Chờ em mua mấy cái thiệp đã!
– Chi vậy? cho ai?
– Em muốn gởi cho mấy đứa bạn nhân dịp Valentine.
– Có điên không vậy cô Út? Valentine dành cho những người yêu nhau trên sách vở thôi. Cô mà cũng lẩm cẩm thế à?
– Anh Hai nói nghe kỳ! Bộ anh không biết Valentine là ngày lễ tình yêu dành cho mọi người hả? và yêu nhau là yêu nhau, sao lại có yêu nhau trên sách vở là thế nào?
– Đã gọi là tình yêu, thì chỉ dành cho hai người, không thể cho mọi người. Còn yêu nhau mà chỉ thấy toàn màu hồng như mấy cái thiệp Valentine thì chỉ có trên sách vở, lý thuyết chứ còn gì nữa. Cô cứ yêu đi, rồi đối diện với thực tế, sẽ thấy ngay mặt trái của tình yêu, khi ấy hãy nói chuyện với anh của cô! Anh của cô chẳng bao giờ đụng đến mấy cái thiệp vớ vẩn ấy!
Thúy yên lặng chọn thêm vài tấm thiệp và đi về phía quầy tính tiền, mặc ông anh gàn bướng.
Ra tới xe, Thúy nói:
– Em cần tới nhà nhỏ bạn, nhưng em chở anh Hai về trước.
– Khỏi mất công, anh đi theo cô rồi về cũng được, anh rảnh mà.
– Nhưng em tới nhà nhỏ bạn mà anh không ưa đó.
– Bạn của cô, anh đâu có kỵ đứa nào đâu?
– Anh quên rồi hả? nhỏ ở trong hẻm với nhà mình hồi đó đó.
– Đứa nào?
– Thiệt là anh không nhớ hả?
– Làm sao nhớ nổi mấy đứa lau nhau đó. Hoa khôi cùng lớp, anh còn không nhớ nổi nữa là…
-Ha ha, bây giờ mấy ông lớn tuổi ưa nhớ mấy đứa con gái nhỏ tuổi, chứ ngu gì nhớ mấy bà già cùng lớp!
-Này, cô đang nói chuyện với anh của cô, chứ không phải mấy thằng bạn của cô nhá! Cẩn thận đấy!
– Thưa anh, con Mỹ Miều nó gửi lời thăm anh ạ!
– Mỹ Miều nào? A, Mỹ ấy hả?
– Vâng, nó đấy. Bây giờ em ghé thăm nó, nếu anh đi theo, em phải điện thoại để nó sửa soạn đón tiếp.
– Chở anh về nhà trước.
– Ha ha, em biết ngay mà!
Thúy nhấn ga cho xe vụt nhanh về phía xa lộ. Lâm, anh Hai nàng, không nói gì thêm, Thúy đoán ông anh đang chìm trong kỷ niệm.
Bỗng Lâm hỏi: “Nó sang bên này rồi à?”, “Dạ, qua được ba năm nay”; “Diện gì?”; “Dạ, ông anh bảo lãnh”; “Thế thì phải chờ lâu lắm!”; “Dạ cũng gần 10 năm! “; “Có chồng con gì chưa?”; “Dạ chưa, vì chờ đi bảo lãnh nên nó không dám lấy chồng, sợ hồ sơ bị từ chối!”; “Thế thì thành gái già rồi!”
Thúy nheo mắt nhìn anh: “Nó vẫn còn mi nhon như ngày nào anh ạ! ai già chứ nó vẫn mơn mởn, tóc vẫn còn xanh rì. Lắm ông đâm bổ vào, ngã chỏng gọng đấy anh ạ!”; “Chắc chắn anh của cô không ở trong số mấy lão già vô phúc ấy!”; “Ha ha, thì chắc rồi! con Mỹ Miều rành anh sáu câu mà!”
Chợt Lâm thay đổi ý kiến: “Thôi khỏi về nhà, anh đi theo cô cũng được”, “Em về gần tới nhà rồi, anh cảm phiền gặp nó sau vậy! vì bây giờ ai muốn gặp nó, đều phải báo trước”.
Xe ngừng trước cổng, Lâm mở cửa bước xuống, nói với theo: “Khó thế cơ đấy! cho anh gửi lời thăm cô Mỹ Miều nhé!”
Chiếc xe lao vút đi, Lâm lững thững vào nhà. Một năm nay, sau ngày hai vợ chồng ly dị, Lâm dọn về ở với bà cụ và Thúy, cô em út, chưa có gia đình, mặc dù đã ngoài 50. Cuộc sống mới đơn giản, vắng vẻ, khiến Lâm hơi hụt hẫng, nhưng tâm hồn chàng thật bình yên. Lâm cảm thấy như đang được sống lại thời độc thân, thời đi lính, thời còn ở nhà với cha mẹ và các em.
Lâm là anh lớn trong gia đình có bốn anh em, ba trai, một gái. Thúy là em gái duy nhất và nhỏ nhất nên được Lâm thương yêu chiều chuộng.
