Quý Độc Giả thân mến,
Trong cuộc đời nghiên cứu về cộng đồng Việt hải ngoại từ đầu thập niên 1990s của mình, tôi vẫn thao thức nhất về vấn đề ngôn ngữ. Khi rào cản ngôn ngữ dựng đứng bức tường ngăn cách giữa các thế hệ, rào cản đó đã khóa trái cửa lại và nhốt quá khứ bên trong, để chết rũ.
Mỗi thế hệ sẽ có cách nhìn của mình, và có tiếng nói và nhận định riêng theo khung cảnh lịch sử xã hội từng thời. Tuy nhiên, sự thông cảm giữa các thế hệ là một điều cần thiết, nhất là khi các thế hệ trong một gia đình phải đối diện nhiều khoảng cách về kinh nghiệm sống và môi trường sống. Ở đây, tôi không chỉ nói đến sự khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà tôi muốn nhấn mạnh hai không gian rất khác biệt giữa thế hệ di dân và con cái họ ngay khi cùng sống chung dưới một mái nhà tại Hoa Kỳ.
Trong số này, tôi trân trọng mời quý độc giả đi vào khung trời hội họa và tư duy của Việt Hồ Lê. Khi hiệu đính bài phỏng vấn, tôi đã rất cẩn trọng không thay đổi phong cách của người nói, mà chỉ sửa lỗi chính tả hay thay đổi một số chỗ để làm rõ nghĩa. Đó là vì Việt đã can đảm trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt, tuy phải rất vất vả để diễn đạt tư tưởng của mình bằng tiếng mẹ đẻ. Cám ơn Việt rất nhiều vì sự cố gắng này. Tôi tin là tuy Việt Hồ Lê nói ít, nhưng chúng ta sẽ hiểu nhiều, và thông cảm nhiều.
Việt Lê là họa sỹ, nhà thơ, và curator. Tác phẩm của Anh đã được xuất bản với Fuse; Amerasia Journal; Art in Asia; corpus; Crab Orchard Review; nhà; Blue Arc Anthology of California Poets; West Coast Line; Love, hợp tuyển West Hollywood; Asia Art Archive, vân vân… Lê đã được mời triển lãm ở khắp nơi, như Trung Tâm Banff, Canada; Bảo Tàng Laguna, Calif; phòng triển lãm DoBaeBacSa, Seoul, Hàn Quốc; Bảo Tàng Mỹ Thuật Cape, Massachussetts; vv… Lê được cấp học bổng từ quỹ Civitella Ranieri, Fulbright-Hays, Trung Tâm Fine Arts Work; Trung Tâm Khmer Học; và Trung Tâm PEN USA. Lê tổ chức triển lãm Miss Saigon with the Wind (Highways, Santa Monica) and Charlie Don’t Surf! (Centre A, Vancouver, BC); humor us (Phòng Triển Lãm Thành Phố Los Angeles, Calif); và transPOP: Hàn Quốc Việt Nam Remix (Seoul, Sài Gòn, Irvine, San Francisco).
Trangđài Glassey-Trầnguyễn (TGT):Xin thân chào Việt. Cảm ơn Việt đã dành thời gian cho buổi nói chuyện hôm nay.
Việt Hồ Lê (VHL): Xin chào Trangđài. Cảm ơn Trangđài đã cho Việt cơ hội được chia sẻ một vài khía cạnh về Việt.
TGT: Để bắt đầu, cho phép Trangđài hỏi về hoàn cảnh sinh trưởng của Việt. Việt sinh ra và lớn lên ở đâu? Thời thơ ấu có những điểm nào nổi bật?
VHL: Việt sinh ra ở Sài Gòn. Gia đình của Việt vượt biên lúc Việt hai tuổi. Việt lớn lên ở Quận Cam, tiểu bang Calif. Nghe Mẹ kể, lúc sinh nhật một tuổi, Việt chọn cây viết và cái lược. Việt nhớ Ba đem Việt tới sở lúc năm tuổi. Việt vẽ bươm bướm và những người ở văn phòng suốt ngày.
TGT:Khi gia đình sang Mỹ định cư, Việt có nhớ gì về chuyến đi ấy không?
VHL: Việt không nhớ gì về chuyến đi đó có thể vì có quá nhiều sợ hãi. Việt chỉ nhớ khi lên máy bay được cho cái áo màu vàng mà mình không thích mấy. Vừa rời khỏi trại tỵ nạn mà đã kén chọn thời trang rồi!

