Menu Close

Số phận

…Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi…

Tiếng hát của Tường thật nhẹ và ấm áp, khiến tôi xúc động, nhớ đến cuộc chiến emails giữa Tường và tôi cách nay không lâu.

Tường là bạn cùng khoá SPCN (sciences, physique, chimie naturelles) ở Đại Học Khoa Học với tôi năm 71. Tường và tôi cùng đậu SPCN đợt 2, tôi  học tiếp về sinh vật, còn Tường  bỏ  qua Luật, rồi thi Kiến Trúc, nhưng không đậu, nên đi lính. Sau đó, chúng tôi mất liên lạc, nhưng qua một số bạn học, tôi biết Tường ra trường sĩ quan Thủ Đức và đóng quân ở Vĩnh Long rồi lấy vợ ở đó.

Sau năm 75, đời sống gia đình tôi cũng như nhiều người ở miền Nam lâm vào tình trạng đảo lộn không thể ngờ được. Từ việc quần áo phải nhuộm đen. Sách vở bị thu gom chất đống và bị đốt, đến việc cha tôi và chồng tôi bị gọi đi trình diện cải tạo, gia đình tôi có tên trong danh sách đi vùng kinh tế mới… hoàn cảnh bi đát của gia đình khiến tôi chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến bạn bè, mặc dù thỉnh thoảng có nghe một vài bạn đi lính đã hy sinh; một vài bạn đi vượt biên đã đến Thái Lan, Hồng Kông, nhưng một vài người khác bị hải tặc, không đến được bến bờ. Tuy nhiên hình như cái tên Tường không được ai nhắc đến, tôi cũng không nhớ lúc ấy tôi có thắc mắc gì về Tường không nữa. 

Cho đến hai năm trước, trong chuyến đi làm việc ở Denver, tôi mới gặp lại Tường, mới biết Tường bị tù cải tạo, và sang Mỹ theo diện HO. Chúng tôi giữ liên lạc từ đó.

Tôi nhớ lúc còn đi học, thỉnh thoảng Tường và tôi mới nói chuyện với nhau, và chỉ nói về bài vở, không hề có đề tài nào khác, vì thế, chẳng hiểu tánh ý của nhau thế nào, chẳng biết quan điểm về cuộc sống của nhau ra sao, thế mà từ khi gặp lại, qua email và điện thoại, chúng tôi đã sôi nổi bàn đến mọi vấn đề trong cuộc sống, từ chính trị đến xã hội. Mục nào chúng tôi cũng tận tình bàn đến nơi đến chốn, và rất may không có tranh cãi nào căng thẳng quá đáng, tình bạn vì thế càng khắn khít, đến nỗi có lần Tường viết cho tôi: “Tôi mà biết bà cũng thuộc loại… thích nói cho bổ phổi như tôi thì tôi… cua bà từ khuya rồi!”

Hồi đầu tháng này, Tường gửi cho tôi một email có nội dung là: “Tháng Tư tới nữa rồi, không biết bà ra sao, chứ Tháng Tư với tôi có nhiều mắc mứu lắm. Hồi trước, thì ức vụ mất miền Nam, bây giờ thêm chuyện tâm linh oan gia nghiệp chướng. Đó là ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông ta trồi lên, sung sướng đàn hát trên những xác người vào ngày 30 tháng tư năm 75, tới  năm 2001, ông ta sụm xuống thành cái xác vô hồn cũng trong Tháng Tư. Bà có thấy oan nghiệt  không? Thế là xong một đời Cát Bụi, và cũng chẳng còn Tình Xa Tình Gần gì nữa!”

Tôi viết lại: “Chuyện đi và đến cõi đời này không ai biết được ông ơi. Chỉ biết theo thuyết nhà Phật, thân người khó đặng, nên khi được sống làm người, thì ráng sống làm sao cho xứng đáng, để khi nằm xuống đỡ bị luân hồi nghiệp chướng, nếu xong nghiệp thì thoát cõi trần ô trọc, nếu còn nghiệp thì phải ráng trả tiếp nhưng cũng nhẹ bớt đi.

Chuyện Trịnh Công Sơn người ta nói cũng nhiều, ghét có, thương có. Nhưng tôi nghĩ chúng ta chỉ nên phê phán về thái độ chính trị của Trịnh Công Sơn, chứ không nên loại bỏ nhạc của ông ta.”

