Menu Close

Nỗi Niềm…

Bác ơi, bác nhớ con không? Quỳnh nè bác. Năm mới con kính chúc bác vạn sự an khang.

Ông Thái đưa mắt nhìn cô gái vừa chặn ông lại ngay cửa siêu thị Việt Nam và khoanh tay chúc tụng ông. Không nói gì, ông quay lưng đi nhanh ra khỏi chợ, cô gái khẩn khoản gọi với theo:

– Bác ơi, bác còn giận con hả? Bác tha thứ cho con bác ơi! Mẹ con rất mong gặp lại bác.

Ông Thái đứng sựng lại, tim ông bất chợt đập liên hồi. Cô gái chạy đến cầm tay ông lay nhẹ:

– Bác ơi, con hối hận lắm rồi. Sau ngày xảy ra chuyện, mẹ con buồn, bị bịnh một thời gian, tưởng khoẻ lại, ai dè sau đó lại bị stroke! Con tìm bác ở địa chỉ cũ, nhưng bác đã dọn đi khỏi đó rồi. Hên ghê, bữa nay ông trời run rủi cho con gặp bác ở đây. 

Ông Thái nhìn cô gái, chép miệng:

– Cô cho tôi gửi lời thăm bà.

Cô gái nắm chặt cánh tay ông Thái, giọng hoảng hốt:

– Bác ơi, bác đừng nói vậy, bác ghé thăm mẹ con đi, mẹ con mong bác lắm.

Những chuỗi ngày hạnh phúc lại hiện ra, ông nhắm mắt cố đẩy mọi chuyện lùi về quá khứ, nhưng khuôn mặt người phụ nữ hiền lành với hai lúm đồng tiền bé xíu ở khóe miệng đang vươn tới, lung linh trước mắt ông như van nài, năn nỉ.

Ông nói:

– Cho tôi địa chỉ, tôi sẽ đến.

Ánh mắt cô gái chợt tươi lên, lấy vội tờ giấy và bút trong giỏ, vừa hý hoáy viết, vừa dặn:

– Dạ, con đội ơn bác, bác nhớ tới thăm mẹ con nghe bác. Bác đừng buồn con nữa nghe bác.

Ngồi trên xe, ông muốn đến ngay căn nhà có địa chỉ ghi trên tấm giấy nhỏ, nhưng chiếc xe Toyota màu trắng như con ngựa già chậm rãi chạy trên con đường quen thuộc, đưa ông Thái về căn condo ở khá xa khu chợ Việt Nam, nơi ông sống lặng lẽ gần 10 năm qua.

Trời vẫn còn sáng và nắng, cái nắng hanh vàng của mùa Đông thật đẹp. Ông cất xe vào garage và đi bộ ra công viên kế bên.

Nắng chan hòa trên thảm cỏ khiến ông nhớ buổi sáng cách nay gần 10 năm. Nắng cũng chói chang, trời cũng cao và xanh ngăn ngắt, nhìn muốn lóa mắt, ông vừa được chuyển từ phòng hồi sức sang phòng bệnh, sau ca mổ tim làm by pass. Gượng ngồi dậy, nhìn ra sân, ông ước được đứng trong dòng nắng ấm áp tràn đầy sinh lực kia.

Bỗng có tiếng hỏi nhỏ: “Ông có muốn ra ngoài đó không, tôi có thể đẩy xe lăn giúp ông.” Một người đàn bà nhỏ bé đang nhìn ông như khuyến khích: “Ông ra nhé, ông nhà tôi cũng đang hứng nắng ngoài đó.” Thật bất ngờ và thật vui, ông Thái nói trong bỡ ngỡ: “Dạ, nếu được vậy thì còn gì bằng.”

Người đàn bà nhanh nhẹn đẩy chiếc xe lăn dọc hành lang, tới khu vườn nhỏ đầy hoa và nắng của bệnh viện. Vừa đi bà vừa nói: “Ông nhà tôi bị trụy tim, nằm ở đây hơn hai tháng rồi, nên tôi rành khu này lắm. Chắc ông mới từ ICU chuyển xuống đây?” , “Vâng, tôi phải làm by pass, nằm ở phòng hồi sức hơn 10 ngày. Hôm nay bác sĩ cho xuống đây, chắc vài hôm nữa thì sẽ xuất viện.”, “Vậy thì chúc mừng ông.”
 
Dưới bóng mát của cây sồi nhỏ, một người đàn ông nhỏ thó, ngồi lọt thỏm trong lòng chiếc xe lăn. Vai ông ta nhô lên cao, cổ thụt xuống, khuôn mặt xanh xao gầy guộc. Đôi mắt một mí trắng nhợt, mệt mỏi nhìn ông Thái, tỏ ý chào. Ông Thái gật đầu chào lại: “Chào ông, trời ấm và đẹp quá.” Người đàn ông thều thào: “Vâng”. Tiếng người đàn bà rộn rã: “Mình biết không, ông đây làm by pass, mới chuyển xuống ở chung phòng với mình đó.” Ông Thái nói: “Rất vui được quen biết ông bà.” Giọng nói người đàn ông yếu ớt: “Vâng, hân hạnh được biết ông. Tôi tên Thiết.”; “Dạ, còn tôi là Thái.”