“1 aperture”
aperture from the still series
Lambda print face-mounted on plex
unless noted, all images 36” L X 36” W X 1”D framed
2001-04
TGT:Thời gian mới tới Mỹ, gia đình Việt sinh sống ra sao, và ở tại thành phố nào?
VHL: Gia đình Việt may mắn chọn thành phố nắng ấm Orange từ lúc sang Mỹ đến nay. Lúc mới định cư, gia đình Việt rất nghèo vì Ba Mẹ Việt sang đây với hai bàn tay trắng và chỉ có Ba Việt đi làm.
TGT:Những ngày đầu đến trường có lẽ rất khó khăn vì Việt không nói tiếng Anh, và có lẽ cũng còn nhút nhát?
VHL: Hồi lúc Việt học lớp hai, Việt gặp khó khăn với tiếng Anh. Mỗi đêm, sau một ngày dài lao động, Ba còn phải kèm Việt học. Khi Việt tốt nghiệp Đại Học, Ba mới nói “Cô giáo lớp hai định cho Việt ở lại lớp nhưng Ba hứa sẽ kèm Anh văn”.
TGT:Khi nào thì Việt bắt đầu có nhận thức về chủng tộc, rằng mình không giống với nhiều bạn bè khác, và bị đối xử phân biệt vì màu da của mình?
VHL: Ngay từ khi bắt đầu ở lớp mẫu giáo, cô không kêu được tên của Việt và Việt hay bị các bạn cùng lớp chọc từ lớp hai cho tới Trung học.
TGT:Trong các tài liệu về liên hệ sắc tộc tại Hoa Kỳ, người ta thường nhắc đến những từ ngữ xách mé để ám chỉ người da màu. Người Mỹ gốc Á thì thường bị liệt thành người Hoa, và bị chế giễu về hình dáng cũng như tiếng nói của họ. Việt có bao giờ bị ai mắng vào mặt là, “Hãy cút về xứ của mày đi!” hay không?
VHL: Khi đã vào Đại học, Việt có đi sơn cửa sổ để kiếm tiền thêm trong mùa Giáng-Sinh. Một hôm, Việt đang sơn đèn cầy màu đỏ và vàng, thì một người khách bưu điện đã chưởi Việt, “Hai màu đó là màu của nước mày, không phải màu nước của tao.”

