Chỉ đến khi ngồi trên chuyến bay từ San Francisco đi Seoul tôi mới trút đi phân nửa gánh nặng trong lòng. Phân nửa còn lại là do chưa hình dung thủ tục hải quan Hàn quốc ra sao, có mất nhiều thì giờ không. Chuyến bay đáp xuống phi trường vào lúc 8 giờ tối nhưng đó không phải điểm đến cuối cùng. Tôi mở ba lô, lấy ra tờ giấy in đọc lại lần nữa cho nhớ. “Ra khỏi phi trường, quẹo phải đến trạm xe buýt, đón xe đi thành phố Daejeon. Từ trạm xe buýt đến đấy mất khoảng ba tiếng. Xuống trạm, ghé vào bên trong gọi điện thoại số XXX sẽ có người ra đón”. Như vậy, nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, phải hơn 11 giờ đêm mới gặp được người của Trung tâm ngoại ngữ Apollo nơi tôi sẽ bắt đầu làm cô giáo dạy tiếng Anh cho đám học sinh nhỏ của xứ kim chi. Chợt nhớ tới hai cái va li to đùng nặng trĩu mà tôi phải chật vật xoay xở ở phi trường San Francisco chuyển đi Seoul, cảm thấy ngao ngán. “Không biết mình làm cách nào để tha hai cái va li ra trạm xe buýt”, tôi thầm nghĩ và trách mình đã không nghe lời Ba, là đừng đem theo những thứ mà có thể mua sắm tại nơi mình đến.
Tiếng rít của động cơ máy bay lăn bánh trên đường băng một hồi rồi nhấc bổng. Máy bay chao nghiêng. Ngồi bên cửa sổ, tôi nhìn xuống những mái nhà xám đỏ, những con đường xa lộ thu nhỏ dần, rồi đột nhiên trước mắt một màu xanh ngọc mịn màng hiện ra như một tấm màn nhung mênh mông lay động dưới chân. Tôi nhắm mắt thu vào bộ não hình ảnh đẹp đẽ tiễn biệt lần cuối bên bờ biển nước Mỹ, bởi phía chân trời bên kia dẫn tôi đến một xứ sở hoàn toàn xa lạ về văn hóa và ngôn ngữ và có thể là cách sống nữa. Tôi sẽ ở đó một năm.
Trở thành cô giáo với tôi không phải là mục đích kiếm sống, nói đúng ra là một kế hoạch ấp ủ từ lâu khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có cơ hội tôi sẽ thực hiện một chuyến đi châu Á và châu Âu, thậm chí tất cả các châu lục trên trái đất nhỏ bé này. Nói nghe có vẻ chảnh với một con nhỏ tiền thì hạn hẹp nhưng mộng tưởng lại bao la. Nước Mỹ tôi đã từng đi dọc ngang, nam bắc đông tây nhiều hơn Ba tôi tưởng. Ba nói đi đó đi đây để học hỏi, biết nhiều điều hơn. Nhưng tôi không nghĩ nhiều đến vậy. Đơn giản đi cho thỏa chí vì còn sức trẻ, còn mong muốn thực hiện điều mình muốn. Sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi cùng người bạn thực hiện chuyến đi dọc theo dòng sông Mississippi lên tận Minnesota, rẽ sang tây chạy đến điểm cùng cực Tây Bắc Seattle. Từ đó lại đi tiếp qua Vancouver bằng chiếc xe cà tàng tôi mua năm trăm bạc trong năm học cuối. Chúng tôi chuẩn bị đồ ăn nước uống cho một tuần để tiết kiệm tối đa mọi chi phí ngoại trừ đổ xăng và phòng trọ giá rẻ nhất. Tôi muốn thử sức mình tự xoay xở để tích lũy kinh nghiệm trên những chặng đường xa. Đến khi về được nhà qua gần sáu ngàn dặm đường, mới nhận thấy mình chẳng học hỏi được một tí kinh nghiệm nào hơn là sự may mắn dành cho chuyến đi. Tôi ngộ ra câu nói của ai đó: “Kinh nghiện làm ta khôn hơn, nhưng chưa chắc đã làm ta bớt ngu”. Và tôi đã bị Ba lên lớp cho một trận ra trò.
