Cháu biết nếu cháu xin, cô sẽ giúp cháu ở lại đây, nhưng cháu chưa xứng đáng để được hưởng những phúc lộc ấy. 23 năm bị uốn nắn để thích hợp cho một xã hội chật hẹp về nhân tính, không nhiều thì ít, cháu cũng bị ảnh hưởng, nên sẽ có lúc cháu không sẵn lòng nhường nhịn và hy sinh, có thể nói là sẽ có lúc cháu “vô cảm” theo ngôn ngữ bây giờ, và điều này không thể chấp nhận ở thế giới nhân ái này.
Cô ạ, mới đấy mà đã hơn năm tháng, chỉ còn vài tuần nữa cháu về lại Hà Nội rồi.
– Nhanh thật, lúc bắt đầu làm giấy bảo lãnh cho cháu sang bên này, cô nghĩ phải mất vài tháng, rồi cháu còn phải xin hộ chiếu bên đấy nữa, thế mà… lại sắp đến ngày cháu phải về.
– Vâng, một hai tháng đầu ở đây, đời sống lạ và vui, cháu thích quá, nên cũng thấy thời gian đi nhanh; thế nhưng cháu lại nghĩ mình còn ở đây đến bốn năm tháng nữa, nên tạm yên tâm. Ai ngờ, nó đi nhanh thật cô ạ! Đêm qua, nghĩ đến lúc từ giã thành phố này, cháu không ngủ được, nên ra ngồi ngoài ban công, không khí trong lành quyện hương thơm của cây cỏ, không gian thật bình yên và quyến rũ, càng khiến cháu quyến luyến không muốn rời. Cái đêm trước khi sang bên này, cháu bồn chồn lắm, nên cũng ra đứng ở ngoài ban công của khu nhà tập thể xấu xí, xuống cấp, không gian chật hẹp, tù túng, lúc nào cũng đẫm mùi đất và mùi cống rãnh; nhưng gia đình cháu đã sống ở đó đến ba thế hệ, nó đã là một phần đời của cháu, nên cháu nghĩ cháu sẽ nhớ Hà Nội ghê lắm, mặc dù đi có sáu tháng rồi sẽ về. Vậy mà, hình như cháu không nhớ Hà Nội, bây giờ sắp về, lại không muốn về!
– Chúng ta đều biết thời gian chỉ có một vận tốc, tùy theo tâm trạng vui hay buồn, mà mình cảm thấy nó nhanh hay chậm hơn mà thôi. Nhưng có thật là cháu không nhớ Hà Nội không?
Trâm thở dài không nói. Trâm là con của chị Xuân, con bác Hai tôi. Năm 54, Bác Hai vào Nam với người vợ kế, bỏ bác Hai gái và hai con là chị Xuân 5 tuổi và chị Lành 4 tuổi ở lại miền Bắc. Sau năm 75, chúng tôi được biết mẹ con bác Hai vẫn sống ở căn nhà cũ và cuộc sống chật vật khó khăn lắm.
Chị Xuân lập gia đình và có 3 người con. Trâm là con gái út, 23 tuổi, tốt nghiệp sư phạm, nhưng chưa có việc làm. Năm ngoái Trâm ngỏ ý muốn nhờ tôi bảo lãnh du lịch sang Mỹ để tìm hiểu về hệ thống giáo dục bên này.
Chị Xuân gửi cho tôi bức ảnh chụp cả nhà, và bảo con bé mặc áo màu xanh lá cây trong hình là Trâm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết chị Xuân, chị giống bác Hai tôi như đúc và Trâm lại giống mẹ, khuôn mặt chữ điền cương nghị và đôi mắt bồ câu hiền lành. Hôm đón Trâm ở phi trường, con bé cũng mặc áo màu xanh lá cây nên tôi nhận ra ngay.
Trâm có vẻ dạn dĩ, nhưng lễ phép. Trên đường về nhà, xen kẽ những câu trả lời ngắn khi tôi hỏi về chị Xuân và đời sống của gia đình, Trâm luôn miệng nói về những gì nó vừa nhìn thấy trên đường, như: “…Người trẻ bên này họ thanh thản cô nhỉ, nét mặt chẳng có gì là lo âu cả!… Dãy nhà mình vừa đi qua nom giống khu nhà tập thể cô nhỉ, nhưng đẹp và sạch sẽ gọn gàng hơn Hà Nội nhiều!… Thành phố to như thế này, xe cộ phố xá đông đúc, thế mà chẳng thấy một cọng rác, hay thật!… Mình vừa đi qua một nhà thương phải không cô, chẳng thấy bệnh nhân xếp hàng chầu chực, chẳng bù cho ở trong nước, bệnh nhân nằm, ngồi đầy cả sân!…” Tôi chỉ im.
