Menu Close

Một lần về – Kỳ 3

Trở về Minnesota. Dường như trong tôi, nơi đây đã trở thành một phần đời trong ký ức. Minnesota đẹp trong rét mướt, tôi cảm giác cái lạnh như thẩm thấu nỗi cô độc của kẻ lữ thứ. Mỗi lần Đông, tôi lại hẹn lòng mình trở về với cái lạnh nơi ấy.

 

 

alt

 

Một góc cạnh ở Mai Village Restaurant

 

 

Mùa Đông Minnesota luôn hấp dẫn và đầy thử thách trong những tác phẩm wildlife tôi cưu mang. Nghệ thuật đã cởi trói cho tôi dấn bước vào giai đoạn “sáng tạo” của cuộc đời. Tôi để tâm chiêm ngưỡng cái đẹp, dù rất bình thường, ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất; vì chính nó vẫn sẽ đem lại sự tươi mát để nuôi dưỡng cuộc sống này. Tĩnh tâm trước thành hay bại, như Steve Jobs, người sáng lập Apple, thực hành thiền định từ thuở thanh niên, ông sống đơn giản, ăn chay và từng bộc bạch rằng, “Tâm tĩnh lặng là chìa khóa của mọi sáng tạo…”

Những ngày Đông nơi đây, tôi kiệt lực với cái lạnh. Đông xưa, cha tôi hẹn, “con về lại Minnesota đi câu cá ice fishing với Ba”. Ông giờ đây, già cỗi sự sống, cạn kiệt niềm tin. Hai mươi năm đeo đẳng một giấc mơ Việt trên đất Mỹ. Cha tôi tạo dựng sự nghiệp từ kinh doanh nhà hàng. “Mai Village ” ra đời, nhỏ bé khiêm tốn nằm trên đại lộ University Avenue. Và chỉ mười năm sau, ông đã thực hiện một giấc mơ lớn của cuộc đời mình. Một Mai Village Vietnamese Restaurant, bề thế trị giá 3.8 triệu USD. Pioneer Press Food, tờ báo phê bình ẩm thực tên tuổi đã gọi Mai Village là “Nhà hàng tráng lệ nhất trên đại lộ University Avenue”. 5 năm. Cái mốc thời gian cha tôi bỏ công thực hiện ý tưởng để thiết kế một Mai Village theo cung cách Huế; cổ sơ ở tiểu tiết họa khắc từ mái đình thiếp vàng đến sàn bamboo, cây cầu nhỏ “bắc ngang” một cái hồ cá Koi.

 

 

alt

 

Cha tôi, chủ nhân nhà hàng Mai Village

 

Những năm đầu là thời kỳ “phồn thịnh” của Mai Village. Cha tôi, ông Đặng Văn Ngoạn luôn “sáng giá” là một doanh nhân thành đạt với những đóng góp tích cực đáng kể cho sự phát triển của kinh tế Song Thành.

Cuối năm 2007. Trước, là kinh tế tuột dốc; rồi đến cái công trình xe điện light rail construction đã bắt đầu khởi công từ Tháng Ba năm 2011. Mỗi ngày, hàng giờ, cha tôi rấm rứt “đau khổ” nhìn cái “công trình xe điện” bận rộn “thi công” trước mặt tiền nhà hàng yêu quý của mình.    

Chuyện gì đến, đã đến! Hàng loạt kinh doanh cá thể của người Việt trên đại lộ University Avenue ngoi ngóp, và rồi âm thầm… dẹp tiệm. Mai Village cũng trong nguy cơ hấp hối.

 

 

alt

 

Mặt tiền của nhà hàng Mai Village trên đại lộ University Avenue

 

Và rồi một ngày, Mai Village quỵ đổ với cái dòng tít in đậm trên trang nhật báo Startribune – St. Paul, “Mai Village faces foreclosure… To save Mai Village, it’ll take a village…” Mai Village đứng trước nguy cơ bị tịch biên. Muốn cứu Mai Village phải cần cả một “village!”

Mai Village – một phần đời, máu thịt của cha tôi. Tiếc cái cơ ngơi gần nửa đời gầy dựng, cha tôi sụp đổ đến thê thiết; sau hai lần stroke và cái xe lăn trở thành tri kỷ thay bonsai.