“2 The Death of Marat”
untitled (the Death of Marat)
from the still series
TGT:Xin hỏi thêm về đời sống gia đình. Ba của Việt là một nhà văn nhà thơ, nhưng bị khuyết tật. Mẹ của Việt đã cáng đáng công việc nhà, nuôi dạy con cái, và chăm sóc cho Ba của Việt. Trong hoàn cảnh đó, Việt có thường xuyên nói chuyện với Ba không trong thời gian ông chưa bệnh nặng? Việt có ‘nói chuyện’ với Ba sau khi ông qua đời không?
VHL: Ba Việt tuy khuyết tật nhưng có bằng cao học ở Mỹ, nên Ba đi làm để nuôi gia đình và yêu cầu Mẹ Việt ở nhà chăm sóc và dạy dỗ con cái. Trong lúc Ba bịnh nặng, mặc dầu đã ở riêng, nhưng Việt hay về nhà thăm Ba. Sau khi Ba mất, Việt thường đi bộ trên núi gần nhà, và Việt hay mời Ba đi bộ chung với Việt.
TGT:Trangđài đặt câu hỏi trên, vì nhiều tác phẩm của Việt phản ảnh đời sống gia đình trong thời gian Ba của Việt bị bệnh. Việt đã làm thế nào để đưa những kinh nghiệm sống rất khó khăn về mặt tình cảm và tinh thần ấy trở thành đề tài sống động và sâu sắc trong các tác phẩm nghệ thuật của mình?
VHL: Khi Ba bị bịnh nặng, Việt bắt đầu chụp hình của gia đình, và tiếp tục làm việc đó vài năm sau khi Ba mất. Việt chụp gia đình khác trong cùng tình trạng, và hay đi dự đám tang. Việt thực hiện nhiều tác phẩm suy nghĩ về sự mất mát, sự hụt hẫng. Trong nhóm hình “still”, người bệnh tượng trưng cho xã hội không lành mạnh.
TGT:Bây giờ, chúng ta tạm đi ngược thời gian một chút, để Việt kể cho độc giả nghe về những ngày đầu Việt đến với nghệ thuật. Việt đã đến với tác phẩm đầu tiên của mình như thế nào? Và ý tưởng trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp đã được hình thành ra sao? Họa sĩ Việt Hồ Lê đã chào đời trong bối cảnh nào?
VHL: Từ lúc bốn tuổi, Việt hay vẽ người ta bằng viết chì. Tranh Việt vẽ ở trường khi học lớp hai được in trên bìa sách. Trong lớp sáu Việt được cô giáo khuyến khích và đem hình vẽ bằng pastel của Việt triển lãm rất nhiều nơi. Nhưng khi vào Đại học, Việt lại chọn ngành quảng cáo vì ngành vẽ không được khuyến khích. Nhưng sang năm sau, Việt chuyển sang ngành hội họa vì biết mình không thích hợp với ngành khác. Một họa sĩ bạn của Ba khuyến cáo, “ Ông cho con học ngành họa là giết con vì họa sĩ khó kiếm cơm,” nhưng Ba Mẹ vẫn cho Việt học theo sở thích.
TGT:Một người bạn đã mách với Trangđài rằng khi Việt học MFA Cao Học Mỹ Thuật tại UC Irvine, mọi người đều rỉ tai nhau về luận án tốt nghiệp của Việt. Từ lúc ấy, ngành Mỹ Thuật tại trường đã coi Việt là một ngôi sao tài năng. Hãy mô tả lại luận án ấy, và những cảm xúc của Việt khi đạt đến một sự thành công như vậy. Có phải đó là thành công đầu tiên có tầm vóc và ý nghĩa đối với Việt?
VHL: Cảm ơn Trangđài đã khen quá lời. Luận án của Việt gồm những bài thơ và hình ảnh của gia đình trong lúc Ba bịnh và mất. Năm nay, một trong những hình ảnh đó được chọn vào chung kết của giải thưởng của quỹ Sovereign Art, giải thưởng lớn nhất của Á Châu.

“3 kitchen window”
untitled (the Death of Marat) from the still series
TGT: Con đường nghệ thuật ắt có nhiều trăn trở và thử thách. Đâu là những thử thách lớn nhất của Việt từ khi bắt đầu cho đến nay? Việt đã làm cách nào để vượt qua những khó khăn này?
VHL: Lúc sáu tuổi, Việt ước mơ mình là một thành viên của cộng đồng họa sĩ. Hiện nay, mình được sống và hoạt động chung với những họa sĩ, đồng thời tổ chức và tham gia vào những cuộc triển lãm quốc tế. Những khó khăn trong đời sống họa sĩ là kiếm tiền và kiếm cơ hội triển lãm. Nên Việt phải vừa là họa sĩ, vừa là nhà thơ, vừa là nhà giáo thì mới có thể sống được. Vài họa sĩ khác phải làm những công việc vớ vẩn để có tiền sáng tác.

