Menu Close

Lan man vài ba chữ dùng nơi các làng quê ngày xưa – Kỳ 2

Hồi ấy ruộng đồng mênh mông, nhìn hoài không thấy một rặng cây nào chắn ngang, người ta thường gọi những cánh đồng hằng mấy ngàn mẫu như vậy là “đồng lớn”. Trong những cánh đồng lớn ấy, mỗi chủ ruộng hồi đó người nào làm ruộng ít nhất cũng có cả trăm công tức là mười mẫu tây, như làng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên), mỗi chủ ruộng trong đồng lớn có khi có tới năm ba trăm công đất là thường.

alt

Chăn trâu trên cánh đồng lớn – nguồn commondatastorage.googleapis.com

Sở dĩ hồi xưa người ta làm ruộng được nhiều như vậy là nhờ làm lúa một mùa, công việc tương đối nhàn hạ lắm. Từ cày bừa phơi đất tới cày trở, bừa trở có khi kéo dài vài tháng, nên thủng thẳng làm cũng còn kịp. Trâu bò cũng nhiều nên việc cày bừa luôn luôn được làm hai bận và làm kỹ lưỡng nữa nên lúa đồng lớn trúng lắm. Từ lúa trúng như vậy nên có năm lúa cắt gặt xe trâu kéo lúa hột đem về nhà ví bồ có khi lên tới cả ngàn giạ, vì thế ví bồ nhỏ không đủ chứa lúa nên các chủ ruộng lớn thường phải cất kho chứa lúa và những kho chứa lúa như vậy được dân quê gọi là “lẫm lúa”. Ngày nay, ruộng chia manh xẻ mún nên danh từ “đồng lớn” hổng còn ai nhắc và lúa ngày nay suốt lúa hột ra chưa kịp phơi khô là bán liền, không đợi ví bồ và dường như ít ai còn nhớ có một thời hai chữ “lẫm lúa” rất quen trong các làng quê.

Việc bán lúa hồi xưa tính bằng giạ chứ không cân ký như bây giờ, nên những nhà có lúa bồ, lúa lẫm đều có sắm sẵn một cái thúng giạ để đong lúa, dân quê gọi nôm na là “thúng giạ đong”. Thúng giạ đong giống như một chuẩn mực vừa gọn vừa đủ 40 lít lúa, hoặc có dư chút ít nhưng không dư nhiều quá nhằm tránh cho người thợ đong lúa mướn khỏi phải bưng hoài cái thúng giạ thường vừa nặng nề vừa tốn công xúc vô thúng nhiều lúa. Bạn thử tưởng tượng nếu cần đong để bán vài ba trăm giạ hoặc có khi cả ngàn giạ mà cứ xúc lúa dư hoài thì sức người đong lúa sẽ mỏi mệt biết dường nào. Ở đây cần nhắc tới cái khéo léo của người thợ đan thúng, họ phải canh làm sao, mỗi thúng lúa trong thúng giạ đong chỉ vừa đủ một giạ thôi, không dư không thiếu nhiều lắm. Đó là cái khéo tay nghề và những kinh nghiệm trong nghề đan thúng đan rổ của các dân quê ngày ấy kể là tiện lợi biết mấy cho công việc đong lúa hột này.