Nét mặt người đàn ông trở nên sinh động hơn. Ông ta chậm rãi kể về cơn trụy tim quái ác đã đánh gục ông. Ông cũng chăm chú nghe ông Thái kể về những dấu hiệu chẳng đâu vào đâu của chứng tắc nghẽn mạch máu tim khiến ông phải làm by pass. Mọi người trở nên thân tình hơn khi hoàn cảnh của hai gia đình đi vào câu chuyện. Ông Thái tâm sự vợ ông mất vì ung thư phổi, ông có 2 người con trai, tất cả đã có gia đình và ở tiểu bang khác. Ông bà Thiết có một người con gái, đã lớn tuổi, nhưng chưa lập gia đình nên còn ở chung với cha mẹ.

Bỗng có tiếng reo vui từ xa: “Ba mẹ ở ngoài này mà con đi tìm trong phòng bệnh. Con thấy ba có vẻ khoẻ hơn hôm qua đó.”; “Nãy giờ ba con nói chuyện với bác Thái ở cùng phòng, nên vui lắm. Thưa anh, còn đây là cháu Quỳnh, con gái của chúng tôi ạ.” Bà Thái vừa nói vừa nhìn chồng, nhìn con, và ông Thái với ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.

Cô gái liến thoắng: “Ồ, con chào bác, có bác, ba con vui hẳn lên.”

o O o

Vừa trở mình thức giấc, ông Thái giật mình vì tiếng chạy và tiếng kêu cấp cứu. Cả chục người đang vây quanh giường ông Thiết, có tiếng của vị bác sĩ, rồi cô y tá trưởng, rồi mọi người dãn ra, chiếc giường của ông Thiết được chuyển nhanh ra cửa. Ông Thái cố ngồi dậy, chỉ kịp thấy khuôn mặt nhợt nhạt của ông Thiết chằng chịt với ống thở, và dây truyền nước biển.

Tin ông Thiết qua đời đến với ông thật đơn giản và bất ngờ, khi người y công vào phòng dọn dẹp. Cô ta vừa thay drap giường vừa bắt chuyện:

– Tội nghiệp ông ấy ghê! mới hôm qua tôi còn thấy ông ấy nói cười vui vẻ, dè đâu tới khuya ông ấy lên cơn đau tim, bác sĩ cứu không kịp.

Một luồng điện lạnh chạy khắp người. Đêm qua, lúc rất khuya, ông còn thấy bà Thiết gục đầu lên ngực chồng nói gì đó, rồi cầm bàn tay gầy guộc của chồng vuốt ve âu yếm thật lâu và chúc ông ngủ ngon. Đâu ngờ…

Lúc ông Thái đang dùng bữa trưa thì bà Thiết đi vào, đôi mắt sưng đỏ, bà nức nở:

– Ông ơi, nhà tôi mất rồi!

Ông Thái đứng lên:

– Tôi xin chia buồn với bà, ông nhà đi đột ngột quá, chúng tôi vừa quen biết nhau…

– Tôi  cũng không ngờ ông ạ, đêm qua trước khi ngủ, nhà tôi còn nói hôm nay vui quá, ngày mai tha hồ trò chuyện với ông, thế mà…

Bà Thiết vừa nói trong tiếng khóc, vừa thu dọn quần áo vật dụng của ông Thiết. Một lát, bà nói tiếp:

– Thôi xin phép ông tôi về. Xin ông cho tôi địa chỉ, khi nào ông xuất viện, tôi sẽ ghé thăm.

Ông Thái cảm ơn, viết địa chỉ đưa cho bà Thiết và ngậm ngùi chia tay.

o O o

“…..Con hết chịu nổi rồi, ba con mất chưa được mấy tháng, mẹ đã muốn quên. Mẹ muốn gì, mẹ cứ nói ra đi. Có phải ông ta không? Có phải vì ông ta mà mẹ trang hoàng nhà cửa còn hơn hồi ba con còn sống không? Có phải vì ông ta mà mẹ bắt đầu trang điểm không? Có phải vì ông ta mà mẹ không còn nhớ ba con không?”

