Menu Close

Mưa trái mùa

Chúng tôi về Carmel cuối Tháng Tư. Biển toát ngời gió. Cát trắng phau in bóng chúng tôi và bóng bầy hải âu chao cánh. Tôi rúc mình vào vai anh. Chúng tôi cùng nhìn ra khơi nơi chân trời chạm đại dương không còn ranh giới. Tôi cũng muốn tôi với anh hòa vào nhau thành trời và nước, để không tách rời. Tôi vẫn chưa đủ can đảm ra biển một mình. Trái tim tôi rỗng. Tay tôi tê cóng. Anh chuyền cho tôi hơi ấm. Chúng tôi ngồi bên nhau trên cát.

Một chiếc tàu hiện lên ở đường chân trời. Tôi bật dậy. Không thể nào là chiếc thuyền đã đưa tôi đến đây. Thuyền vượt biên không kiên cố như vậy. Tôi thả người vào lòng anh, bồi hồi. Lịch sử đã sang trang. Thế hệ chúng tôi đi dần vào quên lãng. Sẽ chẳng còn ai nhớ đến “thuyền nhân” và “trại tỵ nạn” nữa. Đời con cháu chúng tôi sẽ chẳng còn biết đến những cuộc hành trình nguy nan tìm tự do. Hơn hai mươi năm trôi qua. Thời gian đủ dài để vùi tất cả. Giống cát đang lấp chân tôi và chân tôi đang lấp những lỗ còng nhỏ. Cái gì lớn hơn sẽ lấp những thứ bé. Định luật của tạo hóa, Thượng Đế sinh ra thời gian để xóa. Tôi phải quên. Tôi phải chối bỏ quá khứ của mình, như tôi bắt buộc phải chôn đi cảm giác êm ả của làn nước từng vờn lên da thịt như sóng lụa mềm. Tôi phải quên tôi đã từng bơi lặn vẫy vùng như chú rái cá. Tôi không còn bơi nữa. Nhưng mặt nước vẫn bám chân tôi như vòi bạch tuộc. Mặt nước ấp tôi như ấp cá. Mặt nước mài da thịt tôi cho trơn tuột, cho đến khi tươm nhớt, để tôi hóa cá, để vĩnh viễn ở lại đại dương. Nhưng tôi đã trồi lên, với môi cong muối biển, với tóc nồng mùi muối. Vì muốn sống. Và sống nên tôi nhớ.

Tôi vẫn chưa bao giờ quên.

o O o

Tôi thức giấc lúc sáu giờ sáng. Gian phòng mờ tối. Anh ngủ say, tay vẫn ôm lấy tôi như lúc tôi chìm vào giấc ngủ đêm qua. Không gian im lắng. Bầy chim sẻ chưa thức giấc. Chỉ có tiếng sóng đổ rào rạt ngoài bãi. Âm biển trầm bổng như một bản nhạc kỳ bí. Những âm điệu lạ lùng tôi vẫn chưa thể hiểu. Tôi vùi đầu vào ngực anh, hình dung đến những con sóng xám mênh mang vỗ vào bờ cát. Biển sáng nghe chừng dịu, sóng đều như nhịp tim anh đang đập thanh thản. Tôi không tin biển hiền đến thế. Biển trong tôi vẫn cuồng nộ. Sóng vẫn giận dữ bùng lên muốn cuốn tuột ra khơi. Tôi gỡ nhẹ tay anh, chuồi người xuống giường, mở cửa ra hiên. Tôi khép cánh cửa sau lưng, bước nhẹ trên sàn gỗ ướt. Bãi sớm chùng mây. Sương bay trắng xóa. Sương phả vào da tôi những hạt bụi nước li ti. Tôi nhoài người ra lan can, nhìn sâu vào biển. Chỉ là sự tưởng tượng của tôi. Nước êm. Biển không dậy sóng như ký ức tôi run sợ. Bầu trời xám nhòe ôm lấy mặt biển. Sóng chạy lăn tăn đuổi nhau vào tận bờ. Đợt này chưa xong, đợt kia đã đến. Những con sóng dài sủi bọt trắng xóa. Thủy triều vừa xuống, mặt cát mịn loang loáng in bóng chim biển lặng lẽ soi mình. Biển hiền thật. Buổi sáng bình yên như giấc ngủ ngon còn đọng trên rèm mắt. Tiếng chim líu ríu vừa cất lên trong vườn.

