Menu Close

Lan man vài ba chữ dùng nơi các làng quê ngày xưa – Kỳ 1

Các làng quê miệt Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cao Lãnh có một số chữ mà dân quê các nơi ấy ưa dùng mà nay vì thời gian qua lâu rồi, xã hội thay đổi, người già trên bảy mươi, tám mươi tuổi lần hồi qua đời gần hết nên có lẽ cũng ít ai còn nhớ và dùng trong giao tiếp với nhau hằng ngày.

alt

Đường làng quê – Nguồn giacngo.vn

Chẳng hạn, các từ ngữ “lấy le”, “một cây”, “bỏ đi tám” có một thời rất thịnh hành, nhất là các năm 1950-1960. Hồi đó các chữ “lấy le” là làm điệu, khoe khoang, thích chưng diện như lấy le với gái; “một cây” là ám chỉ một tay chẳng vừa với tính tự cao, tự phụ, không ai bằng mình, như lấy le một cây, chơi bời một cây, nói dóc một cây. Còn “bỏ đi tám” nghĩa như một lời khuyên, một cách nhắc nhở là đừng lên mặt dạy đời người khác, có lẽ do chiết tự từ chữ “bỏ” là bỏ qua, tám là “tám tàn” hoặc “tám toàn”, một tiếng lóng gọi người tự cho mình cái gì cũng hay cũng giỏi hơn người khác.

Nhơn nhắc chữ “bỏ”, ngày xưa nơi các làng quê cũng hay dùng chữ “bỏ áo vô thùng” để chỉ dân quê mỗi khi đi ra ngoài hoặc đi đám tiệc thường cũng diện và bỏ áo vô quần như dân thị thành; nhưng nói bỏ áo vô quần nghe có vẻ ở chợ quá, nên ở nhà quê thì phải nói “bỏ áo vô thùng” mới đúng điệu vì ở nhà quê chất phác nên nghĩ cái quần tây giống như cái thùng dựng đứng. Còn “bỏ giò lái” là tìm đường rút lui nhưng ngược lại “bỏ hàng rào thưa” lại là một tục lệ của việc dạm hỏi vợ cho con trai và “bỏ hàng rào dày” là một tục lệ nữa cho thấy việc giao tiếp giữa hai họ nhà trai nhà gái khắn khít hơn trước khi tới tục lệ “bỏ trầu cau” “bỏ trầu cau” là mang lễ vật qua nhà gái để hỏi vợ cho con mình, tức là lễ hỏi, mà dân quê nói nôm na là “đám hỏi” hoặc “đám nói”. Trường hợp khách được mời tham dự đám nói, nếu ai có hỏi: “Anh chị đi đâu mà ăn mặc đẹp dữ vậy?”, thì người ta sẽ trả lời là: “Đi ăn đám nói”. Ngày nay, mọi lễ nghi trong việc gả cưới đã bỏ bớt rất nhiều nên những từ ngữ “hàng rào thưa, hàng rào dày” ngày nay ít nghe bà con ở nhà quê nhắc tới nữa.

Dù xã hội tùy theo thời mà thay đổi nhưng làng quê không thay đổi, dân trong làng không thay đổi nhưng có một điều khá rõ là mỗi một thời kỳ chuyển dịch từ vụ mùa này qua vụ mùa khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thể chế chính trị này qua tới thể chế chính trị khác, tại các làng quê có sự thay đổi chữ dùng trong các sinh hoạt hằng ngày. Sự thay đổi ấy nó tự nhiên đến hoặc bỏ bớt những chữ cũ hoặc thêm thắt những chữ mới. Chẳng hạn như thời kỳ những năm loạn lạc thập niên 1930-1940, nhóm chữ “đầu sanh, đầu tử”, ám chỉ những quyền sinh sát trong tay những người có quyền lực, nó mang ý nghĩa của một thời kỳ loạn lạc, họ có thể tha mạng sống cho một người nào đó trong làng, thì gọi là “đầu sanh” hoặc họ kết liễu mạng sống của một người nào đó thì gọi là “đầu tử” mà không cần tới luật pháp hoặc tòa án nào hết. Sau này khi có luật lệ, những từ ngữ ấy không còn dùng nhưng ảnh hưởng của mấy chữ đó còn rất lớn trong tâm hồn người dân quê và người ta rất sợ những chữ lạnh lùng, vô hồn ấy như sợ cọp một thời!

Rồi tới thời kỳ chạy giặc tản cư những năm 1940, có những từ ngữ ghê rợn khác như “cho mò tôm” cũng là một chữ dân quê ớn hồn mỗi khi nghe ai nhắc tới nó. Hoặc “thằng chổng” hoặc “thằng chổng chết trôi” trên các sông  rạch mà nhất là các sông Cái như sông Tiền Giang và Hậu Giang cũng là những chữ có hệ lụy vào danh từ “cho mò tôm” vừa nhắc. Điều đó cho thấy một vùng đất thân yêu của chúng ta nó có một thời kỳ loạn ly như thế!

