Tết đến, có lẽ trong bất cứ gia đình người Việt nào cũng có một hũ kiệu ngâm trong gia đình. Kiệu ngâm được dùng để nhấm với các món nhậu mỗi khi gia chủ có khách đến. Hoặc kiệu được dùng để ăn với bánh Tét.

Cánh đồng trồng kiệu.
Từ khoảng Tháng 6, 7 âm lịch, nông dân đã bắt đầu gieo kiệu. Đến đầu Tháng Chạp là thời điểm cho mùa thua hoạch để còn kịp bán trong dịp Tết Nguyên Đán.
Kiệu được bày bán ở khắp nơi, bán như những thực phẩm bình thường khác như: rau muống, cà chua…Người mua sau khi mua kiệu về sẽ lột vỏ, rửa sạch sau đó cho vào hũ để ngâm. Có 2 loại kiệu mà người dùng sẽ lựa chọn cho gia đình của mình. Kiệu ngọt và kiệu chua. Kiệu ngọt sẽ được ngâm với: nước mắm, đường, ớt. Còn kiệu chua thì hạn chế đường.
Trên khắp cả thành phố Sài Gòn, 2 loại kiệu được người mua biết đến là: kiệu Huế và kiệu Nha Trang. Các loại kiệu này rất dễ dàng phân biệt được bằng mắt thường, ngay cả đối với những người không am tường về nội trợ. Kiệu Huế có vỏ màu tím, củ nhỏ, ít mùi hăng. Còn kiệu Nha Trang thì củ to hơn, vỏ màu trắng, vỏ rất dễ lột, mùi hăng nhiều hơn.

Nông dân trên cánh đồng trồng kiệu.
Nông dân với kiệu Tết
Người Sài Gòn vẫn quen gọi là kiệu Nha Trang nhưng thực ra kiệu này chủ yếu được trồng ở Cam Ranh. Vì 2 địa danh này gần nhau, và do Nha Trang vẫn được biết tên nhiều hơn nên dân đi bán gọi là kiệu Nha Trang cho có tiếng.
Vào Tháng Chạp âm lịch, trên rất nhiều con đường ở Cam Ranh, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp cảnh thu hoạch kiệu trên những cánh đồng. Cánh đồng kiệu không giống như cánh đồng lúa, mà nó khắc khổ hơn. Nhìn trên cánh đồng lúc kiệu chưa phát triển chỉ thấy một màu trắng của cát, đặc trưng của cái xứ nóng Cam Ranh. Rất nhiều trong số nông dân trồng kiệu thuê mướn đất của người khác để trồng. Vì họ không đủ đất canh tác.

Kiệu được làm sạch đất, cho vào bao
Từ ngã ba Mỹ Ca vào sân bay Cam Ranh, qua khỏi cầu Long Hồ, cảnh ập vào mắt ta là quang cảnh hối hả, nhộn nhịp, bận rộn của những nông dân đang làm việc. Đất canh tác ở đây được họ mướn của bộ đội. Anh Hải, người chủ của 4 sào (1 sào =500m2) kiệu cho biết: “Đất mà tui mướn nếu không trồng kiệu thì cũng bỏ hoang. Vì đất này rất xấu, ngoài trồng kiệu ra chẳng biết làm gì khác. Ngoài những tháng trồng kiệu, đất này để không. Vậy mà họ (bộ đội-NV) cho tui mướn 4 triệu/sào”.
Kiệu sau khi được đưa lên từ đồng sẽ qua những thao tác như: làm sạch lá, đất bám vào kiệu, sau đó cho vào bao để mang vào thị trường chính là Sài Gòn. Để cho được ký, một số thương lái rải cát lên kiệu. Chủ thu mua chủ yếu là từ miền Tây ra. Họ mua nguyên cả sào, sau đó thuê nhân công tại địa phương rồi vận chuyển vào miền trong. Một sào như vậy thường được mua với giá khoảng 22-25 triệu.
So với những gì đã bỏ ra trong cả vụ thì năm nay người dân được mùa lớn. Năng suất năm nay tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Ấy là nhờ thời tiết năm nay thuận lợi cho việc đồng áng. Trồng kiệu cũng không cần phải đầu tư nhiều nên nông dân cũng bớt đi một phần chi tiêu. Cái nghiệt ngã và là muôn thuở của nông dân là: được mùa thì mất giá.
Nếu năm ngoái mỗi kilogam kiệu có giá từ 25,000-26,000/kg thì năm này chỉ còn lại từ 22,000-24,000/kg. Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế quá bi đát nên sức mua của người dân cũng bị giảm sút theo. Khi chúng tôi hỏi những người trồng kiệu, chẳng thấy ai than phiền dù giá có phần giảm hơn năm ngoái, mà ngược lại ai cũng hớn hở. Có lẽ, vì họ đã bán sỉ được cho thương lái.
Tại thôn xã Quảng Hòa, nơi nổi tiếng nhất của Cam Ranh về trồng kiệu, có người còn kiếm được cả 100 triệu/mùa. Đó là con số rất lớn đối với nông dân trong thời kinh tế khó khăn này.
Với số tiền thu được từ việc bán kiệu, nó hứa hẹn một mùa Tết vui vẻ, no đủ của người dân. Họ cũng không quên hy vọng cho một năm mới với nhiều thành công hơn trong công việc.

Người làm công cho kiệu vào bao