Lâm nhớ lúc chàng lên đại học thì Thúy mới học đệ Tứ. Nhờ tính tình xởi lởi vui tươi, nên Thúy có nhiều bạn. Thúy thường rủ bạn đến nhà, nấu nướng ăn uống vào cuối tuần, khiến không khí gia đình vui nhộn, ấm áp. Và Mỹ, bạn thân của Thúy trở thành thân thiết với gia đình chàng.
Trong nhóm bạn của Thúy, có nhiều cô xinh xắn dễ thương, nhưng Mỹ tự nhiên hơn cả. Vì ở cùng xóm, và vì Mỹ sang chơi thường xuyên, nên tình cảm Lâm dành cho Mỹ cũng gắn bó hơn.
Đã có lúc, Lâm nghĩ chàng yêu Mỹ, nhưng cứ nhìn ánh mắt láu lỉnh, sẵn sàng khai thác loan truyền những gì thầm kín chàng sẽ thố lộ, Lâm lại thôi. Và tự an ủi, chẳng tội gì đi yêu con bé chùi mũi chưa sạch, suốt ngày ti toe. Nhưng trời già ghen khách anh hùng, bày ra chuyện chẳng đặng đừng, khiến Lâm né tránh Mỹ cho đến ngày nay.
Lâm nhớ chuyến về phép đầu tiên khi học quân sự ở trường bộ binh Thủ Đức năm 70
Dạ, anh Hai mới về phép hả? có Thúy ở nhà không anh?
– Mỹ hả, vào nhà chơi, Thúy nó vừa chạy ra chợ. Tôi mới về hôm qua.
– Nếu anh Hai không kẹt, chiều nay em mời anh đi café với tụi em.
– Cảm ơn cô, tôi có hẹn rồi.
– Ha ha, vậy em chúc anh với chị vui vẻ nghe.
Lâm nhìn Mỹ cười cười:
– Tôi hẹn với mấy người bạn cùng khóa chứ chị nào?
– Thế mà em cứ tưởng anh hẹn với cái Liễu lớp em, xém tí nữa em gọi nó bằng chị rồi!
– Đấy là cô tưởng nhé, chứ không phải tôi!
Mỹ nhìn Lâm, ánh mắt long lanh:
– Cả lớp em đều tưởng như em đấy anh ạ. Kể cả cái Liễu. Liễu biết anh về chưa? Em báo cho nó nhé!
Lâm lúng túng:
– Không khỏi khỏi tôi bận lắm, chỉ có vài ngày phép dành cho gia đình.
Mỹ cười to:
– Có thế chứ! có thế mới là anh Hai của em và con Thúy chứ!
Lâm vui lây với tính nết tự nhiên tươi trẻ của Mỹ, chàng nghĩ giá như có tí quà gọi là từ quân trường tặng cho Mỹ thì đẹp biết bao. Tóc Mỹ dài ngang vai, nếu tặng cái kẹp tóc thì thích hợp nhất.
Nghĩ thế, Lâm bảo Mỹ ngồi chờ. Chàng lên lầu, vào phòng Thúy lục tìm chiếc kẹp tóc chàng mới cho Thúy hôm qua. Vừa gói chiếc kẹp tóc bằng thép xinh xắn, Lâm vừa nghĩ sẽ mua đền Thúy chiếc kẹp khác.
Xuống phòng khách, Thúy vẫn chưa về, Lâm cảm thấy đây là cơ hội tốt nhất để tặng quà cho Mỹ. Lâm nói:
– Tôi có tí quà tặng Mỹ.
Mỹ nhanh nhẩu:
– Em cảm ơn anh, anh cho em cái gì thế?
Cầm gói quà nhỏ, Mỹ liến thoắng:
– Anh chu đáo quá, em đang định kiện anh đấy, Thúy mới khoe em cái kẹp tóc anh mua cho nó xinh ơi là xinh. Em chờ Thúy về em mới mở quà, cho nó lé mắt luôn!
Tim Lâm đập thình thịch. Chàng không lường trước được sự việc. Có tiếng xe PC chạy vào sân và giọng Thúy oang oang:
– Mỹ hả? tới lâu chưa? Hôm nay tao đi chợ làm bánh tôm đãi ông Lâm, mi ở lại phụ tao nhé!
Mỹ cũng chạy ra cửa, vừa giơ món quà Lâm cho, vừa nói:
– Tất nhiên tao phải ở lại. Anh Hai cho tao quà, tao chờ mi về mới mở.
Lâm đứng như trời trồng trước ánh mắt ngạc nhiên của Thúy và Mỹ khi thấy chiếc kẹp tóc. Lâm muốn nền nhà lún sâu xuống để chàng biến đi, khi Thúy bảo chạy lên lầu tìm chiếc kẹp và giọng Mỹ chế giễu:
– Chết rồi, anh Hai bị tiếng sét gì mà lại lấy quà của con Thúy cho em thế? Em thì em giữ kỹ, kẻo anh lại lấy cho con Liễu thì chít!
