Menu Close

Miền Tây hoang dã – Kỳ 6

Mùa Đông năm rồi, hai tay săn ảnh chúng tôi đã “thiên di” ngược về hướng Bắc, đến tận miền Bắc Canada với những cánh đồng băng tuyết mênh mông chỉ để chụp hình mấy con chim Cú di trú, thật không thích thú bằng mùa Đông năm nay đi về Miền Tây Hoang Dã với phong cảnh quá sức hùng vĩ, đầy chất lãng mạn. Nơi đặt chân đầu tiên là Kinh đô Ánh sáng với hàng triệu ngọn đèn thắp lên hàng đêm. Từ đây chúng tôi lấy xe đi vào… nơi hoang dã…

alt

Lòng hồ muối Badwater Basin.

Thung Lũng Chết

Đã sang ngày thứ 11 của cuộc hành trình dài ngày về “Miền Tây hoang dã”. Tôi thức giấc, vẫn rệu rã cái cảm giác thèm thuồng chăn nệm êm ái. Thật chẳng muốn rời căn phòng deluxe room ở hotel Rio, giá sale off  tơi bời. Thanks Mr. Andy Nguyễn đã luôn dành cho tôi những bất ngờ thú vị!

Bốn giờ sáng. Con số mà tôi đã cảm giác dị ứng khi cái alarm tít tít mỗi sớm. Sớm Đông đã ngột ngạt giữa mấy lớp áo dầy cộm đến nghẽn thở.

Gần ba giờ đồng hồ trên xa lộ, tôi thẳng giấc cò bay. Tỉnh giấc là xực luôn hộp thạch sa cho breakfast. Andy thì quái chiêu hơn, điểm tâm bằng một ly chè đậu đỏ nước dừa mua ở chợ Việt. Đậu xe xong, hai tay máy vác đống đồ nghề lội bộ ra chỗ đất nứt Badwater Basin. Đây là một địa danh nổi tiếng, thấp nhất ở Tây bán cầu 282ft so với mực nước biển. Tôi cúi xuống, vốc những hạt tinh thể muối của hàng ngàn năm còn tụ lại ở đáy hồ cạn. Những đường nứt khô vằn vện, chạy dài đến tận chân trời. Mặt trời còn lấp ló giữa rặng núi. Sa mạc xam xám hắt hiu giữa hoang vu cằn cỗi. Trời không nắng, Andy muốn trở lại giữa trưa để chụp thêm mấy góc cạnh ánh sáng đẹp. Tôi nghe mệt, ở cái giờ cao điểm mà tác nghiệp là dễ bị…bê thui!

Trở về xe, lái tiếp. Xe quanh co ở mấy đoạn dốc ngoằn ngoèo giữa Death Valley, lên xuống cứ như đang lênh đênh trên sóng, đến chóng mặt. Tôi mở cái laptop, đánh được mấy dòng thì ý tưởng lẹt đẹt như pháo tịt ngòi. Cứ như lời khuyên của triết gia Hegel thì ,“Tất cả sự vật đều phát sinh từ trực giác sáng tạo, tính nguyên sơ từ trong tâm hồn của thi nhân và sự va chạm của cảm tính”. Tức là, một “nghệ thuật gia” phải nỗ lực hơn để chuẩn bị cho trạng thái linh cảm. Tây phương thì gọi là inspiration, hay cảm hứng. Và nói theo kiểu phiên âm Hán Việt thì là “yên sĩ phi lý thuần!”  Sinh viên văn chương đều phải học về mỹ học của Hegel. Và thật, cũng chẳng mấy ai hiểu ông muốn nói cái gì ở môn triết lý mỹ học thâm thúy ấy. Nhưng vẫn đúng là trong sáng tác nghệ thuật luôn cần đến trạng thái cảm hứng. Tôi biết vậy để tự an ủi, khi những “cảm tác nghệ thuật” của tôi đây còn lãng đãng đâu đó. Cũng theo cái triết lý uyên thâm của Hegel, thì ngay đến những bậc thiên tài vĩ đại, tối ngày nằm trên thảm cỏ xanh hiu hiu đón gió, rờ cằm hay ngửa mặt ngắm trời đất trong veo. Và nguồn cảm hứng nghệ thuật cũng đâu thèm ngó ngàng đến!

