Menu Close

Kiến Quốc Lê Thanh Tùng – Kỳ 3

LGT: 2004-05, tôi đi tìm ‘bà con’ ở Bắc Âu, với học bổng Fulbright do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đài thọ. 2012, tôi đọc “Đường Phía Bắc” của Lê Đại Lãng. Hai biến cố cách nhau đến tám năm, mà lại rất gần nhau trong nội dung lịch sử. Những ‘bà con’ mà tôi được gặp ở Bắc Âu chính là những ‘nạn nhân’ (thuyền nhân) mà Lê Đại Lãng đã kể lại trong sách. Trong bài phỏng vấn nhiều kỳ này, chính con trai của một người trong cuộc sẽ kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm của một gia đình ‘nạn nhân’ từ phía Bắc. Qua đó, chúng ta sẽ thấy, ngay cả ở những nơi xa xôi trong thế giới Việt hải ngoại, tình yêu quê hương Việt Nam vẫn nồng nàn giữa bao trùng tuyết giăng.

Phần 3: Tâm Huyết Quốc Gia trên Xứ Tuyết

TGT: Trong tương lai, em cũng mơ ước theo học chương trình Tiến sĩ tại một viện đại học nào đó, có thể ở Hoa Kỳ. Em mong sẽ tìm hiểu về đề tài nào, và trong ngành gì? Tại sao?

LTT: Dù đã nhiều lần em thất bại, bởi trình độ học vấn của mình không đủ để cạnh tranh trong ngành khoa học chính trị, và thậm chí có trường hợp không đạt đủ những tiêu chuẩn tuyển chọn khách quan của một số viện đại học, nhưng cái ước mong muốn được tiếp tục học lên cao hơn nữa vẫn luôn bám theo em, vì còn rất nhiều điều em muốn nghiên cứu sâu hơn; đặc biệt em muốn tiếp tục phát triển luận văn tốt nghiệp cao học thứ hai của mình ở trình độ cao hơn.

Em muốn xây dựng một mô hình tổ chức khoa học thích nghi cho bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội và chính trị Việt Nam, để đẩy nhanh sự cải tổ hệ thống hành chính, pháp lý, kinh tế, xúc tiến hiện đại hóa, phát triển dân chủ, tự do chính trị, bình quyền và thịnh vượng. Bất cứ ai thật sự yêu nước thương nòi đều hiểu rằng Việt Nam ngày nay cần phải được thay đổi để không bị tụt hậu, hơn nữa cũng cần phải có những bước đi nhanh và vững mới có thể khẳng định được vị thế của mình và gây ảnh hưởng trên chính trường quốc tế.

Tuy Việt Nam hôm nay đã tiến bộ rất nhiều so với vài năm trước đây, song những người quan tâm đều ý thức được rằng thực tế sự tiến bộ đó đã và vẫn không mang lại những tự do chính trị căn bản, bình quyền, bình đẳng và thịnh vượng cho đại đa số người dân sống trên mảnh đất đó. Những căn bệnh nan y mãn tính của hệ thống dân chủ nhân dân vẫn cứ hành hạ thân xác của dân tộc, linh hồn của tổ quốc.

alt

“Cử đầu minh vọng nguyệt đê đầu tư cố hương”

Cơ chế Việt Nam quả thật đã có cởi mở, tuy nhiên tầng lớp xã hội được hưởng quyền lợi nhiều nhất qua sự cởi mở này vẫn là giới lãnh đạo nắm quyền ở các cấp và trong mọi ban ngành. Họ vẫn là những người đứng trên luật pháp, dùng luật pháp để trị chứ không phải để bảo vệ quyền lợi cho người dân trước sự áp đặt của bộ máy quyền lực và những quan chức quyền thế.

