Trong tương lai, năng lượng lấy từ gió, mặt trời, hay các nguồn thiên nhiên khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho con người. Điều này thúc đẩy người ta nghiên cứu biện pháp tích trữ chúng một cách hiệu quả nhất. Trong số các kỹ thuật hiện dùng, lưu trữ bằng pin có giá thành quá cao mà sức chứa lại giới hạn, chứa bằng kỹ thuật nén đòi hỏi địa điểm phải lớn, chứa dưới dạng nhiệt cũng quá đắt và khó khăn. Ông Bill Gray, một nhà sáng chế đã tìm ra cách trữ năng lượng hiệu quả mà rẻ tiền dựa trên kết quả nghiên cứu của giáo sư John Vance của trường Texas A&M. Phương thức này được gọi là flywheel, trong đó một khối quay (rotor) hấp thu năng lượng và tăng lên tốc độ rất cao khi quay chung quanh một trục, và giữ năng lượng này dưới dạng quay. Khi năng lượng được lấy ra khỏi hệ thống, tốc độ quay của flywheel sẽ từ từ chậm lại theo nguyên tắc bảo toàn năng lượng.. Hệ thống này được đặt tên là Velkess (Very Large Kinetic Energy Storage System). Hiện hệ thống còn đang được cải tiến thêm như sử dụng bạc đạn quay loại từ tính, hay dùng các loại dây cáp quang để lắp hệ thống này. Mặc dầu còn đang trong giai đoạn thí nghiệm, hình thức này sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian sắp tới
Kính thiên văn lớn nhất thế giới
Chính quyền Hawaii đã chấp thuận cấp đất và giấy phép hoạt động cho kính thiên văn lớn nhất thế giới. Kính này có tên là Thirty Meter Telescope (TMT), được đặt trên cao nguyên Mauna Kea của Hawaii. Kính thiên văn này thuộc thế hệ mới nhất, sử dụng một mặt kính rộng 30 mét để có thể bắt được ánh sáng nằm trong một quang phổ rộng có mức sóng từ khoảng thấp của vùng tử-ngoại-tuyến tới mức trung bình của hồng-ngoại-tuyến và với độ rõ chưa từng có trước đây. Hiện người ta còn đang khảo sát xem trung tâm đặt kính này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với khu vực và vấn đề ảnh hưởng của núi lửa tại đây. Tấm kính lớn nói trên sẽ nhận ánh sáng, phải chiếu vào một kính thứ hai để tập trung lại, và sau đó phản chiếu vào một mặt kính phản chiếu thứ ba trước khi đi vào ống để nhìn, camera hoặc một dụng cụ quang học khác. Tấm kính lớn được ghép bằng 492 mảnh kính nhỏ hình bát giác, vì vậy sẽ dễ dàng cho việc lắp ráp ban đầu, và nếu có bị hư cũng dễ thay thế. Tấm kính thứ nhì có đường kính rộng 3.1 mét, lớn bằng kính chính của các viễn kính trước đây. Ngoài ra, còn có ba hệ thống xử lý sẽ phối hợp để làm hình ảnh rõ hơn, loại trừ bớt ảnh hưởng do khí quyển gây ra. Theo dự trù ban đầu, chi phí cho kính này khoảng 1 tỉ đô la.