Menu Close

Nỗi niềm của loài cá sặt – Kỳ 2

Cùng các anh chị cá rằm, Chúng tôi là loài cá sặt, thuộc vùng nước ngọt miền Tây ruộng lúa ngày nào! Thật tình ra, giữa hai họ cá sặt và cá rằm nơi sông rạch miền Tây từ hồi còn lúa mùa, chúng ta rất gần gũi nhau. Có lúc cùng sống chung với nhau nơi khúc kinh này hoặc búng đập kia, do vậy mà chúng mình không xa lạ gì nhau cho lắm! Tuy vậy, qua lời tự sự của các anh chị, chúng tôi mới hiểu thêm được phần nào về những bất trắc của các anh chị theo từng mùa nước lên, nước giựt.

Có một đặc điểm nữa, không biết các anh chị còn nhớ hay không khi chúng ta còn sống chung nhau trên những cánh đồng lúa mùa ngày xưa là việc kiếm mồi. Các anh chị thì thích ăn mồi ngầm như các sinh vật nhỏ cùng rong rêu dưới đáy nước; còn chúng tôi thì thích ăn những bông cỏ hoặc những phiêu sinh vật nhỏ li ti trôi trên mặt nước. Và vì vậy có lẽ ngày nào người ta cũng thấy chúng tôi thường nổi trên mặt nước từng bầy, từng bầy với cặp môi mở ra hút lấy những bọt nước mà sống qua ngày rất thư nhàn, giống như ếch thời Tô Đông Pha ăn nắng vậy!

Vốn không ăn những miếng mồi lớn vì miệng loài cá sặt trời sanh ra nhỏ xíu, và nhờ vậy nên chúng tôi không bị ai dùng miếng ăn dụ được mình. Dân quê sống ở đồng ruộng nhiều lúc họ cũng chán chúng tôi về điểm khó dụ khị này lắm. Nhưng qua kinh nghiệm về các loài chim cá. Sau nhiều năm sống cùng thiên nhiên nơi đồng ruộng từ đời này qua đời khác nên họ biết loài lươn, loài lịch thì thổi “mà” và họ gọi là “mà lươn”, “mà lịch”(4). Loài rắn ở hang, loài tôm thì đi lui, loài chim bay ngược gió, loài cá chúng mình thì lội ngược nước. Từ đó, họ nghĩ ra cách chận đường mình đi để bắt cá sặt bằng cách đặt lờ.

Lờ cá sặt như các anh chị biết nó khác với lờ đặt tôm. Vì tôm đi lui, nên các anh chị này không cần nhìn thấy mình lờ, mặt lờ bóng hay không bóng, mà chỉ nhìn thấy miếng mồi dừa trắng lấp lánh trong lờ là cứ quay càng, quay đầu ra ngoài. Và đưa cái đuôi vô mặt lờ rồi cứ thế lần lần cả cái mình con tôm lọt vào hom lờ tôm hồi nào không hay biết. Các anh chị ấy cứ thế mà loay hoay với miếng mồi dừa trắng phau hấp dẫn treo tòn ten trong lờ, quên cả lối “dìa”! Còn muốn bắt cá sặt bằng lờ thì dân quê phải chuốt nan tre cho bóng, mặt lờ, hom lờ, mình lờ cũng phải đan cho bóng thì mới dụ chúng tôi vô lờ được. Và cũng để cho chắc ăn, người ta làm lờ cá sặt có hai mặt và hai hom ở cả hai đầu, để phòng khi nước chảy vô hoặc nước chảy ra, chúng tôi lội ngược nước từ hướng nào cũng bị cái lờ cản đường ráo trọi thì đành phải chui vô hom lờ thôi!

Sau khi chuẩn bị mình lờ, hom lờ và mặt lờ xong xuôi, người ta mới bắt đầu ráp các bộ phận ấy lại thành cái lờ. Trước tiên người ta lấy bốn góc mình lờ cóp lại thành hình ống, làm sao cho bốn góc lờ lệch về mình lờ hơi nhiều một chút, nhằm để thân lờ chỗ giáp mối ấy nhô lên như cái bánh ú ngay chính giữa thân lờ và tạo thành một lỗ trống nhỏ chừng năm ba phân, dùng làm miệng lờ để trút cá ra xuồng khi đi dỡ lờ. Ngày trước, vì đời sống dân quê gắn liền với cá tôm vùng lúa mùa nên nhà nào cũng có lờ cá như vậy. Người nào làm nghề đặt lờ chơi chơi để kiếm ăn thì đan vài ba chục cái lờ; nhà nào chuyên nghiệp sống bằng nghề đặt lờ bán để sống thì số lờ nhiều hơn, số lượng có khi lên tới vài ba trăm cái lờ cá sặt bóng hới ấy.

alt

Cá sặt bướm với lớp vảy màu sáng và có những chấm vàng ở vi và kỳ.

