Xuân kéo chăn lên tới cổ, lan man kể về cây đào loại rũ, có hoa màu tím nhạt, mới mua hồi đầu đông bây giờ đang kết trái. Tôi rúc trong chăn, vừa nghe vừa lim dim. Xuân lại nói gốc cây lớn ở góc vườn bị chặt cuối năm ngoái, khiến cái vườn bây giờ nhiều nắng nhưng lại quá trống trải. Tôi vừa nói vừa ngáp: “Việc gì đã xong rồi, không nên nhắc lại. Cái vườn nhà mi chừ nắng rực rỡ, bông hoa đủ màu, đẹp còn hơn tranh vẽ. Tao thích là được rồi.”

Xuân im lặng một lúc, lại nói: “Nghĩ tới ngày mai, lần đầu tiên tổ chức lễ giỗ Cụ Phan ở Bắc Cali, tao làm trưởng ban tiếp tân, tao lo quá!”; “Ai da, tiếp tân thì dễ mà. Có gì, tao phụ mi là xong ngay, thôi ngủ đi, tao buồn ngủ rồi đó!”
Xuân hỏi vớt:
– Ngày mai, tụi mình mặc áo dài, mi mặc áo màu gì?
Tôi tỉnh ngủ:
– Tao mang theo hai cái áo lụa, một cái màu rêu, một cái màu mỡ gà, chưa biết chọn cái mô, đang tính hỏi ý mi!
– O.K sáng mai, mi mặc thử hai cái, rồi tao chọn cho.
– Còn mi mặc màu gì?
– Tao cũng chưa biết, có nhiều áo quá chọn tới chọn lui mệt quá!
– Tao thấy tụi mình xí xọn in chang hồi xưa!
– Già rồi mới vậy mi ơi, hồi xưa có cái áo dài trắng đi học chứ đâu có nhiều màu như bây giờ mà chọn!
– Tại hồi đó mi thích quần tây, áo đầm, chứ hồi tao lên Đại học, má tao may cho tao áo dài lụa đủ màu, mặc mệt nghỉ.
– Tao tính ngày mai mặc cái áo muslin màu xanh nước biển.
– Còn tao chắc mặc cái áo màu mỡ gà cho nó sáng sủa.
– Mi may hồi nào vậy, sao tao không biết?
– Có người bạn về Việt Nam, biết tao thích lụa Hà Đông, nên mua và may tặng tao.
– Ê, tặng áo là… có gì dữ lắm đó nghe!
– Thôi đừng đoán mò, ngủ đi, mai còn dậy sớm sửa soạn!
Chỉ một lúc sau, tôi nghe Xuân thở đều và ngáy nhè nhẹ. Còn tôi trằn trọc mãi, sau cùng, thấy mình chơi vơi giữa những chiếc áo dài cũ, mới.
…“Này, cô nàng còn nhớ tôi không, Lụa Nâu ngày ấy đây, ngày cô nàng mới khoảng sáu bảy tuổi, đi đi lại lại trên chiếc giường gỗ đôi của bố mẹ, tay cầm thước kẻ, xúng xính trong chiếc áo dài lụa nâu của mẹ. Hai tà áo được mẹ gấp lên, đính bằng hai chiếc kim băng ở hai bên tà cho vừa chiều cao, tay áo cũng được xắn lên gọn ghẽ. Cô nàng làm cô giáo của hai em. Cô nàng nhớ không nào? Chưa nhớ ư? Thế thì cô nàng có nhớ cái ngày nhất định đòi mặc áo dài lụa nâu, mặc dù mẹ bảo chiếc áo này bà ngoại may cho mẹ khi mẹ vào Nam, và mẹ muốn cất làm kỷ niệm, nhưng cô nàng không hiểu kỷ niệm là gì cả, cứ nằng nặc khóc đòi mặc cho bằng được, mẹ phải chiều, và cô nàng đã lấy tà áo lau nước mắt, nước mắt mặn làm thành những vết ố loang lổ vĩnh viễn trên mặt lụa. Nhớ rồi phải không? Thế mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Tôi già lụ khụ rồi, từng sợi tơ dệt năm xưa đã bở, dù được bà cụ giữ gìn cẩn thận. Nghĩ tới thì buồn, vì không còn hữu dụng, nhưng nghĩ lại, đời tôi cũng hơn chán vạn những tà áo phải ở lại miền Bắc. Tôi được vượt tuyến vào Nam, được hưởng không khí Tự Do, được đến chùa chiêm nghiệm lời kinh, được tung bay nơi phố chợ… Từ ngày bà cụ mất đến nay, tôi vẫn nằm yên trong ngăn kéo tủ cuối cùng ngập mùi băng phiến. Khi nào về nhà, cô nàng nhớ thăm tôi nhé…”
…“Nì, chị Hương còn nhớ em không, áo vải Popeline đây, chiếc áo dài đầu đời của chị năm đệ thất, chị có nhớ không? Em nhớ chị kể… mùa Thu năm 1963 chị thi đậu vào đệ thất trường Trung Học Công Lập Phan Châu Trinh Đà Nẵng, nhưng vì quá thơ ngây, nên không có được cảm giác hãnh diện như các bạn khi trúng tuyển vào trường công lập danh tiếng nhất Quảng Nam thời đó. Khi nớ chị chỉ muốn làm quen các bạn xa lạ cùng trang lứa đang ríu rít lắc tay nhau vui mừng: “Tao đậu rồi, tao đậu rồi!” rứa mà cũng không dám. Chừ thì khác rồi hỉ, bạn bè năm châu bốn biển, phải không chị?
