Từ xa xưa, tổ tiên đã biết dùng ngói, gạch, đá xây nhà với những cột bằng loại căm xe, cà chấc, thao lao, dầu với những ngôi nhà “ba gian hai chái bắc vần” to rộng trên những nền đúc bằng đá cao ráo. Nhưng trải qua các thời kỳ loạn ly, giặc giã, những ngôi nhà ngói đồ sộ này cũng cùng số phận của người dân nông thôn bị tàn phá, đổ nát, tiêu điều.

Cây vú sữa, loại cây đặc trưng Miền Nam – nguồn donxuan.com
Muốn ăn khóm, ăn thơm, có lẽ không nơi nào có khóm, thơm ngọt ngon bằng khóm cầu đúc Cái Sình, kinh Một, kinh Năm (Chương Thiện), Tắc Cậu (Rạch Giá ), Bến Lức (Tân An). Riêng vùng Đồng Tháp Mười từ Mộc Hóa về tới Thủ Thừa trồng loại cây điều lấy hạt còn gọi “đào lộn hột” như ngoài Phan Thiết, nhiều thật là nhiều. Đặc biệt vùng này chưa có vườn cây ăn trái như các làng mạc khác vì đất đai mới thuần thục, còn thấp so với mực nước lụt hằng năm. Cũng như vùng Đồng Tháp Mười, làng mạc miền Nam không phải chỗ nào cũng có vườn cây ăn trái. Nhất là những vùng gần biển như Rạch Giá, Cà Mau hoặc những nơi còn phèn, còn mặn. Có nhiều nơi chỉ trồng được dừa nước, cây mắm, cây bần, cây vẹt, cây đước. Ngay một làng vùng nội địa như làng Vĩnh Hanh thuộc An Giang, có lúc chỉ trồng được loại cây gáo, cây cà na (một loại cây có lá nhỏ, trái hình bầu dục, hạt to, cứng, nhọn hai đầu, còn non ăn có vị chát, chín có mùi thơm và vị chua, thường được muối và sên đường, ghim vào ghim bằng tre chẻ mỏng đem bán tại các cửa trường học, học trò rất thích ăn loại cà na này) vì đất còn thấp như trong câu ca dao tại địa phương:
“Vĩnh Hanh là xứ quê mùa,
Đi thăm bà già vợ, cho một dùa cà na.”

Trái cà na – nguồn chotnho.com
Bây giờ, Vĩnh Hanh đã trồng được cây ăn trái rồi nhờ người nông dân chịu khó bỏ công, bỏ vốn mướn người chở đất lên bờ, lên vườn như các làng mạc khác trong vùng.
Đặc biệt, làng mạc vùng đồng bằng sông Cửu Long không thấy trồng măng cụt như ở Lái Thiêu và cũng không có bưởi Thanh Trà, bưởi ổi như ở Biên Hòa. Có lẽ hai giống cây này không thích hợp với vùng đất phù sa mới bồi, bà con có trồng thử nhưng thấy không ngon, rồi không ai muốn trồng. Thỉnh thoảng, trong vườn cam, vườn quít có trồng xen vài gốc bưởi loại trái lớn để cho vườn có đủ loại hoa quả cho vui, chứ không cốt trồng bưởi để bán như cam, quít, xoài, mận, v.v…
Ngoài ra, có một loại cây ăn trái chỉ ở làng mạc miền Nam mới có, đó là cây vú sữa. Vườn nhà nào cũng có vài cây vú sữa trồng ở trước sân hoặc ở góc vườn vừa che bóng mát, vừa có những trái vú sữa chín ngọt. Không biết trong sách Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ có nói loại cây này không. Nhưng trong dân gian truyền tụng nhau: cây vú sữa là một loại cây ghép của hai giống cây măng cụt và cây sa-bô-chê. Không biết thực hư thế nào, nhưng trong thực tế, chúng ta thấy trái vú sữa có vỏ gần giống vỏ của trái măng cụt, thịt của trái vú sữa và hạt dẹp giống thịt và hạt của trái sa-bô-chê. Điều muốn nói ở đây, cây vú sữa là nét đặc trưng của làng mạc miền Nam. Trái vú sữa khi còn sống rất chát, nhưng khi chín, vú sữa rất ngọt, với màu trắng như sữa mẹ mà người nào ăn vào cũng thấy ngon, thấy thích.
Đời sống người nông dân trong các làng mạc miền Nam, phần lớn họ sống một đời sống tự lực, tự túc. Do đó, những nhu cầu như cơm gạo, cá, mắm, heo, gà, vịt v.v… nhà nào cũng có, không nhiều thì ít. Thành ra, việc mua bán ở những chợ xa chỉ là việc năm thủa mười thì mới có một lần, khi tối cần thiết. Còn thì, bà con cứ xúm nhau nhóm họp chợ làng, chợ xã trên sân đất trống nào đó khi có con cá, con gà, thúng bắp, rổ cà, thúng xoài, thúng ổi dư dả, muốn đem đi bán có chút đỉnh tiền chi xài lặt vặt để mà buôn bán với nhau. Dần dà, mỗi làng đều có chợ làng, chợ xã mà không ai biết chính xác ai thành lập và thành lập lúc nào. Theo đà phát triển, có nhiều chợ xã càng ngày càng mở rộng, phố xá đồ sộ, trên bến dưới thuyền tấp nập không thua một vài chợ quận nơi xa xôi, vắng vẻ.
Và cũng từ đời sống tự lực, tự túc đó, cho chúng ta có cái nhìn chân xác về cách trị bịnh nơi các làng mạc miền Nam như một nét riêng của vùng đất mới này. Sau mấy năm sống ở Mỹ, thấy cây cối, hoa lá vùng này, loại nào cũng dễ gây “dị ứng” cho con người. Trái lại, với làng mạc miền Nam, tất cả các loài cỏ, cây, hoa, lá chung quanh nhà, trong vườn, ngoài ruộng, nhất nhất đều là những vị thuốc cần kíp cho con người trong cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, khi cảm cúm, người nông dân chỉ cần ra sau vườn hái một nắm lá bưởi, lá sả, lá ổi, lá tía tô rồi đem bỏ vào cái nồi đất nấu cho sôi lên, lấy cái mền trùm kín đầu, mở nắp nồi lá bưởi từ từ cho hơi nóng bốc ra, gọi là xông hơi. Cảm cúm, nhức đầu từ từ nhẹ đi và làm như vậy vài ba lần là ra đồng, đi cày, đi bừa, giăng câu, giăng lưới như chơi, khỏi phải chích thuốc, tiêm thuốc. Hoặc giả, khi bị đứt tay chảy máu, chỉ cần bước lại bên lu nước uống, hái vài lá thuốc hàn, bỏ vào miệng nhai, nhai rồi lấy ra đắp lên chỗ bị đứt là cầm được máu chảy, không phải băng bó lôi thôi. Hoặc mất ngủ có lá vông nem, ăn vào dễ ngủ; trong người nóng nhiệt, có rễ tranh ngoài bờ, đào lên rửa sạch, cho vào nồi nấu, lấy nước uống vừa ngọt, vừa thơm, vừa mát, giải nhiệt. Và còn biết bao loài cây cỏ trị bịnh, ích lợi như vậy, mà không phải nơi nào cũng có như làng mạc miền Nam.

Nồi lá xông trị cảm – nguồn news.bacsi.com