Menu Close

Tản mạn niềm tin tôn giáo

Ngày còn ở với cha mẹ, tôi thường nghe mẹ tôi kể: “Mẹ là con một, được ông bà nuông chiều, lại lấy chồng lúc mới 18 tuổi, nên chẳng biết gì, ngoài bổn phận làm con, làm dâu. Khi bế các con vào Nam năm 54, lạ nước lạ cái, lại nhớ ông bà, đời sống chưa ổn định, thì năm 56 mẹ nhận được bưu thiếp từ Bắc gửi vào cho biết ông bà Ngoại bị quy là địa chủ, bị đấu tố chết, không có manh chiếu quấn thân. Ông Nội cũng bị quy tội địa chủ, bị nhốt trong cũi chó, bị uống nước trầu đầm và bị bắn chết. Mẹ bị suy sụp hoàn toàn, mẹ tưởng không thể nào sống được nữa. Ngày phát tang ông bà, mẹ không biết làm gì, tất cả đều nhờ sư cụ trên chùa. Sư bảo gì mẹ làm theo như thế. Thỉnh thoảng mẹ cứ nghĩ giá như ngày ấy mẹ ở lại với ông bà, có lẽ mẹ đỡ khổ tâm hơn. Phải chi ông bà có nhiều con, đằng này nhìn trước nhìn sau chỉ có một mình mẹ. Càng nghĩ, mẹ càng thấy bà ngoại thương con vô bờ bến. Bà ngoại muốn các con có cha, muốn mẹ có gia đình đầm ấm đầy đủ vợ chồng… Nhưng nghĩ thêm nữa, thì đúng là số mệnh của ông bà và mẹ phải như thế. Gặp nhau, mang ơn nghĩa của nhau rồi lại chia xa. Mẹ mong kiếp tới, mẹ sẽ được gặp lại ông bà để bù đắp lại.”

Tôi mơ hồ biết có một kiếp khác ngoài kiếp này, bắt đầu từ đó.

Tôi nhớ những ngày còn bé, mỗi tháng vào ngày rằm, mẹ tôi thường đi chùa dâng sớ cầu an cho cả nhà, và mỗi năm vào Tháng Bảy, Tháng Tám, mẹ nấu cơm chay cúng giỗ ông bà Nội Ngoại và Bác Bệu. Vào những ngày đầu năm, chúng tôi được cha mẹ cho đi chùa cúng bái, xin xâm, hái lộc.

Ngày ấy, gia đình ở Phú Thọ, mẹ tôi đặt bàn thờ trên mặt tủ bát đĩa, chỉ có một khung nhỏ để hình ông Nội tôi, một bát hương và hai chân nến. Trên tường phía trên tủ, treo một khung hình Phật Bà Quan Âm. Tôi có hỏi sao không có hình của bà Nội, ông bà Ngoại và bác Bệu, mẹ tôi bảo năm 54, khi bế hai chị em chúng tôi theo cha tôi vào Nam, mẹ tôi nghĩ hai năm sau sẽ có tổng tuyển cử, đại gia đình sẽ sum họp, mẹ tôi sẽ gặp lại ông bà Ngoại, nên không nhớ đem theo hình ảnh cha mẹ. Còn bà Nội tôi thì hình như không bao giờ có cơ hội chụp hình. Cha tôi kể: bà nội suốt ngày làm lụng vất vả, dù là vợ ông Chánh Tổng, nhưng bà quán xuyến trông coi mọi công việc từ trong nhà ra đến ngoài ruộng, từ cơm nước cho các tá điền đến những ngày bận rộn trong mùa gặt. Cha tôi đi học ở Hà Nội, chỉ cách quê Thái Bình có mấy chục cây số, thế mà bà tôi chưa một lần được đặt chân đến thành phố 36 phố phường ấy. Bà bị lao và mất khi mới hơn 60 tuổi. Hình bác Bệu thì lại càng không có, bác là anh của cha tôi, bác bị bạo bệnh và mất khi mới được vài tháng tuổi, bà Nội tôi thờ bác, bà nói bác rất linh thiêng, nên mẹ tôi thờ theo.

Từ đó, tôi cảm nhận được những linh thiêng nhuốm màu huyền bí mê tín.

