Về kỳ thi 2004
Cuộc thi nghiên cứu sinh viên thường niên lần thứ 18 của hệ thống CSU đã diễn ra tại khuôn viên trường CSU Northridge từ ngày 30 Tháng Tư đến mồng 1 Tháng Năm, năm 2004.
Sinh viên cử nhân và cao học thuộc 23 trường CSU từ khắp tiểu bang California đã tề tựu về để cùng tranh tài cao thấp. Hiện nay, hệ thống CSU có sĩ số khoảng nửa triệu sinh viên với hơn 1,800 chương trình cử nhân và cao học khác nhau. Những con số này cho thấy sự đa dạng của sinh viên hệ thống CSU, và các đề tài được thí sinh đề ra trong cuộc thi.
Các phần trình bày của thí sinh trong cuộc thi năm 2004 diễn ra vào ngày Thứ Sáu và sáng Thứ Bảy. Vào buổi chiều Thứ Sáu, các thí sinh, giáo sư hướng dẫn, cùng với gia đình được mời dự một buổi tiệc khoản đãi long trọng tại khuôn viên Đại học Northridge.
Trưa Thứ Bảy, các giáo sư, ban giám khảo, và các thí sinh cùng dự bữa cơm trưa thịnh soạn trong bầu không khí thật thân thiện và vui tươi. Tuy nhiên, khung cảnh thơ mộng và thoáng đãng của Orange Grove tại University Club cũng không làm mọi người tạm quên cuộc thi được. Không nhiều thì ít, các thí sinh và quý vị giáo sư đỡ đầu cũng hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc thi.

Tác giả (bìa phải) và gia đình dự tiệc khoản đãi trước ngày thi
Sau khi ban tiếp tân đã dọn món tráng miệng, thì danh sách các quán quân được công bố (bên cạnh các giải khuyến khích) cho mỗi cấp bậc và ngành. Người điều khiển chương trình xướng tên trường trước, rồi tên của quán quân. Chẳng hạn, “Đến từ Los Angeles, là quán quân XYZ cho bậc cao học, ngành nhân văn và xã hội học!”
Quá trình ghi danh dự thi
Tất cả các thí sinh đều phải là sinh viên đang theo học một trong các trường thuộc hệ thống CSU. Trước hết, mỗi thí sinh phải dự qua vòng trường, và nếu được thắng giải ở vòng này, sẽ được đề cử để dự thi vòng tiểu bang. Khi tôi đoạt giải vòng trường tại CSU Fullerton, tôi đã được nhận một số tiền thưởng tượng trưng là $250 trong buổi lễ trao giải tại trường.
Rất mong những trình bày chi tiết trong bài viết này sẽ tạo hứng cho nhiều bạn sinh viên tham gia tranh tài nghiên cứu ngay tại các đại học mà các bạn đang theo học. Quý phụ huynh cũng có thể khuyến khích con em tham dự vào sinh hoạt rất bổ ích này. Đây là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi này, và tự tìm tòi lấy mọi việc, nên có nhiều ngỡ ngàng. Hy vọng các bạn sinh viên khác có một khái niệm rõ ràng hơn sau khi đọc bài viết này và mạnh dạn tham gia dự thi.
Tuy mỗi thí sinh tham dự đều mong mình đoạt giải, tôi cho rằng việc thắng thua là thứ yếu. Một cuộc thi có tầm vóc tiểu bang như thế này là một kinh nghiệm quý giá trong đời sinh viên. Nó cho mỗi thí sinh một cơ hội để thử thách chính mình và tự thúc đẩy công việc nghiên cứu của mình. Hơn nữa, việc chuẩn bị cho kỳ thi là một quá trình tự kỷ và tự rèn luyện cần thiết cho những ai muốn thăng tiến trong học vấn.
Nếu đoạt giải, quán quân năm 2004 còn nhận được số tiền thưởng là $400. Tôi đã dùng tiền thưởng của mình để trang trải những chi phí trong việc chuẩn bị cho chuyến đi nghiên cứu ở Châu Âu do chương trình Fulbright bảo trợ. Việc chuẩn bị rất tốn kém, từ những lần kiểm tra sức khỏe toàn diện, đến việc xin visa, chuẩn bị dụng cụ nghiên cứu, và đồ dùng cá nhân. Hơn nữa, hệ thống điện và các sinh hoạt hằng ngày ở Châu Âu khác với ở Hoa Kỳ, nên cần chuẩn bị từ chấu điện cho đến máy biến thế, rất vất vả.
Mẹ tôi có hơi mủi lòng khi không thấy con gái ‘khao’ cả nhà sau khi đoạt giải. Nhưng tôi có dụng ý riêng của mình. Tôi đợi sau một năm nghiên cứu ở Thụy Điển, đã đón Ba Mẹ sang Âu du để làm quà. Lúc đó, Mẹ tôi nằng nặc đòi ăn cơm Việt Nam, vì đi máy bay được phục vụ thức ăn Tây, không hợp khẩu vị. Đằng nào tôi cũng phải ‘khao’ rồi, không khao ở Quận Cam thì ‘khao’ ở Stockholm vậy!
