Menu Close

Tưởng chẳng có chi…

Vừa trở lại Mỹ được vài ngày thì điện thoại reng tới tấp. Nhóm bạn cũ thời Trung học, thời còn mặc quần phùng với áo đầm trắng, đã lao xao: “Tau điện thoại cho mi từ hôm qua, răng mi không trả lời? Tau đại diện nhóm để hỏi khi mô tụi mình gặp nhau? Mi đi kỳ ni lâu quá!”

Nhóm làm việc văn nghệ viết lách, thì thúc bách: “Nè, bà đi biệt kinh kỳ tới hơn hai tháng, sao không thấy viết về cái xứ Kangaroo gì hết vậy? Nhớ viết nghe, đặc biệt là ông già Noel ôm khăn đi tắm biển. Tui chờ đó!”

alt

Nhóm bạn cùng chia sẻ nỗi khổ của đồng bào trong nước, than van: “Lâu ni, bà viết toàn chuyện nhơn tình nhơn ngãi không hà. Biết bao nhiêu chuyện trong nước như chuyện dân oan mất đất mất vườn, chuyện mấy phiên toà bất nhơn xử án thanh niên yêu nước… chuyện thời sự nóng hổi như vậy, tại sao không viết?” Nhóm bạn chuyên đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ, vừa dằn vặt vừa năn nỉ: “Trời ơi, thôi đừng mũ ni che tai nữa, làm ơn làm phước viết giùm chuyện ở Việt Nam đi. Đàn bà con gái người ta đi coi xử án, vậy mà mấy trự công an trong nước bắt vô đồn, lột áo lột quần, lột tới láng bưng, rồi thọc vô đặng tìm tài liệu. Ở Ấn Độ, bọn tội phạm hiếp dâm vẫn tơn tơn tung hoành, sau cái chết đứt ruột của  cô gái 23 tuổi kìa. Cũng bọn tài xế, lơ xe mới hãm hiếp một phụ nữ khác suốt đêm kìa. Là phụ nữ mà sao không viết về phụ nữ vậy trời!!”

Ôi chao! nghe tiếng bạn thì mừng, nhưng những vấn đề từ bạn không những rát tai mà còn nhức tim nữa. Chứ không à? Bạn quý thì mới gọi, quý nhiều mới hoạnh họe trách móc nhiều. Biết trả lời ai trước, trả lời ra sao để mọi chuyện được tròn vo? Bèn quyết định… lật bài ngửa một lần trên… bàn viết vậy.

Trước tiên là bạn yêu dấu, đại diện nhóm bạn Phan Chu Trinh: “Nè mi, hôm về lại Mỹ, tau có nghe điện thoại reng, nhưng không bắt kịp, vì lúc nớ, tau đang ngủ ở phi trường LA. Chuyến bay dài 14 tiếng từ Úc về Mỹ, tau coi phim, đọc truyện, nên khi máy bay đáp xuống phi trường LA lúc 6 giờ sáng thì tau nhừ tử luôn. Tới 2 giờ chiều mới có chuyến về Sacto, tau phải làm dân bụi đời, lăn ra ghế làm một giấc. Vụ bạn bè gặp gỡ tau tính như ri: tụi mi cứ thu xếp, ấn định ngày giờ rồi cho tau biết, tau sẽ khăn gói lên đường, đừng lo. Rứa hỉ?”

Tiếp đến nhóm văn nghệ viết lách: “Các bà các ông văn nghệ thân mến, bây giờ mình mới hiểu được ý thâm sâu của câu hát: Biết làm sao định nghĩa được tình yêu! của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Khi mới có tình cảm với nhau, tình yêu lập tức căng phồng, cuồng nhiệt dữ dội, nhưng khi quen nhau, lâu quá thành cũ, thì người nọ nhìn người kia thấy… cũng không có gì mà phải ầm ĩ. Vì thế định nghĩa thế nào được cái tình yêu có bản chất… linh tinh sớm nở tối tàn ấy!

Tình cảm của mình đối với Úc Đại Lợi cũng vậy. Lúc mới đến Úc, nước này đang ở vào giữa Đông. Trời lạnh, cây cối xác xơ, nhưng bầu trời thường cao xanh và nắng chan hoà. Mình đã viết hết trang này đến trang nọ chỉ để tả một góc trời tuyệt đẹp nơi mình đang ở. Mình nhớ không biết  bao nhiêu năm, mỗi sáng mình đều dậy rất sớm chỉ để thưởng thức mùi sương sớm mà ngày còn ở trong nước không bao giờ mình có được.