alt

Tranh: Thắm Nguyễn

Tôi rủ anh sang thăm Lisa. Biển dưới chân chúng tôi vẫn rì rào tình tự. Nắng sớm không đủ ấm. Tôi níu lấy tay anh tìm hơi ấm, tìm nơi bám víu, tựa như tôi sợ biển sẽ bất thần nổi cơn hồng thủy. Những cơn sóng đánh cao hơn triền dốc chúng tôi đang leo. Những cơn sóng đánh tan vòng tay thắt chặt. Tôi ôm rịt lấy tay anh như tôi đã từng níu một hơi thở giữa đại dương. Tôi biết anh hiểu, hiểu biển trong tôi vẫn cuồng nộ. Vì sao tôi không thể quên? Vì sao ký ức vẫn rít vào da, nén chặt vào tim óc?

Nhà Lisa nằm chênh vênh trên đầu ngọn dốc. Như con tàu nghếch mũi chực phóng xuống đại dương. Tơ nắng mềm rải sợi trên mái ngói. Tôi quay người nhìn xuống. Nước biển đã bắt đầu xanh. Những mảng màu xanh đậm nhạt loang lổ như da báo.

Chúng tôi bước vào cánh cổng gỗ gió đập phập phồng. Thanh gỗ chắn bạc phếch thời gian. Dây nhài trên vòm cổng thả hương dịu dàng. Tôi nới lỏng bàn tay đang nắm lấy anh. Cửa nhà không khóa. Như mọi lần, chúng tôi tự mở cửa vào. Lisa ngồi nơi góc phòng cho con bú. Tôi sà ngay đến bên cạnh. Thằng bé Tyler nằm trong lòng mẹ, đôi mắt lim dim, miệng mút sữa chùn chụt. Lisa cười, xin lỗi vì sự bừa bộn. Người đàn bà lần đầu làm mẹ chưa biết ổn định nhà cửa. Đứa con là trung tâm điểm. Giờ giấc của con định đoạt cuộc sống của mẹ. Tôi hôn lên đôi tay bé tí bụ bẫm của Tyler rồi vào bếp rửa giúp Lisa thau chén. Tôi mở cánh cửa sổ. Gió biển mát rượi ùa vào. Sóng vẫn ung dung. Tôi sợ những ngày biển lặng. Sóng êm êm nhưng đầy đe dọa. Giống con người biết dấu cơn thịnh nộ dưới nụ cười giả tạo. Biển cũng biết vờ vĩnh. Tôi sợ biển lặng. Thà biển cứ dậy sóng, cứ giận dữ thét gào, cứ bất thường như đàn bà tới thời mãn kinh. Tôi thấy mình bình tĩnh hơn khi đối diện với sóng dữ. Lisa không bao giờ phiền lòng vì tiếng sóng. Cô bảo tôi nghe sóng biển mà bất an vì tâm tôi chưa tĩnh. Tôi đóng cửa sổ. Biển vụt câm. Tôi cần sự tĩnh lặng trong tâm hồn. 

