Menu Close

Tôi… chưa chết (tiếp theo)

(tiếp theo và hết)

Lượng làm thêm ba cái Chúa Nhật nữa.

– Anh! mai em thi bằng lái!

Tôi cười.

– Không có tiền! đi subway, bus… bằng lái làm gì?

– Em có dành dụm chút đỉnh! có bằng, mua xe tới lui đỡ mệt!

Tôi lặng lẽ nhìn ra chiếc cửa sổ nhỏ nhiều chân người qua lại, nghĩ tới cuộc sống của hai vợ chồng trong căn hầm tối thui, ẩm thấp…

– Bin! bin!

Tiếng kèn xe ngoài cửa sổ, tôi nhìn ra, Lượng diện áo đầm đỏ, từ chiếc Honda Accord mới tinh bước ra, nhún nhẩy vô nhà.

– Hi anh!

– Ừa em! xe của ông chủ hả?

Lượng ném xách tay trên ghế.

– Xe của em mới mua!

Tôi giật như đạp trúng điện.

– !!!…???

– Ông chủ cho mượn thêm tiền mua xe mới, đỡ phải sửa! Anh thay đồ! đi một vòng… ăn tối luôn!

– !!!

alt

Tranh: Thắm Nguyễn

Tôi thay đồ…

Tôi lại… ngây ngất cảm động vì lòng tốt của ông chủ Ấn Độ. 

Tới phố Tàu, Lượng kéo tôi vô một nhà hàng sang trọng, tung tăng lấy bàn và gọi nhiều món.

Tôi ngồi im, uống ly trà đắng, nhìn mình, nhìn vợ mình trong bức tường kính trước mặt.

Bên này, gã đàn ông, đen, ốm, lùn, mặt sần sùi mụn, tóc râu bắp, khô rang.

Bên kia, chị đàn bà, nâu, tròn, hơ hớ mặt mởn lớp phấn, tóc kiểu Hàn, mướt rượt.

Tôi thở dài, tự thấy cái mất giá của mình.

– Ăn đi cha!

Tôi lặng lẽ ăn, không dám nhìn vô kính.

Chừng 4 tháng sau thì cơn bão đời đổ ập xuống vai tôi.

Vợ tôi, em Lượng có bầu! tôi mừng quá, xin nghỉ một tuần.

– Anh dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ở nhà làm đồ nhậu! vui với em vài ngày!

Lượng lạnh như đá.

– Không! tuần tới em đi công tác xa với ông chủ!

– Trời đất! Tiệm giặt ủi mà cũng có chuyện đi công tác?

– Ông chủ muốn mua thêm vài tiệm ở New York, em phải lên đó coi.

Vậy là Lượng đi công tác với ông chủ.

Làm tiệm giặt ủi mà đi công tác đã lạ, lạ hơn ở chỗ mỗi lần vợ tôi về là tắm liền, mỗi lần tắm, mùi cà ri nồng nặc cho tới hai ba ngày mới hết!

– Em! sao em làm tiệm giặt mà hôi mùi cà ri cả người vậy?

Lượng tỉnh bơ.

– Chủ Ấn Độ! người làm hôi cà ri là đúng! Chủ nào tớ đó mà!

Đúng! tôi tự thấy có lý!

Vài tháng sau, trong một lần em Lượng đi công tác, tôi nhận được phone.

– Hello! Kính chào ông! Ông là người thân của bà Lượng? Tôi xin báo ông tin mừng! Bà đã sinh con trai, sức khoẻ không tốt lắm! Chúng tôi đang điều trị, ông có thể đến ngay… điạ chỉ như sau…

10 phút sau, tôi đẩy cửa phòng hồi sinh, ứa nước mắt nhìn vợ mình nằm thiêm thiếp chờ phục sức, cô y tá tử tế vỗ vai tôi.

– Bà nhà sẽ khoẻ! Yên tâm! Ông qua đây nhìn con!

Tôi qua phòng cuối hành lang, đứng ngoài cửa kính nhìn vô, hồi hộp đợi nhìn mặt đứa con trai đầu lòng của mình. Cô y tá đẩy chiếc nôi nhỏ tới trước mặt, cô cười đẹp như thiên thần, vén tấm mền trắng.

Tôi chồm tới nhìn.