Em cũng còn nhớ chị nói tới gần ngày nhập học, chị theo mẹ đến trường xem thông cáo dành cho học trò mới, bàn thông cáo viết rằng: Học sinh phải mặc đồng phục. Nam sinh quần xanh áo chemise trắng. Nữ sinh áo dài trắng, quần trắng. Ngày thứ hai đầu tuần, nữ sinh mặc áo dài màu thiên thanh.
Chị nói khi nớ chị chưa có ý niệm chi về hai chữ nữ sinh, chưa biết sẽ được dạy dỗ trong kỷ luật của học đường, để trở thành một thiếu nữ Việt Nam thông minh nhưng khiêm tốn, dịu dàng trong quốc phục áo dài. Chị chỉ biết từ nay, được mặc áo dài đi học, và điều thích thú nhất là không phải nhờ bác Lụa Nâu, mỗi khi chơi trò làm cô giáo với các em nữa. Bác Lụa Nâu ơi, có đúng không? Bác làm ơn cất giọng Hà Nội 54 lên cho con biết nghe. Dạ rồi, con cảm ơn bác! Giọng bác nghe còn trẻ như thời thanh xuân vậy!.
Chị Hương nhớ không, ngày tựu trường của năm đệ thất, chị mặc áo dài trắng, quần trắng bằng vải Popeline, chân đi đôi guốc thấp sơn màu trắng đục, có quai trong suốt. Dễ thương chi lạ. Suốt năm, hai chị em mình ham chơi, nên hay té lăn cù trong những lần chơi u, trốn tìm, khiến em bị rách bươm cùi chỏ, nên đành phải từ biệt chị. Tấm áo Popeline giờ đây tuy không còn, nhưng khi nào chị muốn gặp em, thì cứ nghĩ tới Popeline, tức khắc em sẽ ở bên chị.
…“Chị Hương ơi, còn em nữa, chị nhớ không? Áo dài Lụa Vân đầu đời của chị đây nè. Chị có nhớ đầu năm đệ Tứ, mẹ mang em về cho chị và nói: “Đây là hàng lụa vân vừa đẹp và mát, mẹ may cho con cái áo dài. Hàng lụa này khiến mẹ nhớ lụa Hà Đông ở ngoài Bắc. Áo dài lụa nâu bà may cho mẹ là lụa Hà Đông đấy!”
Bác Lụa Nâu ơi, như vậy theo ý chị Hương, bác với con cùng họ, nhưng khác quê. Bác là người xứ Bắc Hà, con là dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nhưng hai bác con mình đã một thời tung tăng dưới bầu trời miền Nam Tự Do phải không bác. Riêng con còn có thêm một kỷ niệm rất thiêng liêng không bao giờ quên được. Chị Hương, chị có nhớ kỷ niệm gì không? Đúng rồi, buổi đi thăm chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở tiền đồn vùng I chiến thuật. Chị choàng vòng hoa, và tặng chiến sĩ khăn thêu. Còn em ráng quyện kín mùi thuốc súng vào từng sợi tơ tằm để giữ làm kỷ niệm. Hai tà áo của em quyến luyến anh chiến sĩ không muốn rời. Em có nói với ảnh là không có ai thích chiến tranh, nhưng nếu phải bảo vệ Tự do và an lành cho người khác, buộc phải có người hy sinh, người đó có thể là anh, là chị Hương hay là em nữa. Giả sử ngay bây giờ quân địch bắn B40, trúng chị Hương, chị té xuống, toàn thân em sẽ ướt đẫm máu đào, nhưng em vẫn vươn dậy thật mạnh để tung bay trong gió, vinh danh Tự Do.