Những ngày Đông, ngoài giờ săn ảnh wildlife là thời gian họp mặt với bạn văn nghệ sĩ. Andy bảo tay họa sĩ biếm họa Gúc hẹn ăn trưa trong Mall of American. Đã gặp Gúc ở Cali, thời gian tôi cộng tác bài vở với nhật báo Người Việt, Việt Herald. Biếm nhại của Gúc là “trực cảm lý trí” dựa trên một lập trường chính trị khá tinh nhạy. Ông bộc bạch là “trốn nắng” Cali để ẩn dật, nghiền ngẫm cái lạnh thâm sầu của mùa Đông Minnesota. Gúc vẽ chân dung tay máy Andy Nguyễn với nét biếm họa sắc sảo, cá tính. Ông bảo sẽ vẽ tặng tôi vào một dịp Tết đến, (có thể) sẽ là một cái Tết Công Gô nào đó!

 

 

alt

 

Họa sĩ Gúc

 

 

alt

 

Chân dung Nhiếp ảnh Gia Andy Nguyễn qua nét biếm họa của Họa sĩ Gúc

 

Trời lạnh và phải… chạy sô ná thở. Vừa xong “hò hẹn” với bạn vàng Gúc là nhận liền cái text message của Hoài Nam. Cơm tối ở nhà tác giả lịch Áo Trắng. Món lẩu năm xưa, thưởng thức lại vẫn ngon miệng. Mạn đàm với Hoài Nam đủ mảng đề tài mưa nắng. Một Hoài Nam tròn trịa từ cảm xúc đến tâm hồn Việt. Vô Facebook, nghe Hoài Nam sành sỏi tiếng “lóng” Việt; tôi vẫn chưa hề cảm giác là Hoài Nam sang Mỹ lúc chỉ mới chín tuổi. 18 năm song hành với Áo Trắng và chỉ vài bài viết lèo tèo giới thiệu về tác giả Hoài Nam; trong khi “mật độ” download, sử dụng hình ảnh của Áo Trắng thì tràn ngập các trang mạng, web cá nhân, và cả những cuốn băng video tên tuổi ở hải ngoại. Thú thật, cái “công nghệ quảng bá tên tuổi” của ngành thông tin trong nước thật đáng “học hỏi”!  Hoài Nam, sau một lần về nước để thực hiện bộ lịch ảnh Ước Mơ 2013. Người mẫu là “super hot model” kiêm tài tử, Tăng Thanh Hà – chỉ cái tên gọi của miêu nữ chân dài thôi cũng đã cuốn hút hàng trăm ngàn cú click chuột. Và Nhiếp ảnh gia Hoài Nam của lịch Áo Trắng trở thành một “hiện tượng”- một tên tuổi nóng sốt được nhắc đến hàng tuần liền trên các trang mạng. Dẫu sao cũng đôi chút giải thích về sự ngộ nhận tên tuổi của Hoài Nam với một Nhiếp ảnh gia trùng tên lẫn họ trong nước.

Tôi vẫn nghĩ về Hoài Nam như ngọn gió đời, gió tựa như sự cho đi, và san sẻ, nhân bản từ trong cách sống. Hoài Nam vẫn luôn nuôi dưỡng mơ ước bằng những việc làm từ thiện âm thầm. Cơm tối rồi “cỏn” chuyện hàng giờ. Hoài Nam chế biến món chè thạch, ăn lạ miệng. Andy tận tình thưởng thức.

Minnesota – vẫn miên man trong tôi một miền ký ức đau buồn lẫn hạnh phúc. Tôi nghĩ về sự mất-còn của cuộc đời. Tinh thần và vật chất là hai biến tượng của cái duy nhất ở  cõi đời. Dù rằng cha tôi vẫn thường nghĩ, “dám nghĩ lớn để chấp nhận sự rủi ro…”

Tìm kiếm sự trường cửu giữa vô thường. Tôi chợt nghe hồn chát đắng!

 

 

alt

 

Đặng Mỹ Hạnh và Nhiếp ảnh gia Hoài Nam, cuối Đông năm 2012

 

ĐMH
website: hanhphoto.com