Sau ngày 30-4-1975, trong cuộc ly hương chưa từng thấy, người Việt đã được nhiều bàn tay nghĩa hiệp trợ giúp. Từ Tháng 8-1979, cách 3 ngày có một chuyến Boeing 707 rời căn cứ Trenton của Không Lực Canada, chở 8 tấn thực phẩm và thuốc men sang Hong Kong. Từ đó, chúng được chuyển đến các trại tị nạn ở Malaysia. Chiếc chuyên cơ này chỉ hạ cánh không đầy 2 tiếng, vừa đủ thời gian đón thêm hằng trăm thuyền nhân Việt tị nạn, rồi đáo hồi Canada.
Thuyền nhân Việt tại trại tị nạn Pulau Bidong, Malaysia năm 1979. Ảnh tropix-blue.blogspot.com
Giáo Hội Công Giáo La Mã (Roman Catholic) cũng giúp tái định cư một lượng lớn thuyền nhân thông qua các Giáo Phận, dòng tu, tổ chức thiện nguyện. Một trong những nỗ lực đáng kể là Văn Phòng Tị Nạn Việt Nam của Caritas Italiana, một hội thiện nguyện lớn, bấy giờ đặt dưới quyền điều hành của Đức Ông Trần Văn Hoài.
Và trường hợp Do Thái (Israel) cũng không kém phần cảm kích. Tháng Sáu 1977, một tàu hàng nước này, trên đường đến Nhật Bổn (Japan), đã vớt 66 thuyền nhân đang lâm cảnh tuyệt vọng giữa biển. Họ hết nước, thức ăn, và nước biển bắt đầu thấm vô ghe. Viên thuyền trưởng Do Thái lập tức chuyển toàn bộ số thuyền nhân lên tàu, đưa họ về thẳng Do Thái. Vừa mới nhậm chức, tân Thủ Tướng Menachem Begin liền ban bố cho nhóm thuyền nhân Việt đặc ân quyền công dân Do Thái. ThT Begin đã so sánh cuộc đào thoát của thuyền nhân Việt với tình cảnh của dân tị nạn Do Thái thời Đệ Nhị Thế Chiến. Sau tiền lệ này, từ 1977 đến 1979, Do Thái đón trên 300 thuyền nhân Việt. Nhiều người trong số này đến nay đã tạo lập cơ nghiệp vững vàng nơi đất Do Thái xa xôi.
Tuy nhiên, trợ giúp lớn nhất chính từ Hoa Kỳ. Ngay trước thời điểm 30-4-1975, sau khi Thượng Viện bỏ phiếu chấp thuận, Tổng Thống Gerald Ford đã ký sắc lịnh di dân Đông Dương đặc biệt mang tên “Indochina Migration and Refugee Act of 1975”. Đạo luật này ân xá 150,000 dân chúng Đông Dương, bao gồm ít nhất 50,000 người Việt thuộc diện “rủi ro cao”, được chánh phủ HK giúp di tản. Tính chung, đạo luật đặc xá 1975 của HK đã bảo đảm mở cửa tiếp nhận 130,000 người Việt ra đi vào giờ phút chung cuộc của Miền Nam Tự Do.
Bìa tạp chí Time nhân sự kiện quốc gia Việt Nam Cộng Hoà đổ vỡ.
Đây là làn sóng di tản thứ nhất, hằng chục ngàn người tự ra đi trên các tàu thuyền, phi cơ, được Hải Quân HK đưa sang đảo Guam, một lãnh thổ HK giữa Thái Bình Dương, rồi dần dần tái định cư tại HK. Đa số người Việt đợt này là giới học thức, công chức, các bậc chỉ huy cao cấp của Miền Nam, giới thượng lưu và trung lưu trong xã hội Miền Nam cũ. Đợt sóng người tị nạn thứ 2 thời 1980 gồm thuyền nhân liều mạng sống ra đi. Tính chung, Hoa Kỳ tiếp nhận khoảng 900,000 thuyền nhân những năm này. Đợt sóng di cư thứ ba thời 1990 và 2000, đa phần gồm các gia đình viên chức, sĩ quan VNCH từng kẹt lại VN thời hậu chiến trong các “trại cải tạo”, và những trẻ “Mỹ lai” (hay “Amerasian”).
Phó TT Hoa Kỳ Walter Mondale đăng đàn tại Hội nghị Geneva Tháng Bảy 1979, thúc đẩy giải pháp cứu trợ thuyền nhân Việt.
