Lào Cai những ngày cuối Tháng Chạp, khi cái rét đã làm chết nhiều trâu bò thả rong, làm đông cứng nụ cười sơn nữ H’Mông thì mùi Tết, màu Tết bắt đầu ồn ào trong các phiên chợ đầy ắp váy áo, vòng bạc, trái cây made in China.

Nguồn: allpointseast.com
Còn mùi người, ngửi nhờ cái mũi dân du lịch ba lô thì, ‘nó là cái mùi khói khô khô khét khét toát ra từ tóc và áo váy của những người lấy lửa thay nước tắm rửa giặt giũ hàng ngày’. Với kẻ viết bài, màu Tết vùng cao không phải màu hoa đào như sách báo miền xuôi hay tả, mùi người vùng cao cũng không chỉ là mùi khói khét như anh Tây ba lô phát hiện, mà ít thi vị hơn, nó là cái mùi nghèo đói, biến thành mùi ma lanh, ba trợn.
Căn cứ vào lực lượng cửu vạn ngày đêm ‘đánh’ đủ thứ gà già hết ‘đát’, pháo lậu, quần áo, thực phẩm khô, hóa chất phụ gia, từ bên kia biên giới về. Mỗi đêm, nếu không bị công an ‘vồ’, một người có thể kiếm 100,000 đồng tiền công. Ngày nghỉ, đêm đi, nhờ sự thông thạo địa hình, đàn bà đàn ông H’Mông kiếm tiền dễ hơn đi đào măng, săn thú, làm nương. Việc tỉ mẩn bỏ cả tháng trời ngồi dệt áo váy cho mình, không nhiều phụ nữ H’Mông làm nữa. Trừ khi làm cho khách xem các công đoạn hình thành tấm váy, còn các bà các chị hay đốt giai đoạn se sợi, nhuộm sợi bằng cách mua sợi Trung Quốc nhuộm sẵn. ‘Đốt’ hơn, nhiều thiếu nữ H’Mông ‘khai tử’ khung cửi truyền thống, mua hẳn váy áo may sẵn của Trung Quốc mặc. Chỉ mất 200,000 đồng, được ngay một bộ đẹp rực rỡ. Những ‘mỏ bạc di động’ kiêu hãnh trên người gồm vòng tai, vòng trán, vòng cổ, vòng tay chân, vòng lưng vốn nặng nề, dầy cộm trước đây, bây giờ được thay bằng những bộ trang sức mạ bạc sáng bóng, nhẹ hơn, nhiều kiểu, nhiều cỡ hấp dẫn hơn, giá cũng chỉ ‘bằng con lợn cắp nách’. Cứ bỏ tiền ra, chợ nào cũng ối hàng trang sức giả đồng, giả bạc, tha hồ chọn lựa.

Trạm kiểm soát biên giới Hà Khẩu, Lào Cai, nơi lượng hàng tiểu ngạch nhập hợp pháp từ Trung Quốc về Việt Nam những ngày cận Tết tăng mạnh.
Sáng Chủ Nhật, trong Nhà Thờ Đá tại trung tâm huyện Sapa – tỉnh Lào Cai, các giáo dân người Kinh, người dân tộc chen vai thích cánh dự lễ. Với khách lần đầu lên Sapa, không thể phân biệt người dân tộc thiểu số nào với người dân tộc thiểu số nào, nếu không căn cứ vào trang phục. Đại khái phụ nữ, sẽ là phụ nữ Dao, nếu mặt mũi nhẵn thín (lông mày cạo, tóc trước trán cạo). Sẽ là phụ nữ H’Mông đen, nếu áo váy đen, thêm mảnh vải quấn chân cũng đen. Sẽ là phụ nữ H’Mông hoa, nếu mặc váy thêu họa tiết sặc sỡ. Sẽ là phụ nữ H’Mông đỏ nếu áo váy nhiều màu đỏ. Còn ‘phụ nam’, không dễ phân biệt ‘phụ’ nào với ‘phụ’ nào vì hầu hết đều mặc áo dài đen, quần ống hẹp màu đen, đội mũ chỏm hoặc bê rê. Trong thực tế, do nhu cầu giao tiếp, người dân tộc, nhất là người trẻ, khi ‘xuôi’, cũng mặc quần ‘bò’, áo phông, đeo đồng hồ, kính mát, bấm mobile phone như dân Hà Nội chính tông. Còn quần áo dân tộc thiểu số, chỉ mặc trình diễn thời trang, thi hoa khôi, hát múa trên sân khấu, làm dịch vụ homestay, hay bán dạo trên phố vào mùa du lịch. Về vụ này, xin có lời cảnh báo bà con ở xa lên Sapa chơi, rằng thì là, mỗi khi giơ máy ảnh chụp một đồng bào dân tộc nào, phải… hỏi giá cẩn thận, để tránh bị đòi tiền dai dẳng sau đó. Vào chợ, xuống ruộng bậc thang, ngồi quán cơm lam thịt nướng… đều đừng tiện miệng hỏi giá (dĩ nhiên giá rất trên trời) nếu không thực sự muốn mua bán.