Về đến nhà, Trâm hỏi: “Hôm nay Thứ Bảy, các trường học đóng cửa phải không cô?”; “Ừ, nhưng các trường tiếng Việt thì mở!” Trâm nhìn tôi ngạc nhiên: “Thế cơ? cô cho cháu đến xem được không?”; “Được, cháu còn ở đây, ngày rộng tháng dài, thế nào cô cũng dắt cháu đến đấy. Bây giờ cháu thay quần áo rồi nghỉ ngơi, điện thoại về cho mẹ biết cô cháu mình đã gặp nhau, rồi phụ cô dọn cơm.”
Tôi dành phòng làm việc của tôi cho Trâm. Mắt con bé sáng lên khi bước vào phòng: “Phòng xinh quá, cô cho cháu ở phòng này ư? Cứ như phòng trưng bày nghệ thuật ấy!” Tôi vui lây với lời khen thành thật của Trâm. Tôi hãnh diện nói: “Ừ, đây là phòng làm việc của cô, cũng là nơi lưu giữ những hình ảnh kỷ niệm của gia đình và bạn cũ. Cô vừa thu dọn lại, để đón cháu sang đấy!” Trâm nhìn tôi cảm động: “Cô chiều cháu quá! cháu ở đâu cũng được mà, cháu nằm ở phòng ngoài kia cũng được rồi!”; “Nếu cháu chỉ tá túc qua đêm, thì cô cho nằm ngoài phòng khách, nhưng cháu ở lâu, phải cần chỗ ở ổn định. Thôi, đem va li vào phòng rồi thay quần áo đi!”
Những ngày kế tiếp, tôi dắt Trâm đi mua sắm, thăm một số thắng cảnh, công viên, cũng như phố xá hàng quán của người Việt; thăm trường dạy Việt ngữ của cộng đồng như nó mong ước. Sau hai tuần lễ vừa hớn hở, vừa hoài nghi về môi trường và đời sống chung quanh, Trâm có vẻ ít nói và trở nên trầm tư.
Tôi hỏi: “Cháu nhớ nhà rồi hả?” Trâm cười và nói: “Cô ơi, cháu lớn rồi, không đòi vú mẹ như lúc còn bé đâu! Chỉ vì có một điều đã làm cháu băn khoăn và không lý giải được”; “Điều gì?”; “Cháu không biết nói như thế nào… nhưng từ lúc đặt chân đến phi trường San Francisco cháu đã cảm nhận được điều này: Mọi người có vẻ vội vã, hối hả, vì họ bước những bước rất dài và đi rất nhanh. Nếu có vô tình va chạm nhau, lập tức có lời xin lỗi với nụ cười thân thiện, không tạo xích mích gây gổ. Hôm đi shopping ở mall gần nhà, cháu cũng thấy vậy. Bước vào tiệm bán hàng nào, cháu cũng nghe văng vẳng tiếng nhạc, tiếng hát. Khách mua sắm và người bán lịch sự thoải mái. Ở công viên cũng vậy, cháu thấy những cây hồng nở hoa đẹp rực rỡ, ở ngay tầm tay mọi người, thế mà chẳng ai ngắt hoa hay bẻ cành. Những điều này tạo nên phong cách sống thật đẹp.
Hình như có một trật tự, một kỷ luật vô hình nào đó, mà mọi người phải tuân theo trong đất nước rất tự do này, phải không cô?
Trâm nói một hơi như sợ sẽ không còn cơ hội. Tôi không ngờ con bé có những nhận xét tinh tế như thế, tôi nói với Trâm đây là kết quả của nền giáo dục khai phóng, và bảo nó là cô giáo, nên biết về nền giáo dục này. Tôi cũng nói với Trâm về nền giáo dục khai phóng giúp học sinh, sinh viên biết về quyền căn bản của con người, về nhân phẩm, cũng như cách bảo vệ những giá trị đó. Nền giáo dục khai phóng bồi đắp tri thức cho con người, đồng thời giúp con người có được sự tự trọng, và lòng dũng cảm, để có thể sử dụng tri thức một cách đúng đắn và độc lập.
Trâm tiếp tục nói như người mộng du: “Cháu cũng không thể tưởng tượng được “cơ ngơi” của người Việt tại đây. Cháu hiểu lý do tại sao người miền Nam bỏ nước ra đi sau năm 75, thế nhưng chỉ có hai bàn tay trắng, không có một chính phủ, một đất nước, một nền kinh tế để dựa vào như người Hàn hay người Nhật, vậy mà chỉ hơn 30 năm tạo dựng, phố Việt Nam có vẻ sầm uất hơn các phố Á Châu khác. Đó là chưa kể đến nỗ lực phải giữ gìn, phát huy văn hóa Việt Nam mà vẫn hòa nhập thành công vào đời sống người bản xứ. Thật sự cháu không hiểu nổi cô ạ!”
