Tháng Ba, năm 2007…
Tuyến đường hỏa xa từ Fribourg đến Einsiedeln xuyên qua những thành phố, những thung lũng, và những bình nguyên bát ngát. Mùa xuân đã e ấp trên những đọt lá xanh non mơn mởn. Sau khi đi qua Zurich, con tàu thong thả lăn mình dọc theo những bờ hồ phẳng lặng và bình yên. Thong thả, là vì những toa xe lửa ở đoạn đường này khá cổ điển, không nên chạy mau, nhỡ “lạc” nhau thì khốn.
Từ Wadenswil đến trạm Einsiedeln là những bức tranh thủy mặc ẩn hiện trong ánh tà dương. Những con suối róc rách nương theo vách núi, bền bỉ theo chân con tàu đưa tôi đến điểm hẹn. Và đó là một cuộc hẹn “muộn màng” vì tôi đã lỡ hẹn những hai năm về trước. Năm 2005, khi sinh sống và nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển qua chương trình Fulbright do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đài thọ, tôi đã xin phép Cha Nguyễn Minh Văn, Tuyên úy của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Thụy Sĩ, đến thăm Trung Tâm Mục Vụ. Ngài liền vui vẻ nhận lời qua sự giới thiệu của Cha Trần Ngọc Anh tại Đài phát thanh Vatican. Thế mà, mãi tới hai năm, tôi mới khăn gói bị gậy dò tới nơi. Đồng hồ của tôi không chạy sai giờ, mà… chạy sai năm.

Cộng đoàn Công Giáo tại Thụy Sĩ tham dự Lễ Lá – Ảnh tác giả chụp tháng Ba/2007
Tôi đi trên tàu hỏa, và đến gặp một con “tàu thủy.” Đồng bào (1) Việt Nam tại đây vẫn ‘nhận diện’ nhau là những anh chị đồng hội đồng thuyền: đồng hội Công Giáo, và đồng thuyền vượt biên. Sự gắn bó ở đây không đơn giản là của những người Việt tha hương: nó còn là một kinh nghiệm sống chết bên nhau, một niềm tin đã trải nghiệm sự đồng lao cộng khổ.
Thế nên, mọi người ở đây đến với nhau bằng nụ cười, tìm nhau như tìm người thân lâu năm không gặp (mà một năm họ gặp nhau đến bốn lần là ít). Hình như tiếng chào câu nói cứ tuôn như thác, và có lúc, tôi cũng cảm thấy lạc lõng giữa điệu luân vũ tình thân này. Tôi đứng bên lề, ngưỡng mộ, và vui lây. Tôi không tham lam được nhập cuộc ngay. Tôi nghĩ, sẽ có lúc, tôi lại được tái ngộ với cộng đoàn, và lúc ấy, tôi cũng sẽ là một người thân.
Quả vậy, ngay tối Thứ Sáu, tôi đã cảm thán với Cha Văn, “Cha ơi, ở đây đi tĩnh tâm mà con thấy còn vui hơn đi hội chợ nữa!” Mà quả thật, nếu nụ cười là dấu chỉ của sự thánh thiện, thì cộng đoàn của Cha Văn là một cộng đoàn Thánh. Đó là vì ai cũng tươi cười, và gặp nhau thì cười suốt ngày đầu cho đến giờ cuối (chỉ trừ trong Thánh lễ thôi). Nói như vậy, thì Cha Tĩnh không được thánh thiện lắm, vì Cha chọc cho mọi người cười, nhưng Cha thì tỉnh bơ. Không cười = không thánh thiện! (Mong là Cha Tĩnh không bắt tội tôi dám chọc Cha!)
Nhân nói về sự thánh thiện, tôi thấy, cộng đoàn còn có một dấu chỉ thánh thiện khác: rất thích cầu nguyện. Mà không chỉ đơn giản là cộng đoàn thích cầu nguyện, mà còn thích cầu nguyện đến ba lần cơ! Không phải sao: giờ tập hát nào cũng thấy đông đủ mọi người, và cho dù tập bài hát mới, thì mọi người cũng hát rất hay và rất sốt sắng. Hát thánh ca bằng ba lần cầu nguyện là vậy.