Trẻ em người H’Mông hoa bán hàng rong ở Bãi Đá Cổ
Trời mùa Đông, tầm 5 giờ chiều đã sương phủ mịt mù, xe lưu thông vòng vèo trên những đường dốc quanh co, khuất tầm nhìn, đều phải bật đèn pha. Nhà cửa quán xá, người đi kẻ lại phút chốc ‘mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm’. Rét từ trong ruột rét ra, răng đánh đàn, môi phập phù, mũi tóe khói… Cơ mầu này, không về khách sạn thì chỉ có kiếm chỗ đặc sản bù khú bạn bè. Riêng mục đặc sản, cũng cần nói thêm: Lào Cai giáp Trung Quốc, có tới 27 dân tộc chung sống, trong đó có vài tộc bắt nguồn từ Trung Quốc, sang Việt Nam lập nghiệp lâu đời, mang theo văn hóa ẩm thực độc đáo. Trải qua quá trình cộng cư, văn hóa ẩm thực của họ pha trộn với văn hóa ẩm thực bản địa, thành một thứ ‘không ta không tầu, cũng không hẳn ngon, nhưng lạ’ tỷ như món thắng cố (nấu bằng thịt và phủ tạng ngựa hoặc trâu bò), lợn cắp nách quay (gọi là lợn cắp nách vì lợn nuôi thả rong, chỉ chừng hai chục cân đổ lại. Khi đem bán, từ núi cao xuống chợ, để ‘gọn chuyện’ chủ lợn thường cắp luôn con vật vào nách đi cho nhanh, thay vì để chúng tự đi lâu lắc).

Thắng cố, món ăn phổ thông, khoái khẩu của người H’Mông, người Dao, người Tày ở Lào Cai
Trên phố Sapa, quán ăn san sát. Quán nào cũng dựng bảng đặc sản để câu kéo khách phương xa. Kinh nghiệm xương máu cho biết dựng bảng không có nghĩa là có hàng, càng không có nghĩa là biết nấu món có tên trên bảng. Người địa phương nói thẳng ‘Họ có ‘đường dây’ hết’. Khách gọi món nào, sẽ cho xe đi lấy, bê về. Nếu khách đông, phải đặt trước, ‘bên kia’ đổ quân sang nấu nướng, ăn công. Muốn món cao cấp như cá hồi, cá tầm phải vào những khách sạn nhà hàng to, mà cũng phải đặt trước (cá hồi không thể nuôi trong bể của quán. Khi có nhu cầu sẽ lên trại nuôi cá hồi mua cá sống về làm. Cả đi cả về, mất hai giờ đồng hồ). Nghĩ cũng khổ! Tình hình kinh tế năm Rồng khó khăn, người đi chơi ít. Người mở quán không thể mổ một con lợn, quay lên, để hàng tuần không bán được miếng nào, phải đổ bỏ, lỗ vốn. Hình thức ‘a lô’ giữa các quán, giúp san sẻ lợi nhuận, giữ chân du khách, âu cũng là kiểu làm ăn con nhà nghèo.
Ngồi trong quán, ăn những món ‘chỉ có cái tên là hay’, nhìn ra ngoài vẫn thấy những bà già H’Mông ngồi trước quán ăn với mớ hàng hóa rẻ tiền, chờ bán cho khách chơi đêm về muộn. Trên thềm nhà thờ đá, ngày Chủ Nhật, vẫn lác đác người dân tộc đàn hát, nhảy múa giữa vòng khách du lịch chụp ảnh, quay phim. Một chị bán ngô nướng trên tam cấp nhà thờ kể rành rẽ ‘Chợ tình Sapa là cái tích hồi xưa. Lúc trai gái các bản xa phải đi bộ từ ngày hôm trước để kịp có mặt ở chợ phiên buổi sáng hôm sau. Ban đêm, ngủ lại chợ, họ trò chuyện, rồi quen nhau, hát đối đáp, hẹn hò. Đám hát ấy, trước tiên từ người H’Mông, rồi sau các dân tộc khác cũng hát. Toàn nam nữ trẻ trung tình tứ. Nhờ hát mà vui, quên đường xa, quên đêm dài. Nhờ hát mà có tình cảm yêu đương, thành chồng vợ. Hát trước khi họp chợ, hát ở nơi họp chợ, nên gọi luôn là chợ tình. Chợ tình Sapa vui và lành mạnh, không đau khổ đứt ruột đứt gan như chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang. Hiện nay, bị du khách tò mò ‘săn bắt’, bị ngành du lịch coi là đặc sản văn hóa, cần phát triển, người dân tộc thiểu số không còn hát thật nữa, chỉ ‘hát lấy tiền, diễn cho vui’. Không tin, cứ cho họ rượu, cho họ tiền họ sẽ bật cát sét thu sẵn bài hát, rồi múa một mình, hoặc hai ông già, hai thanh niên ôm lấy nhau, nhảy nhót như đôi gà trống. Phụ nữ không múa thế đâu. Ngượng mà’.

Nhà Thờ Đá, nằm ngay trung tâm huyện Sapa, là nơi người dân tộc thiểu số quen tụ tập bán hàng.(Trong ảnh, khá đông thiếu nữ người H’Mông đen)
Trong cái lạnh xấp xỉ 3 độ C, Sapa thu mình giữa chập chùng thung lũng, núi đồi như con mèo nằm bếp tro xấu xí. Xa xa đỉnh Fanxipan cao 3,142m mờ xanh trong mây. Đường tới thung lũng Mường Hoa, nơi có ruộng bậc thang, Bãi Đá Cổ, Cầu Mây cũng một màu xanh xám vì lúa đã thu hoạch xong, rau mầu không trồng được, ruộng chỉ để ‘nhìn chơi’. Muốn thấy màu Tết của người dân tộc, phải chờ ra Giêng, lúc Tết Nhảy của người Dao, lễ Gầu Tào của người Mông, hội Lồng Tồng của người Tày đồng loạt bung xòe như hoa mùa xuân. Còn bây giờ, khi bài này tới tay độc giả, Lào Cai đang ồn ào, rậm rịch ăn hàng, đánh hàng Trung Quốc. Ngày đêm, trong những cánh rừng dày, vẫn là những bàn chân leo thoăn thoắt của cánh cửu vạn, những đôi mắt căng ra rình rập của công an cửa khẩu. Còn màu hoa đào Sapa đâu, chưa thấy!