Tôi nghĩ tới lòng tốt của THẰNG chủ Ấn Độ, té xuống sàn, xỉu!

– Chuyện như vậy!

Lượng đưa hai tay lên trời.

– Nghèo! Sống với nhau cực quá! thiên hạ chung quanh ăn xài sung sướng!.. con này cày mòn mỏi không đủ mua cái xách LV, bộ đầm Chanel… uổng đời con Lượng Cà Mau! ly dzị là xong! khỏi cãi vã mè nheo… mất lòng! Đường ai nấy đi! Lấy anh khổ lắm rồi!

Lượng khoanh tay nhìn ra ô cửa sổ nhỏ, tôi ngồi trên ghế, cúi mặt liếc chiếc nôi bên mình, đứa nhỏ mới đẻ quấn trong mền, lộ khuôn mặt và đôi chân đen bóng như than đước!

Em Lượng tự Lương, vợ đầu đời của tôi, ly dị, bồng đứa con đen thui, theo thằng Ấn Độ về New York (bây giờ thì tôi biết tại sao em Lượng đi tắm hôi cà ri!).

Tôi thở dài! Tuy nó đen nhưng giàu có hơn mình. Đồng tiền lúc nào cũng mạnh!

Ngày em Lượng lạnh lùng ra đi, tôi cúi đầu bên chiếc cửa sổ nhỏ nhìn theo đôi chân cầu thủ, rưng rưng nước mắt, khấn cầu cho vợ mình được giàu sang hạnh phúc.

– Chờờời…ơi! đấấấtt ơi!… Banhnattan Lượng sẽ chôn anh ngon lành (hồn tôi biết thêm là em Lượng đã có tên Ấn Độ!)!

– Dẹp! Chị không có quyền!

Đang la khóc ngon lành, Lượng nín bặt.

– Cha nói gì dzậy?!

Thằng em họ:

– Tui là em! Cùng dòng họ máu mủ, tui sẽ chôn ảnh ngon hơn chị…

Thằng em khinh khỉnh nhìn lên trần, ta đây:

– … Chôn kiểu Ý Tà Lồ!

Lượng sấn tới bên nó, đấm ngực mình:

– Dzậy tui là ai!? hả! hả?

Lượng chỉ vô mặt nó:

– Tui là Banhnattan Lượng! là… dzợ của anh Đắc! tui thương yêu ảnh một mực.

Lượng chỉ vô mặt mình.

– Tui chôn ảnh ngon gấp ngàn lần cha…

Lượng chống nạnh, hút gió:

– … Chôn kiểu Ấn Độ!

– Khà khà! Chị bỏ ảnh theo thằng Ấn Độ cà ri, còn vợ chồng gì nữa! Chị không có quyền chôn ảnh!

– Tòa không nói điều đó. Cha giàu có mà bần tiện với vợ chồng tui, với bà con dòng họ, chồng tui cay lắm, cha mới là người không có quyền!

Thằng em nóng, chỉ mặt Lượng, la:

– Chị không có quyền!

Lượng cũng nóng, chỉ mặt thằng em, la lớn hơn:

– Cha không có quyền!

Đúng lúc đó, một giọng nói vang như Echo:

– Cả hai đều không có quyền chôn anh Đắc!

Ông bạn Văn Mình uy nghi trong lễ phục đen, bước vô nhà xác, tay để bên ngực trái, cúi đầu chào xác “tôi”.

– Tôi! Xếp nhóm “Văn Mình” bày tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của văn hữu… Đắc!

Ông ngước mặt, đưa hai tay, nhắm mắt như Đức Giáo Hoàng ban phép.

– Chúng tôi sẽ chôn anh ngon hơn… hai người kia. Nhóm “Văn Mình” có quyền chôn anh đẹp hơn hết.

Ông bạn Văn lùi lại.

– … Chôn theo kiểu cung đình!

… Ngày tôi viết lách ở quê nhà, ông bạn “văn mình” mới xong Trung Học, qua đây ông có tờ báo lá cải, không viết, nhưng lách giỏi, nên sống ngon.

Cách đây ba năm, ổng về Sài Gòn mang qua gần 20 truyện ngắn, gọi tôi.