Tường hùng hổ trong thư trả lời: “Cái gì? Ông ta ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản, thì mới viết được những ca khúc phản chiến, ru ngủ cả một thế hệ, bà không thấy sao? Bà đừng nói mớ nhạc của ông ta là những đứa con tinh thần vô tội nghe!”

Tôi cũng sấn sổ không kém: “Ông đừng nói với tôi là ông không từng hát những ca khúc phản chiến đó trước 75 nghe. Đã biết phản chiến tại sao lại hát? Chẳng lẽ hồi đó thì O.K, bây giờ thành phản chiến, thì không O.K? và ông có bị ru ngủ không vậy? Tôi cũng cảm ơn ông đã nói giúp tôi, đúng là tôi coi những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn là những đứa con tinh thần của ông ấy. Chúng được ra đời trong phần đất miền Nam tự do, được người miền Nam đón nhận và nuôi dưỡng, chúng vô tội.”

Tôi vừa bấm chữ “Send” gửi email đi, thì một phút sau, Tường gửi ngay vài chữ: “Tôi sẽ trả lời bà sau khi ăn cơm xong,  bà chờ tôi, đừng tắt máy!”

Tôi hiểu tình hình bắt đầu gay cấn. Lợi dụng thời gian… đình chiến, tôi cũng ăn cơm, pha thêm ly café và 1 ly nước tắc muối… phòng cho kho dự trữ lương thực.

Thư của Tường hiện ra trong thùng thư inbox: “Đúng! hồi đó còn trẻ, không suy nghĩ chín chắn sâu xa, nên tôi có hát nhạc Trịnh Công Sơn. Bây giờ trưởng thành, hiểu tại sao bị mất nước, thì cũng phải biết lọc lựa những gì đúng, những gì sai chứ, chẳng lẽ hồi trước làm sai vì không hiểu, bây giờ đã hiểu mà vẫn tiếp tục làm sai hay sao?. Hơn nữa bà cũng nên nhớ, hồi đó ông ta chưa phản bội miền Nam, nên đa số nghĩ ông ta là người bất đắc chí, và có nhìn bi quan về chiến cuộc, nên mới viết mấy bài như… Mẹ ngồi ru con đong đưa sợi buồn, hay Người con gái Việt Nam da vàng, hoặc Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe v.v…Và dĩ nhiên, người bạn đáng quý trọng của bà là tôi không hề bị ru ngủ, vì tôi ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, nhưng lớp trẻ miền Nam không nhiều thì ít đã bị những loại nhạc yếm thế này làm thui chột ý chí đấu tranh, sợ chết, nên chạy chọt để khỏi đi lính, đại loại như Trịnh Công Sơn.

Tôi biết, với bà những đứa con tinh thần của họ Trịnh được người miền Nam đón nhận, cho nên chúng vô can trong sự phản bội của ông tía nó. Tôi chỉ muốn bà hiểu là: chúng ta thường dùng những từ ngữ bóng bẩy cho những gì mình yêu thích và cho là có giá trị, ví dụ những sản phẩm của trí tuệ như thơ, văn, nhạc… thì gọi là những đứa con tinh thần của các văn nghệ sĩ. Nhưng cũng đừng quên, những đứa con tinh thần này cũng là phương tiện để chuyển tải những thông điệp của các bố. Ở đây, Trịnh Công Sơn chuyển những tư tưởng chủ bại vào đám con tinh thần của ông ta, và ông ta đã thành công. Mong bà hiểu và nhớ điều quan trọng này”

Đọc email của Tường, tôi uống một hơi hết ly café đắng ngắt, để tỉnh táo, tôi viết:

“Tôi đã đọc thư của ông hai lần và nhìn thấy ông rõ hơn. Ông vẫn không thay đổi, vẫn thích nói phóng nói tướng những điều ông không biết rõ. Kết quả là ông đã cho Trịnh Công Sơn một chỗ đứng quá lớn trong niềm tin vào chính nghĩa của người dân miền Nam. Ông in chang ngày xưa, khi lên đại học, ông vẫn mặc chiếc áo chemise trắng đồng phục có huy hiệu của trường trung học Võ Trường Toản! Ông đừng nổi cáu. Có mấy điều tôi muốn phân tích với ông, và hy vọng đây là lần cuối chúng ta thảo luận vụ này:

1. Về con người Trịnh Công Sơn, tôi không chấp nhận thái độ đi hàng hai của ông ta. Sống ở miền Nam, hưởng tự do của miền Nam, nhưng lại trốn tránh nghĩa vụ khi miền Nam bị cộng sản miền Bắc xâm lấn. Sau khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm,  Trịnh Công Sơn ôm đàn hát Nối Vòng Tay Lớn trên đài phát thanh Sàigòn. Khó có người miền Nam yêu nước nào, có thể tha thứ  hành động  này của ông ta. Một số người cho rằng Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ, ông ta làm nghệ thuật, không làm chính trị. Đúng thế, người nghệ sĩ không làm chính trị nhưng cần có một thái độ chính trị. Một nghệ sĩ chân chính phải có một thái độ chính trị rõ ràng. Thái độ chính trị mập mờ, không dứt khoát là điều tệ hại cho nhân cách của Trịnh Công Sơn.

