Menu Close

Người láng giềng năm ấy

Tôi gặp lại ông bà ở cái gallery tại gia. Một ngày trước, tôi ghé thăm, ông bà vắng nhà. Ông bảo, đọc xong mấy lời nhắn của tôi từ mảnh giấy nhỏ, ông cứ bứt rứt, vì chẳng biết tôi có thể trở lại để gặp ông bà nữa không.

alt

Đặng Mỹ Hạnh và Họa sĩ Bé Ký

Ngày trước, tôi còn là láng giềng, nhà chỉ cách mỗi giậu… hoa hồng. Cái cửa sổ, nơi phòng làm việc của tôi ngó qua, thường chỉ để “trộm” thưởng thức sự “thai nghén của họa phẩm nghệ thuật” của ông. Tôi thường tự đùa với ý tưởng ấy, dù là chỉ “đôi khi, trộm nhìn…tranh, xem dung nhan đó bây giờ ra sao!” Tôi vẫn luôn đầy hào hứng với sự “lén lút” ấy.

Họa phẩm của Hồ Thành Đức, thể hiện cái triết lý sống hiện hữu của ông, ngay cả ở cốt cách sống. Nghệ thuật dường như được tìm thấy ở sự lựa chọn, tỉnh thức trong đời sống. Và hội họa là cuộc đời- như một sự giác ngộ sâu sắc, triệt để hay đột biến của tâm hồn. Những họa phẩm nghệ thuật của ông, sáng tạo trong cái đẹp, không chỉ trong tư duy trừu tượng. Mà, ở cảm quan trực tiếp, vốn là sở trường của người nghệ sĩ lão thành này.

Tôi vẫn thường, mỗi sớm, cũng ngó sang. Bên cái hàng hiên, ông ngồi đọc báo, làm thơ. Ông đưa thơ vào tranh, yếu tố thẩm mỹ của trường phái hội họa trừu tượng impressionism, diễn đạt qua ý thức và trí tưởng tượng. Và, ngẫu nhiên gạn lọc, lột tả cái đẹp đầy triết tính mỹ học. Tác phẩm của Hồ Thành Đức thẩm thấu niềm thương cảm nhân loại. Ở đó, cả Chúa và Phật đều đổ lệ vì loài người. Vẫn thường, trong những họa tác của ông, chiến tranh Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh, đầy thống khổ, hiển hiện.

Buổi sớm mùa Đông Cali, ông đã tươm tất trong bộ đồ ấm và chiếc nón bê rê. Những năm tôi làm láng giềng gần của ông bà, tôi chẳng ngờ ông bà đã yêu quý tôi đến chân tình. Ông nói, khi nghe tin tôi dọn đi, ông bà đã rất hụt hẫng. Tôi yêu ông bà, ở nhân cách và cái nhìn đầy nhân bản. Cái phòng tranh tại gia, nơi đây đã âm thầm cưu mang những tích lũy của một đời nghệ thuật. Với họ, nghệ thuật chân chính mà tư tưởng là thời gian, và sự cống hiến.

alt

Phòng tranh tại gia của cặp vợ chồng Họa sĩ Hồ Thành Đức- Bé Ký

alt

Những tác phẩm lớn của Hồ Thành Đức đã ra đời từ cái “xưởng vẽ” này

Ông thâm trầm sâu sắc, triết lý ở cả cái cốt cách sống. Và bà, với họa danh Bé Ký, họa điển ở nét cọ thanh thoát giản đơn, cô đọng, chất chứa linh hồn Việt. Đã có quá nhiều những nhận định về tranh của bà. Và dẫu, ở cái tuổi đời bảy mươi, tâm hồn bà vẫn man mác những nét họa chân chất thuở nào. Hồ Thành Đức bảo “Việt Nam, chỉ có một Bé Ký”. Chỉ khi thưởng thức những họa phẩm của Bé Ký, tôi chợt như hiểu hơn sự khơi gợi cái cảm giác ở vẻ mộc mạc của “nét cọ một nét” nhu nhuyễn. Họa phẩm “Bà lão ăn mày và con chó”, bà lão ăn mày, cái cằm trễ nhại, và biểu cảm của cặp mắt đầy van lơn, thống thiết. Cả ánh nhìn của con chó còm cõi, thì lại hiển hiện đầy vẻ hớn hở thèm thuồng…  Bà kể, cái tác phẩm ấy bà vẽ trước lúc gặp ông; nhiều viện bảo tàng nghệ thuật rất muốn sở hữu cái họa phẩm vô giá ấy nhưng bà chẳng bao giờ muốn bán.

