Tôi có cháu trai, năm nay cháu được 6 tuổi. Sức khỏe bình thường, chịu ăn chịu chơi. Chỉ có một điều là khi ngủ ban đêm thì cháu nó hay nghiến răng, hầu như thường xuyên. Vậy xin hỏi bác sĩ tại sao cháu nó lại nghiến răng như vậy, có ảnh hưởng gì tới sức khỏe và có thể chữa được hay không? Xin cảm ơn bác sĩ. Linh Đặng- Garland.
Đáp
Thưa bà,
Nghiến răng, tiếng Anh là Bruxism, là một chứng trong đó hai hàm răng chà xát vào nhau thành tiếng và thường thì đưa tới mòn mặt răng.
Hiện nay y học cũng chưa biết chính xác tại sao nhiều người, lớn cũng như bé, lại bị chứng này. Một số lý do được nêu ra có thể là do yếu tố tâm lý như lo âu, sợ hãi, căng thẳng tinh thần, hung hăng tức giận, rối loạn giấc ngủ hoặc do hai hàm răng không ăn khớp với nhau… Đôi khi hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu thuốc, tiêu thụ nhiều cà phê cũng gây ra nghiến răng.
Chứng này thường thấy ở trẻ em nhiều hơn là ở người lớn và may mắn là khi các cháu lớn lên tật này sẽ hết.
Bình thường, nghiến răng không gây ra hậu quả trầm trọng cho sức khỏe, tuy nhiên nếu kéo dài thì có thể làm răng càng ngày càng mòn gây khó khăn cho sự nhai thức ăn cũng như gây ra chứng nhức đầu, đau mặt, đau khớp xương hàm-thái dương.
Trong đa số các trường hợp, không cần điều trị chứng nghiến răng, nhất là ở trẻ em vì khi các cháu lớn lên, chứng này sẽ tự hết. Ở những trường hợp mà nghiến răng thường xuyên xảy ra ảnh hưởng tới sức khỏe, nên đi bác sĩ để điều trị. Ngoài bác sĩ gia đình, cũng cần tới nha y sĩ để khám hàm răng.
Trường hợp của cháu nhà, hy vọng là khi cháu lớn sẽ hết bị chứng nghiến răng. Tuy nhiên bà cứ đưa cháu tới bác sĩ gia đình và nha sĩ để khám cho cháu nhé. Có thể là các bác sĩ sẽ cho cháu mang vài dụng cụ y nha khoa ở miệng để tránh mòn răng.
Bà cũng nên để ý xem cháu có chuyện gì không vui ở nhà cũng như ở lớp học hay không, vì đôi khi một vài sự bực mình nào cũng khiến cháu nghiến răng ban đêm khi ngủ.
Chúc bà và gia đình vui mạnh.
Uống nước nóng, nước lạnh
Bác sĩ Ý Đức ơi
Cháu và bạn cháu mới tranh cãi về một đề tài rất ư là quan trọng. Bạn cháu nó nói rằng uống nước nóng sẽ tăng nhiệt độ cơ thể ta sẽ đổ mồ hôi và cảm thấy mát mẻ. Cháu thì nghĩ rằng uống nước đá lạnh hoặc ăn kem thì trong người mát mẻ ngay. Bác sĩ coi xem nó đúng hay cháu đúng. Duyên-Plano
Đáp
Chào cháu Duyên
Cả cháu và bạn cháu đều không hoàn toàn đúng vì nhiệt độ của cơ thể được điều hòa bởi sự hô hấp và sự đổ mồ hôi ở trên da. Theo các nhà chuyên môn, thì thực phẩm nóng hoặc lạnh không có ảnh hưởng gì mấy tới nhiệt độ cơ thể. Thực phẩm nóng quá hoặc lạnh quá vào đến bao tử thì đều được dung hòa ngay với nhiệt độ của cơ thể. Với một cơ thể lớn của con người thì một chút thực phẩm nóng hoặc lạnh không đủ sức để thay đổi nhiệt độ trong người, chẳng khác chi ta bỏ một cục nước đá vào trong một bồn tắm đầy nước nóng. Không phải chỉ hai cháu nghĩ như vậy mà nhiều người khác cũng có cùng một cảm giác như vậy, vì thế cho nên mới có thói quen là trời nóng bức mà uống một ly nước chanh đường đá là cảm thấy mát ngay hoặc lạnh giá mà uống một ly cà phê nóng thì cảm thấy ấm bụng hơn. Thực ra chỉ là cảm giác thoảng qua nơi thực quản và dạ dày mà thôi.