– Mình có vài chục truyện ngắn, hay, nhờ ông bỏ chút thì giờ biên tập lại, tụi mình xuất bản tập truyện chung.

Đúng lúc tôi đang bối rối chuyện vợ ly dị, thất nghiệp, nên nhận lời. Tập truyện ra đời, hình ông ta đầy bìa trước, phía sau là gia phả ổng và cái hình nhỏ bằng ngón tay của tôi, rồi ông ta xuất bản, phát hành, ra mắt tác phẩm ở nhiều Tiểu Bang (tôi thất nghiệp, “mỏng” nên không tháp tùng), Radio, TV Việt phỏng vấn liên tục, tên tuổi ông bừng lên như bột nổi, tôi thì chìm lỉm trong cơn khủng hoảng gia đình.

– Hê ông bạn! lúc này lên quá! tiếng tăm hết cỡ!

– Cám ơn! Văn mình mà!

– Tui cần tiền dọn nhà! ông trả ít tiền sách!

– Ờ! Được! Mai ghé lấy!

Hôm sau, ông bạn Văn Mình đưa 500.

Đó là tổng số tiền tôi có được trong 2,000 số sách xuất bản, công trình sửa chữa, biên tập cho 10 truyện ngắn không rõ xuất xứ, ký tên Văn Mình, viết lời bạt, trình bày, đánh bài… viết bài khen trên báo….

– Sách bán không chạy! hụt vốn!

Câu cuối cùng tôi nghe từ ông bạn, qua phone.

Buồn chuyện em Lượng, tôi quên mất chuyện thế gian!…

Bây giờ hồn tôi hoang mang, bối rối nhìn ba người đang mong muốn được chôn mình.

Bỗng ba cái miệng cùng la một lúc:

Thằng em:

– Tui chôn ảnh ngon nhất!

Con vợ cũ:

– Em chôn ảnh đẹp nhất!

Ông bạn “Văn Mình”:

– Tui chôn ảnh “shaaaaang” nhất!

Đúng giây phút đó, đèn trần nhà xác nhấp nháy, tiếng điện nẹt tanh tách…

Hồn tôi buồn bã đứng dậy, bước tới nhìn xác “tôi” tuy xấu xí, nhưng tôi dễ thương quá mà!

…Tội nghiệp cho “tôi”, tội nghiệp cho thằng Đắc! thương vợ, quý bà con dòng họ, chia những niềm vui với bạn bè!.. vậy mà chết sớm! cho nên…

BÂY- GIỜ -TỤI – NÓ – ĐÒI – CHÔN -TÔI – ĐỦ – KIỂU!

Vợ ơi! em ơi! bạn ơi! sao lúc thằng Đắc này còn sống mấy người đối xử tệ vậy? Mấy người xài tui rồi cạn khô không còn chút tình nào?!

Hồn tôi nổi nóng, hét lên:

– Tao chưưưưưa… chết!

Đúng vậy! Tôi chưa chết! tôi sẽ không bao giờ chết! hà! hà! hà!… Đừng hòng mà chôn tao!

Tôi hạ hai chân xuống, chống tay theo thế yoga, hít mạnh, thở ra thật dài, lộn người lại, đứng lên, xuống trung bình tấn, làm mấy thế khí công, bước vô phòng tắm: tắm, cạo râu, thay bộ đồ mới.

Hôm nay đầu Xuân, đầy nắng ấm, tôi vô bàn mở email.

– To: Mr Dac.

Sau khi thông qua quá trình làm việc của ông, Hãng chúng tôi rất hân hạnh kính mời ông đến nhận việc vào 10 giờ sáng, ngày…

Tôi được nhận làm việc. Vậy là mình đi làm. Đời vui trở lại!

Tôi ra chợ mua bông, trái cây, nhang đèn, con gà luộc, miếng thịt quay, bánh chưng, hộp mứt thập cẩm, về nhà bày bàn cúng Tết. Đốt nhang rồi tôi vẫn không biết mình phải cúng ai, cúng thế nào! thôi thì bày hết lên bàn thờ mẹ tôi.

– Đầu năm mới, con cám ơn mẹ đã phù hộ sức khoẻ và có việc làm trở lại!

Tôi biết mẹ tôi rất thương con, phù hộ tôi.

Một năm mới bắt đầu quá tốt cho mình!

HĐV