Cùng các anh chị cá rằm,
Chúng tôi là loài cá sặt, thuộc vùng nước ngọt miền Tây ruộng lúa ngày nào! Thật tình ra, giữa hai họ cá sặt và cá rằm nơi sông rạch miền Tây từ hồi còn lúa mùa, chúng ta rất gần gũi nhau. Có lúc cùng sống chung với nhau nơi khúc kinh này hoặc búng đập kia, do vậy mà chúng mình không xa lạ gì nhau cho lắm! Tuy vậy, qua lời tự sự của các anh chị, chúng tôi mới hiểu thêm được phần nào về những bất trắc của các anh chị theo từng mùa nước lên, nước giựt.

Nhớ lại thời ở đìa bàu những năm tháng cũ vui lắm. Hồi đó cứ tới Tháng Chạp, Tháng Giêng là chúng tôi xuống đìa hết rồi. Sáng tối gì chúng tôi cũng lên ngớp, ụp móng văng nước tứ tung như mừng những ngày mùa lúa mới sắp tới nơi. Dân gian Việt Nam hồi xưa cũng có câu ca dao vui vui về hiện tượng ụp móng này: “Cạn đìa mới biết lóc, trê. Còn ụp móng biết đâu rô, sặt”. Không khí trong đồng ngày ấy trong lành lắm. Gió hiu hiu thổi mỗi chiều đưa hương lúa mới bay xa; sương mù se se lạnh vào mỗi sớm mai làm hương lúa mới như nén lại cái tinh khiết của đất trời chứa trong từng hạt ngọc của trời đất mang tặng cho con người.. Cái không gian thuở ấy vừa gần gũi mà thanh cao, vừa bao la mà êm đềm ấm áp lắm! Sang Tháng Hai, Tháng Ba mùa vụ cắt gặt đâu đó xong xuôi, lúa thóc ví đầy bồ rồi mà cánh đồng đầy gốc rạ vẫn còn phảng phất hương thơm ngạt ngào của mùa lúa mới. Các anh chị có còn nhớ lúc bấy giờ vùng đồng quê bắt đầu vào mùa tát đìa làm mắm không?
Ôi thôi, vào mùa này cá tôm muôn trùng! Mặt cá danh giá nhất vẫn là cá lóc, cá trê và mặt cá nhiều nhất vẫn là cá rô, cá sặt! Hồi đó cá nhiều quá nên người ta tính cá bằng giạ, chỉ khi bán buôn mới tính ký. Riêng mặt cá sặt mỗi miệng đìa ngang chừng năm thước, dài khoảng mười hai hoặc mười lăm thước thì trung bình khoảng năm hoặc mười giạ cá sặt là thường. Cá tát đìa hồi xưa nhiều lắm nên không ai mang vác gì nổi mà phải dùng cộ trâu, cộ bò kéo cá về nhà có khi tới khuya-lơ khuya-lắc mới xong.
Khi cá về tới nhà thì cá lóc, cá trê phần nào làm mắm thì làm, còn phần nào để dành thì đổ xuống hầm rộng để đó, rồi sau này bắt lên để ăn từ từ. Hồi xưa dường như không có chủ đìa nào bán cá tát đìa mà chỉ rộng cá để dành ăn thôi. Riêng cá sặt dù là cá đồng nhưng chúng tôi cùng với các anh chị thuộc họ cá nhỏ, cá bổi nên lên khỏi mặt nước là chúng tôi chết hết rồi, chỉ có nước là làm mắm, làm khô thôi! Do vậy mà ở vùng quê hồi đó nói tới mắm, không thể không nhắc tới mắm cá sặt. Trùng trùng điệp điệp mắm là mắm, nhà nào cũng cụ bị vài hũ đường, vài ba khạp da bò, vài ba lu mái đầm, mái vú (5) mắm cá lóc, cá rô, cá sặt, cá rằm, cá linh, cá chốt, cá trèn nhưng mắm cá sặt có lẽ là thông dụng nhất, không biết có phải vì thời ấy mặt cá sặt nhiều hơn các mặt cá khác chăng?