Suốt những năm tháng đầu của thời kỳ khai hoang làm ruộng cấy rồi tới những năm làm lúa sạ, lúa mùa, sức người không đủ để phá lâm bằng phảng, bằng cù nèo nữa mà phải cần tới trâu bò. Do vậy, hồi xưa nhà nào cũng nuôi trâu bò ít nhứt cũng vài ba con, hoặc vài ba đôi và có nhà nuôi tới ba bốn đôi trâu hoặc bò, đực có cái có. Rồi lần hồi, năm này qua năm khác chúng lại sanh sản thêm, số lượng trâu bò lên tới cả bầy rất đông. Nhiều nhà có tới vài ba chục con trâu hoặc bốn năm đôi bò. Trong những bầy trâu đông đúc như vậy thì có một hay vài ba con trâu không thiến để dành làm giống, dân quê gọi những con trâu đực này là “trâu cổ”. Trong số những con trâu cổ ấy có một con dẫn dắt những con trâu khác trong bầy và dân quê gọi con trâu này là “trâu cầm bầy”. Riêng bò thì cũng có “bò cổ” nhưng không nghe ai nói “bò cầm bầy” bao giờ. Theo thiển ý của tôi, sở dĩ có cách gọi như vậy vì trâu thường rủ nhau chém lộn và hễ chém là nguyên bầy trâu cùng nhau nhập cuộc, nên con trâu cầm bầy rất quan trọng. Nếu trâu cầm bầy mà bỏ chạy là các con trâu khác trong bầy cũng chạy theo, còn nếu trâu cầm bầy cứ rượt đàn trâu kia chém hoài, thì cả bầy trâu cứ tiếp tục theo trâu cầm bầy chém tiếp. Còn bò cũng có chém lộn với nhau nhưng chỉ con này mài sừng rượt chém con kia chứ không hợp thành bầy cùng chém như trâu, nên không có ai gọi bò cầm bầy. Qua tới thời kỳ lúa thần nông ngắn ngày vào những năm cuối thập niên 1960 rồi qua đầu thập niên 1970, ruộng chia manh xẻ mún, nên việc nuôi bò trâu cũng hạn chế bớt vì đất không tăng mà người thì đông lên nên không còn trâu bò bầy như ngày xưa nữa, và dần dần chữ “trâu cổ”, “bò cổ”, “trâu cầm bầy” cũng biến mất dần từ hồi nào hổng ai hay biết gì!

Trâu bò nhiều mà lại ở vùng đất thấp nước ngập hằng năm từ Tháng Bảy tới Tháng Mười Một, có nơi đất nhiều lung sâu mãi Tháng Chạp âm lịch nước vẫn còn trong lung, nên vào các tháng nước bò thì ở trên chuồng sàn cao ráo tránh nước ngập, nhưng trâu thì phải lùa đi cầm nơi các vùng cao như dưới chân núi miệt Tri Tôn – Xà Tón, miệt Ba Thê, Núi Sập, rồi cất trại mướn người theo ở giữ trâu. Mùa này có danh từ chỉ việc lùa trâu lên chỗ cao gọi là “lùa trâu đi cầm” hoặc gọi tắt cho gọn là đi “cầm trâu”. Riêng bò ở trong chuồng không thả ra vào mùa nước ngập được thì phải mướn người cắt cỏ cho bò ăn và người ta mướn những người cắt cỏ bò suốt mùa nước ngập hoặc có chủ mướn luôn người này làm những công việc của các mùa khác. những người giúp việc nông tang này được dân quê gọi là “làm mùa” hoặc “làm năm”. Dĩ nhiên rồi, ngày nay không còn ai nuôi trâu bò nhiều nữa, nên những nghề như “ở mùa”, “ở năm”, “lùa trâu đi cầm” hoặc “cầm trâu” không còn ai nhắc nhở nữa!

Tới mùa cắt gặt, việc làm giàn “giê lúa” hột cũng lần lần biến mất khi có máy suốt lúa ra đời những năm đầu thập niên 1970. Chứ hồi xưa, mấy chữ “cộ lúa”, “gom lúa”, “chất cà lang lúa”, “mót lúa”, “ra bã lúa”, “đạp lúa”, “làm bã lúa”, “giê lúa”, “mỏ sảy”, “bừa răng”, “bừa muỗng” là những từ ngữ rất quen thuộc trong công việc cắt gặt cày bừa. Nay qua tới thời kỳ lúa thần nông có máy móc trợ lực những chữ dùng ấy giờ cũng mai một đi nhiều, nhất là thế hệ những người lớn lên hồi thời lúa mùa nay hổng còn mấy người. Các từ ngữ ấy trở nên lạ thêm với các thế hệ thời kỳ lúa thần nông sau này!

Tới việc bắt cá dưới sông, vào tháng năm nước đổ mạnh, dân chuyên sống với nghề đặt “dớn” họ bắt đầu xuống dớn dọc theo hai bên mé sông với hai tấm đăng cắm thành rẻ quạt. Hình thức cái dớn cũng như một loại “đăng đó” đuổi cá linh, cá ròng ròng trên đồng vào mùa nước ngập nhưng nó cao hơn vì phải căn cứ theo mực nước sông dâng lên cao hơn. Theo thiển ý của tôi, gọi là dớn vì khi chọn nền cho loại dụng cụ bắt cá này người ta phải để ý mức nước lên tới đâu, cái chớn nước đó không làm ngập đăng đó mới được, vì nếu ngập lút thì cá tép sẽ chết hết. Những năm 1950 loại dụng cụ này rất thông dụng các vùng Cua Lò Thiêu (Long Xuyên), nay thì ít ai còn nhắc tới mùa đặt “dớn” nữa!