Tôi xúc động khi nghe Trâm nhắc đến những thành quả của cộng đồng người Việt với sự hãnh diện. Tôi nói với Trâm trước năm 75, dù bị cộng sản miền Bắc xâm lăng gây chiến tranh, nhưng miền Nam có dân chủ, có tự do, nên nền kinh tế được phát triển vào bậc nhất nhì Đông Nam Á. Tự do dân chủ cũng là điều kiện để miền Nam thiết lập được nền giáo dục khai phóng. Sau năm 75, khi liều chết ra đi tìm tự do, người Việt đã được định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì ý thức được giá trị của tự do và có được gia tài từ nền giáo dục khai phóng của miền Nam, người Việt đã dễ dàng hội nhập và thành công trong nhiều lãnh vực ở xứ người, đóng góp vào sự phát triển xã hội của người bản xứ và cộng đồng nhân loại.
Trâm nhìn tôi phấn khích: “Cô ơi, còn văn học của miền Nam nữa, đêm đầu tiên sang đây, cháu đã ngắm nghía suốt đêm cái tủ sách của cô, đúng là một gia tài đồ sộ và quý giá.” Đúng vậy, trong nhà tôi, chỉ có tủ sách là đáng giá. Hàng trăm sách báo đủ loại, mỗi cuốn một tư thế, trong kệ sách bằng gỗ có cửa, phần trên là kính, phần dưới là gỗ, cao gần sát trần nhà, bao gần hết một mặt tường của phòng làm việc. Tôi kéo Trâm đến tủ sách, miên man giới thiệu những tác phẩm từ thời Tự Lực Văn Đoàn, đến những tác phẩm một thời của các nhà văn miền Nam và những cuốn được viết và in sau năm 75 ở hải ngoại. Tôi bảo Trâm muốn đọc cuốn nào, cứ tự nhiên, tôi hứa sẽ cho nó vài cuốn nó thích. Con bé nhìn tôi với ánh mắt biết ơn!
Nắng vẫn còn rực rỡ trên sân, chúng tôi đã xong bữa cơm chiều. Trâm pha bình trà vối và rủ tôi ra ngoài ban công: “Hai cô cháu mình sẽ uống trà rồi xem trăng cô ạ. Hôm nay rằm đấy.” Tôi trợn mắt: “Gì, còn nắng chang chang, trăng đâu mà xem?” Trâm nài nỉ: “Thì mình ngồi sẵn ở đây, cháu muốn nhìn cảnh vật đẹp đẽ chung quanh và nghe cô nói chuyện”; “Nói cho cô biết có thật là cháu không nhớ Hà Nội, và không muốn trở về không? Hãy suy nghĩ cho kỹ, cô có thể giúp cháu ở lại!”
Trâm vừa nhấp trà vừa nói như thì thầm: “Mấy tháng ở với cô, đời sống thật êm đềm thoải mái, khiến cháu có lúc không nhớ Hà Nội, và ước được sống luôn ở đây. Nhưng những lần nói chuyện với cô, cháu đã học được nhiều điều quý báu. Cháu hiểu giá trị phẩm cách của con người. Qua sách, truyện của miền Nam, cháu cũng hiểu được để có cuộc sống xứng đáng và ý nghĩa, người ta phải tranh đấu, đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Cháu biết nếu cháu xin, cô sẽ giúp cháu ở lại đây, nhưng cháu chưa xứng đáng để được hưởng những phúc lộc ấy. 23 năm bị uốn nắn để thích hợp cho một xã hội chật hẹp về nhân tính, không nhiều thì ít, cháu cũng bị ảnh hưởng, nên sẽ có lúc cháu không sẵn lòng nhường nhịn và hy sinh, có thể nói là sẽ có lúc cháu “vô cảm” theo ngôn ngữ bây giờ, và điều này không thể chấp nhận ở thế giới nhân ái này.
Một điều khác đó là lòng tự trọng mà cô đã dạy cháu trong thời gian qua, khiến cháu càng không thể lạm dụng lòng tốt của cô. Cháu sẽ trở về Hà Nội, chỉ ở nơi đây, cháu mới gột bỏ được ảnh hưởng tệ hại về nhân tính, mới làm lành được trái tim để không còn vô cảm, mới có thể tìm lại phẩm giá của mình. Cô hiểu cho cháu không?” Trâm nức nở và khóc thành tiếng. Tôi ôm vai Trâm an ủi: “Cháu có năng lực của tuổi trẻ, sẵn sàng đóng góp và phục vụ; có tâm hồn chia sẻ cái đẹp với thiên nhiên; có tri thức nhận biết điều hay lẽ phải, cảm nhận được nỗi cơ cực của người khác… những điều này góp phần tạo nên nhân cách đáng quý. Cháu xứng đáng được hưởng đời sống tốt đẹp. Và ý nghĩa biết bao nếu hai cô cháu mình tìm được nhiều nhân cách đáng quý này ở Hà Nội, và ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam thân yêu!”; “Vâng, cháu hiểu, cháu vô cùng cảm ơn cô, cháu sẽ về, sẽ tìm và chắc chắn sẽ gặp!” Chúng tôi im lặng uống trà, trăng đã lên cao.