Năm tôi học lớp ba, cha tôi thuyên chuyển từ Sàigòn ra Đà Nẵng. Ngoài thời gian trong quân y viện, cha tôi làm việc tại một trung tâm y tế do các soeurs dòng Thánh Phao Lồ quản trị. Lúc ấy chúng tôi mới có bốn chị em, nhưng chỉ có tôi và cậu em đủ tuổi đi học. Hai chị em học ở trường tiểu học Thánh Tâm, là trường Trung Tiểu học Thiên Chúa giáo lớn nhất Đà Nẵng.

Hồi đó, tôi cũng thường theo mẹ đi chùa, thỉnh thoảng được mẹ cho đội sớ. Có lần nghe sư cụ đọc tên mẹ có kèm theo câu “pháp danh Diệu Thiện”. Tôi hỏi, mẹ tôi bảo đó là tên của mẹ khi quy y làm con Phật. Tôi lại hỏi: “còn con thì sao, có phải là con Phật không? con có pháp danh không?” Mẹ bảo: “Chưa, vì con chưa quy y và tại nhà mình theo đạo thờ cúng ông bà, chứ không theo đạo Phật.” Tôi nghe và biết vậy.

Tôi lớn lên trong giáo lý của hai tôn giáo. Vì học trường Thiên chúa giáo, nên tôi được các soeurs thương yêu, dạy giáo lý rất cặn kẽ. Tôi thấu hiểu sự hy sinh của Chúa Giê Su chịu đóng đinh trên cây Thập Giá ở Núi Sọ, để cứu tội cho loài người.

Vì mẹ tôi là Phật Tử, nên tôi được dạy về cuộc đời của Đức Phật. Tôi ngưỡng phục Ngài. Là vị Thái Tử của Nepal, khi đi thăm dân, thấy dân tình lam lũ, Ngài nghĩ phải làm thế nào để cứu con người thoát vòng khổ lụy. Từ đó, Ngài bỏ Hoàng cung, vào rừng, sống đạm bạc và ngồi dưới gốc cây Bồ Đề tu tập. Ngài tìm được con đường giúp chúng sinh thoát kiếp luân hồi sinh tử. 

Tôi yêu không gian thâm nghiêm của chùa với tiếng chuông, tiếng mõ, nghe buồn và xa vắng.

Mỗi năm, tôi ngây người chiêm ngưỡng hình đức Phật mới sinh, khuôn mặt sáng láng tỏa hào quang, với bảy đóa sen hồng nở dưới bước chân Ngài.

Tôi cũng yêu cái thinh lặng mênh mông đầy huyền bí và quyền năng của giáo đường, mỗi khi theo các soeurs đi cầu nguyện. Tôi xúc động khi nhìn những hình tượng trong nhà thờ. Hình Chúa Giê Su vác Thánh giá; hình Ngài bị đóng đinh vào lòng bàn tay, mu bàn chân; hình Ngài bị đội mũ gai; và bức hình Đức mẹ Bi Thương Pieta nổi tiếng: Đức Mẹ Maria ôm Chúa Giê Su khi xác Ngài được hạ xuống khỏi cây Thánh giá. Mỗi năm tôi hân hoan đón chờ ngày Lễ Phục Sinh mừng Chúa Giê Su sống lại và lên trời, cùng ngày Lễ Giáng Sinh, ngày Chúa chào đời trong hang lừa Bê Lem nghèo khó.

Cuộc sống tràn đầy ân phúc như thế, nhưng chị em chúng tôi vẫn không có duyên để quy y trở thành con Phật, và không có cơ hội được rửa tội Tổ Tông để thành con chiên của Chúa. Có nghĩa là chúng tôi vẫn theo đạo thờ cúng ông bà, đạo truyền thống của gia đình.

Đến Tháng Tư năm 1975, miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm. Cha tôi bị đi tù cải tạo. Chúng tôi thường xuyên phải nghỉ học để đi làm thủy lợi. Gia đình bị khuyến cáo phải đi kinh tế mới. Mẹ tôi đã dành nhiều thì giờ đi chùa lễ Phật. Tôi và các em thường đến nhà thờ quỳ hàng giờ dưới chân tượng Đức mẹ, kể lể, cầu xin.

Tôi không biết mẹ tôi đã cầu nguyện điều gì với Đức Phật. Tôi không nhớ mình đã xin những gì từ Đức Mẹ, nhưng với sự mạnh mẽ cương quyết của mẹ tôi, gia đình chúng tôi thoát khỏi vụ đi kinh tế mới. Em trai tôi vượt biên đến nơi an toàn khi bị lùng bắt đi chiến trường Campuchia.

Đến lượt cha tôi ra khỏi tù cải tạo, và chị em chúng tôi lần lượt vượt biên.

