầu, đến thay thế cho Con Rồng linh thiêng. Chuyện rắn thì có nhiều, từ thần thoại các nước trong buổi sơ khai của nền văn minh nhân loại, cho đến truyện truyền kỳ trong các tôn giáo, nhiều chuyện quý bạn đã nghe rồi. Ở đây, xin nói ít giòng về tục thờ rắn ở Ấn Độ.

Lễ hội Naga Panchami
Thờ rắn chắc bắt nguồn từ lòng sợ hãi của con người đối với loài bò sát này. Tuy nhiên, trong văn hóa của Ấn Độ, rắn chiếm một vị trí nổi bật. Thần thoại Ấn Độ có nhiều chuyện kể, nhiều ngụ ngôn về rắn, và có lẽ quan trọng nhất là con rắn Sheshnaga của Thần Vishnu. Thần ngả đầu trên con rắn nhiều đầu này để ngủ trên đại dương.
Ở Ấn Độ, rắn được thờ trong những ngôi đền lộng lẫy. Hằng năm, người Ấn tổ chức các lễ hội mừng rắn, quan trọng nhất có lẽ là Naga Panchami.
Lễ hội Rắn (Naga Panchami)
Naga Panchami là một lễ hội được tổ chức khắp nơi trên đất Ấn. Theo âm lịch (dựa trên mặt trăng) của Ấn Độ, lễ hội này được tổ chức vào ngày Panchami (ngày thứ 5) trong tháng Shravan, tức là một ngày trong Tháng 7 hoặc Tháng 8 theo lịch Tây phương. Năm 2013, lễ sẽ được tổ chức vào ngày 11 Tháng 8.
Vào ngày Naga Panchami, các cô gái đã có chồng thường về thăm cha mẹ. Còn nông dân không ra đồng cày cấy trong ngày này.
Da của rắn được bao bọc bằng vảy. Cả lớp da bên ngoài đều lột đi theo một chu kỳ và do đó người Ấn tin rằng rắn bất tử. Người ta đến đền thờ rắn, dâng cúng sữa và nữ trang bằng bạc cho thần Cobras (Rắn Mang Bạnh). Họ tin rằng rắn gìn giữ họ khỏi điều dữ. Có người đem đặt chén sữa nhỏ và hoa gần hang rắn ở. Nhiều người khác ăn chay vào ngày lễ hội Naga Panchami.
Có một số truyện truyền kỳ liên quan đến Naga Panchami. Một truyện kể rằng một nông dân trong khi cày ruộng vô tình giết chết mấy con rắn nhỏ. Mẹ rắn trả thù bằng cách giết chết cả gia đình ông, chỉ trừ đứa con gái. Cô bé cầu khẩn Thần rắn Nagas và vì lòng thành khẩn, cả nhà nàng được sống lại. Người ta tin rằng gia đình nào có lòng sùng bái rắn, nó sẽ không cắn ai trong gia đình. Cũng vì chuyện này mà nông dân không ra đồng cày cấy trong ngày Naga Panchami.

Thần Vishnu
Một truyện truyền kỳ khác cũng liên quan đến lễ hội. Một hôm Thần Krishna lúc còn trẻ tuổi đang chơi đùa với các bạn gần sông Yamuna thì trái banh vướng vào một cành cây trên cao. Krishna tình nguyện trèo lên cây lấy banh xuống. Bên dưới cây, có con rắn Kaliya dữ dằn thường sống dưới sông. Krishna đang trèo thì từ cây rơi xuống sông. Rắn tức giận xông tới, nhưng Krishna đã kịp thời nhảy lên đầu nó. Ác chiến một hồi, rắn phải xin Thần Krishna tha cho nó. Krishna cho rắn đi nhưng buộc nó hứa không được hại người ta nữa.
Kể từ đó, trong ngày lễ hội Naga Panchami, người ta cũng tưởng niệm chiến thắng con rắn Kaliya của Thần Krishna.
Ngôi đền nổi tiếng thờ rắn tọa lạc tại thành phố Mysuru, trong tiểu bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ. Đền xây tại một nơi gọi là Subramania. Địa danh này còn là tên của con rắn khổng lồ mà Thần Vishnu tựa mình khi ngủ trên đại dương.
Người miền Tây Bengal và các vùng Assam, Orissa còn thờ nữ thần Manasa. Theo truyền thuyết, bà là em của Vasuki, vua của loằi rắn, và là vợ của nhà hiền triết Jagatkaru. Dân Ấn tin bà phù hộ trong trường hợp bị rắn cắn. Ngoài ra bà còn giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được có con cái và cho dân chúng được làm ăn thịnh vượng.