Em cảm ơn chị Hương đã ghi tên đi tiền đồn ủy lạo chiến sĩ, nhờ đó mà em được đi theo, và có kỷ niệm nhiều ý nghĩa để đời.
Em còn nhớ lần đó, anh chiến sĩ ngâm tặng chị bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” của Thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan. Bài thơ thật hay và vô cùng lãng mạn. Bác Lụa Nâu và chị Popeline có muốn nghe không? Lụa Vân đọc nè:
Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng ….
….
em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
Khi nghe bài thơ Áo Lụa Hà Đông, em đứng dưới ánh nắng trắng xóa một sườn đồi mà vẫn thấy gió hiu hiu mát rượi. Bác Lụa Nâu ơi, khi nớ con ước phải chi có bác đi tiền đồn, thì ý nghĩa biết bao: Thử tưởng tượng Lụa Hà Đông di cư vô Nam lánh nạn Cộng sản, đi ủy lạo chiến sĩ VNCH bảo vệ miền Nam Tự Do. Bác Lụa Nâu ơi, càng nghĩ tới, con càng thương mấy anh chiến sĩ!.
Ui cha, bữa nay đông vui mà chỉ có một mình Tơ bóng tới thôi. Chắc mấy chị khác còn lưu luyến tình cảm đâu đó không về hội ngộ rồi. Hồi đó cũng có mấy chị Soie Swiss, Soie Pháp, qua nước mình chia sẻ tình cảm vui buồn một thời của thế hệ tuổi trẻ miền Nam. Mấy chỉ cũng biết không có hàng vải nào đẹp và thích hợp để may áo dài cho bằng tơ lụa miền Nam. Điều này cũng đóng góp vào sự giàu đẹp của văn hóa miền Nam há bác Lụa Nâu?”
“….Tơ Bóng nè chị Hương, thời SPCN huy hoàng một cõi, rồi kỷ niệm ở phòng địa chất, xém chút nữa em rách bươm chị nhớ không? Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, những tà áo lụa, tà áo vải của miền Nam, cũng bị cưỡng bức ra khỏi khuôn viên học đường và các công sở. Thay vào đó là những chiếc áo bà ba sậm màu, thô sơ, song hành với những từ ngữ cán bộ, thủy lợi, công trường…
Em nhớ hồi đó, mỗi Thứ Bảy, Chủ Nhật, tụi em như đàn bướm rực rỡ sắc màu tung bay trên đường phố, vậy mà sau 75, cả thành phố tối đen, khô cứng, lam lũ, cộc cằn. Em nghĩ Tơ Lụa tụi em không chỉ là biểu tượng của văn hóa mà còn là biểu tượng của tự do hạnh phúc nữa đó chị Hương. Từ hồi chị qua bên bển tới giờ, em ở với Dì Ngân, cũng lêu bêu, rệu rã sợi tơ, nhưng dù gì đi nữa, tấm chân tình của em với chị và miền Nam không bao giờ thay đổi.”
….“Thưa cô, cháu là Lụa Hà Đông thế hệ 8X đây. Cháu là con cháu của Cụ Lụa Nâu. Từ ngày được ra hải ngoại, được sống thật tự nhiên, như hơi thở cần thiết cho buồng phổi, chúng cháu càng thấu hiểu cảnh đời cơ cực bất công ở miền Bắc. Nơi đó, những sợi tơ mỏng manh chúng cháu không đủ ấm cho nhà nông, và là xa xỉ đối với nữ cán bộ các ban ngành. Họ ưa thích chúng cháu, nhưng vẫn cứ phải khoác lên người những chiếc áo cánh thô thiển nhàu nát để chứng tỏ bề dày cách mạng. Cháu cảm ơn bác Hương đã luôn cho cháu đi cùng và ngày mai, cháu sẽ được dự lễ giỗ chí sĩ tiền bối Phan Chu Trinh. Cháu sẽ được hiểu thêm về tư tưởng Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh và đường lối đấu tranh Bất Bạo Động của Ngài
Mọi người đã ngủ say, cô cũng bắt đầu ngáy, cô ngủ ngon nhé, hẹn nhau ngày mai.