Mùa Đông năm rồi, hai tay săn ảnh chúng tôi đã “thiên di” ngược về hướng Bắc, đến tận miền Bắc Canada với những cánh đồng băng tuyết mênh mông chỉ để chụp hình mấy con chim Cú di trú, thật không thích thú bằng mùa Đông năm nay đi về Miền Tây Hoang Dã với phong cảnh quá sức hùng vĩ, đầy chất lãng mạn. Nơi đặt chân đầu tiên là Kinh đô Ánh sáng với hàng triệu ngọn đèn thắp lên hàng đêm. Từ đây chúng tôi lấy xe đi vào… nơi hoang dã…

Antelope – Những tầng sắc màu
Sớm Đông. Thị trấn Page hiển hiện giữa lãng đãng mù sương; an tường và bình đạm như một con nước trôi ngang dòng đời…
Chúng tôi gặp Bigthumb, tay tour guy gốc da đỏ Navajo. Chiếc truck tốc bụi đỏ. Cát gió sa mạc khô cằn. Con đường đất giồng xốc. Trên băng ghế sau lưng tài xế Bigthumb, hai lãng tử bị tung hứng, mệt nhừ. Bigthumb nói tiếng Anh chuẩn mực; ông tự hào giới thiệu “I am 100% full blooded Indian. Tôi là 100% gốc da đỏ thuần chủng”. Ông kể, thuở nhỏ chỉ thạo tiếng thổ dân Navajo. Bigthumb đầy vẻ ấn tượng khi được biết chúng tôi là những tay chụp ảnh chuyên nghiệp thú hoang dã. Câu chuyện mở đầu rất hào hứng về loài đại bàng ở vùng sa mạc Navajo. Đề tài thú hoang dã dẫn tới lãnh vực thờ phụng. Tôi hỏi Bigthumb về ý niệm này. Ông nói, thiên nhiên luôn tràn đầy sinh lực và chất chứa những quyền lực thiêng liêng.Và dù là loài vật hay cây cỏ, thường là những linh vật gắn liền với tâm linh của các bộ tộc Da đỏ. “Bộ lạc Navajo có thờ phụng đại bàng?” Tôi thắc mắc. Ông gật gù, và kể rằng bộ tộc Navajo sùng kính và thờ phụng loài chim đại bàng như một linh vật. Thổ dân đã dùng những đốt xương ống rỗng của Eagles để làm còi tù và. Người bộ tộc của ông không thờ phụng Coyote là một loài chó sói vì nó chỉ đem đến những điềm gở. Bigthumb theo học chương trình nghiên cứu động vật học ở đại học Utah. Và dẫu “văn minh hóa” nhưng ông vẫn luôn duy trì văn hóa chủng gốc.

Tác giả và Bigthumb trước cửa hang động Antelope Canyon. “Không thể rời Antelope mà thiếu hình tui trong đó nha!”, lời của Bigthumb
Tôi hỏi ông có tin vào những điềm gở của loài sói Coyote không. Ông kể, đã chẳng mấy tin cho đến khi nó xảy đến với chính ông. Một ngày trên đường lái xe từ La Kansas về Arizona, ông đã trông thấy loài sói Coyote. “Tôi thực sự không may. Gặp một con đã xui, tôi gặp tới ba. Và sau đó, xe chạy thêm vài cây số nữa, trật tay lái lủi xuống vực.”
Bộ tộc Navajo giải hóa những điềm gở bằng phấn (corn pollen) của loài chim ruồi Hummingbird. Sau cái tai nạn xém chầu diêm vương, Bigthumb hóm hỉnh rằng cái “bửu bối” chim ruồi luôn treo lủng lẳng trước gương chiếu hậu của tay tour guy gốc da đỏ.
Chiếc xe rẽ vào con đường đất đỏ bụi. Bigthumb cho biết đã vào vùng đất thiêng của bộ tộc Navajo. Antelope Canyon, cái tên đã trở thành “nỗi ám ảnh ngọt ngào” của ký ức tuổi thơ tôi. Đó là một tấm ảnh nghệ thuật chụp quang cảnh hang động nổi tiếng thế giới Antelope Canyon. Lúc vừa qua Mỹ, bức ảnh ấy được treo trên một góc tường trong căn phòng anh tôi. Tôi ngơ ngẩn và hỏi xin anh để được sở hữu cái “tác phẩm nghệ thuật” độc đáo ấy. Đam mê tôi, chẳng như ngọn gió, không như lá cỏ mà cuồn cuộn, day dứt nỗi ám ảnh về vùng đất huyền bí ấy. Và khi lần đầu đặt chân đến Antelope, tôi dường như chếnh choáng say. Như đã bao lần mơ; và một ngày, tôi nơi đây – tĩnh lặng trước một vẻ đẹp đến nao lòng, đến mê hoặc tâm thức.