Cá sặt điệp đang nghĩ ngợi về cuộc đời…
Cuộc đời từ cá sang tới mắm là những gian nan của một đoạn đời mà các anh chị và chúng tôi đã từng trải qua rồi, nên chúng tôi không muốn nhắc lại làm gì thêm đau lòng! Nhưng có lẽ cũng kể để các anh chị nghe chơi một chút về loài cá sặt chúng tôi có gốc gác thế nào. Về điều này, như phần mở đầu chúng tôi có nhắc qua là chúng tôi vốn sống trong các bưng trấp, nhưng cũng có lúc chúng tôi có sống trên các kinh rạch vùng nước ngọt nữa. Ở kinh rạch hay ở trên các lung vũng đìa bàu thì có loại cá sặt bướm, cá sặt điệp. Ngoài ra, dòng họ chúng tôi còn có các anh chị cá sặt rằn với bộ vảy có vằn không đều tạo thành chỗ đậm chỗ lợt và chính các anh chị cá sặt rằn này mới thay mặt chúng tôi mỗi khi có khách tới nhà hoặc nói chuyện với người ngoài về giá trị của mình..
Hồi đời trước, cách nay sáu bảy chục năm, tại các vùng đất lâm như Luỳnh Huỳnh, Cầu Số Năm, miệt Tám Ngàn, Tri Tôn, Đìa Bèo, Định Mỹ thuộc Long Xuyên, miệt Bình Di- Bắc Nam thuộc An Phú, miệt Đồng Tháp Mười hay xuống miệt Thứ vùng Rạch Giá, Cà Mau cá sặt rằn được dân các địa phương ấy ưa làm khô lắm. Tại các vùng kể trên còn đặt thêm tên loại cá sặt rằn lớn con hơn hết là “cá sặt dày tho” hoặc “cá sặt lò tho”. Các anh chị này ngoài bộ vảy có rằn đen không rõ lắm thì dưới bụng các anh chị có thêm cặp râu dài. Loại cá sặt dày tho này thuộc hàng anh chị trong dòng họ cá sặt chúng tôi rồi, chắc khỏi phải bàn bạc gì thêm!Ngày nay, thời buổi văn minh kỹ thuật quá mức tưởng tượng của loài người nên làm cho con người sống phải chạy theo vận tốc văn minh nhiều lúc muốn chóng mặt. Mỏi mệt quá với văn minh, người ta mới tìm về với thiên nhiên qua nuôi cá kiểng hầu làm giảm bớt sự căng thẳng quá mức trong cuộc sống mỗi ngày. Chính vì vậy mà dân các thành thị mới nhớ tới cá rằn các anh chị cũng như cá sặt chúng tôi mà mua về nuôi chơi và nhờ vậy mà cá rằn, cá sặt ngày nay có giá. Một con cá rằn, cá sặt chúng mình nhỏ xíu, bây giờ cũng từ năm tới bảy đô la chứ hổng ít. Còn đời xưa mấy anh em mình rẻ rề. Cũng chính vì vậy mà dòng họ cá sặt chúng tôi cũng bị các nhà chuyên môn cung cấp cá nghiên cứu lai tạo chúng tôi nhiều giống khác nhau.
Các giống cá sặt mới này nó khác với các giống cá sặt ở bưng, ở vũng, ở đìa bàu đời trước dữ lắm! Chẳng hạn đời xưa làm gì có cá sặt màu vàng, màu hường, màu xám, màu đỏ và nhiều màu khác nữa mà chính chúng tôi cũng hết biết đường mò giống cá sặt nào là có bà con cật ruột gần gũi với mình nữa nhe các anh chị!
(5) Mái vú: Mái là lu to bụng phình ra, đáy túm nhỏ lại. Mái vú là cái mái có bốn cục u ở gần miệng lu để khi người ta muốn khiêng dời cái lu từ nơi này qua nơi khác có chỗ mà vịn, mà nắm cho dễ.