Tuổi thơ của Bé Ký là một hồi ức đau buồn. Vài lần tôi được nghe bà kể lại những chuyện đời trong mớ ký ức có phần rời rạc của bà. Bé Ký chia sẻ rằng đang thực hiện cuốn hồi ký bằng tranh về cuộc đời và nghệ thuật của bà. Hồ Thành Đức thì bảo tôi, “cô chú cùng mồ côi từ nhỏ, sự đồng cảm gắn bó đến từ cuộc đời và nghệ thuật hội họa.”

alt

Họa sĩ Hồ Thành Đức và những họa tác của ông

Trên cái sofa trong căn phòng nhỏ. Bà ngồi cạnh tôi, mắt nhìn trìu mến, yêu thương. Và nói “Hạnh không thay đổi nhỉ”. Tôi siết tay bà, cảm giác thiết thân, gần gũi. Tôi nhớ cái dáng bà lom khom bên rào giậu, chăm sóc những chậu cây lỉnh kỉnh đầy lối đi. Ông bảo bà trồng cây kiểu “nhà quê”, có gì trồng đó. Bà yêu cây cỏ, yêu như yêu nghệ thuật vẽ tranh vậy. Tôi nhớ cây mai vàng của bà trổ hoa vàng rực mỗi Tết đến, nhớ cái chậu lan tổ chảng bà để trước hiên nhà. Rồi một sớm bà thảng thốt khóc, kể rằng “tôi vắng nhà, chúng mang xe truck đến cuỗm luôn cái chậu hoa lên xe, dông mất”. Tiếc cái chậu lan tuyệt đẹp, bà buồn suốt mấy ngày. Cũng có lần, bà tặng tôi một cây me, và bảo rằng quý lắm “Bolsa này chỉ có một.” Cái cây đã thuộc quyền “sở hữu” bên sân nhà tôi, nhưng bà vẫn luôn dòm ngó, trông chừng.  Và lạ là chỉ một vài tuần sau, bà qua “xin” lại và bảo rằng tôi không biết cách chăm sóc, sợ nó chết. Biết ý bà, tôi chẳng nề hà, cứ vô tư cho và nhận ở bà. Tôi yêu bà ở vẻ mộc mạc tâm hồn, và cả cách sống cũng đầy biểu cảm nhân tính.

Bà giờ không vẽ nhiều, chỉ quẩn quanh với cây cối. Mắt đã lèm kèm rồi, và tai bà thì lãng, quá lãng. Bà kể là vừa mới đi tái khám về, giờ thì không thể phân biệt được âm thanh đực, cái là gì nữa.

Ngày tôi dọn đi, tôi nhớ, bà ôm tôi rưng rức khóc. Lòng tôi như rấm rứt cùng bà.

alt

Họa tác “Bà lão ăn mày và con chó” của Họa sĩ Bé Ký

Bên ngoài đã gần trưa. Tôi vẫn luẩn quẩn trong phòng tranh nhỏ. Cái “xưởng vẽ lộ thiên” của ông bên hiên nhà, nay đã dời vào bên trong gian phòng nhỏ này. Ông khoe tôi một “đại họa phẩm” dở dang. Đó là một bức chân dung Phật, và nói ý tưởng từ một ký giả Mỹ nổi tiếng, người có nhiều giao tiếp rộng với những tay triệu phú hào sảng có thú sưu tầm tranh ảnh nghệ thuật. Ông vẽ để bán cho một cuộc đấu giá tranh; và số tiền quyên được sẽ giúp cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam. Và rồi ông, đầy vẻ tự hào kể về cái giải thưởng danh dự hội họa cao quý năm 2012 “Best Respresentation of Hope.”

Tôi có thú sưu tập tranh ảnh nghệ thuật từ bao năm nay. Họa phẩm chân dung trừu tượng người thiếu nữ Việt ông vẽ tặng tôi. Ông nói, cái nét hao hao giống tôi. Tôi nhìn cái cổ dong dỏng gầy của thiếu nữ. Và ngẫm, giống hay không, chỉ ông hiểu!

Tôi yêu ông bà. Yêu sự thâm trầm ở ông và nét chân chất, mộc dị của bà. Trong chuyến đi về “Miền Tây Hoang Dã”, tôi tiện dịp ghé thăm ông bà. Và tìm lại cảm giác của những ngày thân thương cũ.

Nhớ lại mỗi năm Tết đến, tôi thường ngắm cây mai vàng rực bên nhà bà. Đêm giao thừa, tôi ra trước hiên nghe pháo nổ, đón Xuân. Cạnh bên, ông bà với cái bàn thờ nghi ngút khói hương.

Tôi chợt ao ước hơn một lần gặp lại. Sẽ vẫn còn nơi ấy, người láng giềng của tôi, ngày nào…

alt

Ảnh lưu niệm cuối năm 2012 tại tư gia của hai nghệ sĩ lão thành.

ĐMH
Website: www. Hanhphoto.com