Thằng bé Tyler vừa no sữa đã quay ra cười với Luân. Đôi mắt nâu to viền hai hàng lông mi cong vút. Lisa đặt Tyler vào tay Luân. Anh ôm thằng bé trong tay, đùa với đôi chân núng nính ngấn thịt. Tyler cười rúc rích. Tôi đứng lặng ngắm anh và Tyler như đang đối diện với bức tranh tuyệt vời. Bức tranh người đàn ông ôm con bé bỏng sống động và quyến rũ. Bức tranh đời thật bất chợt đánh thức niềm ước ao thầm kín vẫn thỉnh thoảng hiện lên trong tôi. Luân nhìn tôi, mắt anh vụt sáng tựa như anh hiểu. Lòng tôi cũng bừng theo ánh nhìn anh vừa tỏa. Tôi không còn trẻ nữa. Tuổi thanh xuân đang úa dần cùng năm tháng. Anh nắm tay tôi, hứa những lời gió thoảng. Rồi chúng mình sẽ có những đứa con xinh đẹp…

Ánh mắt anh sáng bừng cứ theo tôi mãi những ngày sau đó. Tại sao tôi để anh đi mãi với những cuộc hành trình không nghỉ? Quen nhau, hò hẹn rồi thương yêu từ những ngày còn ngồi ghế trung học. Những người bạn của chúng tôi đã tay bồng tay bế, chúng tôi vẫn chưa tìm được chỗ đứng nhất định trong đời nhau. Tôi cũng đã từng hỏi vì sao? Vì sao, cả hai chúng tôi, chưa bao giờ nhắc đến hôn nhân. Có phải vì hôn nhân không còn cần thiết khi chúng tôi đã vượt qua ranh giới của hẹn hò? Luân đi công tác luôn, hết tháng này qua tháng khác. Xong nhiệm kỳ này, anh lại tình nguyện ở thêm nhiệm kỳ nữa. Lục địa Phi Châu đã giam giữ tuổi trẻ của anh. Và của tôi.

Ngày mai anh lại đi. Mọi lần, tôi để anh ra đi không níu kéo. Anh bước lên máy bay. Tôi lủi thủi rời phi trường. Lần đầu tiên, tôi ao ước được đi với anh. Tương lai xa mãi trước mặt. Hiện tại chóng qua. Quá khứ không thể trói chặt chúng tôi mãi. 

o O o

Carol đón tôi ở phi trường Robert Fields. Cô vẫn trẻ trung như ngày nào. Dáng vẻ nhanh nhẹn, môi luôn điểm nụ cười.

“Luân đang trực tại quận Nimba, không đón Vân được.”

Carol nói nhanh khi chúng tôi ra xe. Mắt tôi chợt hoa lên. Khung cảnh chung quanh chao đảo. Tôi tự trách mình dại dột. Vì muốn mang đến sự ngạc nhiên, tôi đã không báo trước cho anh như dự định. Tôi liên lạc riêng với Carol nhờ cô đưa Luân đến phi trường khi tôi đến. Thế mà… Bao háo hức từ lúc rời phi trường San Francisco ba mươi mấy giờ trước bỗng nhòa đi trước mắt tôi. Nắng rát bỏng. Gió khô thốc vào mắt tôi cay xé. Tôi ứa nước mắt khi bước ra cửa sân bay. Lục địa Phi Châu xa lạ. Tôi bơ vơ như ngày đầu tiên trên đất Mỹ.

Carol đưa tôi về khách sạn. Cô ở lại với tôi cả buổi chiều và sắp xếp cho tôi cùng đi với cô đến Clinic ở quận Bong. Tôi sẽ chờ Luân tại đó thay vì ở lại Monrovia.

Mưa đổ xuống vào lúc nửa đêm. Nước hắt rào rào vào cửa sổ khiến tôi giật mình thức giấc. Một chút gió lọt vào phòng qua khe gỗ. Tôi nằm trong chăn nghe mưa rơi rì rào. Tiếng dế ri ri và cóc nhái ồm ộp như một bài nhạc xưa cũ trong ký ức. Bản giao hưởng đêm gợi nhớ mùa mưa đầu tiên tôi về quê nghỉ hè. Suốt đêm tôi nằm khóc. Nhớ ngôi nhà của bố mẹ ở thành phố. Nhớ chương trình tivi đang chiếu phim Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ. Đêm miền quê mênh mông. Mưa rơi lách tách trên mái nhà. Lẫn trong mưa, những tiếng kêu uênh oang buồn não vang lên khiến tôi thao thức. Tôi nghĩ đến con bò trong chuồng bên hàng xóm. Tôi chưa về quê bao giờ để nghe tiếng bò ảo não trong đêm.

