Tôi nghe câu chuyện này sau một chầu nhậu. Khi chai lọ đã cạn, khi những cú nổ văng miểng của các nhậu sĩ trong bàn đã nhạt, lúc đó người ta bắt đầu tâm tình. Ông nhà văn kể:
“Tôi là một nhà văn, ông biết rồi đó, kiểu nhà văn có lòng kiên nhẫn theo nghề và theo đúng đường lối tư tưởng của đảng. Nhưng quan trọng hơn, tôi hiện là một trong những lãnh đạo trẻ về văn hóa của tỉnh này.
‘Lòng Ái Quốc’ là tên của cuốn tiểu thuyết tôi vừa viết xong trong ba tháng. Suy đi tính lại, in ra chắc cũng dày khoảng 400 trang. Sẽ có nhiều giải thưởng chờ đợi nó. Vì sao mà tôi tin vậy ư? Vì không ít người, sau khi đã ăn nhậu của tôi, cho rằng, đây là một tác phẩm của thời đại, nói lên tâm tình của một thế hệ đang dẫn dắt đất nước hôm nay.
Tôi hy vọng mình sẽ thành công như thế. Thật lòng, bây giờ nói thiệt với nhau nghen, tôi đía thì tôi làm con chó.
Tôi viết xong bản thảo này chẳng tốn công sức là bao, chỉ cần tra cứu một vài quyển sách, lên mạng đọc đây đọc đó, hay moi móc những câu chuyện vương vãi lại trong trí nhớ, bịa đặt thêm chút tình tiết oan khiên oái oăm cho lâm ly bi đát để kiếm vài giọt nước mắt; thêm chút tình huống mắm muối, cho nhân vật chính diễn cương, lên gân cho hào hùng. Thao tác chủ yếu là chọn lọc dữ kiện ở những cuốn sách, những tài liệu, mà tôi có xem qua, rồi “copy and paste”, là xong.
Khâu quảng cáo thì chẳng phải lo, mấy tay viết phê bình sách, điểm sách, ở một số tờ báo đều là chỗ quen biết cả; khi nào tôi về Sài Gòn hay bay ra Hà Nội công tác thì chẳng có buổi ăn nhậu nào mà không có mấy chả; nhờ vả với ít phong bì là họ sẽ sắm ống đu đủ mà bơm thổi tôi vù vù, bay tít mịt mù, từ địa phương ra tận trung ương. Biết đâu lại lọt vào mắt xanh của một vài lãnh đạo thì có khi ẵm giải “ông cụ”(1) cũng nên. Tôi nói giải “ông cụ” là cái giải gì ở đất nước này thì chắc ông bạn cũng hình dung ra rồi.
Trong sách, tôi kể chuyện những chiến binh Mông Cổ vùng vẫy từ Á sang Âu, trước là để mở rộng đế quốc, sau là thỏa chí tang bồng. Nam nhi mà không ngồi trên lưng ngựa, tung hoành dọc ngang giữa những thảo nguyên bát ngát quả là phí một đời…
Tiếp theo là chuyện các phi công cảm tử của phi đội Thần Phong xứ Phù Tang. Một mình trên một chiếc phi cơ đầy bom, lao mình xuống những hàng không mẫu hạm của quân đội Đồng Minh. Số phi cơ dùng trong mặt trận này không đủ cho những phi công tình nguyện. Có cả những sinh viên mới 17 tuổi chỉ được đào tạo để trở thành phi công không đầy một tuần lễ. Hai ngày học cách khởi động và cất cánh. Hai ngày học cách bay thành đội hình. Hai ngày học cách tấn công mục tiêu. Nhận một ly rượu Sake từ chỉ huy trưởng không quân, quay mặt về hướng hoàng cung chào vĩnh biệt Thiên Hoàng, là họ bay vào cõi không đường về…
Quan trọng nhất là chuyện xứ mình vào những ngày đầu cuộc chiến. Các chiến sĩ Vệ Quốc Quân chỉ ăn một củ khoai lang trước khi ôm bom ba càng tự chế lao vào xe tăng địch. Họ là những kẻ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Những cô du kích canh giữ ở đường mòn Quảng Trị dưới mưa bom. Những bà má Bến Tre nuôi cán bộ dưới hầm tránh giặc. Nghĩa là vô số tấm gương trong suốt hai cuộc kháng chiến đánh Pháp, đánh Mỹ.
Tôi viết nhiều, nhiều lắm, viết hay, hay lắm. Tác phẩm của tôi chắc chắn sẽ gây tiếng vang rộng lớn. Tôi tính toán rằng với số tiền nhuận bút của quyển sách này thì chẳng đáng vào đâu, coi như không tính. Cái chính là nhắm vào việc vận động sao cho nó có mấy giải thưởng kia kìa. Có giải thưởng nhỏ cỡ tỉnh nhà là chắc như đinh đóng cột. Rồi tôi sẽ chọn một vài scene trong đó để chuyển thể thành kịch bản phim. Nó sẽ mang lại tên tuổi lớn cho tôi. Mà tên tuổi cho tôi thì tất nhiên cũng làm sang cho cái tỉnh lẻ này. Nói cho cùng, thì bây giờ tôi cũng có chút tên tuổi qua việc làm báo rồi, nhưng từ nhà báo cấp tỉnh mà thành nhà văn là chuyện khác, là bước chân bảy dặm. Tôi cũng đang vận động để vào Hội Nhà Văn, chắc chắn năm tới sẽ vào. Chưa vào hội thì chưa thành nhà văn, là chưa nên người.”
