Từ xa xưa, tổ tiên đã biết dùng ngói, gạch, đá xây nhà với những cột bằng loại căm xe, cà chấc, thao lao, dầu với những ngôi nhà “ba gian hai chái bắc vần” to rộng trên những nền đúc bằng đá cao ráo. Nhưng trải qua các thời kỳ loạn ly, giặc giã, những ngôi nhà ngói đồ sộ này cũng cùng số phận của người dân nông thôn bị tàn phá, đổ nát, tiêu điều.

Lăng Thoại Ngọc Hầu – nguồn wikipedia
Làng mạc miền Nam vì nằm dọc theo sông, theo rạch, mà lại là vùng đất phù sa, màu mỡ, nên ngoài cây trái ngọt lịm bốn mùa, ở đó còn là vựa lúa, vựa gạo. Trước năm 1975, mỗi nhà của cư dân, nhà nào cũng có một bồ lúa từ năm, ba chục giạ đến lúa trăm, lúa ngàn. Không có gì phải ngạc nhiên, dù chỉ làm mỗi mùa lúa nổi, lúa sạ hằng năm. Do đó, dọc theo bờ sông, chúng ta sẽ thấy nhan nhản nhà máy xay lúa lớn, nhỏ với ghe, xuồng chở lúa tới xay tấp nập. Họ là những nông dân trong làng xay lúa để ăn, để mang lên đồng, lên ruộng hoặc những bạn hàng, thương buôn xay lúa chở đi bán các chợ xa như trên tỉnh, trên Sài Gòn.
Cùng với nhà máy xay lúa, có một loại nhà máy khác cũng san sát, đó là các lò ép đường mía, nhiều nhất tại các làng mạc trên các cồn, cù lao trên dòng sông Tiền Giang, Hậu Giang. Riêng xã Bình Phước Xuân thuộc quận Chợ Mới, An Giang, có ấp tổng số lò ép đường lên đến gần hai mươi lò. Lý do có nhiều lò đường rất giản dị, vì đất cồn là đất cát, phù sa mới bồi nên đất tốt, phù hợp các loại rẫy, hoa màu. Mía là một trong những loại rẫy người nông dân thích trồng nhất vì dễ trồng, mía tốt, cây mập, lớn và cho rất nhiều đường. Cù lao nào cũng trồng mía, làng nào trên cồn cũng trồng mía. Dần dà, những làng mạc trong đất liền cũng trồng mía trên những đất bãi, đất gò vì sau vụ mía, nông dân cấy lại lúa hoặc nếp cũng không muộn, mà lợi tức còn có thêm chút đỉnh.
Tưởng cũng nên nhắc một chút về những tên gọi làng mạc miền Nam, như một cái gì đặc biệt cho riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà các miền khác không có. Ngoài những địa danh của vùng đất mang tính chất lịch sử như rạch Đốc Vàng Hạ, rạch Đốc Vàng Thượng ngang Chợ Thủ, nằm về phía bên kia sông Tiền; rạch Ông Chưởng, Cù lao Ông Chưởng ở Chợ Mới. Và để nhớ ơn hai vị anh hùng Đốc Binh Vàng và Chưởng Binh Lễ đã tử trận khi đem quân chống quân Xiêm và quân Miên vào năm 1837 tại những vùng này. Hoặc làng Thoại Sơn, để nhớ công đức cụ Thoại Ngọc Hầu đã có công khai mở và bình định vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên với những con kinh đào nối liền các nơi này như kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đi Hà Tiên, kinh Long Xuyên đi Rạch Giá, chạy ngang qua núi Sập v.v… Còn phần lớn, tên gọi làng mạc miền Nam đều có những chữ đầu gần giống nhau. Vì là phần đất mới mở mang, việc thiên thời, địa lợi, nhân hòa là ba yếu tố chẳng những cần mà còn là niềm mơ ước tha thiết mà tổ tiên chúng ta gởi gắm trong việc đặt tên làng, tên xã. Do đó, những chữ Bình, An, Hòa, Mỹ, Phước, Vĩnh, Thạnh, Tân v.v là những chữ luôn luôn có trong tên gọi các làng mạc miền Nam như cầu phúc, cầu lành, cầu thái bình thịnh trị, an cư, lạc nghiệp, trường tồn muôn đời.