Tự nguyện bỏ quyền lợi riêng vì hạnh phúc và quyền lợi chung quả là một điều không thể xảy ra trong thời hiện đại, bởi thế Việt Nam cần phải được thúc đẩy từ trong lẫn ngoài để đất nước có thể hội nhập với thế giới và thay đổi theo chiều hướng dân chủ tự do. Muốn đạt được những điều này trước nhất em phải nghiên cứu sâu và rộng để hiểu rõ bối cảnh lịch sử phát triển Việt Nam, toàn cảnh thực tế xã hội Việt Nam đương đại, và đặc biệt bối cảnh quan hệ và phát triển trên mọi lĩnh vực trong khu vực và thế giới lân cận, để từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho sự tiến triển của đất nước và dân tộc.

TGT: Thanh Tùng đã suy nghĩ và quyết chọn cho mình bút danh “Kiến Quốc” như một tuyên ngôn về tình yêu quê hương của mình. Đối với em, bút danh này mang ý nghĩa gì? Và em đã giành lấy những cơ hội nào để thực hiện lý tưởng ấy?

LTT: Khi đã đặt cho mình một mục tiêu để phấn đấu, một cái đích để vươn lên, đã xây dựng một lý tưởng để mình theo đuổi, em đã suy nghĩ rằng phải cần một điều gì đó luôn nhắc nhở, động viên và khích phấn tinh thần mình trong những lúc gặp phải những bấp bênh và khó khăn trên con đường đi đến mục đích, vì em biết con đường này thật dài và thật khó đi. Bút danh Kiến Quốc sẽ là ngọn đèn thắp sáng con đường em đi, là sự nhắc nhở đừng bao giờ bỏ cuộc dù con đường trước mặt có đầy những chông gai hiểm hóc, và cũng là lời tuyên thệ cho sự dấn thân trong công cuộc xây dựng và phát triển tổ quốc.

Bút danh Kiến Quốc là một trong những hành trang tinh thần thiết thực đầu tiên cho những hành động vì sự nghiệp dân tộc sau này. Trong suốt thời gian học hành Kiến Quốc đã luôn là người bạn tri kỷ khắn khít với em. Nhưng tiếc rằng em đã chưa nắm được cơ hội nào để thực hiện lý tưởng kiến quốc trên mảnh đất tuyết lạnh này.

TGT: Nhìn vào thực tế của đời sống người Việt tại Thụy Điển, thì ai cũng phải công nhận rằng nó có phần buồn tẻ và đơn độc. Nhưng sự đơn độc đó lại càng thấm thía hơn trong nỗi nhớ nhà, và trong nỗi khát khao được góp tay kiến thiết quê hương. Thanh Tùng có cảm thấy cô đơn trong lý tưởng của mình không, nhất là giữa mùa đông âm u tuyết lạnh và giữa sự vắng mặt của các phong trào yêu nước?

LTT: Người Việt ở đây sinh sống tản mác ở nhiều nơi nên không có thể tạo thành một tổ chức hay phong trào nào vì quê hương. Sự thiếu vắng này đã làm cho những tâm hồn yêu quê hương, có lý tưởng dân tộc không tìm đến được gần nhau để cùng hành động cho lý tưởng chung. Cái cô đơn trong lý tưởng của mình đã trở thành một người bạn chung thủy với em trong suốt bao nhiêu năm và kể cả đến bây giờ ở trên xứ tuyết lạnh này. Không có người thực tại chia sẻ tâm tư em đã tìm tri kỷ qua thi văn và trong lịch sử. Em thấy mình có lúc cô đơn như Lý Bạch khi một mình uống rượu dưới trăng, có lúc như Kinh Kha cất cao tiếng hát phi điểu độc hành thiên sơn đẳng, và có lúc như tuyệt vọng với Đặng Dung bao lần rút kiếm dưới trăng ngà, v.v….

alt

Giữa nắng và tuyết

TGT: Người Việt tại Stockholm nói riêng và Thụy Điển nói chung không quan tâm đến những vấn đề chính trị như khối người Việt hải ngoại ở các nơi khác, chẳng hạn việc đấu tranh cho dân quyền và tự do cho Việt Nam. Tuy một vài cá nhân có quan tâm, nhưng không có sinh hoạt chính trị hay tổ chức cộng đồng chính thức trong số 20,000 người Việt tại Thụy Điển. Trong hoàn cảnh đó, em đã làm gì để nung nấu lòng yêu nước và lý tưởng phục vụ cho quê hương của mình?