Lâm tím mặt bỏ ra ngoài. Có tiếng Thúy từ trên lầu: “Mỹ, trả lại tao cái kẹp, tao sẽ hài tội ông anh của tao sau!” và tiếng cười nắc nẻ của Mỹ: “Đây, chị trả lại em, chị Hai sẽ đòi anh Hai cái khác”
Chuyện cũ đã mấy chục năm, nhưng nhớ lại cứ như mới. Cảm giác sượng sùng vẫn y nguyên. Tiếng cười của Mỹ vẫn giòn tan. Ánh mắt của Mỹ vẫn cười cợt chế giễu. Lâm vẫn muốn tránh Mỹ. Nhưng một ý muốn khác bỗng sống dậy trong chàng. Lâm muốn nhìn lại mái tóc óng mượt đổ xuống bờ vai thon. Muốn nghe tiếng cười như thủy tinh vỡ, muốn chạm ánh mắt tinh nghịch
Sau khi thả Lâm xuống, Thúy cho xe chạy hết tốc lực. Thúy biết Mỹ đang sốt ruột. Bạn bè ai cũng biết Mỹ hay lo… ra. Thúy cho xe chạy vào sân sỏi, Mỹ từ trong nhà chạy ra, nét mặt rạng rỡ: “Sao tới trễ vậy? Tao chờ muốn xỉu luôn.” Thúy bước xuống xe phân bua: “Đoán thử xem ai là kỳ đà cản mũi?”; Mỹ trợn mắt: “Tới tao mà cũng có người cản hả?”; “Không cản nhưng gây trở ngại, đoán đi!”; “Ai vậy?”; “Ông Lâm!”; ” Ông Lâm? ông í cản không cho mi tới tao hả? thù dai kinh!” Thúy kể cho Mỹ nghe chuyện vừa xảy ra giữa hai anh em. Nghe xong, Mỹ cười thích thú: “Nghĩ lại tao cũng ác, ông í đã khốn khổ vì lấy kẹp tóc của mi cho tao, tao lại bồi thêm sợ ông í lấy lại cho con Liễu. Giời ạ, mặt ông í tái mét, thộn ra một đống, quay gót lui binh, không nói một tiếng!” Thúy nhìn bạn: “Tao không hiểu tại sao ông Lâm muốn tặng quà cho mi trong khi ông í luôn miệng khen con Liễu công dung ngôn hạnh, nhưng lại không cho nó cái gì cả. Chẳng lẽ ông í mết mi một cách kính nhi viễn chi?” Mỹ cười to: “Làm sao mi biết ông í không mua quà cho Liễu? Ông í mà mết tao, thì tao đã là chị dâu của mi từ lâu rồi! ông í muốn bắt cá hai tay, cái Liễu là chính, tao là phụ, nên tao gài số de cho đời đỡ khổ!” Thúy chép miệng: “Sau cùng thì ông í mất cả chì lẫn chài!”; “Ông í quyết định lấy chị Châu cũng hơi vội vã phải không?” ;”Ừ”; “Sau khi hai người chia tay ông í sống thế nào?”; “Thì tao nói với mi rồi, ông í về nhà ở với bà cụ và tao. Lúc trước còn đi làm, sáu tháng nay nghỉ hưu, rảnh rang, nên mới đòi đến thăm mi!”; “Hả? ông Lâm đòi đến thăm tao?” “Đúng, chuyện lạ bốn phương nhưng có thật!”
Mỹ chợt nhớ Lâm, người thanh niên hiền lành với đôi mắt có rèm mi dầy và đậm, đẹp hơn mắt con gái. Ngày đó, không hiểu sao, mỗi lần gặp Lâm, nàng đều muốn trêu chọc cho đến khi đôi mắt ấy phải thảng thốt, rồi chùng xuống năn nỉ, van xin, và sau cùng là trốn chạy, nàng mới buông tha. Bất giác, tim Mỹ đập nhanh, nàng cũng mong được gặp lại Lâm. Nàng tin, thời gian mấy chục năm qua, đôi mắt Lâm sẽ đủ già dặn, và không trốn chạy. Mỹ ước được sống trong đôi mắt ấy!
“Mỹ,
Nhân Lễ Tình Yêu Valentine, anh trịnh trọng tặng em chiếc kẹp tóc năm xưa. Vì ngày ấy, sau khi giũa anh một trận, Thúy quyết định không lấy chiếc kẹp. Anh bảo nếu Thúy không dùng thì cứ giữ cho đến khi anh tìm được người để tặng.
Anh mong nhìn thấy chiếc kẹp trên tóc em.
Thương,
Lâm.”
Lâm hý hoáy viết, rồi xóa, rồi viết, cứ thế vài lần trên giấy nháp, trước khi nắn nót viết vào tấm thiệp màu hồng có hình vẽ dăm ba trái tim. Gửi quà và thiệp đi, Lâm bắt đầu hồi hộp, chờ mong, chàng lắc đầu chép miệng: lại yêu với đương, thật khổ!
