Menu Close

Nỗi niềm của loài cá sặt – Kỳ 1

Cùng các anh chị cá rằm,

Chúng tôi là loài cá sặt, thuộc vùng nước ngọt miền Tây ruộng lúa ngày nào! Thật tình ra, giữa hai họ cá sặt và cá rằm nơi sông rạch miền Tây từ hồi còn lúa mùa, chúng ta rất gần gũi nhau. Có lúc cùng sống chung với nhau nơi khúc kinh này hoặc búng đập kia, do vậy mà chúng mình không xa lạ gì nhau cho lắm! Tuy vậy, qua lời tự sự của các anh chị, chúng tôi mới hiểu thêm được phần nào về những bất trắc của các anh chị theo từng mùa nước lên, nước giựt.

alt

Như các anh chị biết, loài cá sặt chúng tôi vốn là loại cá đồng, còn các anh chị dù tháng nước ngập, các anh chị vẫn sinh sống ở trên đồng nhưng khi nước giựt thì các anh chị lại theo nước về lại kinh rạch của mình, bởi vì các anh chị vốn là loại cá sông. Ngoài việc phân biệt giữa cá đồng, cá sông, dân quê ở các vùng đồng ruộng này còn phân biệt cá trắng, cá đen và họ xếp các anh chị vào loại cá trắng ấy vì vảy của các anh chị màu trắng bạc. Còn chúng tôi, mặc dù sống chung đìa bàu với các anh chị cá đen như cá rô, cá trê, cá lóc nhưng người ta xếp chúng tôi cùng loại cá trắng như các anh chị, vì vảy của chúng tôi không đen đúa gì cho lắm.

Từ hồi tạo thiên lập địa tới giờ, nhất là vào lúc đất phương Nam này còn là đất lâm trùng trùng điệp điệp. Chúng tôi đã có mặt rồi và sanh sôi nẩy nở nhiều đời nhiều kiếp mà nhiều lúc chúng tôi cũng không làm sao nhớ ra cho hết được. Chỉ biết, hồi đời xưa, sách vở có ghi rằng: “Sặt là cá đất bưng dẹp mình mà nhỏ”(1).” Chỉ đơn giản vậy! Mà “đất bưng”, như các anh chị biết là những vùng đất thấp đầy lung vũng ngập nước tư niên bốn mùa hoặc còn gọi là “bưng trấp”, tức là nơi nước không bao giờ cạn và cỏ lác dày đặc. Vì nước ao tù không thông thương như nước rạch nước sông. Nếu không muốn nói là chúng tôi hồi thời chưa ai khai mở đất lâm là chúng tôi chịu đựng cảnh phèn chua, nước cỏ đỏ lòm triền miên rồi. Chúng tôi chỉ biết quẩn quanh nơi lung trấp của mình thôi, chứ không bơi lội như các anh chị trên những kinh rạch thông thương nơi vùng đất thuộc, nên so với các anh chị chúng tôi còn quê mùa dữ lắm!

alt

Cá sặt vàng với cặp trứng no tròn gần tới ngày mớm bọt làm ổ – hình tác giả cung cấp

Mãi cho tới sau này, những năm thập niên 1930-1940, đất lâm được nông dân khắp nơi tìm cách khai khẩn thêm nên diện tích đất mới nới rộng ra nhiều thêm. Và vì nhu cầu cần tháo nước phèn cho lúa khỏi bị phèn làm nên tình trạng lúa chết vì bị bịnh “tim”(2), người ta mới đào thêm những mương nhỏ tháo nước phèn, và gọi tắt là “mương phèn”. Chúng tôi mới biết chút ít thế nào là nước sông, nước ngọt. Và rồi, nhờ đó mà cuộc đời giống cá sặt chúng tôi mới bắt đầu thong dong trên những kinh rạch quanh vùng gần bưng trấp mà nghe thơ thới trong lòng! Nhưng những ngày tháng thong dong ấy cũng không kéo dài được bao lâu thì thời cuộc lại loạn lạc, giặc giã nổi lên tứ phía và rồi dân tình lại bỏ nhà, bỏ của, bỏ vườn, bỏ ruộng lo tản cư chạy giặc. Nên ruộng đất lại một lần nữa bỏ lâm và vùng nào lung vũng nhiều thì lại bị các loài cỏ đa niên như năn, lác voi, lác nước, u du, rau muống, sậy, đế tung hoành. Và chúng tôi lại bắt đầu lại những ngày sống quanh năm trong các lung vũng chứa nước tư niên bốn mùa ấy nữa!

Các anh chị biết không, những năm tháng loạn lạc ấy người ta sống thưa thớt lắm mà bưng trấp nhiều, nên ít ai tìm cách bắt giống cá sặt nhỏ con mình dẹp lép chúng tôi làm gì. Nên những ngày loạn lạc của dân quê lại là những năm tháng thanh bình của loài cá sặt! Hằng năm cứ tới mùa mưa già là chúng tôi rủ nhau theo những đám cỏ dày làm ổ. Ổ cá rằm của các anh chị, chúng tôi  không biết rõ các anh chị làm ổ bằng cách nào, nhưng loài cá sặt làm ổ vui lắm nhe các anh chị! Vào Tháng Tư mưa dầm, khi cặp trứng trong bụng các chị cá mái bắt đầu vàng hực là các anh chị trong bầy từng cặp từng cặp rủ nhau vào các bụi năn, bụi lác chỗ nước cạn xây tổ uyên ương. Như các anh chị biết, người xưa bảo rằng: “Loài cá mớm bọt cho nhau, khi nào lưng nhỏ thì hóa”(3).

Do vậy, loài cá sặt làm ổ bằng cách mớm bọt cho nhau mà đẻ trứng sanh cá con, giống như các loài cá khác. Các anh chị thấy chỗ này nổi bọt, chỗ kia nổi bọt cá sặt. Những cái ổ ấy lúc đầu còn nhỏ và bọt nước màu trắng. Sau vài ngày ổ lớn dần và khi bọt nước trở màu ngà ngà vàng là cá con sắp nở. Và cứ thế trong các lung trấp hằng hằng lớp lớp bọt cá sặt cả một vùng đồng ruộng bao la bát ngát. Vào Tháng Bảy, những bầy cá sặt mới nở vài tháng trước ấy làm thành mùa cá sặt non. Giống như các loài cá khác trong vùng cũng có mùa cá non như cá linh non, cá rô non vậy.

alt

 Cá sặt điệp – hình tác giả cung cấp

LTT

Chú Thích
(1) Theo “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của, Sài Gòn, 1895. Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, không thấy ghi năm, trang 292.
(2) “Lúa tim” là hiện tượng cây lúa bị sâu đục thân hoặc bị chất phèn quá chua làm cho rễ cây lúa bị thúi gốc không hút phân từ đất được rồi lá lúa có nhiều đốm vàng xuất hiện và dần dần cây lúa bị lụn xuống rồi chết.
(3) Sách Trang Tử nói: “Loài ô thước (chim quạ và chim khách) nó mến nhau, loài cá mớm bọt cho nhau, khi nào lưng nhỏ thì hóa”. Lại chua rằng: “Loài ô thước giao đuôi nhau mà hóa, cá mớm bọt cho nhau mà hóa, con ong không có con cái mà hóa” (hóa là không giao cấu mà sinh).[Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Qúy Đôn, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà  Nội, năm 2006, mục 279, chương IX: Phẩm Vật, trang 456.]