“Con bò nhà hàng xóm kêu suốt đêm, bà nghe không?”

Tôi hỏi bà buổi sáng thức giấc.

Bà ngẩn người một lúc rồi cười phì.

“Không phải con bò, ễnh ương đó con!”

Tôi có ngờ đâu con ễnh ương nhỏ tí teo bằng nắm tay lại có giọng to ngang con bò. Ễnh ương kêu gào không ngừng suốt những đêm mưa của mùa hè năm ấy. Mùa hè đầu tiên ở quê nội khảm sâu vào ký ức tôi. Tôi kéo tấm mền quấn quanh người, chơi vơi trong không gian ấm lên những kỷ niệm ấu thơ. Ông bà nội tôi ở một làng nhỏ ven biển. Mỗi mùa hè, bố mẹ gửi ba đứa cháu về ông bà nuôi cho đỏ da thắm thịt. Sau vài ngày khóc nhớ bố mẹ, chúng tôi thích ngay không khí đồng quê trong lành. Tôi mê những buổi trưa lang thang dưới gốc xoài, hay ngồi vắt vẻo trên cành ổi. Nhúm muối hột trong lòng bàn tay, tôi vừa ăn ổi vừa đọc sách. Tôi thích nhất những buổi chiều ra biển. Tôi chạy loanh quanh dưới rặng thông cao vút. Gió từ biển thổi vào mênh mang. Tiếng thông reo vời vợi, gieo vào lòng tôi những mơ mộng ngây thơ đầu đời. Thỉnh thoảng, tôi nhảy ào xuống nước theo anh Ninh. Thùy Dương không bao giờ bơi. Chị ngồi lặng nhìn hoàng hôn chìm xuống chân biển. Mặt trời đỏ ối ném xuống biển vạt nắng muộn. Mắt chị phai như màu nắng. Có phải biển đã bắt chị từ ngày ấy? Tôi kéo mền lên tận cổ. Dường như nước biển vừa chảy vào miệng tôi mặn chát. Tôi đã không bao giờ dám bơi nữa. Nước biển lạnh ngắt. Nước biển đặc muối. Gió biển bốc lên quanh tôi tê buốt. Tôi co rút trong tấm mền mỏng. Tôi đã qua nhiều đêm lạnh giá từ ngày xa chị.

Tôi kéo rèm cửa sổ khi trời hừng sáng. Cơn mưa đã dứt hẳn, chỉ còn lại những hạt nước bám trên mặt kính. Từ cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy biển. Đại Tây Dương xanh ngắt. Sóng êm ả, không điên cuồng như Thái Bình Dương ngày ấy.  

Carol đến khi nắng vừa lên. Chúng tôi cùng đi bộ đến bệnh viện. Mặt trời phà hơi rát bỏng xuống thành phố. Hơi nóng ẩm rít thịt da. Chúng tôi qua phố, nhìn ngắm dấu vết chiến tranh vẫn còn rõ nét. Monrovia đang xây dựng lại. Đâu đó là những cao ốc đổ nát xen lẫn vào những tòa nhà đang được tu bổ. Đường phố vắng màu xanh cây cỏ. Cổ thụ khô cằn. Dừa cao khô đét. Những buồng dừa rũ dài vàng úa. Tôi nhìn Monrovia bằng đôi mắt u hoài của cô bé sinh ra trong chiến tranh. Ký ức tôi u ám chiến tranh. Chiến tranh chụp bắt tôi từ khi lọt lòng. Mẹ sinh tôi ở nhà bảo sanh điêu tàn. Mặt trời tuôn nắng qua những lỗ bom thủng trên mái. Tôi khóc oe, toàn thân tím ngắt. Nắng làm mắt mẹ lòa. Mẹ nhìn đâu cũng thấy máu đỏ. Mẹ nhìn đâu cũng thấy miểng đạn ghim vào thịt da, ngay cả nơi trái tim đứa con gái bé bỏng vừa chào đời. Trái tim tôi đã ghim dấu chiến tranh. Tôi lớn lên từ hầm trú ẩn lập lòe ánh nến. Khi hỏa châu nở sáng bầu trời. Khi súng đạn không có mắt.