Fragment (mom), detail from the vestige series, 2009 approximately 102 X 90 inches (259 x 228 cm)
TGT: Cho đến ngày hôm nay, Việt Hồ Lê đã trở thành một cái tên sáng giá trong làng nghệ thuật ở khắp nơi trên thế giới. Việt đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý, và chủ xướng nhiều cuộc triển lãm xuyên lục địa có tầm vóc. Việt có hài lòng với những thành tựu này không, tuy vẫn tiếp tục đầu tư cho việc sáng tác?
VHL: Theo Việt nghĩ, đời họa sĩ như tằm nhả tơ, nên một họa sĩ không thể ngưng học hỏi và sáng tác những tác phẩm mới.
TGT: Những sáng tác mới nhất hiện nay của Việt là gì?
VHL: Trong mùa hè năm 2009, Việt được mời đến Ý để sáng tác. Tại đây Việt đã vẽ và sơn trên tấm ra giường cũ màu trắng những hình ảnh của gia đình mình trước chiến tranh, của những người lính và những người bị thương tật trong chiến tranh. Nơi Việt ở tại Ý là một tỉnh nhỏ, trong thời Thế Chiến Thứ Hai nơi nầy bị bỏ bom rất nhiều và người dân ở đó đã phản chiến bằng cách treo hàng ngàn tấm ra trải giường màu trắng trên cửa sổ nhà họ. Những tấm vải trắng gợi lại tấm vải phủ trên xác người chết và hình ảnh người dân đang tháo chạy ở Sài Gòn 1975 trong phim “Vượt Sóng” của Hàm Trần. Việt nghĩ về những ám ảnh của giai đoạn khủng hoảng và hậu quả của chiến tranh thời quá khứ và hiện tại.

Unknown civilian (self-portrait), detail from the vestige series, 2009 – 102 X 90 inches (259 x 228 cm)
TGT: Việt đã triển lãm và sáng tác ở nhiều nơi, từ Hoa Kỳ đến Châu Á, Châu Âu. Có lẽ mỗi nơi đã cho Việt một nguồn cảm hứng khác nhau, nhưng theo Việt, nơi nào đã cho Việt một cảm hứng nội tâm mạnh nhất? Có phải là bên chiếc giường bệnh mà Ba của Việt nằm năm này qua năm khác, trong căn phòng nửa tối, có chiếc xe lăn?
VHL: Dĩ nhiên mỗi nơi đều có những cảm hứng đặc biệt. Bên giường bịnh của Ba là nơi gây xúc động. Trong tác phẩm của Việt, không gian thường biểu tượng cho xúc cảm của mình.
TGT: Nói về những mất mát trong cuộc sống, có lẽ sự ra đi của người thân là một mất mát khó nguôi ngoai nhất. Và sự ra đi của Ba vẫn còn ám ảnh Việt và những tác phẩm của Việt. Trangđài nghĩ, ở một góc độ nào đó, Ba của Việt vẫn sống – trong một hình thức khác, qua những suy nghĩ và tâm tư của Việt được phản ánh qua hội họa. Hãy nói về “Ba” của hôm nay, một “Ba” mà Việt đã tìm lại được sau những tháng ngày để tang và tiếc nhớ.
VHL: Theo Việt mất mát của Ba là tượng trưng cho sự mất mát, và chết là sự chuyển hóa thôi.

Temple (mom and me), detail from the vestige series, 2009 – approx. 102 X 90 inches (259 x 228 cm)
TGT: Có lẽ Trangđài đã sơ ý không nhắc đến nhiếp ảnh, cũng đóng một vai trò trong sáng tác nghệ thuật của Việt. Đâu là giá trị của nhiếp ảnh đối với Việt?
VHL: Thường khi có một dự án mới Việt suy nghĩ cách hoàn thành ý định cho hoàn hảo. Tùy theo đề tài, chụp ảnh, vẽ, làm thơ, viết thành chuyện hoặc tổ chức triển lãm được chọn khi Việt nhận thấy cái gì thích hợp nhất.
TGT: Nhân nói về nhiếp ảnh, Trangđài nhờ Việt trình bày về quyển “Corpus” và nội dung của nó. Việt đã thực hiện tác phẩm này như thế nào?
VHL: Việt bắt đầu dự án nầy từ năm 2003 khi ở Đông Mỹ. Mình chụp hơn ba mươi đàn ông bóng khỏa thân trong nhà của họ mà không giới hạn tuổi, địa phương, và sắc tộc. Việt quan tâm tới vấn đề giới tính đàn ông, sự liên hệ, AIDS, sự mất mát, sự nhớ nhung, và sự ham muốn.