Còn việc bắt cá bằng đăng ven trên đồng với những đường đăng dài từ năm bảy trăm thước tới cả ngàn thước băng qua những cánh đồng lúa mùa hoặc cánh đồng còn bỏ lâm nay cũng không còn. Ngày nay đồng tới mùa nước lên ở miệt Mặc Cần Dưng, Cần Đăng hoặc các vùng khác bị các bờ ven chận lại để làm lúa thần nông nên ít ai nhắc “lọp đường ven” vì không ai làm nghề này nữa hoặc người ta quên luôn cả tên ấy rồi. Nếu có còn chăng thì bên miệt Đồng Tháp Mười, nhưng người ta cũng không dùng đăng bằng tre như ngày xưa mà dùng lưới nilon, loại lưới dùng để phơi lúa hột mấy năm 1970-1980, nên ý nghĩa cũng bị lệch lạc đi nhiều.

Tương tự, ngày xưa vào thập niên 1950 có danh từ “xà di” để chỉ dụng cụ bện bằng những rẻ tre chuốt bóng, miệng có cái hom như hom lờ cá để bắt cá rô; nơi miệng này người ta bẻ vài rẻ cho có chỗ trống để làm cửa cho cá chun vô. Khi đặt xà di, người ta lấy bàn chân dò một cái nền cho láng rồi cắm miệng xà di xuống, đuôi xà di trổ lên trên khỏi mí nước. Xong đâu đấy người ta mới dùng ống trúc dài bên trên có gắn cái mủng vùa hay còn gọi miểng vùa làm như miệng quặng, rồi cắm ống trúc này từ đuôi xà di xuống tới cái nền xà di vừa mới đặt. Tiếp đó, người ta mới lấy một nắm lúa hột ngâm cách đêm bỏ vào cái miểng vùa này và lấy nước đổ vào miểng vùa cho lúa hột chạy xuống tới miệng xà di dùng làm mồi nhử cá rô. Cá rô mà nghe mùi lúa ngâm là nó mê lắm. Xong đâu đấy, người ta mới lấy ống trúc ra và gom cỏ hoặc lúa xung quanh buộc vào đuôi xà di cho xà di vững không lung lay để khi cá vô đông xà di không bị trôi hay nghiêng ngả. Nay không còn lúa mùa, cá tôm càng ngày càng hiếm, nước tới mùa ngập đồng nhiều nơi vẫn không có nước nên danh từ “xà di” ít ai còn nhắc nhở nữa!

Tới mùa nước Tháng Chín, Tháng Mười, mấy năm 1950 ở Mặc Cần Dưng hoặc các vùng lân cận dân quê thường hay bơi xuồng chèo ghe vô rừng tràm miệt Lỳnh Huỳnh mò tràm lụt. Tràm lụt là tràm chìm dưới nước năm này qua năm khác lâu ngày, nên lớp vỏ bị mục chỉ còn lại cái lõi bên trong, về cưa ra phơi khô làm củi chụm rất đượm. Ngày nay các vùng tràm này không còn nữa nên ít nghe ai nhắc “đi mò tràm lụt” như đời trước nữa.

Tóm lại, còn nhiều lắm những chữ mà hồi đời trước hay dùng như vậy nhưng nếu kể hết ra đây những chữ mà ngày xưa ở nhà quê hay dùng chắc phải ghi lại thành một cuốn tự điển rất dày mấy ngàn trang cũng chưa chắc đã đủ. Mà tôi thì tài hèn sức mọn nên không có khả năng làm được điều này. Thành ra, ở đây chúng tôi chỉ lược qua vài ba chữ thông dụng không nhằm mục đích nghiên cứu về chữ dùng mà chỉ nhằm mục đích nhắc nhở về một thời quá khứ qua lâu lắm rồi nơi các làng quê vùng Châu Đốc, Long Xuyên mình hay dùng những chữ ấy mà nay vì dòng đời trôi khá xa nên ít ai còn nhớ! Thương quá cổ nhân!!!

HT – Kinh Xáng Bốn Tổng, Tết Quý Tỵ 2013.