LTT: Khi quyết tâm học chính trị và đặt lời tuyên thệ với nước non em đã biết rằng mình không nên tìm con đường nào khác để đi. Đã bước chân đi là phải đi đến cùng, dù có thế nào đi chăng nữa mình vẫn phải cố gắng đến hơi thở cuối cùng. Càng gặp phải trở ngại sự quyết tâm theo đuổi lý tưởng càng mãnh liệt.

Em luôn tâm niệm rằng mình đã sinh làm người Việt, được khôn lớn bởi tinh thần và khí phách Đại Việt, thì sẽ không chùn bước để hổ tiếng mang danh người Việt. Ngày trước tổ tiên đỗ đạt đều ra làm quan phụng sự cho đất nước, con cháu ngày nay cũng nên tiếp nối di chí của tiền nhân dấn thân vì quê hương và dân tộc.

Vả lại quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, những người có học không thể nào khoanh tay làm ngơ trước những bất công phi lý, tụt hậu nghèo đói và tầng lớp lãnh đạo tư lợi nơi quê nhà. Mình đang được hưởng tự do, song không thể quên đồng bào còn đang chịu nhiều áp bức. Chỉ cần nhìn vào thực tại của quê hương thôi cũng đủ phẫn nộ để nung nấu lòng yêu nước, thương nòi và lý tưởng phục vụ cho quê hương rồi.

TGT: Thanh Tùng cũng đóng góp nhiều cho Hội Sinh Viên Việt Nam tại Thụy Điển, và tham gia sinh hoạt với các Hội SVVN khác tại Bắc Âu. Em đã đảm trách những vai trò gì, và trực tiếp giúp những dự án gì cho Hội, đặc biệt là các chương trình trợ giúp sinh viên tại Việt Nam?

LTT: Hội sinh viên Việt Nam tại Thụy Điển thành lập không được bao lâu, quy tụ không quá 100 hội viên, nên thực sự đã không có ảnh hưởng và danh tiếng trong cộng đồng. Tuy nhiên trong hai năm đầu hoạt động, khi em còn đảm trách vai trò cố vấn, giám sát và điều hành, Hội đã khởi xướng và xúc tiến hai dự án trợ giúp công cụ học tập tin học và cơ sở vệ sinh hạ tầng cho các em học sinh nghèo tại Việt Nam.

Hai dự án này được khởi xướng từ sự đồng tình của đa số hội viên, nhưng việc xúc tiến đã gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt về mặt tài chính và nhu cầu được bảo hộ hành chính và pháp lý từ các tổ chức dân sự có uy tín tại bản địa. Vì không đáp ứng đầy đủ được những định chế hành chính quan liêu dành cho một tổ chức xã hội dân sự, nên hai dự án đó đã liên tiếp bị treo. Nhiều lần làm việc với những tổ chức địa phương có cơ sở tại Việt Nam để tìm sự đỡ đầu của họ không thành công, các thành viên trong ban điều hành đã quyết định gác hai dự án này lại vô định kỳ.

Và phát triển văn hóa cội nguồn trên xứ người chính là nuôi dưỡng chí khí, tinh thần và linh hồn Việt Nam cho mai sau, nhất là khi giá trị nhân bản của dân tộc ít được những người chức trách trong nước đặc biệt quan tâm. Vận khí dân tộc có muốn được thịnh thì phải xem vốn liếng văn hóa của những thế hệ sau có thịnh hay không. Khổ tâm và gánh nặng tinh thần của Viện Việt Học bởi thế cần phải có những thế hệ trẻ đứng ra chia sẻ và đỡ đần.

TGT: Cám ơn Thanh Tùng rất nhiều đã trả lời phỏng vấn. Thân chúc em nhiều thăng tiến trong học vấn, và tìm được những cơ hội thuận lợi cho lý tưởng Kiến Quốc.

TGT- Cali