Hay bị khó thở, hụt hơi
Mới đây tôi có đi khám bác sĩ vì ho nhiều quá. Mấy ngày sau thì bác sĩ cho hay phổi của tôi đang có vấn đề, cần vào bệnh viện để điều trị. Tôi hút thuốc lá từ hơn 30 năm nay. Từ năm ngoái, tôi hay bị khó thở và nhiều khi phải thở oxy. Bác sĩ nói là tôi bị bệnh gọi là emphysema gì đó, ông có giải thích cả nửa giờ nhưng tôi chưa hiểu rõ vì tiếng Anh của tôi cũng giới hạn. Xin bác sĩ vui lòng giải thích cho tôi nhé và tình trạng có nguy hiểm không? Trần Thung- Houston.
Đáp
Thưa ông Thung
Ông thực là may mắn, có một bác sĩ tận tâm dành cả nửa giờ để giải thích tình trạng bệnh của ông, chứ ngày nay các bác sĩ cũng quá bận rộn, ít thì giờ nói với bệnh nhân.
Emphysema tiếng Việt là bệnh Phổi Tràn Khí, trong đó các phế nang chứa không khí bị tổn thương đưa tới giảm diện tích trao đổi dưỡng khí và thán khí ở phổi, khiến cho người bệnh thấy khó thở. Ngoài ra, các mô bào đàn hồi ở phế quản cũng hư hao, khiến cho các ống này xẹp xuống khi bệnh nhân thở ra, gây khó khăn cho không khí ra vào.
Bệnh xuất hiện từ từ và dấu hiệu chính là người bệnh thấy hụt hơi khó thở, làm công việc hơi nặng nhọc một chút là thấy mệt rồi. Lâu ngày, ngay cả khi ngồi không, họ cũng hụt hơi. Trường hợp nặng thì môi và móng tay có màu xám nhạt, tim đập nhanh, trí óc không được tỉnh táo vì não bộ thiếu dưỡng khí.
Nguyên nhân gây ra bệnh này là do tiếp xúc với chất gây ô nhiễm nhất là hút thuốc lá, cần sa, khói từ các công xưởng hoặc chất silica từ hầm mỏ. Người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít thở không khí chung với ngưới hút thuốc lá cũng hay bị bệnh, nhất là các cháu bé sống chung một nhà.
Lâu ngày, bệnh đưa tới tình trạng xẹp phổi, ảnh hưởng tới trái tim, nhiễm trùng hô hấp, tất cả đều nguy hiểm tới tính mệnh.
Bệnh không thể chữa dứt khỏi tuy nhiên một số dược phẩm có thể giúp đời sống của người bệnh thoải mái đôi chút hoặc cũng có thể giải phẫu. Bác sĩ sẽ đưa ra phương thức trị bệnh sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Về trường hợp của ông, tôi đề nghị là ông nên trở lại ngay với vị bác sĩ mà ông có may mắn gặp. Đây là một lương y đấy. Chắc chắn vị này sẽ dành nhiều thì giờ để cùng ông thảo luận phương thức chữa trị. Hãy hợp tác với ông ta. Và việc đầu tiên ông cần làm ngay là ngưng hút thuốc lá tức thì. Cả triệu người bỏ thuốc gọi là cold turkey đều thành công. Do đó tôi tin chắc là ông có thể làm được, trước khi tình trạng trở nên xấu hơn nữa.
Chúc ông nhiều may mắn.
NYĐ