Năm qua, tôi đã mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm một công việc đúng theo nguyện vọng nhưng bặt vô âm tín. Nhiều bạn bè an ủi, đổ thừa cho kinh tế khủng hoảng đang còn vật vạ nước Mỹ. Gần năm mươi phần trăm sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Ba bảo tại tôi không nộp đơn nhiều nơi. “Người ta nộp cả trăm đơn xin việc còn chẳng ăn nhằm, huống chi con chỉ mới gởi đơn đi chưa đầy một chục nơi”. Điều này Ba nói đúng. Có lẽ do tôi thiếu kiên nhẫn. Mấy đơn xin việc gởi đến các văn phòng chính phủ đều không có hồi âm làm tôi nản chí không muốn phí thời gian nữa. Công việc nào cũng đòi hỏi ba năm kinh nghiệm. Nói bằng thừa. Không cho người ta việc làm sao có kinh nghiệm! Làm công việc kinh doanh tính toán nhức đầu. Thế nhưng buồn cười thay, tôi lại xin làm một chân bán hàng trong một cửa hiệu thời trang vào cuối tuần để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân. Những công việc người ta không thích thú thường dễ làm nản lòng và “vừa làm vừa khóc” theo cách nói của Ba tôi. Nhưng miệng tôi luôn phải nở nụ cười dù khách hàng có đến chục lần thay đổi ý định. Dù không thích tôi vẫn cố gắng làm tốt phần việc của mình cho đến ngày mai tôi sẽ phải xin nghỉ.
Tôi quyết định nghỉ việc bán hàng khi sẵn sàng cho công việc mới. Cú điện thoại phỏng vấn từ Hàn quốc làm tôi vui mừng còn Ba Me nhăn mặt nhíu mày, lo lắng liệu đứa con gái như tôi có đủ kinh nghiệm, tự sống một mình nơi xứ xa. Ba Me lúc nào cũng cho tôi còn nhỏ dại lắm. Vậy mà miệng cứ luôn nói: “Lớn rồi tự biết lo cái thân”. Hơn nữa Ba biết công việc dạy học không dễ dàng gì vì chính bản thân tôi từng nói không thích nghề đi dạy. Sở dĩ tôi nộp đơn xin dạy tiếng Anh ở Hàn quốc nguyên do có bốn tháng thâm niên làm “cô giáo nhỏ” phụ dạy phát âm cùng cô giáo bản xứ ở một Trung tâm ngoại ngữ cho sinh viên tại Sài Gòn trong nửa năm cuối trung học do tôi hoàn tất điểm ra trường sớm hơn. Thời gian này ở Mỹ không biết làm gì nên tôi bay đi Sài Gòn. Trong túi chẳng có bao tiền cho những cuộc đi chơi đây đó nên Ba đề nghị đi dạy cho vui và “biết đâu con sẽ thích”. Tôi biết Ba muốn dẫn tôi vào nghề giáo nhưng không nhất thiết phải bắt tôi chọn nghề này vì tôn trọng ước mơ riêng của tôi. Sự thông cảm Ba Me dành cho tôi là tự do quyết định tương lai mình theo mong muốn. Mỗi ngành nghề đều có mối quan hệ gần gũi, tương thích lẫn nhau cứ như nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha bác sĩ thì đám con trong nhà hẳn có đứa làm bác sĩ; Mẹ dạy học thế nào cũng có người con theo nghề sư phạm. “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Có thể bắt nguồn từ quan niệm này. Quan niệm truyền thống gia đình Á Đông cắm sâu vào tư tưởng và cái ý thức bao bọc khiến cha mẹ luôn lúc nào cũng muốn áp đặt số phận tương lai của con cái mình đi theo một con đường đã vạch sẵn. Ba tôi cũng vậy, xuất thân từ nghề giáo, bà con chú, bác, cô, dì cũng theo nghề này. Có lẽ do nghề sư phạm an nhàn mà nhiều lần Ba khuyên tôi nên chọn nghề dạy học hơn là trở thành một “nhà ngoại giao” vất vả trăm bề. Hơn nữa mình chẳng có một mối quan hệ nào, rất khó tiếp cận.