Rồi từng mùa, từng mùa qua trên xứ Úc, cái tình của mình đối với Úc càng gắn bó, thì cảm giác về cái đẹp của Úc cũng lắng sâu vào tim, dịu đi và êm ả hơn. Mình không còn cảm thấy muốn viết về Úc và con người của Úc, vì Úc đã là của mình và… không để ý đến những thay đổi của nó nữa. Những lúc đi xa trở về, mình biết không gian có những rung động đặc biệt để đón mình, Úc vẫn là một cái gì quen thuộc, ấm áp, và không thay đổi. Với mình, Úc không bao giờ mới, để mình háo hức, ca tụng nó như xưa nữa. Vì thế viết về Úc thật khó: vì nghĩ tới, thì Úc cũng như các quốc gia tân tiến khác trên thế giới, cũng văn minh hiện đại, phố xá huy hoàng, cũng danh lam thắng cảnh, nhưng nghĩ lại: Úc cũng tràn ngập những cái đẹp, cái lạ, từ cảnh vật, khí hậu, đến nếp sống, phong tục của người dân Úc.

Thật vậy, các bạn ạ, nước Úc rộng mênh mông, là một lục địa riêng biệt với diện tích gần 8 triệu cây số vuông. Mình chỉ ở trên một chấm nhỏ của đất nước Úc, chỉ viếng thăm một phần nhỏ thắng cảnh của Úc, nhưng những gì mình đã sống với và đã ghé qua, thì không thể nào quên được. Không cần phải về thăm Úc, mình cũng có thể kể vanh vách những xuân tình tỏa ra từ những rặng Jacaranda tím, rặng Tràm Bông Vàng vào mùa Xuân; hay những hối hả, hừng hực tình yêu của dãy Phượng Vỹ đỏ thẫm ở hai bên đường vào mùa Hè; hoặc màu vàng óng ả cao sang của những chùm hoa Silky Oak trên đồi vào mùa Thu, và những tia nắng len vào giữa cái lạnh mùa Đông khiến khí hậu hanh hanh, rực rỡ. Đó là chưa kể thời tiết bốn mùa trong ngày đã tạo cho thành phố Melbourne nét quyến rũ đặc biệt. Cứ thử tưởng tượng, suốt 365 ngày, ngày nào thời trang bốn mùa cũng sóng sánh trên phố, tuyệt lắm chứ!

Úc Đại Lợi có nhiều rừng nhiệt đới được liệt vào danh sách di sản thế giới. Như  rừng ở Daintree, thuộc tiểu bang Queensland, Bắc Úc, được xem như khu rừng nhiệt đới cổ xưa nhất thế giới với những thân cây già nua bệ vệ, cả chục người ôm không xuể. Bắc Úc còn có Great Barrier Reef là rặng san hô lớn nhất, đẹp nhất thế giới với hơn 2000 loại san hô khác nhau, tạo thành khoảng một ngàn quần đảo san hô lớn nhỏ màu sắc lộng lẫy chạy dọc hai ngàn cây số bờ biển xanh biếc. Giữa một thế giới chằng chịt san hô này, hàng ngàn loại cá khác nhau, màu sắc sặc sỡ như tranh vẽ tung tăng bơi lội.

Cũng ở Bắc Úc, Mon Repos Conservation Park tại thành phố Bundaberg là địa điểm du lịch lý thú. Hằng năm cứ từ Tháng 11 đến Tháng Ba, du khách đến Mon Repos chờ xem điều kỳ diệu: những chị Rùa Biển trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” để sinh nở sau 30 hay 35 năm… biệt tích. Hoặc ngắm nhìn đàn rùa con mới nở, cố trồi lên khỏi mặt cát và lững thững đi xuống biển.

Mình đã đến Mon Repos nhiều năm trước. Toán du khách chừng 20 người ngồi lặng lẽ trên cát. Đêm thật khuya, trời tối đen. Cô hướng dẫn viên dõi mắt ra biển chờ đợi. Chờ hoài, sóng biển vẫn nhẹ nhàng mơn trớn bờ cát. Mặt biển vẫn êm đềm. Một vài người khách ngáp ngủ. Hướng dẫn viên cổ vũ: “Quý vị ráng đừng ngủ nghe, chúng ta chờ thêm nửa tiếng nữa, thế nào cũng có Rùa bò lên, đêm qua có tới 5 con, chúng lên rất khuya hình như gần 2 giờ sáng. Nếu không có, chúng ta sẽ xem rùa nở”. Lời giới thiệu của hướng dẫn viên khiến mọi người chộn rộn đôi chút, rồi lại lặng im. Một lúc sau, hướng dẫn viên nói giọng chán nản: “Chắc đêm nay trăng sáng quá, nó… mắc cỡ nên nín đẻ rồi. Thôi chúng ta đi tìm rùa con mới nở”. Cả bọn đi theo ánh đèn pin loang loáng trên cát của cô hướng dẫn. Bỗng cô ta reo lên: “Đây rồi, chắc một đàn rùa con mới bò xuống biển, chúng ta tìm xem có con nào bị mắc kẹt không?” Ánh đèn pin rọi thẳng vào một hố đất trũng sâu chừng 40cm, đường kính khoảng một thước. Cả bọn ngồi xuống, bắt chước cô hướng dẫn viên lấy tay xới nhẹ mặt đất. Có tiếng reo nhỏ: “Ôi trời ơi, một con rùa con!”. Mọi người nhao nhao: “Đâu? đâu?” Ánh đèn pin lập tức chiếu về hướng có tiếng reo: lớp cát mỏng động đậy, một sinh vật bé bằng 3 ngón tay cố trồi lên khỏi lớp cát.  Một chú rùa con, bé bỏng, yếu đuối vừa được cứu. Cô hướng dẫn viên nói: “Rùa biển lên bờ, đào một hố sâu chừng 50cm, và đẻ cả trăm trứng vô đó, rồi lấp đất lại. Khoảng hai tháng sau thì trứng nở ra rùa con. Chắc con rùa này bị kẹt phía dưới nên bị cát đè không lên nổi. Thôi bây giờ chúng ta đưa nó về biển cả” Cô hướng dẫn viên lấy tay vạch một rãnh trên cát từ nơi con rùa đang ngọ nguậy kéo dài xuống biển. Theo dõi con rùa đi theo cái rãnh hướng về biển, mình mới cảm thấy sự nhiệm mầu Thượng Đế đã ban cho thế gian. Nhìn con rùa bé bỏng, một mình đi vào cuộc đời, mình nghĩ nó giống như các con mình hồi nhỏ, thơ ngây yếu đuối làm sao chống chỏi được với những rình rập của đại dương. Mình thương con rùa quá chừng, chỉ muốn xin đem về nuôi, mặc dù cũng hiểu Thượng Đế đã an bày cuộc đời của nó như thế.