Do chúng tôi cứ rủ nhau lội ngược nước kiếm ăn, nên những nơi nào có đường nước chảy nhè nhẹ với năn lác lưa thưa, người ta dọn nền đặt cái lờ ngay đường nước ấy, rồi lấy cỏ tủ kín miệng lờ nằm ngay trên thân lờ. Lờ tôm thì cũng đặt theo hướng nước chảy nhưng đặt ngầm, còn lờ cá sặt thì đặt nổi. Đặt nổi có nghĩa là đáy lờ cũng chạm đất nhưng phần thân lờ với miệng lờ để đổ cá ra phải cách mặt nước chừng một tấc. Vì miệng lờ nằm ngay trên thân lờ, nên làm như vậy cá khi vô lờ không bị ngộp và cũng không chui ra được.

Nhưng các anh chị biết không, khi chúng tôi vô lờ khá đông thì chúng tôi cũng leo nheo lóc nhóc dữ lắm! Lớp cá trong lờ đỏ con mắt, lớp cá ngoài lờ lại ngúc ngắc muốn vô. Nên lúc bấy giờ nếu có ai chống xuồng đi qua vì hiếu kỳ muốn nhóng cái lờ lên coi thử cá sặt vô lờ nhiều hay ít, thì đó cũng là dịp rất may cho chúng tôi! Họ chính là ân nhân của chúng tôi! Chúng tôi nói đó là dịp may vì hồi đời xưa, cá tôm nhiều, nên người ta nhóng lờ lên khỏi mặt nước xem cá nhiều cá ít để coi chơi thôi, chứ không ai đổ lờ bắt cá trộm làm gì. Nằm trong lờ ngâm dưới nước lâu, khi được đưa lên khỏi mặt nước, chúng tôi để ý biết hom lờ nằm chỗ nào và khi lờ được đặt lại vị trí cũ, lúc bấy giờ chúng tôi mới rủ nhau tìm miệng hom và lội trở ra bên ngoài ráo trọi. Chúng tôi rất cảm ơn những ân nhân ấy và ngược lại, người nông dân đặt lờ lại hổng được vui cho lắm! Họ trách những người hiếu kỳ, rắn mắt nhóng những cái lờ để xem cá nhiều hay ít ấy làm cho cá ra ngoài hết trọi nhưng rồi mọi việc cũng qua mau, không để bụng lâu vì bản chất hiền lành nơi các dân quê làm cho họ mau quên những gì nhỏ nhặt.

Ngoài ra, nghe các anh chị kể về mùa nước giựt các anh chị ra sông sau cùng, loài cá sặt chúng tôi cũng tủi thân lắm vì có sông đâu mà ra, mà “dìa”! Chúng tôi là loài cá đồng mà và mãi mãi sẽ ở lại với những cánh đồng lúa mùa. Các anh chị biết hông, hồi thời xưa mình cứ ở lưu lại trên những bưng trấp ngập nước bốn mùa ấy nên đường đi nước bước đã quen. Rồi sau này nông dân làm lúa mùa mỗi năm một vụ thì lung vũng cũng còn nhiều nhưng người ta vẫn nghĩ cách đào đìa cho cá xuống đìa khi tới mùa nước giựt khô đồng. Tới lúc lúa thần nông ngự trị thì lúa mùa cũng hổng còn, do vậy mà đìa bàu cũng đâu có còn bao nhiêu; mà nhứt là cái nạn thuốc trừ sâu rầy trên những cánh đồng lúa thần nông là một đại nạn cho muôn loài. Trong đó có các loài cá của chúng mình nữa! Thời kỳ làm lúa thần nông là thời kỳ tận diệt mọi loài cá tép chưa từng thấy trong trời đất này bao giờ các anh chị à! Chúng tôi chết gần hết, có còn chăng là còn trong các chỗ cá nuôi thôi chứ cá thiên nhiên thì chẳng còn được mấy mống!

LTT

(4) “Mà lươn”, “Mà lịch”: Các giống lươn, lịch ở đâu thì chúng thổi lớp bùn non lên trên mặt bùn gọi là “mà lươn”, “mà lịch”. Tức là dấu hiệu cho biết chỗ ấy có hang lươn, hang lịch ở.