Untitled (collage) from the pictures of you series, 2003-2009C-print, 12” X 12” X 2” framed
TGT: Có lẽ nhiều người biết đến Việt như một họa sĩ đa năng, với một nhân diện rất đa dạng, đặc biệt là về mặt giới tính. Việt đã nhận định giới tính của mình như thế nào khi mới lớn? Đã chọn lấy giới nào? Và hiện nay, có phải giới tính vẫn còn là một chiều kích linh động cho Việt không? Tại sao?
VHL: Khi vừa lớn lên lúc sáu tuổi, Việt đã có suy nghĩ về giới tính của mình. Việt cũng phải trải qua những khó khăn hay sợ hãi, nhưng Ba Mẹ Việt hiểu gay là tình trạng cơ thể bẩm sanh do “gene” nên đã thông cảm. Việt cũng biết có những người bị đánh đập, mất việc, hay tự tử vì không được xã hội chấp nhận. Việt nghĩ thế gian không phải chỉ trắng hoặc đen, thẳng hay gay, mà có nhiều cách nhìn khác nhau tùy cộng đồng về tình yêu, tình dục.
TGT: Hãy bật mí cho độc giả về những chương trình sáng tác và triển lãm của Việt trong thời gian sắp tới?
VHL: Việt đang làm một tác phẩm mới “boy bang” về mì ăn liền (văn hóa phổ biến ở châu Á). Việt sẽ có triển lãm tại bảo tàng Los Angeles và ở Hồng Kông.

untitled (self-portrait), from the pictures of you series, 2003-2009 C-print, 12” X 12” X 2” framed
TGT: Việt đã dành một năm trời để sáng tác tại Á Châu. Đó là vào năm nào? Việt đã đến những đâu? Và tìm được những chất liệu gì cho tư tưởng sáng tạo của mình?
VHL: Năm 2008, Việt đã ở Hà Nội, Sài Gòn và Seoul. Ngoài ra, Việt còn thăm Singapore, Bangkok, Hong Kong, Siem Reap, và Phnom Penh. Việt tìm hiểu về nhạc và phim phổ biến châu Á.
TGT: Trong mùa hè 2009, Việt đã có một chuyến ‘du họa’ tại Châu Âu. Việt đã có những sinh hoạt nghệ thuật nào trong thời gian này?
VHL: Việt ở Châu Âu hai tháng và hoàn thành dự án mới gọi là “vestige”. Mình cũng có cơ hội đi xem những tác phẩm của những họa sĩ lừng danh của thời xưa và hiện đại tại Ý, Đức và Pháp.
TGT: Nếu có thể đi ngược thời gian và bắt đầu lại sự nghiệp sáng tạo của mình, Việt có thay đổi gì không? Tại sao?
VHL: Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Việt nghĩ là không.
TGT: Xin cảm ơn Việt đã dành cho độc giả một góc riêng của nghệ thuật Việt Hồ Lê. Trangđài xin đặc biệt cảm ơn Việt đã trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt, và gửi đến độc giả những suy nghĩ nhiều màu sắc và phong phú.
VHL: Xin cám ơn Trangđài đã dành thời giờ và công sức phỏng vấn Việt. Xin cảm ơn những độc giả đã dành thời gian quý báu theo dõi cuộc phỏng vấn nầy. Việt sực nhớ nếu có thể đi ngược thời gian, Việt sẽ cố gắng học tiếng mẹ đẻ chăm chỉ hơn để có thể trả lời phỏng vấn hấp dẫn hơn!

Chết rồi! from the boy bang/ gang band series, 2007-09digital Chromogenic prints, 12” X 18”
TGT