Có trên 1 tỉ người Á Đông ăn mừng Tết Âm Lịch, từ vài ngày đến vài tuần tuỳ tập tục địa phương. Lễ hội có thể diễn ra ở gia đình, nơi các chùa chiền, công trường… gồm có hái lộc, diễn hành, phóng sinh, bắn pháo bông, nhảy múa… Và dĩ nhiên không thể thiếu những món ẩm thực riêng cho ngày Tết. Ngày nay, dịp Tết Âm Lịch không chỉ giới hạn ở Đông và Đông Nam Á, mà lan ra nhiều nơi khác trên thế giới, theo bước chân người di dân Á Đông.

Từ Hong Kong, Ma Cao, Đài Bắc (Taipei) xuống Sài Gòn, Nam Vang (Phnom Penh), Bangkok, kéo sang Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), đảo quốc Singapore, đến Manila (Philippines), Honolulu (Hawaii), lan xuống Úc Châu với Brisbane, Melbourne, Sydney, sang tận Âu Châu đến Công Trường Trafalgar Square ở London (Anh Quốc), rồi Amsterdam, Hoà Lan (Holland), toả xuống đường sá Milan bên Ý (Italy)… Rồi đến trời Bắc Mỹ với Las Vegas, Los Angeles, Manhattan ở New York City, v.v… Có thể nói không ngõ ngách nào trên địa cầu này mà không ghi ít nhiều dấu ấn Tết Âm Lịch.
Lai rai trước Tết, trên các trang báo, trang blog cá nhân, đã thấy nhiều rủ rê đến những sinh hoạt hội hè đình đám nhất dịp Tết Âm Lịch. New York City có tổ chức “Lunar New Year Parade” vào trưa ngày 17-2-2013. Cuộc diễn hành nổi tiếng kéo dài hơn 3 tiếng, đi từ khu hạ Lower Manhattan về khu Phố Tàu Chinatown. Mọi năm sự kiện này thu hút ít nhất nửa triệu khán giả người địa phương. Ở Los Angeles, năm nay ngoài các lễ hội truyền thống còn có sự kiện xếp 80,000 mảnh giấy ghép thành con rắn khổng lồ, toan tính lập kỷ lục thế giới. Vùng Vancouver ở British Columbia bên Canada có những ngày hội “Chinatown Spring Festival” tổ chức đến năm thứ 40, với số đoàn múa lân tập trung đông đảo bậc nhất thế giới. Vancouver và thành phố láng giềng Richmond có tỉ lệ người Hoa khá cao. Đặc biệt ở Richmond, trên 40% dân cư nói tiếng Hoa. Các thương xá ở đây gợi nhớ màu sắc Singapore hoặc HongKong, hơn là phong cách các trung tâm mua sắm thường gặp. Richmond cũng có trên 400 nhà hàng Á Đông và một ngôi chùa Phật Giáo lớn nhất nhì Bắc Mỹ, thu hút hằng trăm ngàn du khách mỗi năm.

Một người viết thư pháp bên ngoài Văn Miếu ở Hà Nội hôm 28 Tháng Chạp. Ảnh Hoang Dinh Nam – AFP/Getty Images
Tết Âm Lịch cũng khiến nhiều chánh quyền sở tại chú ý. Trên tầm mức quốc gia, Tổng Thống lẫn Ngoại Trưởng Hoa Kỳ năm nào cũng có lời chào mừng nhân Tết Âm Lịch. Thủ Tướng Anh Quốc chúc Tết đến dân chúng Á Đông. Các Thủ Tướng Canada và Úc Châu cũng đều… mừng tuổi những người ăn Tết Âm Lịch ở bổn quốc cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Năm nay là năm con rắn theo Âm Lịch. Truyền thống Á Đông xem rắn là con vật biểu tượng của sự khôn ngoan, thịnh vượng, và trường thọ. Nhiều người tin năm Tỵ thường mang lại những vận hội mới, hanh thông sự nghiệp việc làm. Những ai sanh nhằm năm con rắn thường có đầu óc phân tích nhạy bén, quyết tâm cao, bình tĩnh chứ không nóng nảy. Những yếu nhân ra đời năm rắn có thể kể Johann Goethe, văn hào và chánh khách người Đức; thiên tài âm nhạc người Áo (Austria) Franz Schubert; Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, người để lại chân dung trên tờ bạc $5, có công giữ vững sự vẹn toàn của Hiệp Chủng Quốc và giải phóng nô lệ; nhà sáng chế Alfred Nobel người Thuỵ Điển (Sweden) tạo ra giải thưởng trứ danh Nobel Prize; Mohandas Gandhi lãnh tụ Ấn Độ (India) mưu tìm độc lập dân tộc bằng phương pháp bất bạo động…