Chúng tôi bước nhanh trên đường. Monrovia phố cũ lở loang. Những đứa trẻ đen ròm, ốm đói đá banh bằng đôi chân trần. Ngay cả bụi cát ở đây cũng vàng quạch màu khói lửa.

Xe buýt bệnh viện thả tôi và Carol xuống Bong. Tôi đứng ngả nghiêng bên đường. Nắng hoa mắt. Con đường đất đỏ lung linh. Gió sa mạc khô cào rát thịt da. Ngày mai, hay ngày mốt, tôi sẽ gặp Luân tại đây. Tôi hình dung đến đôi mắt anh bừng sáng. Tôi muốn đến với anh bằng đôi chân nhẹ nhàng không quá khứ. Anh cũng sẽ đón tôi với đôi vai trần không quá khứ. Tôi tưởng tượng đến thân hình anh thẳng tắp, như tùng bách hiên ngang.

Nhưng không mang quá khứ trên vai, chúng tôi sẽ là ai?

“Có biết tại sao mày thấp hơn tao không?” Lisa hay hỏi tôi với đuôi mắt nheo dài.

“Người xứ tao tạng nhỏ nhắn, thanh nhã.” Tôi trả lời với một chút hãnh diện.

“Không phải! Hành trang mày trĩu nặng lịch sử, thứ lịch sử ăn không ngon ngủ không yên. Nặng quá cao không nổi.” Lisa gõ đầu tôi, cười tinh nghịch.

Clinic nằm cách đường chính độ hai mươi feet. Những ngôi nhà vách gỗ tiêu điều. Nắng bốc hơi trên dãy mái lợp tôn. Giống trại tỵ nạn quá! Tôi thảng thốt trong ý nghĩ mình chưa bao giờ rời bỏ quãng đời giông bão. Vài tháng thôi mà như dài suốt một đời. Bao nhiêu hình ảnh lại hiện về, ám ảnh. Trưa trại đảo nắng cháy, Nguyệt Ánh và tôi hay trốn vào thư viện đọc sách. Nơi thư viện nhỏ tí với vài cuốn sách lèo tèo đó, chúng tôi đã gặp chị Hiền. Người con gái tóc dài, môi thắm hình trái tim, đôi mắt lệch lạc.

“Cái chị đó bị mù!”

Nguyệt Ánh xì xào. Tôi quay qua, tò mò nhìn vào mắt chị. Bất ngờ, chị quay lại:

“Hai em đọc báo cho chị nghe với. Mắt chị mờ quá, đọc không nổi.”

Nguyệt Ánh và tôi cùng nhìn vào mắt chị. Nước mắt chị chảy tràn xuống gò má mịn màng con gái. Chị ra đi từ miền thùy dương cát trắng, trên chiếc ghe đánh cá với hai người anh trai và hai mươi người khác cùng làng. Ghe hư máy sau hai ngày trên biển. Thức ăn hết. Nước uống hết. Ghe lênh đênh trên đại dương nắng cháy cho tới khi được tàu đánh cá kéo vào bờ. Năm người còn thoi thóp sống được đem vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ giữ được mạng sống của chị, nhưng không hồi phục được thị giác cho chị. Tôi và Nguyệt Ánh cùng bật khóc nhìn chị đi những bước xiêu vẹo, một tay phải chống vào bờ tường cho vững. Tôi đảo mắt nhìn quanh. Tôi nhớ Nguyệt Ánh. Tôi nhớ chị Hiền. Chị đang ở đâu trên đất Mỹ? Chị có bị thức giấc nửa đêm với những cơn ác mộng đeo đuổi triền miên?