Xe chở du khách của Antelope Canyon
Một cú va chạm vào thành xe đến điếng đầu. Tôi chợt tỉnh hẳn cơn mê ký ức. Andy hỏi Bigthumb về lễ hội truyền thống của bộ tộc Navajo. Ông nói: “Những gì bạn nhìn thấy trên phim ảnh tư liệu chỉ là những cảnh dựng ‘set up’ của mấy tay đạo diễn Hollywood. Bộ tộc Navajo chúng tôi không cho phép người lạ tham dự ngày lễ hội thiêng liêng này.” Và rồi ông dẫn dắt câu chuyện sang một đề tài khác.
Ông kể, Thế chiến thứ II, chú ông là một code talker – chuyên viên thông dịch mật mã cho Mỹ. Cách hiểu biết của thổ dân Navajo khá gần gũi với đời sống thiên nhiên, chim thú. Người Mỹ đã sử dụng ngôn ngữ của thổ dân Navajo để mã hóa những từ ngữ quân sự. Ví dụ: Đa-Di-Ti-Hi (tiếng da đỏ) là chim hummingbird; để chỉ một loại chiến đấu cơ Fighter Plane. Xe tăng được mã hóa là Chê-Đi-Gha- Hi, vì Chê- Đi Gha- Hi thổ ngữ Navajo là con rùa; vì rùa có áo giáp cứng và chậm chạp. Tôi ngồi nghe, khoái chí ghi chép thêm vài mật mã nữa. Thú vị với Ài-Gi-Zi = cái trứng chim; có nghĩa là bomb. Mật mã thế này, Nhật “điếc” là cái chắc!

Andy Nguyễn ở một góc cạnh trong hang động Antelope
Nửa giờ đồng hồ với tour guy Bigthumb, vẫn rất hữu ích hơn gu gồ mấy cái thông tin hời hợt trên net.
Navajo là bộ lạc da đỏ lớn nhất còn lại. Lãnh thổ gồm nhiều vùng Arizona, Utah, Colorado… Nước và gió. Qua hàng triệu năm, xói mòn tạo ra những “khe” dài. Antelope mang nghĩa là Sơn dương. Vùng sa mạc này có rất nhiều Sơn dương. Bigthumb kể, mỗi sớm ông thường lùa đàn sơn dương khỏi hang. Đông hay Hè, loài động vật bốn chân luôn chui rúc vào hang tìm chỗ ngủ. Hẻm hang Antelope, vài đoạn hẹp chiều ngang chỉ đủ một người qua lọt. Mùa Hè thường là lũ. Lũ từ vùng núi cách 4, 5 dặm đổ xuống, luồn vào hẻm hang. Nước dâng cao quá đầu người. Thành hang hẹp, nước ngập không thoát kịp. Bigthumb kể vào năm 1997, đã có 11 du khách bỏ mạng vì không chạy kịp khi lũ núi tràn về. Cứ vài năm tai nạn này lặp lại.
Tiếng sáo của Bigthumb bất chợt vi vút và len lỏi giữa những thành đá. Âm vực trầm bổng như những âm cảm của linh hồn Navajo.

Hai giờ đồng hồ tour. Trên xe, tôi bật cười khi nghe Andy hỏi BigThumb về cái túi bột phấn Hummingbird. Rời Antelope. Tôi chụp cái bảng info trong xe “Gratuity Appreciated”. Du khách mọi sắc dân, ai cũng chụp cái bảng info này. Tiếng Việt thì có “Chấp nhận tiền tip!” Tôi buồn cười và biết chắc người dịch là Mr. Gú Gồ.

Dân Châu Á du lịch ngày càng nhiều. Bigthumb cho biết các channel du lịch của Nhật đến Antelope quảng bá những thước phim tư liệu về Antelope. Và đây cũng là vùng đất mơ ước của những nhiếp ảnh gia khắp thế giới.
Một lần, tôi đến Antelope vào giữa Hạ, cái nắng luồn qua những khe hở hang động; sắc độ ánh sáng chuyển đổi từ tím sang cam, vàng. Đẹp mê hoặc. Mùa Đông này im ắng nắng. Hẻm hang mang vẻ u tối, thiếu đi cái sắc màu huyền hoặc kia.
Dẫu vậy, tôi vẫn chợt cảm cái màu nắng Đông nhạt giữa sa mạc xơ xác gió.

Website: www.hanhphoto.com