Ngày xửa ngày xưa có một Sói lười. Nhà cửa chẳng bao giờ quét dọn, sửa sang nên bẩn thỉu, rách nát, chỉ chực sụp xuống.
Một hôm, Voi đi qua, vô tình đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà. Voi áy náy:
– Xin lỗi anh bạn! Tôi sẽ sửa ngay cho anh.
Voi vốn giỏi giang: lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước.
– Ô hô ! – Sói bụng bảo dạ – Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm hơn thế!
Sói quát:
– Mày làm cái thói gì thế? Mày tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế sao? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à? Biết điều thì đi mà làm cho ta một cái nhà mới! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích!
Voi không nói gì cả, cuộn vòi quắp ngang bụng Sói ném xuống hố rồi giẫm bẹp luôn căn nhà Sói.
Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi:
– Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình, thế mà sau đó lại hành động thế này!
Quạ đậu trên cao, chứng kiến mọi chuyện, vuốt râu khề khà nói:
– Chú mày không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!
Hiểu Lâm (sưu tầm)
Bình luận của bạn đọc:
– Những kẻ được voi đòi… Hai Bà Trưng ắt phải trả giá cho chính việc làm của mình (Phong Phú )
– Đừng thấy mọi người nhường nhịn mà được nước lấn tới, chẳng qua đó là để con người chúng ta tồn tại mà thôi. (Hiền)
– Cái mà câu chuyện muốn nói, là kẻ ngu si thường dùng sống lợi dụng, bòn mót, với cái nhìn hẹp hòi. Cái mà họ nhận được là sự mất mát rất lớn cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần (Green)