Ngày xưa, gần xóm tôi ở, có một gia đình mới dọn về. Họ dựng tạm một túp lều lụp xụp để tạm che mưa nắng. Gia đình đó có 3 người, đúng hơn là 4 người. Người chồng tuổi đã thất thập, gầy ốm, đau yếu luôn. Người vợ cũng khoảng hơn bảy mươi, tóc đã bạc trắng, dáng người thấp đậm. Không biết tên thật của bà là gì, chỉ nghe mọi người trong xóm gọi bà là bà Bảy. Bà Bảy tuy lớn tuổi nhưng được trời phú cho sức khỏe còn tốt để đảm đương thay chồng trụ cột gia đình, nuôi đứa con gái ngoài ba mươi mang chứng bệnh tâm thần, và người con trai lớn vướng vào vòng lao lý.
Bà Bảy đi làm thuê để kiếm tiền thang thuốc cho chồng. Mấy gia đình trong xóm tôi rất tốt bụng. Người ta ái ngại khi bà xin làm thuê cho họ. Bà xin làm đủ thứ công việc lặt vặt, từ rửa chén, giặt đồ, tắm heo… Nhiều người sợ bà tuổi già sức yếu, sợ “tội”, nên không ai dám mướn bà. Có chăng, người ta nấu dư ít đồ ăn cho bà mang về lót dạ.
Mối ruột của bà là chị Tư Hơn, bán sỉ hành tiêu tỏi ớt ở chợ Cầu Muối. Mang tiếng dân chợ Cầu Muối vậy chớ chị Hơn rộng rãi lắm nghe, ở xóm cư xử cũng đàng hoàng. Tuy không chồng, nhưng chị Hơn làm lụng nuôi thằng con cũng bụ bẫm lắm, lại ngoan ngoãn, mau lẹ nữa. Chị Hơn hay mướn bà Bảy lặt cuống ớt rồi rửa để xay nhuyễn, bỏ bịch đem bán. Công việc đó cũng khá nhàn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi của bà Bảy, nhưng nó không ổn định. Hôm có hàng làm thì bà làm từ sáng đến tận khuya, cũng kiếm được dăm chục, mua con cá miếng thịt cho chồng con. Hôm nào không có hàng, bà lại cắp cái nón lá, đi vòng vòng xóm, xem có nhà nào cần mướn thì xin làm.
Mẹ tôi hay thương người. Lâu lâu, đi chợ, gặp bà Bảy, mẹ còn dư ít tiền lẻ đi chợ về, Mẹ lại dúi cho bà. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho bà mua đồ ăn bữa sáng lót dạ.
Bữa đó, tôi được nghỉ học, ở nhà, đang lui cui sau hè lặt mớ rau chuẩn bị xào, thì nghe tiếng con chó sủa ầm ĩ trước nhà. Nhà tôi cổng rào, tường rào kín mít, muốn thấy được người ở ngoài thì phải rướn người dòm qua khe lưới. Tôi thấy bà Bảy cầm cái nón lá rách tả tơi, quần xăn ống thấp ống cao, bận cái áo nâu cũ rích, mân mê cái vành nón đứng chờ. Đuổi con chó vô nhà, tôi mở cửa, chưa kịp hỏi, bà Bảy đã hỏi:
– Cô Hai có nhà không cô?-
– Dạ mẹ con đi xuống trường chưa về. Bà Bảy vô nhà ngồi chơi, chờ mẹ con về, chắc cũng sắp về.
– Mời bà vô bàn nước ngồi. Bà nói:
– Dạ thôi, tui ngồi ngoài hàng hiên vầy cho nó mát.
Nói rồi, bà ngồi bệt xuống nền hàng hiên lót gạch hoa mà tôi vừa mới lau xong bóngloáng.Bà Bảy cầm cái nón phe phẩy. Tôi cũng ngồi xuống bắt chuyện:
– Bà Bảy hôm nay đi chợ nấu cơm cho ông Bảy chưa?
– Dạ, chưa cô. Ờ mà chắc hôm nay tui hông đi, vì bà Tám hôm qua có cho hai con khô, tui chiên đường, xé ra bỏ vô cháo cho ổng ăn bữa trưa rồi.
– Con gái bà Bảy nấu cháo hả?
– Dạ hông cô, nó đâu có mần ăn gì được, bị tâm thần từ lúc trẻ. Bị điên tình đó cô!
Nói tới đây, tự nhiên bà im lặng, cố nén tiếng thở dài.
Tiếng xe của mẹ về. Dắt xe vô cổng, mẹ thấy tôi và bà Bảy ngồi bệt xuống nền nhà, mẹ rầy, sao không mời bà vô trong nhà, ngồi bàn ngồi ghế đàng hoàng mà ngồi dưới đất như vậy. Đợi mẹ tôi cất xe máy xong, bà Bảy rụt rè nói:
– Cô Hai, hôm nay tui đi khắp xóm mà hông có việc gì làm. Ông nhà tui hôm qua ổng đau quá, đi tiểu ra máu, tui cũng kẹt tiền chạy thuốc quá. Hông ấy, cô coi có gì cho tui làm hôm nay, kiếm chút tiền lo cơm cháo cho cha con nó.