Dinh Ông tại Thị Trấn Chợ Mới – Ảnh Phượng Kiều
Chẳng hạn, trước năm 1975, quận Ba Tri tỉnh Kiến Hòa gồm có 16 xã, mà đã có tới sáu xã có chữ An đứng đầu như: xã An Đức, An Hiệp, An Bình Tây, An Ngãi Trung, An Ngãi Tây, An Hòa Tây và có ba xã có chữ Mỹ đứng đầu là Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh Hoà. Các nơi khác, những tên gọi làng mạc cũng tương tự. Xin liệt kê ra đây một vài địa danh điển hình như tại các nơi có chữ Mỹ như làng Mỹ Phước, Mỹ Hoà Hưng, Mỹ Hội Đông, Mỹ Luông (An Giang), Mỹ An Hưng (Sa Đéc), Mỹ Đức Tây (Giáo Đức). Có những làng có chữ Bình đứng đầu như làng Bình Hòa, Bình Mỹ, Bình Đức, Bình Phước Xuân, Bình Phú (Long Xuyên). Hoặc những làng có chữ Vĩnh như Vĩnh Hanh, Vĩnh Chánh (Long Xuyên), Vĩnh Trinh (Thốt Nốt), Vĩnh Thạnh (Lấp Vò), Vĩnh Châu (Bạc Liêu), Vĩnh Thuận (Rạch Giá). Những làng có chữ Tân là mới như: Tân Thủy, Tân Xuân (Ba Tri), Tân Hiệp, Tân Hội (Rạch Giá), Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây (Thốt Nốt), Tân Bình (Lấp Vò) v.v…
Từ tên gọi hiền hòa đó, cho thấy được tận trong những gì sâu thẳm nhất của con người ở đây cũng hiền hòa, bình dị, mộc mạc, chân thật. Điều đó không nói ngoa chút nào, nếu các bạn có về sống thật lâu với người nông dân ở làng mạc miền Nam, các bạn sẽ thấy rõ phong cách này. Trải qua biết bao phen đổi dời, biết bao triều đại phế hưng, ly loạn, giặc giã tơi bời, nhà hoang, vườn trống, nhưng có lẽ chưa bao giờ những người làng mạc này thù oán, chém giết những người làng mạc kia. Cho dù có bị lôi kéo về phía này, phía khác, nhưng người nông dân trong các làng mạc miền Nam vẫn thương yêu nhau, chia sẻ cùng nhau những đọa đày, những cơ cực, những nhiễu nhương. Có phải chia lìa, xa cách rồi cũng hợp về, khắng khít như nước, không mãnh lực nào có thể cắt rời được, chia rẽ được những tình tự thiêng liêng của những người dân dù quê mùa, mộc mạc như vậy ở các làng mạc Miền Nam.
Tóm lại, với gần 250 năm, kể từ ngày tổ tiên khai mở vùng đất mới này với biết bao mồ hôi, nước mắt, máu xương. Làng mạc miền Nam với những nét đặc trưng riêng của nó. Cho chúng ta biết thêm công sức của tiền nhân, biết thêm những vùng trù mật, phong phú, độc đáo, ngọt ngào với cây trái bốn mùa cũng như tình người đầy ắp thương yêu của vùng đồng bằng. Những người nông dân ở đây rất hiếu khách, không biết thù oán, không biết tị hiềm. Họ cam chịu đau thương, cam chịu thua thiệt, cam chịu hèn mọn, cam chịu dốt nát, để nhẫn nhục nhìn đời với đức tính bình dị mà sáng suốt, mộc mạc mà hiền hòa, chất phác mà khôn khéo, chân thật mà thẳng thắn, công bằng. Và họ biết vượt ra ngoài sự tầm thường, để sống một đời sống bình thường với tình người thật sự là tình người!
– Mỗi khi nhắc đến làng mạc miền Nam, không có chữ nào thích hợp cho bằng những chữ Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Tất cả nhóm chữ trên đã nói hết giùm chúng ta về một vùng đất thương yêu, hiền hoà như mật ngọt này.
Houston, ngày 06-01-2013