Mối quan hệ truyền thống nghề nghiệp hình như không chỉ có ở các nước châu Á, cả ngay như nước Mỹ cũng thế thôi. Ông Bush cha sinh ra ông Bush con, rồi bây giờ cháu ông, George Prescott Bush đang tham gia chính trường và đảng Cộng Hòa hy vọng đây có thể sẽ là vị tổng thống dòng họ Bush đời thứ ba trong tương lai. Ngay như nếu ông Clinton không làm tổng thống thì việc trở thành Bộ trưởng ngoại giao có đến với bà Hillary Clinton? Nhà ngoại giao tôi ái mộ nhất là bà “Condi” Rice. Hình như… lại hình như mối quan hệ tương thích “màu da” làm tôi cảm giác gần gũi nên thấy “người sang bắt quàng làm họ”. Tiểu sử bà thuở nhỏ không có gì đặc biệt, kể cả mối quan hệ chính trường cũng không nốt. Nhưng thời cơ chính trị trong một giai đoạn lịch sử xã hội đã cho bà cơ hội tiến thân trên con đường sự nghiệp ngoại giao. Tôi nào dám mơ thành nhà ngoại giao, được làm nhân viên bưng trà đá của Bộ Ngoại giao hay Lãnh sự quán nước nào đó cũng là tốt lắm rồi. Tôi nhớ đọc đâu đó: “Đời là một giấc mơ. Hãy thực hiện! Đừng làm người ngủ mơ!”. Hôm tình cờ nghe Ba nói chuyện “tào lao” với mấy người bạn, đại thể: Cứ mơ đi! Mơ làm bác sĩ hay kỹ sư, chí ít thành cô y tá hay anh thợ cơ khí cũng xem như thành công một nửa.
Một nửa thành công không may mắn mỉm cười với tôi suốt một năm trời. Ngay cả khi làm giấy chứng thực bằng cấp, giấy lý lịch tư pháp của FBI và Bộ Ngoại giao liên bang cũng phải nhờ vả đến mối quan hệ của ông R Dân biểu quốc hội trong thời gian làm thực tập sinh tại văn phòng của ông ở Dallas. Hồ sơ gởi đi cả tháng trời qua nhiều cấp từ địa phương đến trung ương mà không thấy trả lời. Gọi điện mấy lần họ bảo đang xem và sẽ gởi trả nay mai, trong khi bên Hàn quốc lại hối thúc nhanh chóng có đủ hồ sơ nộp cho Bộ Lao Động và Lãnh Sự để cấp visa cũng như theo hợp đồng tôi phải có mặt tại Daejeon đúng ngày vì vé máy bay đã gởi qua email rồi. Lá thư can thiệp của ông dân biểu quả đủ sức mạnh để giúp có được những thứ giấy tờ cần thiết sau đó vài ngày. Dẫu mọi thủ tục giấy tờ tuy muộn màng nhưng vào những ngày cuối mới thực sự là cuộc chạy đua nước rút.
Tôi phải lấy tín chỉ sư phạm dạy ngoại ngữ trên mạng ngay trong một tuần bổ sung hồ sơ. Ngày đêm dán mắt vào màn hình. Lấy kiểm tra. May quá điểm tốt. Sáng mai 8 giờ ra phi trường mà Lãnh sự quán Hàn quốc tại Houston chưa thấy gọi để mang sổ thông hành xuống dán vào. 10 giờ nhận cú điện thoại của nhân viên lãnh sự bảo đúng 3 giờ chiều có mặt nhận visa. Hai cha con tức tốc lên chiếc xe cà tàng phóng đi Houston bỏ cả ăn trưa và không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra khi xe nằm đường. 2:30 có mặt. Chờ đúng 3 giờ nghe gọi tên, nộp passport và hình. 4 giờ rời khỏi thành phố Houston không gặp kẹt xe, lòng bỗng dưng phơi phới. 5 giờ hai cha con mới dám ghé quán kiếm gì lót bụng. Mưa từ đâu ập đến. Bất chấp. Lao xe về đến nhà 10 giờ tối. Tôi chỉ kịp dồn đống quần áo, giày dép vào vali và suốt đêm không sao chợp mắt được cho đến bây giờ khi tiếng cơ trưởng chuyến bay Korean Airline thông báo máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường quốc tế Incheon.
Tôi nhìn ra cửa sổ bằng đôi mắt buồn ngủ, mọi thứ xa lạ quá chừng.
Phi trường quốc tế Incheon
NL