Phần trình bày “Quận Cam, Sử Vàng”
Trở lại với cuộc thi nghiên cứu dành cho sinh viên CSU, mỗi thí sinh trình bày bài nghiên cứu của mình; sau đó là phần hỏi đáp. Trong phần trình bày của mình, tôi đã chiếu hình và thuyết trình về kinh nghiệm lịch sử của người Việt tại Quận Cam nói chung, với những chứng từ trích từ các cuộc phỏng vấn trong Dự Án Việt Mỹ VAP. Tựa đề đầy đủ cho bài thuyết trình của tôi là, “Quận Cam, Sử Vàng: Gặp gỡ thân mật với đời sống của người Việt tại Quận Cam” (Orange County, Yellow History©: An Intimate Encounter with Vietnamese American Lives).
Tôi nhấn mạnh rằng, tuy người Việt tỵ nạn chỉ đặt chân đến Hoa Kỳ từ năm 1975, nhưng kinh nghiệm của chúng ta là một phần rất quan trọng trong lịch sử Mỹ, vì nó gắn liền với và là hệ quả của cuộc chiến Việt Nam – vốn là một giai đoạn lịch sử cam go trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ. Và vì giai đoạn lịch sử này vẫn còn chưa được ghi lại đầy đủ, và chưa được phân tích đến nơi đến chốn, nên Dự Án VAP sẽ góp phần đưa kinh nghiệm con người vào trong một giai đoạn lịch sử khói lửa.
Mỗi bài thi, cả bài viết lẫn bài nói, đều được chấm điểm theo tiêu chuẩn sau đây:
– Luận đề rõ ràng……………………………….15%
– Phương pháp luận thích hợp…………………15%
– Cách phân tích kết quả………………………15%
– Giá trị của đề tài hay sự sáng tạo………….15%
– Khả năng diễn đạt dự án nghiên cứu hay công việc sáng tạo……………………………….15%
– Cách sắp xếp tài liệu được trình bày………15%
– Khả năng trả lời các câu hỏi do ban giám khảo và cử tọa đặt ra……………………………10%

Front cover of the 2004 CSU-System Research competition- Personal archive
Hỏi đáp với Ban Giám Khảo
Sau đây là một vài câu hỏi chính mà Ban Giám Khảo đặt ra cho bài dự thi, “Quận Cam, Sử Vàng” tại cuộc thi nghiên cứu toàn tiểu bang, tổ chức tại CSU Northridge, 2004.
Câu hỏi thứ nhất: Qua các dự án nghiên cứu của cô, nhất là Dự Án Việt Mỹ, xin cô cho biết kinh nghiệm của bản thân cô có ảnh hưởng đến các câu hỏi cô đưa ra không, và nếu có, thì ảnh hưởng như thế nào?
Trangđài: Tôi vốn sinh ra sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, nên có nhiều điều tôi không biết về thời gian trước đó, như lịch sử Pháp thuộc, hiệp định Geneve, biến cố Saigon thất thủ, vân vân. Tuy nhiên, khi tôi lớn lên trong sự câm lặng của miền Nam Việt Nam hậu 1975, những khoảng không của tuổi thơ đã cho tôi được tự do đặt câu hỏi trong đầu mình.
Tại sao Ba ‘đi cải tạo’? Tại sao Mẹ bị cho nghỉ dạy để đi làm ruộng? Tại sao người lớn có vẻ bí mật khi nói với nhau những chuyện ‘trước 75’? Tại sao công an xã cứ ngày này sang ngày khác ập vào nhà, xét trước xét sau? Tại sao trưởng khóm cứ đến bắt Mẹ tôi đóng đủ thứ tiền, trong khi chúng tôi không có tiền để mua gạo? Tại sao nhà tôi vách đổ mái nghiêng, mà lại có những dư vật sang trọng, như chiếc áo dài gấm của Mẹ, cái điện thoại chết câm, cái ví có đính cườm long lanh, cái hạt ngọc xanh mà Mẹ nói là từ cái nhẫn Ba ra trường Võ Bị Đà Lạt? Võ Bị Đà Lạt là trường gì?
Và còn rất nhiều những câu hỏi khác đã triền miên chiếm lấy tâm tư tôi trong suốt 19 năm tôi sống tại quê nhà. Những bất công trong xã hội, những sự vô lý ở học đường, những người nông dân còng lưng làm việc cho hợp tác xã mà phải đói mốc đói meo. Tất cả những câu hỏi đó đi vào tâm thức của tôi, và được tự do chạy nhảy khi tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn cho Dự Án Việt Mỹ. Tuy tôi không được biết về lịch sử Việt Nam cận đại, nhưng tôi có rất nhiều câu hỏi cho những vị tôi đã phỏng vấn. Và từ những suy tư và kinh nghiệm sống của mình, tôi đã có thể khơi mạch, để người kể ôn lại chính lịch sử cá nhân của họ, và trình bày nhiều phương diện khác nhau của xã hội lúc đó.
Dĩ nhiên, có những lần lái xe về nhà lúc 12 giờ đêm sau mấy tiếng đồng hồ phỏng vấn, tôi tức sao mình không hỏi về điều này hay điều khác. Nhưng tôi cho rằng đó là tiến trình tất yếu của việc nghiên cứu: tiếp tục đặt câu hỏi, nghiền ngẫm những dữ liệu mình tìm được, và luôn luôn biết rằng mỗi đề tài là một đại dương vô tận. Cho nên, tuy tôi không trải qua những kinh nghiệm mà thế hệ trước tôi đã đi qua, nhưng chính kinh nghiệm của tôi lại giúp cho tôi đặt vấn đề và vén lên những bức màn bưng bít mà chính quyền trong nước buông xuống trên cả nước Việt Nam từ thời ấy.