– Mật Nghị bầu chọn Giáo hoàng tuần trước đã được cả thế giới quan tâm theo dõi, được loan tin rộng rãi do một số lượng kỷ lục hơn 5 ngàn nhân viên truyền thông ghi danh với Tòa Thánh để tác nghiệp trong biến cố này. (Cả nơi một đất nước cộng sản vô thần luôn tìm cách bài xích tôn giáo cũng có hơn một chục tờ báo VN nhiều lần đăng tin, khai thác tiến trình bầu cử cũng như loan báo kết quả). Sau 5 vòng bỏ phiếu, Mật Nghị đã bầu chọn Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, cai quản Tổng giáo phận Buenos Aires, thủ phủ nước Á-căn-đình (Argentina), làm vị tân giáo chủ của Giáo hội Công giáo để hướng dẫn hơn 1.2 tỷ giáo dân.

ĐGH Francis (áo trắng, phải) vẫy chào đám đông. Ảnh Alessandro Di Meo / EPA
– Tân Giáo hoàng xuất thân từ Dòng Tên, nguyên ngữ là Dòng Chúa Giêsu (tiếng La Tinh: Societas Jesu = Hội dòng Giêsu, viết tắt là S.J. Giáo dân VN thường kiêng gọi tên Chúa Giêsu, nên gọi là Dòng Tên). Tu hội này được thánh Y-Nhã (Ignatius of Loyola) thành lập năm 1535 tại Paris. Các giáo sĩ dòng đã đến VN lần đầu năm 1625 tại Hội An để truyền giáo. Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) thuộc Dòng Tên cùng các bạn đã đóng góp đáng kể trong việc hình thành chữ quốc ngữ. Tại Saigon, các Giáo sĩ Dòng Tên đã điều hành Trung tâm Đắc Lộ, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo và trợ giúp một thế hệ trí thức VN. Năm 1979, các Giáo sĩ tại đây bị nhà nước cộng sản bắt, trung tâm bị tịch thu, và mãi tới năm 2006 mới trả lại một phần.
– Một tân Giáo Hoàng khi đắc cử thường không dùng tên gọi nữa mà nhận một tông hiệu. Có thể nói hình thức này cũng giống như thuở các vua chúa Trung Hoa và VN lúc lên ngôi: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lấy hiệu là Tự Đức, Lý Long Cơ lấy đế hiệu là Đường Minh Hoàng… Điều khác biệt là các Giáo Hoàng thường chọn tên một vị Thánh làm tông hiệu và thường qua đó nói lên nét đặc trưng của triều đại mình.
– Cho tới ĐGH Bêneđictô XVI, có tất cả 82 tông hiệu được các Ngài chọn lựa. 37 tông hiệu được chọn nhiều lần, nhiều nhất là Gioan (23 vị), kế đến là Grêgoriô (16 vị), Bênêđictô (16 vị), Clêmentô (14), Innôcentê (13), Lêô (13), Piô (12). ĐGH Gioan Phaolô I năm 1978 là vị đầu tiên có tông hiệu kép, mang tên hai vị Thánh Gioan và Phaolô, chỉ ở ngôi Giáo Hoàng được 33 ngày thì băng hà vì bệnh. Kế nhiệm Ngài là ĐGH Gioan Phaolô II với một triều đại huy hoàng kéo dài 26 năm (1978-2005).
– Tông hiệu của vị tân Giáo Hoàng là Phanxicô, chưa có vị tiền nhiệm nào đã chọn, nói lên chương trình sống và làm việc theo gương nghèo khó của thánh nhân, phản ảnh cung cách sống của Ngài lúc còn là Tổng Giám mục ở Buenos Aires, từng bênh đỡ người nghèo khổ nên được thương mến gọi tên là Hồng Y của người nghèo.
– Giáo hội Công giáo có ba vị Thánh mang tên Phanxicô:
1. Phanxicô Xaviê (1506-1552) là đồng sáng lập viên Dòng Tên, đã từng truyền giáo tại Ấn Độ, Phi Luật Tân, Nhật, Trung Hoa và có ý định sang truyền đạo tại Việt Nam nhưng qua đời vì bệnh trước khi thành đạt ước nguyện này.
2. Phanxicô đệ Salê (1567-1622) là Giám mục thành Geneva, được Giáo hội tôn vinh là Thánh bổn mạng các ký giả Công giáo
3. Phanxicô thành Assissi (1182-1226) là một tu sĩ và nhà giảng thuyết, sáng lập viên dòng Phanxicô. Ông là con một thương gia giàu có nhưng từ bỏ mọi vinh hoa, dấn thân vào cuộc sống khắc khổ để trợ giúp người nghèo.
– Chính Đức tân Giáo Hoàng đã giải thích lý do chọn Thánh Phanxicô Assissi làm tông hiệu: Phanxicô là hiện thân “một con người của lớp người nghèo khổ; con người của hòa bình an lạc; con người của yêu thương săn sóc thiên nhiên được Thiên Chúa tạo dựng, giữa lúc chúng ta không mấy mặn mà với đấng Tạo hóa; con người cho chúng ta tinh thần hòa bình, con người nghèo khó đã muốn có một Giáo hội thanh bần.”
– Thánh Phanxicô Assissi còn là tác giả của một bài kinh Hòa bình rất nổi tiếng đã được nhạc sĩ Kim Long phổ thành ca khúc, nay đã phổ biến khắp nơi và rất được ưa chuộng:
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem an hoà vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.