Cùng các anh chị cá rằm,
Chúng tôi là loài cá sặt, thuộc vùng nước ngọt miền Tây ruộng lúa ngày nào! Thật tình ra, giữa hai họ cá sặt và cá rằm nơi sông rạch miền Tây từ hồi còn lúa mùa, chúng ta rất gần gũi nhau. Có lúc cùng sống chung với nhau nơi khúc kinh này hoặc búng đập kia, do vậy mà chúng mình không xa lạ gì nhau cho lắm! Tuy vậy, qua lời tự sự của các anh chị, chúng tôi mới hiểu thêm được phần nào về những bất trắc của các anh chị theo từng mùa nước lên, nước giựt.

M à nghĩ lại cho cùng, so với cái chung trong cả hai loài cá nhỏ bé của chúng mình đâu phải ai ai cũng được người ta mua về làm cá kiểng hết đâu các anh chị, nên việc được giá như vừa kể cũng chỉ là những trường hợp “năm khi mười họa”, “năm thuở mười thì” hoặc “ngàn năm một thuở” mới có một vài anh chị được người chơi cá đoái hoài thôi! Thế nên, chúng tôi chưa bao giờ dám mừng vì cá sặt bây giờ đắt giá như vừa kể nhe các anh chị!
Rồi chúng tôi cũng nghe các anh chị nhắc lại thời kỳ bị bắt làm cá mồi cho mấy bác ngồi xuồng nhấp cá lóc Tháng Chạp, Tháng Giêng mà nhớ lại thời kỳ 1945-1946 còn loạn lạc. Lúc bấy giờ nơi các làng quê vùng Tân Bình (Lấp Vò) người ta bỏ nhà tản cư ráo trọi. Thành ra cảnh vườn hoang nhà trống làm cho không khí các làng quê lúc bấy giờ buồn bã lắm! Sông rạch thì lác voi, u du, rau muống, cỏ xước, nghể lông, cỏ mồm lông, cỏ mồm mỡ cùng nhau bò phủ phục khắp các mặt rạch. Rồi còn nạn lục bình không ai bơi xuồng qua lại nên các anh chị này chiếm gần hết các mặt nước của các lòng kinh, lòng rạch cạn. Tuy vậy, khi tản cư đi xa thì ai ai cũng nhớ nhà nhớ vườn thế rồi cũng có vài người lâu lâu họ liều mạng lại lén bơi xuồng về thăm nhà. Có người làm gan cất chòi ở lại coi vườn tược đôi ba ngày và họ thấy cá lăng, cá kết, cá trê trắng, cá lóc, cá bông, cá leo lên dọi nhiều quá nên họ bèn nghĩ ra cách đặt lờ bắt cá sặt làm mồi giăng câu, cắm câu.
Hồi đó các anh chị có biết họ giăng câu bằng cách nào không? Vì cỏ lác bò phủ phục các kinh rạch nên họ phải chịu khó dọn luồng bủa câu. Mỗi luồng câu dài chừng năm sáu thước và mỗi luồng như vậy họ tóm chừng bốn hoặc năm lưỡi câu là vừa miễn làm sao hai lưỡi câu cách nhau chừng một thước là được. Khi bủa câu họ cắm hai đầu hai đài câu bằng nhánh tre mỡ và giường câu phải canh thế nào cho lưỡi câu vừa chấm mí nước là đúng điệu giăng câu mồi chạy. Sở dĩ họ làm thế vì khi họ móc chúng tôi làm mồi để sao cho chúng tôi lội vừa chấm mí nước thôi mới hấp dẫn các anh chị cá lớn, chứ còn lưỡi câu ngập dưới mặt nước sâu quá, chúng tôi đành phải lội ngầm, thì ít mời gọi mấy anh chị cá lăng, cá kết, cá leo này.
Còn cắm câu thì người ta nghĩ ra cách chặt chuối cây kết lại làm cái phao, vuông vức đâu chừng năm tấc hoặc một thước tây là vừa, và cắm câu trên cái bè chuối ấy với mồi là các bạn cá sặt non chúng tôi vừa mới dính lờ. Ban đêm ban hôm thời loạn lạc người ta không dám đi thăm câu và để mãi tới trời sáng tỏ mặt người ta mới bắt đầu chống xuồng thăm các luồng câu này. Vậy mà rồi mỗi lưỡi mỗi con cá lăng hoặc cá kết, cá lóc hoặc cá trê trắng; con nào con nấy ú-ù cả ký có hơn! Thời kỳ ấy mỗi khi tối trời vườn hoang nhà trống công thêm tiếng chó tru dài vang vang trong xóm nữa, cảnh nhà quê buồn đến não ruột, dù được cá nhiều như vậy nhưng các bác nông phu này cũng chẳng lấy gì làm vui cho lắm!

Cặp cá sặt vàng vào mùa trứng già – Ảnh do tác giả cung cấp
Cùng các anh chị cá rằm,
Dòng đời chúng tôi còn dài, dài lắm vì trải qua hằng mấy trăm năm từ lúc khẩn hoang tới giờ và vùng đất miền Tây Nam nước Việt này cũng trải qua biết bao biến đổi. Thời cuộc biến đổi, xã hội biến đổi, con người biến đổi, thời tiết biến đổi, mùa màng biến đổi từ lúa mùa mỗi năm một mùa rồi tới lúa Thần nông mỗi năm hai ba mùa, dĩ chí tới cách cày bừa, cách sạ lúa, cách cấy lúa, cách cắt gặt mỗi thời kỳ cũng biến đổi khác nhau. Đồng ruộng ao hồ sông rạch cũng không nguyên vẹn như hồi cũ nữa. Thế rồi tới cách ăn cách ở của con người cũng biến đổi theo những vụ mùa thì làm sao loài cá sặt chúng tôi nay có thể giữ nguyên gốc gác của mình cho được!
Thành ra có dịp chia sẻ cùng các anh chị vài ba nỗi niềm cũng là dịp để nhớ lại chính mình, nhớ lại cái thời chúng tôi ở trên những lung vũng bưng trấp đìa bàu nước cỏ, nước phèn ấy mà biết mình dù có đổi sắc, đổi màu thế nào đi chăng nữa mình vẫn là mình thôi. Cá sặt vẫn là cá sặt thôi các anh chị à! Cái gì cũng không qua cái gốc gác của mình! Chúng tôi cũng tâm niệm với chính mình hoài như vậy, nhưng không biết có còn đủ sức lực để giữ nổi cái niềm tin vào cái gốc gác ấy mãi được hay không nữa đây! Chỉ biết cầu Trời Phật vậy!