Ký ức con người thật lạ. Tôi đã muốn quên khi đặt chân xuống Bong. Tôi đến Bong với hộ chiếu Hoa Kỳ, thứ hộ chiếu luôn được ưu đãi ở các trạm hải quan. Với dân Liberia, tôi là người Mỹ. Nhưng tờ hộ chiếu không lừa được ký ức. Tôi muốn quên nhưng ký ức thách thức. Quá khứ bất trị.

Carol dẫn tôi đến khu nhà dành riêng cho nhân viên làm việc. Cô mở cửa đẩy tôi vào. Căn phòng nhỏ vừa đủ kê chiếc giường cá nhân và chiếc bàn gỗ mộc. Mặt bàn chưa bào, trồi lên thớ gỗ sần sùi.  

“Phòng Luân đó. Vân tạm ở đây. Tôi phải đi thăm bệnh nhân để kịp giờ cho thuốc.”

Tôi ngả mình trên chiếc giường còn phủ đầy hơi ấm của Luân. Anh đang ở đâu giờ phút này? Anh đang cùng bệnh nhân chiến đấu với tử thần hay ôm ấp những đứa trẻ còm cõi thiếu ăn? Anh hay kể cho tôi nghe về những đứa trẻ xa lạ anh hết lòng thương yêu. Luân có thói quen viết nhật ký, nhưng anh không giữ lại bên mình mà gửi về cho tôi. Mỗi đoạn nhật ký là một phần đời của anh tôi nắm giữ. Qua bao nhiêu trang nhật ký, tôi ngỡ mình đã hiểu anh, nhưng không, vẫn còn điều gì đó vô hình nhưng sừng sững giữa chúng tôi. 

o O o

Tôi choàng dậy trong tiếng khóc của một đứa trẻ. Tiếng khóc vang lên trong không gian im vắng của buổi trưa nhiệt đới. Trong một thoáng, tôi không định được mình đang ở đâu. Ngồi choàng dậy, tôi bước ra khỏi phòng. Tôi đi về hướng phát ra tiếng khóc. Người đàn bà đầu tiên tôi gặp ôm trên tay một đứa bé sơ sinh đang gào to. Carol ngồi trên mặt đất, bên chiếc cáng gỗ. Người con gái nằm thiêm thiếp trên cáng. Carol thoăn thoắt di chuyển ống nghe thăm chừng trên vùng ngực của cô gái.

“Cô ta bị gì vậy?” Tôi hỏi Carol.

“Bị phong đòn gánh, lại sốt cao quá!” Carol vừa trả lời vừa ra hiệu cho hai người đàn ông khiêng cô gái vào phòng khám bệnh. 

Tôi và người đàn bà lớn tuổi, có lẽ là mẹ của cô gái, líu ríu đi theo. Đứa bé khóc ngạt trong lòng bà. Tôi quay sang hỏi:

“Có phải nó đói không?”

Người đàn bà không trả lời. Bà dỗ dành đứa bé và bước theo Carol. Đứa bé khóc càng lúc càng to. Người đàn bà mở tung khăn quấn. Bà vén áo lên, gí miệng đứa bé vào vú bà. Thấy tôi ngạc nhiên, Carol giải thích:

“Người ta không dám cho nó bú sữa mẹ vì sợ bị lây bệnh, đành chịu như vậy để nó đỡ khóc.”

Đứa bé mút chụt chụt vài hơi rồi lại quay ra khóc. Cô gái vẫn nằm thiêm thiếp như từ lúc được mang vào. Thấy thân thể cô cứ co giật mãi không ngừng.

“Tôi đã chích thuốc cho cô ta rồi, những cơn giật sẽ giảm đi nhưng không thể ngừng ngay được. Cô ta mới sinh con được sáu ngày, mà tôi chắc là không được chăm sóc gì cả.”