Phối hợp với chánh phủ HK, trong nỗ lực tái định cư người tị nạn Việt qua hơn 2 thập niên, còn có nhiều tổ chức ân nhân lớn, một số gồm: Bureau of Refugee Programs; Uỷ Ban Cứu Trợ Quốc Tế (International Rescue Committee); Dịch Vụ Tị Nạn & Di Cư thuộc Hội Thánh Tin Lành Lutheran (Lutheran Immigration & Refugee Service); Hội Đồng Giám Mục Công Giáo HK (U.S. Conference of Catholic Bishops), v.v… Những mạnh thường quân này đã giúp người Việt tị nạn mua vé phi cơ rời VN, tìm nơi ở, thực phẩm, quần áo, đưa đón, học Anh ngữ, tìm việc làm, v.v…
Ngay từ buổi đầu thuyền nhân Việt ra đi dữ dội, TT Hoa Kỳ Jimmy Carter lập tức ra lịnh cho Đệ Thất Hạm Đội cứu vớt người vượt biển trên Biển Đông. Nhiều thuyền nhân may mắn khi ra đến hải phận quốc tế đã gặp được các chiến hạm Hoa Kỳ, cách riêng là chiến hạm USS Whipple. TT Carter cũng gởi nhân vật số 2 của chánh phủ HK là Phó TT Walter Mondale sang Đông Nam Á, nhiều lần thị sát các trại tị nạn để tìm cách cải thiện hoàn cảnh người tị nạn. Chính TT Carter và Phó TT Mondale gióng lời kêu gọi mở Hội nghị quốc tế lần thứ nhất diễn ra tại Geneva, Thuỵ Sĩ (Swiss) vào Tháng Bảy 1979. Đây là nỗ lực tầm cỡ thế giới đầu tiên hướng đến giải quyết vấn đề người Việt tị nạn một cách nhân đạo, có hệ thống. Nhờ hội nghị này, các năm 1979 và 1980, số người Việt tị nạn được tái định cư tại các đệ tam quốc gia trên khắp thế giới tăng gấp đôi mỗi năm. Riêng Hoa Kỳ nhận người Việt tị nạn tăng từ 7,000 lên 14,000 mỗi tháng (khoảng 170,000 người mỗi năm).
Chiếc thuyền người Việt ra đi may mắn gặp một chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ.
Nhờ thúc giục của HK, Hội nghị Geneva 1979 cũng mở chương trình ra đi trong trật tự dành cho người Việt tị nạn mang tên Orderly Departure Program. ODP là một chương trình đặc biệt, đặt dưới sự bảo trợ của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR, có sự cộng tác của hơn 40 quốc gia. Từ năm 1979 đến 1994, ODP đã tái định cư hằng trăm ngàn di dân Việt trên khắp thế giới.
Riêng chương trình ODP của Hoa Kỳ, văn phòng chánh mở cửa tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 1-1980 (vì thời đó Hoa Kỳ chưa bang giao với Hà Nội). Chương trình ODP của Mỹ có 3 phần chánh yếu, mang tên “HO”, “U-11” và “V-11”. Chương trình “HO” dành cho cựu “tù cải tạo” và vợ/chồng của tù nhân thiệt mạng trong tù hoặc trong vòng 1 năm sau khi được thả. “U-11” dành cho cựu nhân viên do chánh phủ HK trực tiếp thuê mướn, thâm niên trên 5 năm. “V-11” dành cho cựu nhân viên của các công ty hãng xưởng tư nhân người Mỹ, thâm niên trên 5 năm. Những người hội đủ điều kiện đệ nộp hồ sơ, sau một thời gian chờ đợi, được gọi phỏng vấn, rồi sắp xếp đưa sang Mỹ định cư.
Mùa thu 1994, việc ghi danh cho ODP kết thúc. Năm 1999, văn phòng ODP ở Bangkok cũng đóng cửa. Những hồ sơ tồn đọng được chuyển về bộ phận tái định cư của Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Sau việc tái lập bang giao mùa hè 1995, Hoa Kỳ và Hà Nội đạt thoả thuận mới, chương trình ODP từ đó mang tên Chương trình Tái Định Cư Nhân Đạo (Humanitarian Resettlement Program- HRP). Chương trình HRP tiếp tục cứu xét những trường hợp có thể hội đủ 3 điều kiện dưới chương trình ODP cũ, để được tái định cư ở Mỹ. Tính chung, khoảng 500,000 người Việt nhập cảnh Hoa Kỳ nhờ chương trình ODP: gồm hơn 165,000 cựu tù “cải tạo” và gia đình; khoảng 46,000 cựu nhân viên từng cộng tác với người Mỹ. Thêm 90,000 trẻ Mỹ lai cùng gia đình được vào Mỹ qua một chương trình đặc biệt mang tên “Amerasian Homecoming Act” (năm 1987).