Rồi tới việc đổi cách thức trong việc làm ruộng từ lúa mùa sang lúa thần nông của những năm đầu thập niên 1960-1970, những giống lúa một thời dính liền với đời sống dân ruộng những năm làm lúa mùa như “lúa nàng tây”, “lúa nàng tây sôm”, “lúa sóc so”, “lúa nàng quốc”, “lúa nàng điều”, “lúa nàng hương, “lúa nàng quen”, “lúa nàng tri”, “lúa nàng chô”, “lúa tà-núc” (còn gọi “lúa tàu-núc), “lúa tàu-bác”, “lúa tàu binh”, “lúa tàu đùm”, “lúa thâm đưng”, “lúa đuôi trâu”, “lúa thằng chô”, “nếp thằng chệt”... thân thiết biết bao, vậy mà nay không còn nghe ai nhắc tới tên các giống lúa, giống nếp ấy nữa.

alt

Lúa con gái – nguồn Flickr.com

Nơi thôn quê, dân ruộng chia lúa ra nhiều thời kỳ. Khi lúa giống mới sạ vài đêm, lúa lên mông và rễ châm xuống đất, đọt lú khỏi mặt đất nhọn chừng một phân như cây kim, dân quê gọi thời kỳ này là “lúa châm kim”. Cây lúa tiếp tục vươn lên khỏi mặt đất và ra đọt non, thêm lá cho tới gần tròn tháng người ta gọi là “lúa non” hoặc “lúa trong tháng”; khi lúa tròn một tháng hoặc ra ngoài tháng ít hôm, người ta có thể chiết ra để nhổ cấy giặm các chỗ lúa bị hao hớt, thì lúa mà người ta nhổ chiết ấy gọi là “mạ”. Lúa từ khoảng một tháng rưỡi tới gần hai tháng, lúa tròn mình, thân lá xanh tươi mượt mà theo gió rì rào, lúc bấy giờ dân quê gọi lúa thời kỳ này là “lúa con gái”. Qua thời kỳ con gái, thân lúa tròn mình hơn, mập mạp hơn và cứng cáp hơn với ngọn lúa búp nhọn như ngòi viết chữ nho và dân quê gọi là “lúa có ngòi viết”. Qua khỏi thời kỳ cây lúa có ngòi viết vài tuần, những búp ngòi viết này mập ú thêm gần như các bẹ lúa nới rộng thêm ra, dân quê gọi “lúa có đòng đòng” hoặc “lúa có chửa”. Sau thời kỳ lúa có đòng đòng, đến thời kỳ lúa bắt đầu trổ bông và nhà quê gọi “lúa trổ”.

Lúa trổ cũng qua nhiều giai đoạn như lúa vừa mới trổ, gọi là “lúa trổ lác đác”; khi các miếng ruộng lúa trổ ồ ạt cùng một lúc gọi là “lúa trổ rộ”; rồi tới bông lúa bắt đầu hơi no lên gọi là “lúa ngậm sữa”; từ ngậm sữa chừng mười ngày tới nửa tháng sữa bắt đầu cứng thành gạo và gọi là “lúa ngậm gạo” hoặc “lúa vô gạo”; lúa ngậm gạo lần lần làm bông lúa nặng thêm đến khi bông lúa oằn xuống giống như trái me người ta gọi “lúa cong trái me”. Trường hợp lúa không ngậm gạo mà bông lúa cứ đứng thẳng hoài, dân quê gọi là “lúa trổ cờ bắp” vì lúc bấy giờ bông lúa giống như cờ bắp (bông bắp còn gọi cờ bắp; mía trổ bông còn gọi mía trổ cờ). Thêm nữa, nếu lúa vô gạo không đều, một bông lúa chỉ vô gạo chừng phân nửa bông hoặc hai phần ba bông, phần còn lại bị lép, trường hợp này dân ruộng gọi là “lúa trổ bạc lạc”. Và lúa chín thì chín từ trên xuống và bông cái chín trước rồi mới tới bông con, thời kỳ bông cái chín người ta gọi “lúa đỏ đuôi bông cái”. Đến khi lúa chín gần hết, cánh đồng trở màu vàng nhưng chưa chín hẳn, lúc bấy giờ dân ruộng gọi “lúa vàng mơ”. Có câu tục ngữ mang nhiều ý nghĩa về tâm lý nói lên sự nôn nóng trong việc chờ đợi mùa lúa mới vào những ngày cuối mùa, trong khi trong nhà hết gạo mà lúa ngoài đồng cứ vàng mơ hoài, chưa chịu chín hẳn: “Ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ con mắt”.

Khi cả miếng ruộng lúa thật sự chín cùng một lúc với màu vàng rực, người ta gọi “lúa chín”. Nếu lúa chín mà để lâu ngày không kêu công cắt được, bông lúa nằm sát xuống mặt ruộng, lúc này người ta gọi “lúa chín rục” hoặc đụng tới bông lúa là hột lúa bị rụng gần hết gọi là “lúa chín rục rũ”. Và sau vụ cắt gặt chánh vừa dứt, các gốc rạ còn lại, lại đâm nhánh và bắt đầu trổ bông lần nữa, những bông lúa đợt hai này rất nhỏ, dân quê gọi là “bông chét” hay” lúa chét”. Thường thường, những người nuôi vịt chạy đồng lùa vịt vào những miếng ruộng trổ bông chét này cho vịt ăn, vịt rất thích vì vừa có cua ốc lại vừa có lúa chét để ăn nữa nên chúng rất mập và đẻ trứng nhiều thêm.

HT