Tiếng Quỳnh giận dữ vang vang trong căn nhà rộng, bà Thiết nhìn con không chớp mắt, bà không hiểu từ bao giờ, đứa con gái thân yêu để ý đến những điều mà chính bà cũng không hề hay biết. Bà trang hoàng nhà cửa ư? Bà bắt đầu trang điểm ư? Từ ngày ông Thiết ngã bệnh, bà đã bỏ bê nhà cửa; bàn ghế được đẩy vào góc nhà để lấy chỗ kê chiếc sofa cho ông nằm khi cần thiết. Mọi vật dụng cá nhân của ông Thiết vất bừa bãi đâu đó, miễn sao ngay tầm tay của ông. Đó là chưa kể đến khu vườn tiêu điều, cây cối chết dần vì khô nước. Còn bà, bà không có thời giờ cho riêng mình. Bà xác xơ lếch thếch, hình như con bà, có thể cả chồng bà nữa, đã quen và không thắc mắc về hình hài tiều tuỵ của bà. Họ không còn nhớ  trong căn nhà này, trong gia đình này đã từng có một thiếu phụ rạng rỡ, lịch thiệp, luôn tạo hạnh phúc và làm ấm áp không gian chung quanh.

Nay nhìn lại căn nhà, bà muốn dọn chiếc sofa, bà muốn thay màn cửa, bà muốn dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Bà cũng muốn chăm sóc cho riêng mình như sự tự trọng tối thiểu. Chỉ mới gần đây, bà mới nhận ra mái tóc ngắn nay đã dài đến ngang lưng và lấm tấm bạc. Mái tóc dài khiến bà nhớ những ngày tháng vất vả buồn phiền. Bà chỉ muốn giữ những kỷ niệm tươi đẹp của gia đình. Bà muốn trở lại với chính bà. Bà đã cắt bỏ những đoạn tóc buồn.

Còn bảo bà không còn nhớ đến ông Thiết ư? Tại sao nó có thể nói hồ đồ như thế được!? Nó còn trẻ người non dạ, làm sao hiểu được nỗi lòng của bà? Làm sao nó hiểu được tình của bà đối với ông Thiết và cái nghĩa bà phải đáp đền khi ông ngã bệnh?

Cả một quá khứ tràn về khiến bà ngạt thở… hình ảnh ông Thiết, một giáo sư trẻ mới ra trường, đã chăm sóc cha bà như con trai chăm sóc cha ruột. Khi cha bà bị tai biến mạch máu não, phải nằm liệt giường, ông Thiết đã giúp lo phần tiêu tiểu cho ông cụ. Tất cả chỉ vì tình yêu ông dành cho bà. Cảm động tấm chân tình đó, bà đã bỏ mối tình sâu đậm đầu đời để chọn sống với cái tình cái nghĩa của ông Thiết.

Nước mắt bà bắt đầu tràn ra, bà đứng không vững, trong khi Quỳnh tiếp tục hạch hỏi: “Con thấy mỗi lần ông ta đến đây, mẹ vui hẳn lên, mẹ mặc áo đẹp, mẹ nấu những món ba con thích để thết đãi ông ấy. Mẹ sẵn lòng với ông ấy, bất kể con có bằng lòng hay không!” Bà thấy hình như bà bị đổ xuống thảm và không còn nghe thấy gì nữa.

o O o

“….Thưa ông, mẹ tôi đi vắng. Nhưng cho dù mẹ tôi có ở nhà, tôi cũng không nghĩ chúng tôi sẽ tiếp ông. Mấy tháng nay, ông liên tục đến nhà thăm mẹ tôi. Ông có ý gì? Ông muốn gì? Tôi chỉ mong ông nhớ cho rằng: Đừng mong lung lạc tâm hồn yếu đuối của mẹ tôi. Đừng hy vọng thay thế hình bóng của cha tôi và điều quan trọng là ông đừng bao giờ cố gắng mua chuộc tình cảm của tôi. Bây giờ xin mời ông đi cho.”

Trời lạnh buốt, nhưng ông Thái thấy cổ họng nóng ran khô khốc, ông đứng như trời trồng trước thái độ bất nhã đến không ngờ của Quỳnh. Lâu nay ông đã tự xem gia đình bà Thiết là gia đình của mình. Trong một lần nói chuyện, ông không ngờ bà Thiết là người yêu của người anh cả, là chị dâu hụt của ông. Anh của ông đau buồn chuyện tình lỡ dở nên lâm bạo bệnh và qua đời. Ông đã xin bà Thiết cho ông xem bà như chị dâu của ông. Từ đó cuộc sống của bà Thiết bận rộn hơn, và cũng ý nghĩa hơn với trách nhiệm mới.
Ông Thái lúng túng bước ra sân. Ông cảm thấy bị xúc phạm tột cùng. Ông quyết định quay lại nói với Quỳnh: “Cô nhầm rồi, bà Thiết là chị họ xa của tôi. Cô cho tôi gửi lời chào chị tôi, và mong chị giữ gìn sức khỏe.”

o O o

Trời đã chiều, gió bắt đầu lạnh, ông Thái quyết định đi đến địa chỉ ghi trên tấm giấy nhỏ. Mắt ông nhòa lệ khi nhớ đến câu mời đầy tình nghĩa của bà Thiết: “Chú ăn đi, chị nhớ hồi xưa anh chú thích món này, nên chị nấu hoài!”

alt

PDH – 02/13