Kể những gì mình biết về Úc, không thể không nhắc đến ngọn núi Blue Mountain, luôn luôn có màu xanh mờ nhạt, cách thành phố Sydney khoảng 100 cây số. Có lần mình đã đứng trên đỉnh núi cao và gọi: Việt Nam ơi, sau đó ghé sát tai vào khe của hai tảng đá treo lơ lửng giữa trời, và nghe tiếng mình vọng lại vang vang lan toả cả trời đất: Việt… Việt…. Nam…. Nam… ơi…. ơi…ơi.

Blue Mountain còn có di sản đặc biệt của người thổ dân Aboriginal, đó là huyền thoại Three sisters: một ngọn núi ẩn hiện ba khuôn mặt phụ nữ. Nhìn ngọn núi này dưới ánh nắng ban mai hay ánh chiều tà, mình cảm nghiệm được ý chí cũng như sức sống mạnh mẽ của người phụ nữ.

Blue Mountain có nhiều hang động rất đẹp. Mình nhớ nhất hang động Jenolan, mà mình đặt tên là Chốn Tình yêu. Hồi đó, trên đường ngoằn ngoèo đến Jenolan, mọi người đã nghe tiếng hát tha thiết của Righteous Brothers trong nhạc phẩm bất hủ Unchanged Melody. Thật lãng mạn và thơ mộng.

Như mình đã viết ở trên, Úc Đại Lợi là một lục địa rộng lớn, nên thắng cảnh của Úc còn rất nhiều, như bãi biển Gold Coast nổi tiếng; vùng sa mạc giữa nước Úc với ngọn Ayer Rock, là một trong những tảng đá lâu đời nhất thế gian, hay những đảo nhỏ thơ mộng ở khắp các tiểu bang của Úc, hoặc nhà hát con sò nổi tiếng ở Sydney… Mình chưa thể đi thăm hết các nơi này. Nhưng chỉ cần sống ở một nơi, người ta có thể biết được nếp sống và phong tục của tất cả thần dân Úc.

Người Úc được mệnh danh là Down to Earth về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Họ là người Miệt Dưới (Down Under) và cũng là người đơn giản, thành thật và hiếu khách.

Họ sống có tình hàng xóm chia ngọt sẻ bùi đầy đặn như đa số người Việt mình. Sẵn sàng giúp trông coi nhà cửa vườn tược nếu hàng xóm có việc phải đi xa. Con cái cha mẹ thường tìm cách sống gần nhau, thăm nom nhau. Họ thường có những chuyến đi chơi cả gia đình về các vùng quê, hay đồi núi, trong những ngày cuối tuần hoặc những dịp nghỉ lễ. Dường như đa số người Úc không có thói quen đi chơi xa quá khỏi đất nước của họ, ngoại trừ một số ít người trẻ. Với bản tính phong tục này, tự nhiên mình nghĩ người Úc giống người Quảng Nam của mình, từ âm thổ cho đến bản tính và nếp sống. Họ ngay thẳng và chí tình. Ít khi muốn đổi thay, di dời, thường giữ gìn miếng đất hay căn nhà hương hỏa của ông bà tổ tiên để lại.

Vì thế đi xa bao nhiêu năm, mỗi lần về thăm nhà, những người hàng xóm của mình vẫn còn nguyên, không ai dọn đi. Nếu thỉnh thoảng có khác, chỉ vì có người mất, gia đình không còn ai, hoặc con cháu không thể về ở, nên căn nhà đành phải bán.

Bảo rằng không thể viết về Úc, thế mà hồi ức về Úc không ngờ cũng dài, chiếm hết khuôn khổ dành cho mục “Từ bàn viết…” Mình đành phải hẹn với các bạn vào tuần tới, sẽ chia sớt những ưu tư về thời cuộc.

PDH – 01/13