Tấm bảng tại một trung tâm chuyển tiếp Philippines với các con số thống kê về người tị nạn Đông Dương.
Theo thống kê dân số liên bang “Census 2010”, đã có gần 1,745,000 người Mỹ nhận nguồn gốc Việt hoặc lai Việt. Tính ra, dân số người Mỹ gốc Việt nhiều hàng thứ tư trong các sắc dân Á Đông, chỉ sau người Hoa (3.3 triệu), người Ấn (Indian, 2.8 triệu), và người Phi (Filipino, 2.5 triệu). Trong số này, trên 1.1 triệu người Mỹ gốc Việt sanh trưởng bên ngoài nước Mỹ, đa phần ở Việt Nam. Đây là những người mệnh danh là “thế hệ thứ nhất”. Như vậy, khoảng 600,000 người gốc Việt thuộc vào thế hệ “thứ hai” hoặc “thứ ba” – đều sanh trưởng và lớn lên tại Mỹ. Theo một thống kê khác, năm 2000, có 44% người gốc Việt thế hệ thứ nhất mau lẹ nhập quốc tịch HK – là tỉ lệ cao nhất trong các sắc dân Á Đông.
Buổi ban đầu 1975, người Việt bị phân tán rải rác các tiểu bang khắp Hoa Kỳ. Dần dần người ta tập trung lại, nhiều nhất dọn về hai tiểu bang California và Texas. Khoảng 40% người Việt sanh sống ở California, gần 15% cư ngụ ở Texas. Tính chung, khoảng 50% cư ngụ bên bờ Tây nước Mỹ, 30% ở phía Nam, 10% trụ lại vùng Trung Tây (Midwest), và 10% trên vùng Đông Bắc. Từ 2000 đến 2010, nhiều người dọn về miền Nam, cách riêng là Texas, khiến dân số người Việt ở vùng này tăng 35%. Các tiểu bang có người di dân gốc Việt đông nhất trong các sắc dân Á Đông bao gồm: Louisiana, Mississippi, Oklahoma, Kansas, và Nebraska.
Ở nhiều nơi, người Việt ly hương đã tạo dựng những cộng đồng tị nạn khá lớn. Los Angeles và vùng phụ cận có cộng đồng Việt lớn nhất, trên 270,000 người. San Jose và vùng phụ cận lớn thứ nhì với trên 125,000 người. Houston và vùng phụ cận lớn thứ ba với khoảng 105,000 người. Vùng Dallas-Fort Worth ở Bắc Texas xếp thứ tư với trên 70,000 người. Vùng Biệt Khu Thủ Đô “DC”, Maryland, Virginia đông người gốc Việt thứ năm, với gần 60,000 người.
Nhiều thành phố HK có tỉ lệ người gốc Việt rất cao. Westminster (tiểu bang California) có 40% người gốc Việt (hơn 36,000 người). Garden Grove (tiểu bang California) với 28% (hơn 47,000 người). Đây là các thành phố thuộc vùng mệnh danh là “Little Saigon” ở Miền Nam California. Trong khi đó, San Jose phía Bắc California, với dân số hơn 100,000 người gốc Việt là thành phố với dân số người gốc Việt đông đảo nhất ở Mỹ, và cả thế giới.
Người Mỹ gốc Việt cũng là một cộng đồng rất thành công. Thống kê năm 2003, thương mại của người Việt thuê mướn khoảng 97,000 nhân viên, với doanh số $9.3 tỉ. Sang năm 2007, người gốc Việt làm chủ vọt lên 230,000 cơ sở thương mại (15% tổng số cơ sở thương mại của toàn sắc dân Á Đông). Các thương mại của người gốc Việt tạo doanh số $29 tỉ, thuê mướn 166,000 nhân viên. Đa phần người Việt sở trường dịch vụ như nhà hàng, tiệm giặt, tiệm sửa xe, bán lẻ, v.v… Kỹ nghệ bán lẻ của người Việt đứng hàng #1 trong các sắc dân Á Đông.
