Menu Close

Mùa cúm

Câu hỏi và giải đáp: đây là một số thắc mắc về cúm. Các câu trả lời là của Bs. Marc Siegel, giáo sư trường Đại học và giám đốc Doctor Radio tại NYU Langone Medical Center, và là tác giả nhiều cuốn sách về y học.

alt

1. Nhiều người đã chích ngừa cúm rồi mà vẫn bị bệnh cúm là tại sao?

Họ không bị cúm đâu. Chuyện này không thể xảy ra vì khi chích ngừa cúm, người ta dùng các vi khuẩn cúm đã chết đưa vào cơ thể bạn để giúp bạn được miễn nhiễm. Virus đã chết rồi không thể làm bạn bị bệnh. Có chăng là bạn bị một loại phản ứng nhẹ đối với liều chích ngừa, gây ra sổ mũi, sưng và nhức bắp thịt một thời gian ngắn, có khi bị sốt nhẹ. Một loại thuốc chích mới gọi là Flu Mist, dùng các virus đã làm cho yếu đi rất nhiều, cũng không làm cho bạn mắc bệnh.

2. Tôi nghe rằng chích ngừa cúm chỉ bảo vệ được khoảng ba tháng. Vậy nếu năm nay tôi đã chích sớm rồi, có cần chích thêm lần nữa để có hiệu quả cho cả mùa cúm hay không?

Đúng ra là một liều thuốc ngừa cúm có hiệu lực tới 9 tháng, do đó nếu bạn đã chích hồi tháng 9 năm rồi thì nó còn hiệu quả cả mùa cúm này. Chúng tôi chỉ chích liều thứ hai cho các em còn rất nhỏ hoặc đôi khi cho các vị khá nhiều tuổi để tăng cuờng sức miễn nhiễm cho họ.


3. Nếu tôi đã bị cúm rồi, nay chỉ còn ít cơn ho dai dẳng, tôi có cần chích thuốc ngừa cúm hay không?

Vẫn cần, vì chúng tôi không biết bạn đã bị loại cúm nào. Hơn nữa, chúng tôi muốn bảo vệ bạn khỏi mắc phải loại cúm H3N2 là thứ cúm năm nay đang hoành hành, mà không rõ có phải là thứ cúm bạn đã mắc phải rồi hay không.
 

4. Nếu tôi rất khỏe mạnh thì tại sao tôi lại cần chích ngừa cúm?

Trước nhất, vì chủng ngừa rất an toàn nên không có lý do gì mà không chích. Hai nữa, tuy khoẻ mạnh, bạn vẫn có thể bị cúm và bị nặng. Và có bằng chứng cho thấy rằng tuy không hoàn toàn có hiệu lực ngăn ngừa được bệnh, nhưng thuốc chủng có thể làm giảm đi bệnh trạng nếu bạn mắc phải.
 

5. Tôi quan ngại về chất thuỷ ngân trong nhiều liều thuốc chích ngừa cúm.

Thimerosal là chất bảo quản giúp cho thuốc chủng ngừa không bị nhiễm vi khuẩn, nhưng chưa bao giờ chứng tỏ đã dẫn đến chứng tự kỷ (autism). Các cuộc nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua đã kết luận như thế.
 

6. Tôi bị dị ứng với trứng mà vẫn muốn chủng ngừa cúm. Tôi nên làm gì?

Nên tham khảo với bác sĩ. Nếu bệnh dị ứng của bạn nhẹ thì có thể chịu đựng được. Ngoài ra, hiện nay có một loại chủng ngừa cúm gọi là mammalian cell flu vaccine, đã được cơ quan FDA chấp nhận. Bạn nên liên lạc với bác sĩ xem nơi bạn ở có loại thuốc chủng này không.

7. Tôi sợ đã mắc phải bệnh cúm rồi. Có nên đến phòng cấp cứu không?

Hiện tại, chúng tôi lo ngại về tình trạng đầy ứ của các phòng cấp cứu với những bệnh nhân mà thực ra chưa cần phải tới đó. Bạn nên coi kỹ các triệu chứng của bệnh cúm: đó là mỏi mệt, đau nhức các bắp thịt, sưng cổ họng, nhức đầu, nôn mửa, ho, chảy nước mũi. Nên đến phòng mạch bác sĩ trước.

Bạn cần đến phòng cấp cứu nếu không thể giữ được nước trong người, không thể giảm cơn sốt, hoặc có những tình trạng sức khoẻ mà bệnh cúm làm cho tồi tệ hơn như bệnh tim, tiểu đường. Cũng nên để ý tới vấn đề nhiễm trùng, như các bệnh sưng phổi (pneumonia) viêm cuống phổi (bronchitis), nhiễm trùng lỗ tai, thường đi kèm với cúm. Những bệnh này cần phải được cấp cứu hoặc nhập viện.

TM