Menu Close

Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng

(Tặng Nhật Hoàng)

Chúng tôi hai thằng đi bụi Miền Tây. Đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết đủ mùi của đất Tây Đô. Vậy thì mình đi Cái Răng chơi cái nghen, đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều, vào sáng sớm.

“Ờ, sao không là tên gì khác mà là Cái Răng hả?”

Cô hướng dẫn viên du lịch, khá xinh trong chiếc áo bà ba tím, dịu dàng đáp rằng, “Hồi xưa ở vùng này có một con sấu rất to lớn và hung dữ, sau người ta giết được nó, chém làm hai khúc, mang đi vất ở hai nơi, cái đầu có đầy răng chơm chởm được bỏ ở đây nên gọi là Cái Răng luôn cho tiện.” Anh bạn của tôi đùa, “Vậy lẽ ra thì phải gọi là ‘hàm răng’ thì mới đúng chớ?” Cổ hổng trả lời được, cười bẻn lẻn.

alt

Cô nói, “Chợ Cái Răng gần cầu Cái Răng, ở trên sông Cái Răng…” Nói tới đây thấy hớ, cô chữa thẹn và cười sảng khoái, “À, tất nhiên rồi. Chợ nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều như chúng ta đang đi. Chợ họp mỗi ngày từ sáng sớm đến khoảng 8-9 giờ thì vãn. Chỉ không họp chợ vào các ngày Tết Âm Lịch.”

alt

Ghe bán gì,  cây bẹo treo trái đó

alt

Lúc này là 7:30 sáng, hàng trăm ghe thuyền lớn bé đã đậu san sát nhau. Cô bà ba tím tiếp tục thuyết minh cho chúng tôi những thông tin dưới đây. Trên thuyền chất đầy các loại trái cây, mỗi thuyền thường bán một loại trái; thuyền nào bán loại trái gì thì loại trái đó được treo lủng lẳng trên một cây sào cắm trước mũi thuyền. Cây này được người địa phương gọi là “cây bẹo”, cây treo cái gì thì bán cái nấy. Cái Răng còn là chợ đầu mối, chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng với số lượng lớn. Những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, có những chiếc chở hàng sang tận Campuchia và Trung Quốc. Nhiều gia đình sống đời thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Những chiếc ghe như “nhà di động” trên sông nước; họ bày chậu hoa kiểng, nuôi các loài vật, sắm sửa đầy đủ các tiện nghi như những căn nhà trên bộ; có sắm cả xe gắn máy tay ga xịn, cho dù sống trên sông thì biết chạy đi đâu?

alt

Ghe bán cam

alt

Cậu bé liến thoắng rao, “Chuối đây, chuối đây! Mua chuối ngon rẻ đi bà con, cẩn thận đừng ‘chúi nhủi’ xuống sông!”

alt

Ngoài những chiếc ghe bán trái cây ra thì còn những ghe nhỏ bán thức ăn, cà phê thậm chí cả đồ nhậu, phục vụ nhu cầu du khách. Và còn có đủ các loại dịch vụ khác, từ sửa máy hát, máy cô-le, bán lẻ xăng dầu, đến những cửa hàng bách hoá với đủ thứ mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo…

alt

“Chợ Cái Răng cái gì cũng có, từ cây kim tới chiếc phi thuyền lên mặt trăng.” Anh bán vé số này nói vậy. “Ông anh mua chục vé thử vận may đi? Có ngay, vé số đây, vé số chiều xổ! Trật thì dzìa với dzợ già, trúng thì ở lại Cần Thơ lấy dzợ mới, tiếp tục ăn chơi mút mùa Lệ Thuỷ!”

alt

Có cả “dịch vụ viễn thông”, để liên lạc khắp thế giới.

alt

Những chiếc tàu du lịch cỡ nhỏ phục vụ khách du lịch, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài.

Chợ tan. Trên đường về, anh bạn tôi trêu cô hướng dẫn viên, “Qua định ra Giêng về đây thưa ba má đặng cưới em, rồi mình sắm cái ghe, buôn bán đắp đổi qua ngày chắc cũng vui lắm ha, em thấy qua tính vậy có đặng hông?”

Cô chỉ cho chúng tôi những bãi gỗ bên sông, “Thôi, đừng sắm ghe buôn lẻ, nghèo lắm, em hổng ham đâu. Anh đi buôn gỗ về làm xưởng như trển kìa. Rồi về cưới, em theo. Mấy ổng buôn gỗ về xẻ bán, giàu ơi là giàu!”

Ôi thôi, hồi nãy không mua vé số cầu may, vậy là hết thuốc chữa, tan giấc mộng tình nghèo! Về, làm xị rồi mần thơ đi cha nội!

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ…

(Ca dao Nam bộ)