Mẹ tôi thuộc tuýp người kỹ tính, rất sạch trong chuyện nấu nướng, giặt giũ nên ít khi nào mẹ cho người ngoài nhúng tay vào, sợ không vừa ý. Mẹ tôi nói:
– Chòm xóm với nhau, con nói thiệt. Để dì Bảy làm chuyện nhà thì con không dám, Bảy cũng lớn tuổi rồi, để Bảy làm mà con ngồi không coi sao đặng, tổn phước chết. Thôi, con tính như vầy, con tính giúp Bảy chút ít tiền tượng trưng thang thuốc cho ông Bảy, nghe!”
Bà Bảy từ chối,
– Không đâu cô Hai, tui làm mướn chớ hông dám lấy tiền của cô hoài, tui cũng ngại lắm! Hay cô coi có việc gì nhẹ nhẹ cho tui làm, trả tui bát cơm trưa hay ổ bánh mì gì cũng được!
Nghe những lời nói đó, lòng tôi chợt se lại. Ở đời, có người vung tay cả tỉ đi mua xe siêu sang, nhưng cũng có những người cùng đinh, đổi sức lao động chỉ lấy ổ bánh mì. Tội, hết sức tội! Mà cũng tự hào, hết sức tự hào! Ổ bánh mì đánh đổi bằng mồ hôi và công sức lao động của họ, không giật dọc, không lừa đảo, đáng quý lắm chứ!
Mẹ tôi không thể chối từ, đành để bà ra nhà sau, phụ tôi làm bếp. Tôi có dịp nhìn gần khuôn mặt bà. Khuôn mặt khắc khổ, sạm nâu, nhăn nheo. Cặp mắt thì đục và mộng thịt kéo che một phần tròng mắt. Đôi bàn tay thô kệch, lam lũ. Da dẻ đen nhẻm, sần sùi. Nhìn bà, chắc hẳn người ta phải động lòng trắc ẩn. Bà Bảy già, nên làm gì cũng chậm lắm. Nhờ bà nhặt hộ mớ rau mà tôi cũng đánh lô tô trong bụng. Mắt bà kèm nhèm, có thấy rõ sâu không nhỉ. Lâu lâu, tui thấy bà giơ cọng rau lên trời, nghiêng đầu, ngó ngó, tìm tìm cái gì, sâu chăng?
Bà Bảy lặt xong mớ rau mà tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi lo ướp lẹ mớ thịt cho vô nồi kho, rồi đỡ rổ rau trên tay bà, mượn bà ngồi nói chuyện nghe chơi, trong lúc tôi rửa mớ rau đó. Mắt bà kém, lặt rau lẫn cỏ trong đó. Tự dưng, nhìn bà Bảy, tôi lại nhớ bà Ngoại tôi quá. Ngoại chắc cũng cỡ tuổi với bà Bảy, nhưng Ngoại phước phần rất nhiều, con cái chăm lo cho ông bà Ngoại kỹ lưỡng và đầy đủ lắm. Mỗi người sanh ra có một cái số, số khổ âu cũng do trời đặt để.
Thoáng một cái tôi đã làm cơm xong, mẹ biểu tôi bới cho Bà Bảy một tô, nhớ cho thịt cá rau cỏ vào hậu hĩ. Cầm tô cơm đầy ụ thịt cá, bà Bảy ăn khỏe lắm. Bà ăn một cách ngon lành. Mà lạ, bà toàn ăn cơm, đồ ăn bà chừa lại. Tôi hỏi, bà Bảy thiệt tình nói:
-Tui chừa lại cho Ông Nhà và con Ba nó ăn, tui có bắt sẵn nồi cơm ở nhà rồi, chiều về có đồ ăn cho ổng với nó ăn.
Tôi phì cười:
“Bà Bảy cứ ăn hết đi, chút nữa con chừa phần cho Bà Bảy mang về nghen”
Bà nhoẻn miệng, móm mém, răng chiếc còn chiếc mất, cười hiền:
“Cám ơn cô.”
Khi về, mẹ có gởi cho bà Bảy tiền “công” và một cà mên cơm thịt kho, rau xào. Nét mặt bà hân hoan lắm. Bà khen tôi kho thịt ngon. Bà đâu biết rằng, lúc tôi kho thịt, đầu óc tôi đâu có để vô nồi thịt kho, mà tôi đã miên man suy nghĩ, thương cảm cho số phận người đàn bà nghèo! Nhiều khi thấm thía câu, “Sống trên đời, cần có một tấm lòng !”