Các hội hè ăn mừng Tết Âm Lịch cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Mỗi năm, ước lượng khoảng 200 triệu người Á Đông viễn du để đoàn tụ với gia đình, thân nhân trong dịp Tết. Điều này tạo nên làn sóng di cư tạm thời đông đảo nhất trên thế giới. Hôm Thứ Hai mồng 2 Tết, giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm chút ít vì gần như cả Á Đông mọi việc làm ăn đều ngừng lại. Các thị trường chứng khoán cũng đóng cửa để nhân viên ăn Tết. Chỉ tính riêng Trung Hoa lục địa, có hằng trăm ngàn nhân công rời hãng xưởng về quê ăn Tết. Sản xuất gián đoạn ảnh hưởng đến Mỹ Châu La Tinh, Phi Châu, Trung Cận Đông… Nhiều nhà bán lẻ Hoa Kỳ như Macy’s, Walmart đều có dự trù để không bị thiếu hụt hàng hoá. Cũng có một hệ luỵ khá bất ngờ của Tết Âm Lịch. Nó giúp cho Hoa Kỳ cắt giảm thâm hụt mậu dịch song phương với Trung cộng, dù chỉ trong đoản kỳ. Năm ngoái, thâm thủng mậu dịch với Trung cộng giảm từ $20 tỉ vào Tháng Giêng xuống còn xấp xỉ $15 tỉ trong Tháng Hai — là lúc các cuộc ăn chơi ngày Tết diễn ra rôm rả.

Màn biểu diễn của người nhái ở khu vui chơi “Underwater World Singapore” (Sentosa, Singapore) những ngày cuối Tháng Chạp năm cũ. Trên tay anh ta cầm tấm vải ghi dòng chữ Hoa có nghĩa là “Chúc Mừng Năm Mới”.
Tại Mỹ, sự phổ biến ngày càng tăng của Tết Âm Lịch, đã vượt ngoài khuôn khổ cộng đồng Á Đông. Đã có không ít tranh luận, liệu Tết Âm Lịch có nên trở thành ngày lễ quốc gia hay không. Lần cuối Quốc Hội Hoa Kỳ thiết lập ngày lễ quốc gia là vào năm 1983 (Martin Luther King Day). Những ngày lễ nguyên thuỷ, có từ thời lập quốc là Tết Tây 1-1, Lễ Độc Lập 4-7, Lễ Giáng Sinh 25-12. Ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) và Lễ Lao Động (Labor Day) được thêm vào cuối thế kỷ 19. Ngày Cựu Chiến Binh (Veterans Day) để đánh dấu kết liễu Thế Chiến Nhất. Dư luận phản bác việc nâng Tết Âm Lịch thành ngày lễ quốc gia viện cớ tốn kém. Hiện tại, các ngày lễ liên bang đã… ngốn của chánh phủ khoảng $500 triệu tiền lương. Chưa kể các ngày lễ Phục Sinh (Easter) của Thiên Chúa Giáo, Lễ Vượt Qua (Passover) của người Do Thái, lễ Ramadan của Hồi Giáo rất lớn, có lượng người thậm chí hơn cả dân Á Đông, mà đến nay cũng chưa được công nhận là ngày lễ quốc gia. Với dân số Á Đông ngày càng tăng, là nhóm sắc dân học thức nhất, thu nhập cao nhất, thì nhu cầu được xã hội tôn vinh một văn hoá cổ truyền như Tết Âm Lịch là điều chánh đáng, có thể xảy ra, không sớm thì muộn.

Mừng Tết Âm Lịch ở Phố Tàu Bangkok hôm Mồng Một 10-2-2013. Ảnh PORNCHAI KITTIWONGSAKUL/AFP/Getty Images