Chuyến vượt biên của chúng tôi nhiều sóng gió gian nguy. Vợ chồng tôi với hai con và cô em gái đi trên chiếc tàu nhỏ chở 75 hành khách. Tàu ra khơi, mới hay tài công không biết lái tàu. Gió giựt cấp 8, như muốn lật chiếc tàu mong manh như chiếc lá giữa đại dương. Đêm đầu tiên, trời tối đen, tàu lênh đênh trên biển, tiếng máy hòa cùng tiếng sóng tạo nên những âm thanh rầm rì như tiếng cầu kinh, đôi lúc như có tiếng xin cứu vớt ở phía mạn thuyền. Tôi hoang mang, lo sợ nghĩ đến những người kém may mắn, tôi lẩm bẩm cầu Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn. Cùng lúc, những bài kinh bên Thiên Chúa Giáo, tôi đã thuộc lòng từ nhỏ, cũng như thường đọc khi nội trú trong nhà dòng Regina Pacis, thời sinh viên, lại vang vang trong đầu, tôi đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng…

Tôi tự hứa khi đến bến bờ tự do, tôi sẽ quy y làm con Phật. Sẽ ăn chay ba tháng để cầu nguyện cho những vong linh oan khuất giữa đại dương. Tôi cũng hứa sẽ xin rửa tội để được làm con Thiên Chúa, để cảm tạ những may mắn tôi được nhận trong cuộc đời. Tôi muốn đứng vào hàng ngũ những người có niềm tin tôn giáo thực sự. Tôi nghĩ sẽ không một ai ngăn cản tôi vừa là con Phật, vừa là con Chúa cả.
Tôi đã rửa tội và có tên Thánh sau một thời gian định cư và chịu ơn một nhà thờ bảo trợ. Nhưng phải chờ đến một thời gian khá lâu, tôi mới có đủ nhân duyên để quy y Phật và có được Pháp danh. Tôi tìm đến Đức Phật trong lúc buồn khổ và thất vọng nhất. Dường như chính Thiên Chúa đã dẫn tôi đi tìm Đức Phật, giúp tôi hiểu được ý nghĩa vi diệu của lời Phật dạy: “Các người phải cố gắng tu hành để tự giải thoát. Ta chỉ là người hướng dẫn mà thôi. Chiến thắng mọi trở lực để đi đến đích, chỉ có các người là có công hơn cả” Thật vậy, chỉ một mình mình, chứ không một ai khác, có thể giúp mình đứng dậy khi quỵ ngã. Đã có lúc tôi thấy mình thật trưởng thành và mạnh mẽ, nhưng cũng có lúc tôi vô cùng yếu đuối chỉ muốn buông xuôi. Tôi tìm đến Thiên Chúa để được cưu mang an ủi. Tôi khẩn cầu Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm. Tôi tâm sự, xin xỏ điều này điều kia với Đức Mẹ và được Đức Mẹ nhậm lời cầu khẩn. Tôi như đứa con bé bỏng được thương yêu chăm sóc.

Đi đến đâu tôi cũng bị cuốn hút bởi ý niệm tìm ngôi giáo đường và ngôi chùa gần đó để đến thăm. Tôi cảm thấy cái KHÔNG bát ngát của nhà Phật luôn song hành với cái VÔ CÙNG của Thánh Kinh. Chỉ cần bước vào khuôn viên nhà thờ hay nhà chùa, tôi đã có cảm giác bình an, nhẹ nhàng, như đã bỏ lại sau lưng mọi vướng bận.

Đã có lúc tôi tin kiếp trước tôi là Phật tử, nhưng bỏ chùa đi rong chơi, quên cả lối về. Bất chợt đi ngang nhà thờ, biết là chốn tôn nghiêm, nên xin vào tá túc. Vì thế mà kiếp này được làm con Phật, con Chúa để đủ sức chống đỡ những định mệnh éo le, tích tụ từ muôn kiếp trước. Từ ý niệm này, tôi hiểu Đức Phật hay Thiên Chúa chính là niềm tin thánh thiện, hằng sống trong mỗi con người. Có được niềm tin ấy, niềm tin được cứu vớt, được giúp đỡ, được thêm sức mạnh, được vượt thoát. Chúng ta sẽ làm chủ được chính mình, không lo sợ và sẽ mạnh dạn tìm cho mình một đời sống đẹp, ý nghĩa và đáng sống.

PDH –  2/13