Buổi chiều theo Carol đến với những bệnh nhân trong Clinic, tôi mới hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của người dân vùng này. Vi trùng gây bệnh phong đòn gánh, bệnh sốt rét, bệnh kiết lỵ ở nơi đây là ưu tư hàng đầu cho giới y tế. Ở Mỹ, vì được chích ngừa phòng bệnh, những loại vi trùng trên hầu như đã tuyệt chủng. Phần đông dân số ở đây chưa được chích ngừa. Bệnh lan nhanh, gây tử vong cho người già và trẻ em. Alice (tên cô gái) đã bị nhiễm trùng phong đòn gánh sau khi sinh con. Hầu hết những phụ nữ vùng này đều sinh nở ở nhà, ngay trên nền đất, với những phương tiện thô sơ và dụng cụ không được khử trùng đúng cách. 

o O o

Một tuần trôi qua trong khắc khoải đợi chờ. Tôi chờ Luân về Bong và chờ một phép lạ cho Alice. Những cơn co giật đã giảm đi, nhưng cô vẫn chưa nói được. Thức ăn lỏng phải chuyền bằng ống đưa vào bao tử.  Hôm qua Alice đã cử động được hai bàn tay. Những dấu hiệu tiến triển dù thật nhỏ như vậy cũng là phép lạ ở đây. Nhưng Carol không lạc quan như tôi.

“Tại sao? Tôi thấy Alice đỡ nhiều rồi mà?”

“Đó là vì nhờ thuốc diazepam làm giảm co giật, Alice yếu sức quá, sợ không qua được hôm nay. Phổi của cô ấy bị sưng, nhiệt độ tăng nhanh, không giảm.”

Tôi đến bên giường Alice. Quả thật, cô yếu quá. Đôi mắt cô nhắm nghiền, hơi thở mệt nhọc. Bỗng nhiên, tôi nhớ Luân. Tôi đã sống với anh qua từng ca mổ, từng cái chết, từng nỗi vui của sự sống, vậy mà vẫn không sao cảm nhận được sự nghiệt ngã trên những lá thư anh gửi về từ nơi xa nửa vòng trái đất. Làm sao tôi có thể tưởng được anh đã trải qua bao nhiêu phút giây cùng bệnh nhân níu kéo từng nhịp tim đập, thoi thóp như ngọn đèn sắp tắt. Thư anh gửi là những lời thì thầm kể chuyện về những con người, những đứa trẻ anh đã hết lòng thương yêu, chăm sóc. Chiều qua, Clinic của anh mới nhận vào một thằng bé tám tháng bị suy dinh dưỡng nặng. Anh gọi nó là thằng Bi. Tám tháng tuổi mà nó như một đứa bé mới sinh thiếu tháng. Cái đầu to, làn da nhăn nheo bọc những khúc xương tay chân dài ngoằng, nó nhìn giống như một ông lão hơn là đứa bé con. Doctor Matt gọi nó là “little old man”. Không hiểu sao, lần đầu tiên nhìn thấy nó, anh thấy gắn bó với nó ngay. Mỗi ngày qua khu nhi đồng, anh thường vào thăm nó trước tiên, cho nó ăn, săn sóc nó từng tí…  Sáng nay, thằng Bi bị sốt nặng. Anh đã chích liền cho nó loại thuốc “top of the line” mà anh có ở đây. Nó yếu lắm, phải chận cơn bệnh trước khi phát tác. Cái chân khẳng khiu của nó không có tí bắp thịt nào cho mũi kim đâm vào… Tim tôi đã nhói lên khi đọc những dòng chữ đó của anh. Bao nhiêu năm sống hồn nhiên nơi đất Mỹ, tôi quên rằng còn nhiều cảnh đời tang thương, còn nhiều mạng sống con người mong manh tựa ngọn đèn trước gió.  