26 dặm là đến địa điểm Sand Dunes. Thung Lũng Chết cằn cỗi gợi cái cảm giác chết chóc, hiu quạnh. Cả cái dãy núi đá, dù với cái tên gọi thi vị Golden Canyon cũng nhợt nhạt cái sắc vàng. Vùng thung lũng Death Valley, 95% là hoang dã, nóng và khô cằn nhất ở phía Đông dãy núi Sierra Nevada (CA). Thung Lũng Chết nổi tiếng không chỉ ở nhiệt độ khắc nghiệt nhất nước Mỹ và là điểm thấp nhất ở Tây bán cầu. Andy dừng xe, chụp cái bảng 100 ft dưới mặt nước biển. Tôi đọc mấy cái bảng tên Furnace Creek, rồi Devil’s Golf Course. Sân golf Devil hay Suối Lò Sưởi. Cái tên đã gợi lên cái nóng khủng hoảng. Giữa Hạ nhiệt độ ở vùng này là 136o. Tôi vẫn còn “ám ảnh” bởi kinh nghiệm bị “thiêu” như con tôm luộc giữa vùng sa mạc White Sand (New Mexico).

alt

Badwater Basin đã cạn từ hàng ngàn năm thấp hơn mặt nước biển 282 feet

Đến Sand Dunes. Chụp phong cảnh chớ không “bắn” chim, nên tôi bỏ lại xe mấy cái nòng ống kính Bazooka, rồi lầy lội đời em giữa đất cát sa mạc. Vừa chạm chân lên đồi cát đã thấy luẩn quẩn dấu chân của loài chim Roadrunner.  Mr. Gú Gồ dịch là loài “gà lôi đuôi dài”. Tôi gọi nó theo cái tên riêng “chim điền kinh”. Vì với cái khả năng bay yếu xìu so với cái tốc độ điền kinh chạy trên mặt đất đến 20 dặm một giờ (32 km/h). Chụp xong loạt phong cảnh, hai tay máy hứng chí chuyển thể loại chụp wildlife. Andy thì “bức xúc” rằng loài  chim “điền kinh” này thuộc “hàng độc” vì chỉ tìm thấy ở sa mạc.

Giữa trưa, mặt trời khủng bố trên đỉnh đầu. Con Roadrunner  cứ thoắt hiện, thoắt biến. Cái ống kính focus đến căng thẳng. Trời nóng dần, hai tay máy cởi mấy lớp áo trong ngoài, dần trơ trụi mỗi cái T-shirt. Cái va-li tôi chỉ toàn đồ lạnh. Đôi boot cao bồi chỉ xỏ chân vài giây điệu đà để chớp mấy pô hình rồi lăn lóc ở góc xe. Đời lãng tử, tôi chỉ muốn đơn giản hóa phong cách ăn mặc, thoải mái là tiêu chuẩn hàng đầu. 

alt

“Chim điền kinh” Roadrunner ở Sand Dunes

Hơn nửa ngày lăn lộn giữa đá và sa mạc. Cuối cùng thì chỉ có loạt ảnh chim điền kinh là đắc ý. Và dẫu anh Hoàng Định Nam có nhận xét là, “Mỹ Hạnh dù chỉ có đá và núi, mà cũng viết được cái loạt bài về miền Tây hoang dã hấp dẫn”. Và cứ triết lý… cùn theo quan điểm của tôi là, “hiểu” và “cảm nhận” đều liên quan đến hai trạng thái hoạt động của hệ thần kinh; cũng có khi chẳng có cái biên giới rành rọt nào giữa hai cách tiếp thu này. Và rồi cuối cùng cũng chỉ là cảm thụ. Cảm thụ cuộc sống qua ống kính, bởi bản chất của cuộc sống đã là thực. Andy thì lại cho rằng thời đại mới có cả những nghệ thuật tồn tại trong “thực tế ảo” (virtual reality)!

Cái bình xăng dần cạn. Mày mò tìm được trạm xăng chơ vơ giữa Death Valley, tôi chụp hình liền cái bảng giá xăng cắt cổ… gà, $5.04. Một ngày hành xác giữa sa mạc đủ tiêu hao năng lượng. Radio quảng cáo World Carnival Buffet 50% off.  Đến Las Vegas mà không nhiệt tình với buffet là thiệt thòi. Andy chưa hỏi, tôi gật đầu cái rụp. Óp iết chi mệt.

Đói bụng, tôi chỉ mơ về một chầu buffet. Là chấm hết một ngày dài miệt mài, một phận đời!

alt

Điểm trắng nằm trong vòng tròn đánh dấu mực nước nguyên thủy của hồ.

alt

 Andy Nguyễn

alt

Cảnh quan ở Sand Dunes.

ĐMH
Website: www.hanhphoto.com