Lễ Lá trong tuyết lạnh
Qua lời ca tiếng hát, tôi cảm nhận được sự tín thác của mọi người vào Chúa, vào Đức Mẹ. Nam phụ lão ấu đều cất cao lời, chung một tâm tình hướng thiên. Tôi bị “hớp hồn” (xí, không phải bởi những thanh niên cao ráo đẹp trai đâu!) bởi hình ảnh của những đôi vợ chồng trẻ, một tay bế con, một tay cầm sách hát, líu lo theo nhịp thở của con trẻ. Trong cuộc viếng Đức Mẹ ngày Chúa Nhật, những em bé nằm ngủ say trong nôi cũng được đưa đến dưới chân Thánh Mẫu và trước Thánh Thể. Đúng như người ta nói, “Cradle Catholic” (có đạo từ trong nôi) là vậy.
Trong ngày Chúa Nhật, Thánh lễ mang đến nhiều xúc động khi đoàn rước lá hân hoan hát mừng tung hô. Những cành ô rô đầy gai có điểm những trái đỏ thắm, như một hình ảnh rất tượng trưng cho đời sống Việt ở đây. Gai nhọn, tượng trưng cho những khó khăn của cuộc đời tỵ nạn. Lá xanh, tượng trưng cho một tình yêu cuộc sống, một sự tiếp nối của những thế hệ qua bao cuộc vật lộn văn hóa. Trái đỏ, là một niềm tin mãnh liệt vào Chúa và một trái tim chân thành.
Nếu chỉ với đôi dòng chữ mà muốn nói hết mọi tâm tình trong những ngày tĩnh tâm thì chỉ là “mission impossible.” Có lẽ, tôi phải học theo Cha Tĩnh, hát một bài nhạc chế, vì âm nhạc vốn dĩ chuyển tải súc tích hơn và tạo một cảm thông lực mạnh hơn. Nhưng tôi không dại gì. Cha Tĩnh chế nhạc hay thế, hát “ngầu” thế, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ. Thôi thì, hy vọng là tôi nói ít, nhưng bài viết này sẽ nói nhiều hơn, và đủ hơn.
Tôi rất cảm kích đã được chia sẻ những giây phút thiêng liêng, quý báu, và thân thương này với tất cả quý đồng bào (1). Xin đa tạ những nụ cười, những tách nước chén trà mà chúng ta cùng chia nhau, những câu chuyện đổi trao trong lúc hàn huyên khi màn đêm đã bao trùm vạn vật nhưng ánh sáng của tình thân vẫn rạng rỡ trong hội trường. Xin cảm ơn những sự lưu tâm mà tôi nhận được trong cuộc tao ngộ này, đặc biệt là ông chủ tịch “non” (anh Hải còn trẻ quá mà lị!) đã lặn lội ra nhà ga đón tôi về và đì tôi chịu lạnh với một cái mền mong manh. Xin thêm một cái mền, thì ông lừ mắt, “Đêm nay tuyết rơi đấy! Chịu khó hãm mình đi!” Thế là xong!
Tôi cũng cầu xin Huyền Mẫu (2) (Đức Mẹ Đen) ban nhiều ơn thiêng cho tất cả. Xin Mẹ cất đi những nỗi đau vẫn còn nhức nhối trong từng tâm hồn, trong từng cuộc đời. Xin Mẹ giải hóa những tân toan trong dòng sống tha hương. Xin dâng lên Mẹ những khác biệt giữa những cá nhân, để Mẹ đưa tất cả mọi giáo dân về cùng một tinh thần yêu thương chấp nhận. Xin Mẹ giúp cho cộng đoàn duy trì nếp sống đạo và văn hóa Việt để các thế hệ tương lai có thể gắn bó với, và lớn lên trong, cung lòng của Giáo Hội Việt Nam hải ngoại tại địa phương.
(1) Tôi thiết nghĩ từ “đồng bào” có ý nghĩa sâu sắc hơn là từ “đồng hương,” tuy từ thứ hai cũng chất chứa nhiều tình cảm sâu đậm. Từ “đồng bào” gột tả được nguồn gốc một Mẹ của dân tộc Việt, tương đồng với tín điều chúng ta là anh em với nhau trong Chúa là Cha chung trên trời. Như vậy, từ đồng bào cũng hàm chứa rằng chúng ta là đồng hương với nhau.
(2) Tôi mạn phép gọi Đức Mẹ như thế, vì nghe nó yêu kiều hơn là Đức Mẹ Đen.