Một cách đặc biệt, người gốc Việt có ảnh hưởng lớn với 2 ngành kỹ nghệ: chăm sóc móng tay chân (nail care), và đánh bắt hải sản. Các “nail salon” do người gốc Việt làm chủ ở HK ước lượng trị giá trên $6 tỉ. Số tiệm “nail” tăng gần 400% chỉ trong vòng thập niên qua. Người Việt giúp thay đổi diện mạo kỹ nghệ làm “nail”, với ảnh hưởng lớn hơn bất cứ sắc dân nào khác. Nhờ người Việt, dịch vụ làm móng tay chân, một thời chỉ dành cho giới trung-thượng lưu, ngày nay có giá cả phải chăng hơn, giúp mọi giới kể cả giới bình dân cũng có thể “enjoy”. Số thợ “nail” gốc người Việt chiếm gần 40% người có bằng hành nghề. Riêng tại tiểu bang California, con số này là 80%.
Trong ngành đánh bắt hải sản, ở nhiều nơi ngư phủ gốc Việt thu đạt chiếm 45% đến 80% doanh số chung. Đa phần hành nghề trong vùng Vịnh Mexico (Gulf of Mexico), với khoảng 5,000 ngư phủ gốc Việt.
Riêng về thu nhập, người gốc Việt ít nhận trợ cấp nhất trong các sắc dân Đông Nam Á (khoảng 10%). Khoảng 12% dân số gốc Việt còn sống dưới mức nghèo khổ (tỉ lệ nghèo khổ trung bình quốc gia là 10%). Mức nghèo khổ năm 2013 theo tiêu chuẩn liên bang là $11,490 cho cá nhân hoặc gia đình 1 người. Thu nhập gia đình người Việt trung bình mỗi năm khoảng $59,000, thấp hơn mức trung bình quốc gia $62,000. Tuy nhiên, tỉ lệ người Việt làm chủ nhà đến 65%, hầu như ngang bằng mức trung bình quốc gia. Thực tế này cho thấy người Việt giỏi tiết kiệm, mau chóng hội nhập, bắt rễ thành công vào đời sống Mỹ Quốc.
Một điểm chưa thật sự mạnh là mức học vấn và bằng cấp đỗ đạt, và đây cũng có thể là lý do các gia đình Việt chú trọng nhấn mạnh, ưu tiên đầu tư cho thế hệ kế tiếp. Học vấn người Việt xếp vào hàng thấp nhất trong các sắc dân Á Đông. Con số năm 2000: 18% người gốc Việt học lực lớp 9 hoặc thấp hơn; 20% trên lớp 9; 20% khác có bằng trung học; 8% có bằng cao đẳng 2 năm; 15% có bằng cử nhân 4 năm đại học; và 5% có bằng hậu đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, y sĩ, luật sư, v.v…)
Tuy nhiên, khi nhìn vào con số thống kê về giáo dục, cần thiết xét đến các khía cạnh xã hội. Một thí dụ là cộng đồng người Mỹ gốc Nam Hàn, có tỉ lệ học lực khá cao: 92% với bằng trung học và trên 50% có bằng đại học 4 năm. Song soi xét kỹ hơn, có trên 1/2 dân số người Nam Hàn di cư sang Mỹ theo diện làm việc, được công ty hãng xưởng Mỹ bảo trợ. Đa phần vốn dĩ là những chuyên viên học vấn lẫn tay nghề đều cao. Trong khi đó, đa phần người Việt gốc dân tị nạn, chẳng đặng đừng phải lìa xa quê hương xứ sở vì những biến động thời cuộc. Chỉ có 1% người Việt đến Mỹ theo diện đi làm.
Liên quan đến người gốc Việt, một điều đáng quan ngại là nhiều kho dữ liệu của Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Quốc đã quá hạn, để thông tin biến mất một cách đáng tiếc, bao gồm hồ sơ, báo chí, archive, web page, v.v… Hành trình người Việt ở Mỹ cần thiết được ghi lại, để giữ gìn di sản cho các thế hệ sau, và cho lịch sử. Điều này cần những nỗ lực truy tầm lớn, có hệ thống, với nhân lực hữu hiệu, và tài trợ dồi dào. Đây có thể là những thách đố không nhỏ.
Đại diện Tổ Chức Di Trú Quốc Tế IOM (International Organization for Migration, góc phải) hướng dẫn người tị nạn Việt ở Philippines trước phút lên đường sang Hoa Kỳ định cư.
TD