Menu Close

Rượu và sức khoẻ

Uống rượu lợi hay hại cho sức khỏe? Câu trả lời nằm lưng chừng giữa hai thái cực lợi và hại đó. Những cuộc nghiên cứu mới đây – của một số trường đại học hoặc tổ chức y tế – về chuyện có nên thường xuyên nâng ly chúc nhau sức khoẻ hoặc châm đầy ly đó bằng rượu gì cho tốt, đã đưa ra một số dữ kiện mà bạn nên quan tâm:

alt

1. Tác dụng của rượu khác nhau trên nam và nữ giới

Các tổ chức y tế thường khuyên ta uống rượu vừa phải: đàn ông không quá 2 drinks, đàn bà không quá 1.
Một drink thường được định nghĩa là:

– Một chai bia cỡ 12 oz
– Một “shot” rượu mạnh cỡ 40 độ
– Một ly rượu vang cỡ 4-5 oz

Tại sao đàn ông lại được ưu ái cho uống gấp đôi phụ nữ? Chẳng phải vì anh chàng cân nặng hơn, mà vì có sự khác biệt về trọng lượng nước trong thân thể. Đàn ông có nhiều nước trong người hơn, do đó mức độ tập trung cồn trong máu thấp hơn, vì cồn phân phối đều khắp những chỗ nào có nước trong thân thể. Do vậy, tuy có người phụ nữ thân thể to lớn lực lưỡng hơn nhiều chàng đực rựa gầy nhom nhưng cũng vẫn phải tuân theo khuyến cáo này.

2. Thỉnh thoảng quá chén cũng tệ chẳng kém uống thường xuyên

Có người nhịn rượu những ngày thường để rồi cuối tuần xả láng một lần cho bù những buổi kiêng khem, lý luận rằng uống trước uống sau “đâu cũng vào đấy cả”. Nhưng thói quen này lại có hại cho sức khoẻ, làm đảo lộn ích lợi có được khi uống điều độ và nguy cơ bị bệnh tim mạch gia tăng.

– Giống như những tay bợm nhậu, những người “uống bù” kiểu này (nam uống 5 drinks hoặc nhiều hơn, nữ 4 drinks hoặc hơn, liền tù tì trong hai tiếng đồng hồ) có tỷ lệ áp huyết cao và dễ bị đột quỵ (stroke) dù không bị bệnh về động mạch vành.


3. Uống rượu làm tăng rủi ro bị ung thư

– Lượng rượu tiêu thụ tăng thì nguy cơ bị ung thư miệng, thực quản, họng, thanh quản, gan và vú cũng tăng theo.
– Uống nhiều rượu (một ngày 4 drinks hoặc hơn) nguy cơ bị ung thư đầu và cổ tăng 5 lần hơn, cũng như rủi ro cao về ung thư ngực, ruột, tụy tạng.
– Nếu bỏ được rượu, nguy cơ bị một số bệnh ung thư sẽ giảm.

4. Một số rượu uống có lợi hơn những thứ khác

– Rượu vang đỏ có thể chống được bệnh tim mạch, có lẽ vì nhiều polyphenols là một loại chống oxyt hóa có trong vỏ nho.
– Một số rượu ngọt có thể làm bạn thêm calories và đường không cần thiết. Các nhà chế tạo thường cho thêm nhiều đường vào (dưới dạng high fructose corn syrup). Dùng nước trái cây hoặc soda khi pha chế rượu để uống cũng có thể làm tăng lượng đường và calorie.
– Một người lớn ở Mỹ trung bình tiêu thụ mỗi ngày 100 calorie từ rượu. Lượng này phải cộng thêm vào số calorie cần thiết hàng ngày. Muốn giảm, nên dùng loại bia “light” hoặc pha chế rượu với soda không đường.

5. Một số thuốc không hợp với rượu

Có những rủi ro nếu uống rượu lúc đang dùng:

– Một số thuốc ho, thuốc trị cảm lạnh bán trên quày có thể gây ngầy ngật, hoặc thuốc trị đau nhức loại acetaminophen (như Tylenol…)
– Một số thuốc theo toa dùng để trị bệnh tim, mạch máu, hệ tiêu hóa, tiểu đường, lo âu và trầm cảm.
– Cần tham khảo với bác sĩ về các trường hợp nói trên. Nếu bạn hoặc trong gia đình có người ghiền rượu, tốt nhất nên tránh uống rượu gần lúc uống thuốc.

TM – theo ConsumerReports onHealth