Đêm ấy, trời đổ mưa. Cơn mưa bất chợt không làm lòng tôi vơi đi những sầu muộn dằn vặt. Nằm trên chiếc giường đã nhạt hơi thở của Luân, tôi mong mình khóc được. Alice tắt thở lúc bốn giờ ba mươi bảy phút chiều. Hình ảnh chiếc cáng gỗ lầm lũi đi xa dần vào con đường đất đỏ ngoằn ngoèo cứ đeo riết, cứ cứa mãi những vết cắt vào tim tôi. Đêm nay, ngày mai, ngày mốt, con trai của Alice có được cùng những đứa bé khác chia sẻ dòng sữa ngọt của người mẹ hay cứ phải nhai mãi bầu vú toi tóp của bà ngoại. Tôi nghĩ đến căn phòng ở Carmel, nơi Lisa ngồi ru thằng Tyler ngủ, dư thừa cả vật chất lẫn tình thương. Thằng bé Tyler và con trai Alice cũng ra đời từ những bào thai mẹ êm ấm, nhưng hai mảnh tương lai có được tươi sáng giống nhau? 

Mưa vẫn rơi, tỉ tê như tiếng khóc nhỏ nhoi của đứa trẻ mất mẹ, u buồn như những giọt nước mắt của người mẹ vừa mất con…

o O o

Có tiếng gõ cửa, rồi bóng Luân cao lớn hiện ra. Đôi mắt anh mở to kinh ngạc. Tôi mở mắt, nhắm mắt, lại mở mắt, rồi nằm yên trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Đêm qua, tôi thiếp đi với hình ảnh Luân, chị Hiền, Alice rối nùi trong tiếng mưa rơi đều trên mái.

“Em đến bao giờ? Sao không báo cho anh biết? Sao biết anh ở đây mà tìm?”

Tôi không trả lời câu hỏi nào của anh. Một vài giây chao đảo mông lung, rồi tôi khóc. Một tuần tôi chờ anh trong mỏi mòn. Anh nói, vẻ trách móc:

“Vùng đất này chưa được an toàn. Đáng lẽ ra em nên báo cho anh biết trước.”

“Em tới bất ngờ để xem anh có léng phéng với người đẹp Phi Châu nào không, mà cứ ở mãi bên này không chịu về.” Tôi lúng túng bào chữa.

“Mấy cô Phi Châu thì anh đầu hàng, yêu không dzô em ơi. Anh chỉ có giá với tụi nhóc con ở đây! Tụi nhóc gọi anh là Papa Luân’.”

Tôi nháy mắt:

“Phải chi có một đứa gọi ‘bố’nghe ngon hơn đó anh!”

“Em có dám ở lại đây làm ‘me’không?”

Tôi tìm câu trả lời trong đôi mắt bao dung của anh. Anh có biết em mới vừa chứng kiến cái chết của người mẹ hôm qua? Hình như anh hiểu sự bàng hoàng của trái tim tôi mềm yếu. Hình như anh nhận ra tôi quay quắt với những hư hao của cuộc sống. Tôi muốn nhắm mắt để đừng nhìn thấy, muốn bịt tai để đừng nghe, muốn chặn đứng những đường về của quá khứ. Có những vết thương không bao giờ lành. Có những niềm đau không thể chôn dấu. Anh nhìn vào mắt tôi, hình như anh thấy dáng đi chông chênh lệch lạc của chị Hiền, thấy thân thể trẻ thơ chưa kịp lớn của Alice, thấy một lời xin lỗi muộn màng từ trái tim trăn trở u hoài. Đôi mắt ánh lên niềm thông cảm, anh lặng lẽ đưa tay lau những giọt nước mắt vừa tràn ra nơi khóe mắt tôi. 

Trời lại bắt đầu mưa. Những giọt mưa buồn bã rơi rơi, tuôn mãi, lún sâu vào miền sa mạc nóng bỏng. 

NXTV – Cali