Thấy tôi có vẻ không mặn lắm với câu chuyện tác phẩm lớn của mình, ông nhà văn vội nói tiếp:
“A, chuyện chỉ mới bắt đầu, ông kiên nhẫn nghe tiếp tới hồi hấp dẫn nè. Buổi nhậu tối qua uống hơi nhiều, với lại dạo này tôi cũng mập ra, nói nhiều mau mệt. Sáng nay khi tôi đang dọn dẹp bản thảo thì lão già làm vườn bước vào, tay cầm cây chổi.
Lão già này là người giúp việc cho gia đình tôi đã gần một năm. Tôi không biết vợ tôi đã lượm được chả ở đâu. Giọng nói của chả thì chắc là dân đâu ở ngoài Lạng Sơn, Cao Bằng gì đó. Tôi cũng không tìm hiểu lý lịch của chả làm gì, công đâu mà quan tâm. Chả làm việc cần mẫn, thật thà, ít nói, ăn cũng ít nhưng uống rượu lai rai thì hơi nhiều. Quỡn là lầm lì uống tới. Tôi ít khi nói chuyện với kẻ ăn người ở trong nhà, nhưng khi đó niềm vui đang rào rạt trong lòng nên tôi trở nên thân thiện. Thấy chả nhìn vào bìa tập bản thảo trên bàn, tôi hỏi đùa:
“Bác chắc là chẳng bao giờ quan tâm lòng ái quốc là cái gì đâu nhỉ?”
Lão trả lời, nhưng không cười:
“Cái gì? Lòng ái quốc là nói theo kiểu Tàu, theo kiểu tên ông cụ đấy. Người mình cứ gọi là ‘yêu nước’ cho nó gọn đi ông à, ái quốc ái kiếc nghe nó Tàu lắm. Mỗi người yêu theo một kiểu. Ông chủ yêu nước theo cách của ông, tôi theo kiểu của tôi.”
A hay, cái cha nội này. Chả nói bằng cái giọng của một ông thầy đang dạy bảo học trò. Tuy già cả, nhưng người ở mà nói chuyện với ông chủ như vậy là không lễ phép, nhất là loại chủ nhà “đẳng cấp” như tôi. Tôi bực mình, gằn giọng:
“Ông yêu nước theo kiểu nào? Nói tôi nghe cái coi!”
Dựa cây chổi vào tường. Như một nghi lễ, chả trịnh trọng mở từng nút áo. Khi gần như trần xì trước mặt tôi, chả chỉ vào một vết sẹo lớn thâm đen trên bộ ngực khô héo:
“Hôm qua là ngày kỷ niệm cái này. Hồi đó tôi là dân quân ở Lạng Sơn, năm 1979. Nó đâm bằng lê.” Chả chìa thêm cái bả vai có cái sẹo đỏ hỏn da non, “Còn cái này là miểng pháo.”
Chả còn định nói nữa, nhưng tôi không nghe được. Tai tôi ù lên. Toàn thân tôi tê dại đi vì xấu hổ. Khi chả với một khẩu súng chiến đấu giữa đại ngàn hay trên những đỉnh núi cao lồng lộng, máu của chả đã vương vãi, đã khô đi trên những chiến hào thì tôi lại vùi mình trong một xó xỉnh an toàn, học lăng nhăng, nói lảm nhảm, chủ yếu là đi buôn và tránh đạn cho khỏi chết. Tôi chẳng cách mạng, cách miếc, con mẹ gì cả, chỉ là thằng láu cá vặt gặp thời.
Và giờ đây, tôi là chủ, chả là tớ.
Bất giác tôi lật những trang bản thảo. Những con chữ vô duyên, trơ trẽn như một người đàn bà sứt môi nhưng đầy đủ son phấn và nụ cười tình… Tôi quơ lấy chồng bản thảo, buồn bã đi vào góc nhà, nơi để thùng rác.
Nhưng ngay lúc đó tôi nghĩ lại. Cái bản thảo còn nằm nguyên con trong ổ cứng, bây giờ có vất thì nó cũng còn đó, vả lại đã gởi mấy bản copy cho các nhà xuất bản để xin giấy phép rồi. Mẹ kiếp, biết sao được, đời mà! Tình huống này nói như ông Xuân Sách khi viết về ông Tố Hữu “máu ở chiến trường, hoa ở đây.”(2) là đúng y chang.
Tôi viết về hai cuộc chiến tranh mà tôi không có mặt, và cố tình quên đi một cuộc chiến khác, cuộc chiến với Tàu ở biên giới Việt Trung 1979. Người ta ngầm bảo rằng đó là cuộc chiến phải quên đi, phải hư vô hóa đi, cho đúng đường lối, cho đúng chính sách hòa hiếu với ông anh Trung Quốc. Mẹ kiếp, 16 vàng, 4 tốt. Còn cha nội kia thì đổ máu thật cho cuộc chiến đó. Ông nghĩ sao?”
Tôi nghĩ sao ư? Nghe ông nhà văn đến đó thì tôi cũng đếch biết nói gì. Nói gì nữa đây? Không phải tôi cùng đồng bọn cũng vừa uống hết mấy chai rượu ngoại và có thằng còn nhận cái phong bì khá nặng của hắn rồi hay sao?
Mẹ kiếp, đời mà!
(1) Giải “ông cụ” : Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải lớn nhất về văn học nghệ thuật.
(2) Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.
Bài thơ của Xuân Sách viết về chân dung của Tố Hữu trong tập “Chân dung nhà văn”. Câu cuối phê phán, giễu cợt Tố Hữu, ý là chiến sĩ thì đổ máu ở chiến trường còn Tố Hữu ở thủ đô làm thơ ca ngợi láo.