2. Về những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, nếu ông ta ở miền Bắc thì chắc chắn không thể nào có những Ướt Mi, Diễm Xưa, Môi Hồng, Gọi Nắng, Cái Bụi, Tình Xa, Còn Tuổi Nào Cho Em, Nghe Những Tàn Phai, v.v… và càng không thể nào có những ca khúc gọi là ru ngủ, chống chiến tranh, như Ca Dao Mẹ, Người Già Và Em Bé, Gia Tài Của Mẹ, Hát Cho Người Nằm Xuống, Hát Trên Những Xác Người, v.v…Vì chính cộng sản Bắc Việt là kẻ gây chiến, và nhân dân miền Nam phải tự vệ.

Tài năng của Trịnh Công Sơn được phát triển ở miền Nam Tự Do đã đóng góp một phần không nhỏ vào gia tài văn học miền Nam. Chính những ca khúc ru ngủ, phản chiến của Trịnh Công Sơn đã khiến 21 năm Tự Do ngắn ngủi của miền Nam Việt Nam thêm lung linh quý giá.

3. Bây giờ đến việc hát nhạc Trịnh Công Sơn. Trong chiến tranh, với thách thức về ý thức hệ, những ca khúc của Trịnh Công Sơn ra đời, người miền Nam vừa hát nhạc tình vừa hát nhạc phản chiến. Vậy tại sao ngày nay, cộng sản Việt Nam không dám cho hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, chúng ta cũng lên án loại nhạc này? Cộng sản muốn loại bỏ những chứng tích lịch sử được Trịnh Công Sơn vô tình ghi lại. Cộng sản muốn làm mỏng đi càng nhiều càng tốt, nền văn học của miền Nam. Liệu chúng ta có vô tình  đồng hành với cộng sản Việt Nam không, khi từ bỏ những ca khúc được viết về một giai đoạn lịch sử. Cái thời mà… Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng.Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa. Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu… Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này. Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây. Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này. Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai? Cái thời mà… Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành. Từng vùng thịt xương có mẹ có em… mà kẻ gây ra những thảm cảnh này chính là cộng sản Việt Nam?

Chúng ta đã không quan tâm đến Lưu Hữu Phước, tác giả bản nhạc Tiếng Gọi Thanh Niên, mà miền Nam tự do chọn làm Quốc Ca. Bởi vì lòng nhiệt thành của thanh niên Lưu Hữu Phước đã được gửi trọn vào nhạc phẩm Tiếng Gọi Thanh Niên. Sau bản nhạc này, Lưu Hữu Phước chẳng còn gì. Tiếng Gọi Thanh Niên đã trở thành gia tài của miền Nam

Đối với Trịnh Công Sơn cũng vậy, những tình tự lứa đôi, những trăn trở về thân phận, về cuộc chiến, ông ta đã gửi trọn vào những tác phẩm được xuất bản ở miền Nam trước năm 75. Kể từ ngày 30 tháng tư năm 75, Trịnh Công Sơn chẳng còn gì. Những ca khúc có giá trị văn học và lịch sử của Trịnh Công Sơn đã thuộc về miền Nam, và chúng đáng được mọi người trân quý.”

Bức thư dài của tôi được gửi đi, hai hôm sau, tôi nhận được thư của Tường: “Những gì bà viết, tôi đọc và không trả lời, không có nghĩa là tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi cần thời gian xem lại từng bài hát của họ Trịnh, xem có thực là chúng có giá trị văn học và lịch sử như bà viết không, nhưng tôi đồng ý những ca khúc phản chiến của họ Trịnh đã làm sáng thêm nền dân chủ tự do của miền Nam. Tôi gửi tặng bà một bản nhạc tôi vừa hát, thu qua dạng mp3, bà mở ra nghe thử. Tháng tới, tôi có việc đến Cali, sẽ ghé thăm bà. Hẹn gặp.

PDH – 04/13